Đừng nhắc tôi viết chính tả sai khi tôi viết đúng!

0
29
   

Vương Thanh

Có nhiều chữ tiếng Việt có hai chính tả. Bạn viết theo lối của bạn, người khác lại nói bạn viết không đúng, và đề nghị viết theo  lối kia thì mới đúng hơn. Sự nhắc nhở này cũng khá bực mình, nhất là với những người cầm bút. Hôm nay mình viết bài này, lưu lại trên mạng, sau này có ai nhắc nhở như thế với bạn đọc thì bạn có thể đưa ra bài viết này cho họ xem. Đỡ tốn công giải thích. 

Tôi sẽ đưa ra một số cụm từ có hai chính tả rồi nói lên nhận xét để làm rõ vân đề. 

1. “Cám ơn” và “cảm ơn”. “Cảm ơn” thì khỏi cần bàn. Còn “cám ơn” thì có  người cho là không đúng vì từ “cám” không có ý nghĩa.  Tôi nghĩ rằng “cám ơn” cũng đúng.  Vài quan điểm của tôi về vấn đề nay là như sau: 

Quan điểm 1 – Có Thể Có Nhiều Hơn Một Chính Tả:

Tiếng Anh nhiều chữ có hai chính tả, tiếng Tàu có giản thể và phồn thể. Tại sao tiếng Việt lại không thể. Có nhiều vật có 2 tên khác nhau,  thì tại sao lại không được có hai chính tả. Chữ nhân và nhơn ý nghĩa tương đương, chữ chính và chánh  cũng thế. 

Quan điểm 2 – Quá Nhiều Người Chấp Nhận Qua Vài Thế Hệ Thì Dù Sai Cũng Thành Đúng: 

Một khi đã được rất nhiều người dùng và chấp nhận qua vài thế hệ, thì cho dù lúc đầu có là không đúng, thì cũng sẽ thành đúng. Lý do đơn giản là vì đã rất nhiều người chấp nhận và sử dụng.  Không thể  “phán” rằng hàng triệu người viết “cám ơn” là sai  và đòi đổi lại thành “cảm ơn” mới đúng. Vậy là độc đoán, không trọng tình người, thiếu tinh thần nhân văn. Bên Tây phương, sự phát triển ngôn ngữ lâu đời hơn tiếng Việt, rất nhiều chữ cũng có hai chính tả. Phải tôn trọng đại đa số và sự lựa chọn của quần chúng, không nên khư khư chỉ chấp nhận một lối đánh vần.  Cũng có một số từ ít nhiều người đánh vần sai như “lãng mạn” mà đánh vần là “lãng mạng” thì cần phải sửa lại cho đúng. Ở trong nước Việt Nam thì Bộ Giáo Dục Việt Nam tôn vinh và ủng hộ những tên nối giáo cho giặc Tàu và có mưu đồ Hán hóa tiếng Việt, làm cho ngôn ngữ Việt thụt lùi, nên những từ ngữ và từ điển trong nước Việt sau 75  không đáng tin cậy.

Quan điểm 3 – Nếu Cả Hai Cái Đều Đúng, Ai Muốn Dùng Cái Nào Thì Dùng. 

Dựa theo quan điểm 1 và 2, vì “cám ơn” cũng đúng, nên cả hai cái: “cảm ơn” và “cám ơn” đều đúng cả. Ai muốn dùng cái nào thì dùng. Trong lòng bạn có thể cho rằng cái này hay hơn cái kia, nhưng đừng nên phát biểu rằng cái này đúng hơn cái kia. 

Quan điểm 4 – “Dòng Sông” và “Giòng Sông” Đều Đúng: 

Cụm từ “dòng sông” và “giòng sông”. Tôi cho rằng cả hai cái đều đúng. Không như một số nhà ngôn ngữ học chỉ chấp nhận “dòng sông”.  Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, dịch giả Tử Vi Lang, Hàn Giang Nhạn đều dùng “giòng sông”.  Tôi nghĩ rằng không có nhà ngôn ngữ học nào có đủ tư cách nói những bậc tiền bối thi sĩ và dịch giả tôi vừa nhắc đến là viết sai chính tả. Vì thế, cả hai cái đều đúng. Ai muốn viết “giòng sông” hay “dòng sông” đều đúng cả. 

Quan điểm 5 – Có Thể Là Dựa Vào Âm Thanh Nghe Hay Hơn Mà Chính Tả Thay Đổi: 

Trong tùy bút viết về y dài, i ngắn, tôi có nêu lên quan điểm là không thể bỏ y dài vì sự mỹ thuật của nó. Rất nhiều người không thích viết “mĩ nhân”, “công ti” mà họ sẽ viết là “mỹ nhân” chân dài và “công ty” dùng y dài thì mới trang trọng, trông không cụt lủn. 

