Võ Hồng Ly – 29.07.2017

0
896
   

29.07.2017

Những ai theo dõi những bài viết của Hồng Ly đều nhận thấy bên cạnh sự chia sẻ thông tin đơn thuần thì tôi luôn hướng những bài viết của mình vào những chủ đề mang thao thức văn hóa, đánh thức “tâm trị” để từ đó làm lan tỏa ra những giá trị tư tưởng về tự do, dân chủ và nhân bản.

Trong mỗi status của mình, tôi luôn tìm cách tạo diễn đàn và cài đặt chế độ mở để cho những ai dù không phải là bạn của tôi cũng vẫn có thể vào tự do comment dựa trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Tôi thật sự vui khi mỗi bài viết của mình đều nhận được những chia sẻ và phản biện của mọi người với nhiều hướng suy nghĩ khá đa dạng và đáng trân trọng. Trong nhiều câu phản biện mà tôi nhận được có cả những comment như : “Nước đổ lá khoai em ơi !”, “Người dân mình bị ngu dân lâu rồi, em nói nữa họ cũng chẳng hiểu đâu !”, “Cái này có thể đúng với chế độ dân chủ, tự do chứ dưới chế độ rừng rú này thì họ không nghe đâu chị ơi !”, “Với CS thì có mà súng bắn bên tai, bạn có viết nữa thì họ cũng vẫn điếc như thường” hay ” Cái này thì phải đợi có dân chủ đã, chứ với CS thì vào tai này ra tai kia, vì họ có não đâu !” …Tôi trân trọng những comment nói trên vì đó cũng là những quan điểm riêng của từng người cho từng vấn đề mà họ nhận thức được. Nhưng mặc dầu vậy, tại sao tôi vẫn viết dù có vẻ như ” nước đổ lá khoai” ?

Thứ nhất, những bài viết của tôi là để dành cho tất cả mọi người không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo hay thế hệ. Theo tôi, kiến thức không được chia sẻ, tương tác là kiến thức chết. Chính vì vậy mà tôi chào đón tất cả những phản biện mang tính chất đóng góp, trao đổi kiến thức và cũng nhờ vậy mà tôi đã học hỏi được thêm rất nhiều điều từ chính những người bạn trong cộng đồng FB của mình.

Thứ hai, trong thời đại truyền thông tia chớp như hiện nay, nắm được sự thật, làm chủ nguồn tin đúng đắn, và biết chia sẻ thông tin kịp thời chính là góp phần làm nên sức mạnh của đại tứ quyền, một đối trọng cần thiết, hiệu quả và độc lập với bàn tay thao túng quyền lực của nhà cầm quyền.

Thứ ba, chế độ này không thể tồn tại mãi mãi trong khi người dân Việt vẫn phải sống ! Dù ở thời nào thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm gìn giữ văn hóa, đạo lý làm người, bảo vệ vận mệnh quốc gia và phát triển cho dân tộc này mãi trường tồn. Chính vì vậy mà dù có phải trải qua những giai đoạn đen tối và bi thương đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta cũng cần phải đủ tỉnh táo để không được phép bi quan, buông xuôi mà hành xử như CS, để rồi lại vô tình tiếp tay cho họ tồn tại.

Thứ tư, vì chế độ chỉ là nhất thời, lợi ích quốc gia và dân tộc mới là trường tồn nên sứ mệnh của chúng ta là đánh thức văn hóa, duy trì tinh thần dân tộc thông qua bản sắc nguồn cội nhưng vẫn kết hợp hướng đến những giá trị chuẩn mực của nhân loại trong xã hội hiện đại.

