Vài nét chấm phá về việc in sách: Trong Chết, Cười … Ngặt Nghẽo

0
73
Bìa sáchTrong Chết, Cười … Ngặt Nghẽo Trần Khải Thanh Thủy 06/06/2017
   

Sinh ra trong lòng xã hội chủ nghĩa, nơi đói nghèo và bóng đêm ngự trị, ai cũng phải đói nghèo đến chết, khổ sở, nhục nhằn đến chết. Vì vậy đa phần người dân sinh ra để khóc, còn tôi không hiểu sao sinh ra cứ thích… dở mếu, dở cười (nước mắt lăn nghiêng về phía có nụ cười). Danh ngôn nước ngoài nhận định:“Nhà văn, nghệ sĩ đôi khi gần với người hâm” bởi bất cứ sự sáng tạo nào cũng hàm chứa trong nó sự “nổi loạn”, bứt phá, kèm theo những nỗi oan khuất và sự hy sinh.

Nhà văn Ma văn Kháng, cây đại bút của nền văn học xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng nói: “Chân lý lúc đầu mang hình dạng một gã điên. Kẻ tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối, kẻ luôn tìm cách ở ngoài vòng nguy hiểm, coi bảo mạng, thủ thân là việc lớn, là điểm tiền khởi cho đời mình, là kẻ không có niềm tin, là kẻ không sáng tạo.v.v”.

Vì vậy trong bóng đêm nghiệt ngã của nền văn học xã hội chủ nghĩa, nơi bao kẻ chỉ lợi dụng chữ nghĩa thánh hiền của ông cha như một tấm ván bắc cầu để nhảy xa trên con đường danh vọng, cố tình viết ra những con chữ bạc nhược, nhợt nhạt, nịnh nọt, bốc thơm lãnh tụ ngu đần, dốt nát cốt được đi mãi trên“lề phải”, hưởng cơm thừa canh cặn cùng những cục xương bố thí của những ông chủ chó má thì tôi mài mình, múc óc ra mà viết…

Tất cả những gì gọi là chất liệu của cuộc sống đều ùa vào tôi, lắng đọng trong tâm hồn bản thể tôi và dần dần theo thời gian biến thành chương hồi, bài báo, cuốn sách, chuyện hài…đồng thời làm nên nhân cách con người tôi. Một trí thức sinh ra trong lòng xã hội chủ nghĩa nhưng không hề chịu để cho đảng đoàn, bác hồ sinh tính. đơn giản vì làm nhà văn hay nhà báo, ngòi bút phải thẳng.

Văn chương ghét kẻ a dua, xu thời, nịnh bợ, càng ghét hơn cái gọi là văn chương “ phải đạo”. Với những kẻ này, ngòi bút luôn tõe đôi, khen một tí, chê một tí, không dám đi sâu vào mặt trái xã hội vì sợ liên lụy: “Không phải đầu cũng phải tai”, còn tôi ngược lại, dùng tiếng cười của mình để hóa giải mọi sự.

Cái mà các danh nhân thế giới vẫn bảo: “Phải biến bi kịch thành thiên tài” thì tôi với sức vóc bé nhỏ của mình, chỉ có thể biến bi kịch thành… hài kịch. Bất cứ cái gì tôi cũng có thể tạo thành tiếng cười được. Cho nên khi làm phóng viên báo, ngoài mệnh danh là “cây phóng sự” – chuyên đong đưa giữa phóng sự và truyện ngắn kiểu “cơm thầy cơm cô” của Vũ Trọng Phụng, hay “đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan, tôi còn được suy tôn là “cây” chọc cười thiên hạ, nói nôm na là chuyên gia cù, còn nói lái là “cu gia truyền”…Bút danh Thái Hoàng (khi còn đồng hành với các nhà dân chủ trong bóng tối)cũng là nói lái của từ thoáng hài – vốn là một nét cá tính đặc trưng của tôi mà ra.

Xin quay ngược lại thập kỷ 70, khi tôi mới chỉ là đứa bé con lên 10, mang tiếng là dòng dõi tư sản, con quan. Nhờ “công ơn” cách mạng mà ông bà tôi bị đuổi khỏi nhà, phải ở nhờ người họ hàng ở 75 phố Phan Thanh Giản (sau năm 1975 bị cộng sản đổi thành phố Nguyễn Hữu Huân). Mỗi lần lũ lụt đến, cả ba gia đình gồm anh trai, em gái cháu con dâu rể phải chui rúc trong căn phòng chưa đầy 30 mét vuông ấy, không nhà tắm, không khu vệ sinh…Tất cả lũ trẻ chúng tôi dù là cháu nội hay cháu ngoại của bà đều thích trành chọe, tranh cãi nhau, làm bà luôn phải đứng ra làm quan tòa để không bị coi là phân biệt đối xử. Trong một lần, đứa em họ tôi -vốn là cháu ngoại của bà hờn rỗi, ghen tức vì cho rằng bà chỉ biết yêu chiều, quý nịnh tôi, vì bố tôi là con trai duy nhất. Trong lúc cả nhà xúm lại ra sức khuyên giải, dỗ giành, đe nẹt, mắng mỏ, thì tôi chỉ biết sửa ý, sửa lời ca dao để ứng khẩu thành thơ:

Bà ơi thương lấy cháu cùng
Tuy rằng khác bố nhưng chung …một bà.

