Trong một số truyền thống Phật giáo, ‘‘xá lợi’’ của Phật (‘‘sarira’’ trong tiếng Phạn) được coi là các bảo vật, phần còn lại sau khi hỏa táng thi hài của đức Phật lịch sử hay các vị cao tăng không biến thành tro bụi, kết tinh thành các hạt nhỏ giống như viên ngọc. Theo nghĩa rộng, ‘‘xá lợi’’ có thể được dùng để chỉ những gì gắn với Phật. Chiêm bái xá lợi Phật vốn được coi là một hoạt động lâu đời của một số cộng đồng Phật giáo. Vì sao hoạt động chiêm bái ‘‘xá lợi tóc’’ của Phật tại chùa Ba Vàng lại bị nhiều người lên án là lừa đảo?
‘‘Tóc Phật’’ tự chuyển động và cỏ Pili rao bán trên mạng
Truyền thông trong nước nhấn mạnh đến các tuyên truyền của chùa Ba Vàng về sợi tóc đặc biệt này: ‘‘Trải qua hơn 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn. Hàng vạn nhân dân, phật tử đã tận mắt chứng kiến sợi tóc quay liên tục với nhiều hình dáng khác nhau, dù xung quanh không có gì để căng kéo hay điều khiển, khác hoàn toàn so với tóc của người bình thường’’. Theo nhà chùa, người đến đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường nhân dịp này sẽ được Phật độ trì.
Trong hiện tại, đối với một bộ phận công chúng trong nước, bí ẩn bao trùm cái được gọi là ‘‘xá lợi tóc Phật’’. Vật được trưng bày tại chùa Ba Vàng có thực là ‘‘xá lợi tóc’’ được rước từ Miến Điện về hay không ? ‘‘Xá lợi tóc’’ nói trên có khác gì so với loại cỏ Pili (Heteropogon contortus), đang được rao bán trên mạng vào cùng thời điểm, với giá từ 500.000 đến 900.000 đồng/sợi, với tên gọi ‘‘xá lợi tóc Phật tự chuyển động’’? … Nhiều người lên án chùa Ba Vàng lợi dụng lòng tin của người dân để buôn thần bán thánh kiếm lời, và các thông tin về ‘‘xá lợi tóc Phật’’ đã không được minh bạch.
‘‘Xá lợi tóc Phật’’ lần đầu rời Miến Điện
Về phía chùa Ba Vàng, vụ việc này ngược lại dường như là rất rõ ràng. Trước khi tổ chức chương trình chiêm bái 4 ngày, cơ sở của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam này đã công bố nguồn gốc của ‘‘báu vật’’. Trang mạng Quốc Hội Việt Nam ngày 23/12 đăng tải một bài viết mô tả cặn kẽ nguồn gốc của ‘‘xá lợi tóc’’, mà đoàn Phật tử chùa Ba Vàng cho biết đã được rước về từ tu viện Parami và Bảo tàng xá lợi Phật quốc tế Parami (‘‘tại đường Thone Wain, khối 5, thị trấn Nam Okkalapa, thành phố Yangon, Miến Điện’’).
‘‘Sợi tóc’’ được cất giữ tại tu viện Parami được giới thiệu là một trong tám sợi tóc mà đích thân Phật Thích Ca đã trao cho hai thương nhân người Miến Điện hơn 2.500 năm trước. Theo đề nghị của chùa Ba Vàng, hòa thượng U Wepulla trụ trì tu viện ‘‘đã hoan hỉ nhận lời và hứa sẽ cung rước xá lợi tóc… đến chùa Ba Vàng cho nhân dân, Phật tử Việt Nam chiêm bái’’, đồng thời nhấn mạnh ‘‘đây là lần đầu tiên xá lợi tóc của Đức Phật được cung rước ra nước ngoài’’.
Dù đã trở về ‘‘cố quốc’’ cũng phải làm rõ
Hiện tại chưa rõ việc Ban Tôn Giáo chính phủ Việt Nam yêu cầu Giáo Hội Phật Giáo ‘‘thẩm định’’ vụ xá lợi tóc Phật sẽ đi đến đâu, và chùa Ba Vàng sẽ giải trình cụ thể rõ hơn thế nào. Theo Giáo Hội Phật Giáo tỉnh, ‘‘xá lợi đã được hộ tống lên máy bay để trả về cố quốc”. ‘‘Làm rõ sự thật xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng dù đã ‘trở về cố quốc’ ’’ là tiêu đề một bài viết trên báo Lao Động ngày 30/12/2023 (bằng tiếng Việt và tiếng Anh).
Trả lời báo Dân Việt, ông Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định là việc quảng bá rầm rộ cho xá lợi tóc Phật, cho thấy ‘‘xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay, thậm chí biểu hiện mất niềm tin thế tục, cái gì của Phật, thần thánh đều tin cả”.
Bảo vệ tự do tín ngưỡng và ‘‘chống buôn thần, bán thánh’’
Vụ ‘‘xá lợi tóc Phật’’ chùa Ba Vàng liên quan đến Miến Điện một lần nữa làm dấy lên nhiều luồng dư luận. Trong lúc một số người đề cao trước hết quyền tự do tín ngưỡng, và việc tin tưởng là thuộc quyền tự do của mỗi cá nhân, thì không ít người nhấn mạnh đến vấn đề ‘‘mê tín’’ và ‘‘chính tín’’ : bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng không đồng nghĩa với để mặc cho việc lợi dụng niềm tin của người khác, dựa vào tổ chức tôn giáo để gieo rắc ‘‘mê tín’’, lừa đảo người cả tin.
Trên trang mạng Ngày Nay của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, nhà báo Hoàng Anh Sướng, cũng là một Phật tử, đã trực tiếp lên án một số nhà sư tại Việt Nam đang ‘‘biến Phật thành vị thần linh và biến chùa thành nơi buôn thần, bán thánh’’, ‘‘đẩy nhiều người Việt Nam vào cõi u mê, cuồng tín’’. Ông Hoàng Anh Sướng không quan tâm đến việc ‘‘xá lợi tóc Phật’’ từ Miến Điện có thật hay không, mà tập trung nhấn mạnh đến đường lối của Phật Thích Ca là ‘‘rũ bỏ danh lợi’’, để tu tập hướng đến ‘‘tỉnh thức, vững chãi, an lạc, thảnh thơi, từ bi, vô ngã, vị tha’’.
Sư chùa Ba Vàng, chức sắc cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên người trụ trì chùa Ba Vàng, Thích Trúc Thái Minh, gây phẫn nộ với một bộ phận công luận tại Việt Nam. Năm 2019, nhà sư này từng bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tước toàn bộ các chức vụ trong Giáo hội, và phải ‘‘xin lỗi Phật tử cả nước’’, sau khi tổ chức các hoạt động ‘‘thỉnh vong’’ và tuyên truyền cho việc ‘‘vong báo oán’’ tại chùa Ba Vàng.
Tuy nhiên, nhà sư này cũng đã nhanh chóng được đưa trở lại các chức vụ quan trọng trong Giáo Hội. Từ đầu năm 2023, ông Thích Trúc Thái Minh trở lại cương vị phó trưởng ban Phật Giáo Quốc tế và phó trưởng ban Thông tin Truyền thông của Giáo Hội. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam có vai trò gì trong vụ ‘‘xá lợi tóc Phật’’ Miến Điện, bị một bộ phận công luận Việt Nam lên án, là câu hỏi còn để ngỏ.
You seem to know a lot about this, as if you authored the book in it or something. I mean you might add some images to help illustrate your points more clearly, but other than that, this is a great blog and I will definitely be back.