Thứ năm, một nền dân chủ tự do và nhân bản chỉ có thể được xây dựng và phát triển cùng với thời gian trong một xã hội nơi đã có những dân chủ nhân thật sự. Chúng ta chưa từng có một nền dân chủ đúng nghĩa, và chế độ này lại càng không. Những gì chúng ta biết về dân chủ phần lớn là trên lý thuyết, sách vở, hoặc nhờ vào kinh nghiệm tích lũy được khi sống ở nước ngoài của một bộ phận nhỏ trong đồng bào chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ cần phải đi từng bước nhỏ nhất ngay từ bây giờ, đó là tìm cách phổ biến kiến thức, phát triển nhận thức, tạo ra ý thức để biến những suy nghĩ đó thành hành động tương ứng.

Những bài viết của tôi về giáo dục, về đạo lý con người, về triết học tư tưởng chính trị…đôi khi có thể lạc lõng bên cạnh những status mang tính chất thời sự nóng bỏng nhưng đó là một trong những bước chuẩn bị cần thiết góp phần tạo dựng lại con người và xã hội thời hậu CS. Đừng bao giờ coi thường và nghĩ bước chuẩn bị này là phù phiếm khi chưa thoát CS mà đã nghĩ đến chuyện xa vời như thế !

Không ! Không hề phú phiếm đâu các bạn ạ ! Để duy trì và bảo vệ vị trí độc tôn quyền lực của mình, chế độ này đã thành công trong việc biến một dân tộc bất khuất trở nên đớn hèn. Bằng việc tạo ra nhu cầu vật chất cá nhân, tạo sự mê đắm để chạy theo những giá trị hưởng thụ ảo thay vì phát triển một nền giáo dục cộng đồng nhân bản, chế độ này đã làm cho xã hội của chúng ta bị mất dần đi tình con người. Chúng vùi dập tình yêu thương, xóa bỏ tinh thần đoàn kết nhằm chia để trị và để gieo rắc nỗi sợ hãi làm chất xúc tác củng cố địa vị và quyền lực của chế độ. Chính vì thế mà ngày hôm nay, dù có phải lội ngược dòng một cách khó khăn thì chúng ta cũng vẫn phải làm để đi tìm lại cái bản sắc văn hóa dân tộc đã bị chế độ này tước đoạt mất. Song song với điều đó là chúng ta cần phải đi gieo trồng lại tình yêu thương, những giá trị thuộc về chuẩn mực của đạo lý và quyền con người để có thể sẵn sàng xây dựng một xã hội nhân bản thật sự sau này.

Đối với cá nhân tôi, mưa dầm thấm lâu ! Muộn còn hơn là không bao giờ ! Giải pháp đúng đắn nhất không cần thiết phải có ngay từ đầu mà có thể đến sau khi đã bắt tay vào thực hiện và đã có những trải nghiệm nhất định. Tương tự, hiện chúng ta vẫn chưa có một giải pháp đồng bộ để giúp cho chúng ta thoát khỏi độc tài CS nhưng dân trí luôn đóng một vai trò quyết định cho mỗi cuộc chuyển đổi mang tính lịch sử. Khi đã có nhận thức đúng đắn thì việc biến suy nghĩ sang hành động cũng chỉ còn là vấn đề của sự chín muồi về thời gian. Biết đâu đó mới chính là điều dẫn tới đích đến của chúng ta thì sao ? Còn nếu chỉ cứ sống trong tình trạng “bị ngu dân, vì sợ hãi mà ngoan, mà im lặng cúi đầu ” thì chúng ta cũng vẫn sẽ chỉ đi đúng đường mà CS đã vạch sẵn ra cho chúng ta mà thôi !

Cuối cùng, tôi chợt nhớ đến câu nói của Thomas Jefferson (1743-1826), nhà triết gia chính trị và cũng là cố tổng thống thứ ba của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ : “Khi chính phủ sợ người dân, khi đó có tự do. Khi người dân sợ chính phủ, khi đó có bạo quyền ! “. Chính vì vậy mà đừng chờ chế độ sụp đổ mới trang bị kiến thức cho mình mà hãy tự trang bị kiến thức cho mình khiến cho chế độ vì thế mà sụp đổ !

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here