VŨ HỮU ĐỊNH – CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ 

0
55
Vũ Hữu Định
   

Phạm Hiền Mây

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nói riêng, nghệ sĩ nói chung, không hiểu sao, tôi hay bị một ám ảnh khi nghĩ về họ – mệnh bạc.

Bạc đây, có thể hiểu là bạc phần, mất sớm. Mà bạc đây, cũng có thể hiểu là đời sống khó khăn, thường gặp cảnh thiếu trước hụt sau, bạc bẽo tình đời.

Vũ Hữu Định là một trường hợp như thế.

Ông làm thơ từ lúc mới mười tám tuổi. Nhưng phải đợi đến mười năm sau, lúc ông hai mươi tám tuổi, khi bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của ông được Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên, thì ông mới được nhiều người biết đến.

Nhưng cũng chỉ được thêm mười năm sau đó, lúc ba mươi chín tuổi, ông đột ngột qua đời.

******

Những năm chúng tôi đang tuổi lớn, khác các em bây giờ nhiều. Cơm ăn còn phải lo từng bữa, thì việc tụ tập đi chơi, quán xá, mua sắm, là những việc hết sức xa lạ với chúng tôi. Bọn con trai thì có thể cà phê, cà pháo. Bọn con gái chúng tôi thì chịu. Sau giờ học, sau những công việc phụ đỡ cha mẹ xong, nếu còn thời gian, thì chúng tôi tụ tập lại nhà một đứa nào đó, cũng chỉ lòng vòng trong xóm. 

Và thú vui duy nhất của chúng tôi thời bấy giờ là hát hò. Hát thì phải có người đàn. May thay, nhóm tôi, đứa nào cũng biết chơi guitar bập bõm. Đi học có, tự học có, nhưng tựu trung lại, là tự đàn được cho nhau hát. 

Và Còn Một Chút Gì Để Nhớ là một trong những bài chúng tôi thường xuyên hát. Hát nhiều nhất là nhạc Phạm Duy, kế đó là Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn… .

Còn Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Hoàng Thi Thơ… , thì sau này, mới nghe, mới hát. Chớ lúc tuổi còn mười sáu, mười bảy, tụi tôi chê là “sến”.

“Sến” là một khái niệm hết sức sai, mà người lớn, lúc bấy giờ, bơm vào đầu chúng tôi, theo kiểu như, đó là điều chẳng hay ho gì, không nên bắt chước. Kiểu như là, nó thuộc tầng lớp bình dân, ít học.

Sau này, vào đời, hiểu biết hơn, tôi mới tự tháo gỡ được cho mình cái hiểu lệch lạc về sến. Ừ thì sến, đã sao. Sướt mướt một chút, não nề một chút, luyến láy, ngân nga, nhiều chút, thì đã sao nào.

Thích sang hay sến, cũng tùy vào tâm trạng, từng lúc. Cũng tùy vào sở thích, chớ chẳng phải trình độ hay không trình độ gì. Nhiều khi, buồn chuyện này chuyện kia, tôi ấy mà, tự dưng lại chỉ muốn nghe những bài sến rện. 

******

Còn Chút Gì Để Nhớ

phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em pleiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc bên đồn biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên

Hay thiệt là hay vậy đó. Bây giờ, ngồi đây, và gõ lại bài thơ, chỉ gõ lại bài thơ thôi, mà tôi nghe lòng mình, chợt mềm đi, rất đỗi.

Tôi sinh ra tại Sài Gòn và lớn lên ở đây, mười tám tuổi, tôi đã đi dạy kèm, kiếm thêm chi phí sinh hoạt. Đứa học trò học thêm tôi, cuối năm, xếp hạng cao trong lớp, nên ba má nó tổ chức, và mời tôi đi du lịch cùng với gia đình họ.

Lần đầu tiên tôi đến xứ lạnh. Và nhận xét của tôi, cũng đầu tiên, về cảnh vật nơi đây, sao mà đẹp quá, sao mà nên thơ quá, về con người nơi đây, sao mà họ hiền thế, sao mà họ nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ đến thế.

Mềm thế. Mềm mại thế.

Nếu cái để nhớ với Vũ Hữu Định là, da em mềm như mây chiều trong, xin cảm ơn một mái tóc mềm, thì tôi cũng vậy. Mọi thứ trong mắt tôi, trong cảm nhận tôi, nơi cao nguyên này, chính là sự mềm mại ấy. Tôi thấy tôi như cũng bánh bèo hơn, cũng ít nói đi, hay cười hơn, và tự dưng, tôi phát hiện ra, khi nói chuyện với ai, trong những ngày ở cao nguyên, tôi đều dùng thêm cả mắt. Mắt bỗng biết trò chuyện tự bao giờ, tôi cũng chẳng hay – nên mắt em ướt và tóc em ướt.

Tóc ướt là tại sương. Sương đọng trên tóc, tan ra thành nước. Nhưng mắt ướt thì chỉ có thể là mắt bị cái lãng đãng, phiêu bồng, cái lửng lơ không rõ, cũng không thể gọi tên, càng không thể nói thành lời, len vào rồi. Lãng đãng ấy là mây chăng. Không rõ ấy là sự xuất hiện của ai đó chăng. 

Chỉ có thể là như vậy. 

