Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Phần 5)

0
31
Ông Nguyễn Trường Chinh lặn lội từ Hải Dương lên Hà Nội để kêu cứu cho con trai là tử tù Nguyễn Văn Chưởng hôm 7 tháng 8 năm 2023 Ảnh: Facebook Nguyễn Trường Chinh
   

Hậu cung đình

Loạt bài viết về Nguyễn Văn Chưởng này, tôi sử dụng những gì do công an hay báo chí đưa ra. Hoàn toàn không dùng đến những gì mà gia đình Chưởng, bạn bè Chưởng đưa ra.

Cho nên có thể có một số người không bằng lòng khi đến giờ tôi đã không sử dụng những bằng chứng khác để khẳng định Chưởng hoàn toàn vô tội.

Những con hươu Chưởng làm, những lá thư bằng máu hay bằng thêu trên áo kêu oan, việc em Chưởng mất, hàng xóm khẳng định ngoại phạm, bố mẹ Chưởng đi kêu oan….tất cả những thứ đó , với một người quan sát như tôi không phải là chứng cứ khẳng định Chưởng hoàn toàn không tham gia vụ án này.

Tôi chỉ căn cứ những gì công an đưa ra, có nhiều mâu thuẫn, bất hợp lý. Toà án đã dựa trên những bất hợp lý từ phía công an đưa mà kết tội tử hình một con người là điều không thể chấp nhận.

Quan điểm có một công an bị giết, phải có kẻ bị tử hình là quan điểm mang tính chính trị, giai cấp. Không phải thứ quan điểm công bằng. 

Một kẻ lợi dụng chức vụ dắt súng đi giải quyết mâu thuẫn cá nhân, bị chém chết mà trở thành người chiến sĩ công an vì dân vì nước hy sinh là có lợi cho ngành công an, nhưng nó lại là tình tiết tăng nặng cho những kẻ gây ra cái chết của viên công an đó. Đó là sự bất công.

Giả sử những phát súng mà thiếu tá Sinh bắn ra trúng 3 đối tượng kia, anh ta sẽ thành anh hùng khi hạ sát 3 kẻ cướp hung tợn. Trong khi  thanh toán ân oán cá nhân ?

Ai chứng minh rằng anh đã bắn lên trời, ai chứng minh được anh không nổ súng trước ?

Biết đâu anh thấy đối thủ, đã nổ súng trước nhưng không trúng, các đối tượng thấy vậy theo bản năng ùa vào chém bừa anh luôn ?

Nếu đây là mâu thuẫn giữa một tên côn đồ cầm súng và các đối thủ cầm dao, hẹn nhau ra chỗ vắng thanh toán. Kẻ cầm súng bắn trượt và bị đối thủ chém chết thì có nên xử tử hình kẻ cầm dao chém không ?

Dù bức xúc với cách điều tra, công tố, xét xử trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng, dù chưa khẳng định là Chưởng không tham gia, tức chưa khẳng định Chưởng hoàn toàn vô tội.

Nhưng tôi cũng đánh giá ở đâu đó trong hệ thống chính trị này, vẫn còn những người có đôi chút cắn rứt lương tâm. Chính vì thế mà đến nay Nguyễn Văn Chưởng chưa thi hành án dù đã mười mấy năm trôi qua.

Ngay cả trong lời của chủ nhiệm uỷ ban pháp luật quốc hội Nguyễn Văn Hiện trả lời báo chí năm 2015 rằng.

-“Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì vụ này nếu có sai sót cũng đã vượt qua khả năng kháng nghị. Vì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng”

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định: vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng đã hết đường kháng nghị – Ảnh: Việt Dũng

Tôi cho đó là một lời tử tế khi ông đưa ra câu ” nếu có sai sót” , phần còn lại ông chỉ nêu trình tự của pháp luật, một cách khéo léo ông cho biết sự cứng nhắc của pháp luật. Tiếc rằng ông bị Trương Hoà Bình bất ngờ nhảy vọt từ tổng cục phó xây dựng lực lượng công an sang chiếm ghế chánh án của ông ngay khi vụ án Nguyễn Văn Chưởng xảy ra. Một sự bổ nhiệm quá bất thường.

Có lẽ vì câu nói này của ông Hiện và ý kiến của ông phó viện trưởng viện kiểm sát tối cao lúc đó là Nguyễn Hải Phong là không có căn cứ khẳng định Chưởng chủ mưu, mà đến nay người ta phải đắn đo khi thi hành án tử đối với Nguyễn Văn Chưởng.

Hai ông Nguyễn Văn Hiện, Nguyễn Hải Phong xuất thân chuyên ngành luật đến hàm tiến sĩ và liên tục làm việc trong ngành luật.

Trong khi hai ông kết tội Nguyễn Văn Chưởng là ông Đỗ Hữu Ca, Trương Hoà Bình xuất thân từ ngành công an, ông Trương Hoà Bình chỉ học một khoá đào tạo của an ninh, còn ông Đỗ Hữu Ca học trường Công An Hải Phòng ( có lẽ tương đương với trung cấp công an bây giờ ). Sau này có tí chức vụ các ông học thêm đại học luật, kinh tế, ngoại thương, báo chí, thuỷ lơị…và có bằng thạc sĩ luật và cả hai leo đến tướng trong ngành công an và khi vụ án xảy ra vào ngày 14 tháng 7 năm 2007, cả hai ông đang ở trong ngành công an.

Chúng ta tin những người học hành chuyên môn từ ngành luật hay tin những người học trung cấp cảnh sát, bổ túc an ninh chuyên ngành công an và luật tại chức ?

Hai ông Hiện và Phong không có động cơ , mục đích cá nhân nào khi hoài nghi về vai trò cầm đầu của Nguyễn Văn Chưởng mà công an kết luận. Trái lại hai ông Ca và Bình hoàn toàn có động cơ khép tội Chưởng chủ mưu vì thành tích cá nhân và bảo vệ uy tín của ngành công an.

Trung tướng Trương Hoà Bình từng làm đến chức thứ trưởng Bộ Công an trước khi sang làm Chánh án TAND Tối cao
Ảnh : báo Tuổi Trẻ

Quan điểm xét xử khi có va chạm giữa công an và người dân quá thiên vị về công an, coi công an như tượng đài linh thiêng, công an bắn chết người thì do súng cướp cò, thần kinh có vấn đề. Công an bị xô nhẹ, tát nhẹ thành trọng tội. Khiến cho công an nhiều người biến thành ăn vạ chuyên nghiêp, như có một clip đăng trong khi tranh luận về giao thông, một công an quay ra dẫy đành đạch miệng kêu bị đánh, không khác gì Chí Phèo của Nam Cao.

Cuộc chiến trong vụ Nguyễn Văn Chưởng này là cuộc chiến giữa sự thật, công lý, tình thương với uy tín ngành công an gắn liền với uy tín chế độ.

Đòi hỏi xử đúng người, đúng tội, lỗi từ phía nạn nhân một cách công bằng. Đó là mong muốn chính đáng của dư luận.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here