Về nền kinh tế của Trump…

0
225
   
The Interpreter

Các số liệu cho thấy thực tế không giống như chúng ta nghĩ.

Thomas A. Fiery, ngày 19 tháng 6 năm 2020

Translated from The Bulwark article “About that Trump economy…

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp với các bệnh nhân đã khỏi bệnh corona (COVID-19) ở Phòng Nội các tại Nhà Trắng ở Washington, DC vào ngày 14 tháng 4 năm 2020. Trong một cuộc họp báo với Lực lượng đặc nhiệm phòng chống vi-rút corona ngày 13 tháng 4, Trump đã phát biểu rằng ở Mỹ, tổng thống có “toàn quyền” mở lại nền kinh tế. (Ảnh bởi Doug Mills-Pool / Getty Images)

Trước đại dịch COVID-19, Tổng thống Trump đã có ý định đặt cương vị cầm lái nền kinh tế làm trọng tâm trong chiến dịch tái đắc cử. Thậm chí trong thời dịch bệnh, ông vẫn sẽ khẳng định rằng kinh tế Mỹ đã và sẽ tiếp tục phát triển hơn dưới sự lãnh đạo của ông.

Nhưng có thật là kinh tế Mỹ đã trở nên phồn vinh hơn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát?

Câu trả lời cho câu hỏi này không hiển nhiên như những gì người ủng hộ Trump muốn bạn tin. Vào đầu năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp đạt ở mức gần thấp nhất trong lịch sử, tổng sản phẩm quốc nội cũng đạt ở mức cao nhất trong lịch sử, và thị trường chứng khoán cũng đang phát triển mạnh. Nhưng Trump có xứng đáng được khen ngợi hay không?

Trong số báo mới nhất của tạp chí chuyên về chính sách Regulation của Học Viện Cato, kinh tế gia Pierre Lemieux đã cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách phân tích các dữ liệu kinh tế dưới chính quyền Trump và dưới chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama. Sau đây là một số phát hiện của Lemieux.

Hãy xem xét tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong thập niên vừa qua.

Tỉ lệ thất nghiệp trong người dân Mỹ (được điều chỉnh theo tháng và mùa)

Nguồn: Cục Thống Kê Lao Động Mỹ.

Như đã nêu trên, tỷ lệ thất nghiệp sắp đạt ở mức thấp nhất trong lịch sử vào năm 2019. Đây là một thay đổi đáng chú ý so với tỷ lệ ở mức 10% vào tháng 10 năm 2009 (bốn tháng sau khi Cuộc Đại Suy thoái kết thúc). Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm dần bắt đầu từ tháng 10 năm 2009 (lần đầu tiên trong 7 năm cuối của chính quyền Obama) và tiếp tục giảm xuống đến mức 4.7% vào tháng 12 năm 2016 và đến mức 3.5% vào cuối năm 2019 khi Trump làm tổng thống.

Đà giảm này vẫn tiếp tục dưới thời Trump, song không giảm nhanh hơn từ khi Trump lên làm tổng thống vào tháng 1 năm 2017. Không những thế mà tốc độ cải thiện còn chậm lại, một diễn biến nằm trong dự kiến vì một lý do đơn giản – tỉ lệ thất nghiệp đã xuống gần sát mức thất nghiệp chuyển tiếp (bao gồm những người thay đổi công việc và những người mới gia nhập lực lượng lao động). Đây có thể là tin vui cho các người lao động ở Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là Trump có năng lực hơn so với những tổng thống đi trước.

Ngoài ra, giá chứng khoán cũng có khuynh hướng tương tự. Thị trường chứng khoán đã đạt đến đỉnh cao mới trong năm 2019:

Chỉ số sàn chứng khoán S&P 500, từ thời điểm Đại Suy thoái cho đến năm 2019

Nguồn: Số liệu sàn chứng khoán S&P Dow Jones

Những đỉnh cao này là thành quả sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định dưới cả thời Trump lẫn Obama. Nhưng hãy lưu ý lần nữa: không có sự thay đổi rõ ràng nào trong xu hướng tăng trưởng giá chứng khoán từ khi Trump nhậm chức vào năm 2017. Mức tăng trưởng trung bình của chỉ số hàng ngày là 0.0500 phần trăm dưới nhiệm kì của Obama và 0.0502 phần trăm đến năm 2020 dưới nhiệm kì của Trump. Điều đó cho thấy một lần nữa rằng, dưới thời Trump, nền kinh tế hoạt động cũng giống như dưới thời Obama.