Câu nói làm cả nhà cười xòa, cả cái con bé đang giãy đành đạch nhẵn cả thềm hè lổn nhổn sỏi cát xi măng lúc đó cũng ngồi bật dạy ngơ ngác trước cơn cười rộ của cả nhà. Và từ đó, sau khi được các chú, cô xoa đầu khen là “sáng dạ, văn hay chữ tốt giống bố”, theo thời gian, tôi tự hiểu được hài hước là một sự thông minh, là thứ gia vị không thể thiếu trong cuộc đời.

Càng trong những tình huống bi phẫn nhất, càng phải biết sử dụng chất hài một cách khéo léo, thậm chí như một biện pháp quan trọng để bôi xóa, xoa dịu sự tàn nhẫn, quái đản, làm cho người được cù dễ dàng thay đổi trạng thái, còn văn chương viết ra cũng bớt đi sự hằn học, thù hận ngút trời, vốn không phải là bản chất thực của văn chương.

Từ đó thay vì câu châm ngôn của thời hiện đại: “Hạnh phúc là khi còn nước mắt rơi”, tôi lôi tiếng cười theo mình vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, kể cả các cổng tòa soạn cũng như trường học, bệnh viện, chợ búa v.v

Cho đến đầu thiên niên kỷ thứ 3, khi tham gia vào con đường đấu tranh dân chủ, tiếng cười lại tiếp tục theo tôi vào đồn công an, từ phòng P25 phụ trách văn hóa phản động, PC 35 chuyên theo dõi các loại gián điệp quốc tế, đến sở công an thành phô Hà Nội( trụ sở của bọn cướp ngày) rồi ban văn hóa tư tưởng v.v vốn là tai mắt, tim óc của đảng…cuối cùng là vào tù.

Chín tháng mười ngày trong trại, trong bốn bức tường âm u, nhọn hoắt chỉ nhìn thôi cũng thấy rợn người, tôi không còn cách nào khác là phải tự cân bằng lại trạng thái tinh thần của mình. Trong điều kiện không mực cũng không sách vở giấy bút, người lại bị lao phổi, tiểu đường, xung quanh là những xác thân rũ rượi vì bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, tôi chỉ còn biết trông vào mình, vào những câu chuyện vui ở ngoài đời để rũ buồn đứng dạy mà cười .

Thôi thì thơ hài, thơ nhại, chuyện tiếu lâm, thơ Hồ Xuân Hương, thơ dân gian v.v đều trở thành thuốc bổ mỗi ngày, thay cho cây xanh và bầu không khí sôi động bên ngoài. Vì thế bộ sách gồm 60 chương, hai tập gần 1000 trang lần này thực sự là sản phẩm của những xúc động tinh thần, giàu ý tưởng, lại đa tầng, đa nghĩa, luôn đặt câu chuyện tù trên nền tảng đời sống thực trong xã hội cộng sản, đồng thời chứa đựng đầy đủ, rõ nét những dữ kiện của một thời ở tù cộng sản trong cả dãy chuồng người.

Khi tập I được tái bản, cũng là lúc tôi bị đảng cộng sản Việt Nam trục xuất sang Mỹ. Bất kể đi chợ, tới trường ESL hay sinh hoạt cộng đồng tôi đều bắt gặp những tiếng cười khà khà khoái trá của độc giả lớn tuổi. Điều này chứng tỏ sự hồn nhiên, chân thật, cũng là sự ngẫu hứng của tôi (thông qua sự tự do sáng tác) đã bắc cầu qua những con chữ, tạo thành tác phẩm thực sự gây cười cho người đọc, khiến các anh, các bác, các chị các cô phải nhớ từng chi tiết trong tác phẩm để kể lại với mọi người và đề đạt nguyện vọng muốn đọc thêm cuốn thứ hai ngay sau khi tôi viết xong để lại được cười… ngặt nghẽo.

“Thật vàng chẳng phải thau đâu. Hãy đem về đọc để…đau bụng cười”. Hy vọng cuốn sách sẽ được bạn đọc để ý, yêu mến, từ đó thêm thấu hiểu tâm tư, tình cảm của tác giả và biết đâu có thể gắn liền với tâm khảm tôi từ bộ sách này cũng là bộ sưu tập các loại cười trong suốt quãng đời tù đày của tác giả.

Sacramento 5/2017

T.K.T.T

Mọi sự đóng góp ý kiến hoặc ủng hộ qua việc mua sách xin gửi về: nhà xuất bản:Saokhuelaplanh07@gmail.com. Hoặc điện thoại của tác giả: 916 248 3414. Xin chân thành cám ơn.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here