Chàng trai đến thăm người tình nơi xứ mộng mơ. Cái xứ đầy sương, Cái xứ cây xanh. Cái xứ trời thấp. Nên, thật buồn.

Tôi hình dung ra trong đầu, anh khách lạ Vũ Hữu Định, co ro, tay thọc vào túi áo, và khói thuốc cho đỡ lạnh hơn, và đi lên đi xuống những con đường dốc, chớ biết làm gì bây giờ, khi chưa đến giờ hẹn gặp người yêu.

Đi lên đi xuống, dăm phút thôi, đã về chốn cũ. Cái thành phố gì mà lạ. Trời thì gần. Phố thì không xa. Thành thử lòng, mới bỗng bâng khuâng.

Và em, rồi thì cũng đến lúc hiện ra trước mắt anh. Má thì đỏ. Môi thì hồng. Mà trời chiều, lạ lùng, lại lạnh như mùa đông. Nên, đã bên nhau rồi, mà vẫn muốn kéo sát lại cho gần thêm chút nữa. Gần thêm chút nữa.

Có gần thêm chút nữa, thì mới nhận ra, da em mềm như mây chiều trong. 

Ông Nguyên Sa, ổng ngợi ca, da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, nghe cũng đã hay lắm rồi. Nhưng nếu so với câu của Vũ Hữu Định, da em mềm như mây chiều trong, thì tôi lại chịu cái câu này hơn.

Có điều, tôi thắc mắc lắm, cái từ “trong”, nằm ở cuối câu:

da em mềm như mây chiều trong

“Trong” ở đây có nghĩa gì? Nó là từ bổ nghĩa cho danh từ “chiều’ sao? “Chiều trong”, là trong vắt? Trong vắt thì làm gì có mây? Vậy, “trong” ở đây, nghĩa là gì?

“Trong” mang nghĩa gì?

Chỉ có thể là từ chỉ vị trí, “trong” anh – trong vòng ôm anh, trong vòng tay anh, trong môi hôn anh, chất ngất.

May mà có em đời còn dễ thương. Mai anh trở về quân ngũ, nơi tiền đồn heo hút, nơi biên giới xa xôi, chắc hẳn rằng, anh sẽ nhớ lắm, em.

Có thể đôi lúc cũng nhớ nhớ quên quên. Nào ai biết được chuyện ngày mai, những nhớ quên, chẳng ai muốn, Nhưng dầu gì, anh cũng cảm ơn em. Cảm ơn em đã xuất hiện trong đời anh. Cảm ơn cả cái thành phố này nữa, thành phố tình thân này, nơi có em.

******

Tiểu luận gia Đặng Tiến từng có bài viết về Vũ Hữu Định với tựa đề là Tình Ca Người Lỡ Vận, bởi từ hai câu thơ sau:

ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

hát âm u trong đêm tối một mình

(Khúc Hát Người Lỡ Vận)

Và Đặng Tiến bày tỏ lòng tiếc thương với một cảm thán rất nao lòng, Vũ Hữu Định, người đã ra đi, tình còn ở lại.

Đặng Tiến đánh giá, thơ Vũ Hữu Định là điển hình cho thơ trữ tình hiện đại. Nó không gai góc, thách thức; ngược lại, nó kết thân, đằm thắm, quen thuộc. Lay động người đọc bằng tình cảm trong sáng và thiết tha, bằng nét tài hoa vô tội.

******

Vũ Hữu Định đột ngột qua đời vì tai nạn. Sau này, các văn nghệ sĩ quý thương ông mà tập hợp thơ ông lại, rồi in để tặng, đâu chừng được khoảng tám mươi bài thơ. Tôi cũng có đọc qua những bài thơ đó. Thơ ông tập trung chủ yếu về các đề tài tình yêu, tình bạn, tình quê và những ước mơ của cuộc đời ông. Trong đó, tôi thích nhất bài thơ này: 

chiều dựng mùa đông mây xám ngắt

núi cao trời thấp có ta về

giang hồ đâu có ai phong ấn

mà nghĩ từ quan trở lại quê

ta đi, xưa gió đưa vài dặm

ta đi, xưa mưa ướt vừa căm

quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió

hình như không đủ buồn trong lòng

ta đi, có những ngày trú quán

lòng mốc tình khô như lá bay

ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ

ta có sầu không ta cũng chẳng hay

ta đi, có những ngày khô héo

chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về

mẹ, chị, đàn em như bóng khói

nương với đời ta quay quắt trong mê

ở đâu rồi cũng đời vất vưởng

chiều lặng lòng câm dạt phố người

khi không ta có đời lang bạt

đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi

chiều nay không hẹn ta lại về

mùa đông dài vẫn níu chân quê

ta về, gió đón phong sương lạnh

ta về, mưa đón ta về quê

thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh

nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn

đứng đây buồn cái quan bên núi

ta cũng đã trầm lòng mê mê

chiều dựng mùa mưa bên vách núi

chiều neo sương khói buổi ta về

mẹ, chị, đàn em không có mộ

thăm ai? thăm ai? ta về quê.

(Chẳng Hay)

Bài viết tiếc tưởng này, của tôi, hôm nay, cũng xin được xem như – còn chút gì để nhớ – Vũ Hữu Định, một nhà thơ tài hoa, hiền lành mà bạc mệnh.

Sài Gòn 12.12.23

Phạm Hiền Mây

————————

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here