Các con số GDP (tổng sản phẩm nội địa) thì có thể đem lại tin tốt hơn cho Trump. Nếu dựa trên GDP bình quân đầu người thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) thì ta sẽ thấy đến hết năm 2019, nước Mỹ đã phát triển hơn dưới sự lãnh đạo của Trump. Mức tăng trưởng của GDP bình quân đầu người là 1.4% bắt đầu từ năm 2010 dưới thời Obama và đạt ở mức trung bình là 2.0% dưới thời Trump. Thế nhưng trong năm 2019, mức tăng trưởng này trở nên chậm đi một ít khi nó giảm xuống đến mức 1.8%. Và hơn nữa, con số 2 phần trăm cũng không phải sự biến động gì đáng kể. Nếu có gì để nói thì những dữ liệu này cho thấy một sự hồi phục chậm chạp của nền kinh tế hậu Đại Suy thoái dưới thời cả hai vị tổng thống.

Số liệu về lương bổng cho thấy một hình ảnh tương tự. Theo báo cáo năm 2020 của Hội đồng cố vấn kinh tế cho Tổng thống, mức lương theo giờ thực tế của người lao động ở vị trí thấp nhất trong phân phối thu thập có sự cải thiện dưới nhiệm kỳ của Trump.

Thêm vào đó, mức lương theo giờ thực tế trong lĩnh vực sản xuất tư nhân cũng như cho các nhân viên không phải quản lý đã tăng lên đến mức 1.9 phần trăm trong năm 2019 (và dừng lại vào tháng 11 cùng năm).

Biểu đồ dưới đây cho thấy rõ điều đó.

Thay đổi ở tỷ lệ phần trăm trong mức lương thực tế theo giờ

(cho nhân viên làm theo tháng, nhân viên làm trong ngành sản xuất, và viên chức không quản lý)

Nguồn: Cục Thống Kê Lao Động Mỹ

*Recession = Khủng hoảng kinh tế toàn cầu

*Trump inauguration = lễ nhậm chức tổng thống của Trump

Điều đáng lưu ý ở đây là sự gia tăng đáng kể chỉ bắt đầu vào giữa năm 2018 và toàn bộ số tăng trưởng trong năm 2019 đã bị xoá bỏ trong vòng hai tháng cuối năm. Nhìn chung, tỷ lệ tăng trung bình theo tháng mỗi năm dưới thời Trump là 1.2% (trước năm 2020), chỉ nhỉnh hơn một chút so với tỷ lệ tăng trưởng 1.0% dưới thời Obama.

Thế còn tình hình tài chính của chính phủ liên bang, một yếu tố quan trọng để nước Mỹ vượt qua cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra? Như Trump đã nhấn mạnh với Bob Woodward và Robert Costa, hai phóng viên của tờ Washington Post, trong một cuộc đối thoại vào mùa xuân năm 2016, nước Mỹ đã phải gánh nợ chồng chất trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Obama.

“Chúng ta phải xoá hết khoản nợ 19 nghìn tỷ đô la” Trump nói về tổng số nợ liên bang (nhưng trên thực tế số nợ này là 18.1 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2015). “Như vậy thì sẽ mất bao lâu?”, những người phỏng vấn hỏi ông. “Tôi nghĩ là khoảng tám năm”, Trump trả lời.

Trong ba năm đầu, Trump đã làm ngược lại hoàn toàn những điều mình đã nói, khiến cho thâm hụt ngân sách tăng từ 585 tỷ (trong năm cuối của nhiệm kì Obama) lên 984 tỷ đô la trong quý IV của năm tài khoá 2019.

Sự gia tăng này chủ yếu là do chính phủ đã chi tiêu nhiều hơn. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổng nợ liên bang đã tăng 14% kể từ năm 2016 và đạt đến 22.7 nghìn tỷ USD. Tất cả những chuyện này xảy ra trước khi dịch COVID-19 tấn công.

Thái độ về nợ nần tài chính và thâm hụt ngân sách của tổng thống Trump dường như đã thay đổi phần nào kể từ buổi phỏng vấn của ông với Woodward và Costa. Tại một buổi gây quỹ của đảng Cộng hòa ngày 17 tháng 1 năm 2020, Trump đã tuyên bố “Làm quái gì có ai quan tâm tới ngân sách? Rồi nước Mỹ cũng sẽ ổn thôi.”

Vậy những dữ liệu này và các dữ liệu khác từ bài viết của Lemieux đã cho chúng ta thấy điều gì về các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump?

Đầu tiên, số liệu cho thấy nền kinh tế trong ba năm đầu thời Trump về đại khái cũng đi theo quỹ đạo tương tự như bảy năm cuối thời Obama.

Thứ hai, chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump đã vay mượn hàng nghìn tỷ đô la nợ mới ngay cả trước khi họ bắt đầu chi tiêu để giải quyết các hậu quả do dịch COVID-19 gây ra.

Đó mới là thành tích thật của Trump. Và Trump phải chịu trách nhiệm cho điều đó..

Thomas A. Fiery là người cộng tác thỉnh thoảng cho The Bulwark.

Translation by Duong Nguyen

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here