Dó là dựa theo mỹ thuật của con chữ.  Có những cụm từ lại dựa theo âm thanh mà thay đổi cho nghe hay hơn.

 Có vài chỗ trên mạng phân tích là cụm từ “rán lên” mới đúng, còn “ráng lên” thực ra không đúng lắm, dựa theo ý nghĩa của chữ “rán” và “ráng”. Họ nói “ráng” là như trong “ráng chiều”, còn “rán” mới là cố gắng, và đưa từ điễn dẫn chứng.  Tuy nhiên,  thiên hạ xưa giờ trăm người chắc cũng 99 người viết là “ráng lên” . Cho dù giả thuyết “ráng lên” là ban đầu  không đúng thì cũng thành đúng, dựa theo Quan Điểm số 2. 

Nhưng tôi muốn nói lên một quan điểm mới. Chính là đọc “ráng lên” thì thoải mái, dễ nghe  hơn là đọc “rán lên”.  Tôi nghĩ rằng nhiều người thấy âm thanh của cụm từ “ráng lên” nghe hay hơn “rán lên” cho nên mới có sự  thay đổi trong chính tả. Phát âm một từ như thế nào là vô cùng quan trọng trong sự phát triển ngôn ngữ và ý kiến của đại đa số cần được tôn trọng.  Cho nên “ráng lên” cũng đúng. , còn “rán lên” như các vị ngôn ngữ học cho là “đúng nguyên thủy” , thì mình cũng cho là họ đúng đi, không cần bàn cãi. Hãy chấp nhận cả hai trong những trường hợp này. Chủ đề bài viết là ‘đừng nhắc tôi viết chính tả sai khi tôi viết đúng’, chứ không phải là tranh là chỉ có  lối viết của mình là đúng. 

Quan Điểm Sáu: – Nhiều Chữ Kép Nên Coi Là Một Đơn Vị

Những cụm từ như “vương vấn”, “thướt tha” , “quyến rũ”, “tha thiết” chỉ cần hiểu nguyên một cụm từ. Không ai cần phân tích hay hiểu “vương” là gì, “vấn” là gì. Vì không cần thiết. Bẻ đôi cụm từ, ghép ý nghĩa của những phần tử của  chúng lại, thường không tương đương, hay là có khác biệt lớn với ý nghĩa của nguyên một cụm từ. 

Tiếng Anh cũng thế. Hầu hết mọi người đều biết ý nghĩa của chữ “incredible” nghĩa là kinh khủng. Nhưng không biết và không cần biết những thành phần gốc Hy Lạp hay là Latin mà chữ đó  được thành lập trên.  Hiểu ý nghĩa nguyên chữ là đủ rồi.  

 Chữ “quyến rũ” có người cho rằng nên là “quyến rủ” thì đúng hơn. Dựa theo ý nghĩa của từ “quyến”, từ “rũ” và từ “rủ”.  Rủ là rủ rê, rũ là như trong rũ rượi, cho nên họ cho rằng “quyến rủ” mới đúng . 

Tôi không nghĩ thế. Hàng bao trăm năm nay, hầu hết mọi người  đều dùng “quyến rũ”.  Nếu quá nhiều người dùng qua vài thế hệ thì cho dù sai cũng thành đúng, huống chi chưa chắc đã sai lúc đầu. “Quyến rũ” đọc nghe hay hơn, hấp dẫn hơn cũng là lý do chính đáng.  Cũng đừng bẻ đôi con chữ “quyến rũ” làm 2 phần rồi bác bỏ nó vì nghĩa của chữ “rũ”.   Hầu hết mọi người hiểu nguyên một cụm từ mà không cần thiết biết, không cần hiểu thành phần từng chữ một. Ai cũng hiểu can đảm là gì, nhưng đâu cần hiểu chữ can nghĩa là gan, đảm nghĩa là mật. 

Bạn muốn dùng “quyến rủ” thì tùy bạn. Tôi sẽ không nói là bạn sai vì bạn bẻ đôi con chữ và giải thích phần tử của cụm từ đó cũng hợp lý.  Nhưng nhiều người khác sẽ cho là bạn viết “quyến rủ” là  sai cho dù bạn là nhà ngôn ngữ học tài ba và thích bẻ đôi con chữ. 

Tóm lại, có khá nhiều chữ có hai chính tả. Tôi chỉ đưa ra một số cụm từ để nêu lên những quan điểm của mình về đề tài này. Tôi cho rằng nếu một chữ, cụm từ có hai chính tả, dùng cái nào cũng đúng cả.  Tôi sẽ dùng cái tôi thích, thường là cái mà đa số người dùng.  

Vương Thanh 

12.2023

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here