Nguồn: Gideon Rachman, “Ukraine, Gaza and the rise of identity geopolitics,” Financial Times, 25/03/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Lương tâm toàn cầu chuyển động theo những cách thức bí ẩn.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Gaza, một video TikTok của John Kirby đã được lan truyền rộng rãi. Ở phần đầu tiên, người phát ngôn Nhà Trắng tỏ ra điềm tĩnh khi mô tả thương vong của dân thường ở Gaza là một phần của thực tế chiến tranh “tàn bạo và xấu xí.” Còn trong phần thứ hai, ông lại nghẹn ngào khi mô tả nỗi kinh hoàng của mình trước cái chết của thường dân ở Ukraine.
Đối với những người chỉ trích chính quyền Biden, video đó đã tóm tắt thứ tiêu chuẩn kép của nước Mỹ. Nhưng toàn bộ cuộc tranh luận về cách đối xử với Ukraine và Gaza đã bỏ qua một quan điểm rộng hơn về lòng trắc ẩn có chọn lọc. Những bi kịch ở Ukraine, Gaza và Israel đều được chú ý nhiều hơn các cuộc chiến và thảm hoạ nhân đạo ở những nơi khác trên thế giới.
Nạn đói đang đe doạ Gaza hiện là vấn đề được quan tâm hàng ngày trên toàn cầu. Nhưng chỉ mới tuần trước, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng “Sudan sẽ sớm trở thành khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất thế giới” khi 18 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Thảm kịch này bắt nguồn từ một cuộc xung đột đang diễn ra, liên quan đến “những ngôi mộ tập thể, các vụ hãm hiếp tập thể, các cuộc tấn công bừa bãi nhắm vào các khu vực đông dân cư” và hơn 6,5 triệu người phải di dời nhà cửa. Báo cáo từ các trại tị nạn ở Darfur mô tả cứ mỗi hai giờ lại có thêm những trẻ em chết vì suy dinh dưỡng.
Giống như Gaza, Sudan nằm giáp biên giới Ai Cập. Nhưng cuộc xung đột ở Sudan – và lời cảnh báo tuần trước – hầu như đã bị thế giới phớt lờ. Lời kêu gọi viện trợ nhân đạo trị giá 2,7 tỷ USD cho Sudan mà Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi tháng trước cho đến nay mới chỉ huy động được 131 triệu USD.
Những nỗ lực giải cứu các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza đã trở thành trọng tâm của chính sách ngoại giao quốc tế. Tuần trước, người đứng đầu CIA Bill Burns đã trực tiếp tham gia nhiệm vụ này. Ngược lại, vụ bắt cóc 287 trẻ em ở Nigeria – nhiều em trong số đó may mắn được thả ra vào cuối tuần qua – lại nhận được rất ít sự chú ý của quốc tế.
Đi xa hơn một chút, việc thế giới thường xuyên phớt lờ những vụ thảm sát và thảm hoạ trên diện rộng – nhất là ở Châu Phi – là rất rõ ràng. Theo Olusegun Obasanjo, cựu tổng thống Nigeria, người đã giúp đàm phán một hiệp ước hòa bình, cuộc chiến giữa Ethiopia và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray bắt đầu vào tháng 11/2020 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 600.000 người. Hơn một nửa số nạn nhân là dân thường, và nhiều người đã chết vì đói.
Khẩu hiệu “Black Lives Matter” (Mạng sống của người da đen cũng quan trọng) bắt đầu ở Mỹ đã gây được tiếng vang trên toàn cầu vào năm 2020. Nhưng thế giới nói chung – bao gồm cả Liên minh châu Phi – hầu như chẳng bận tâm đến hàng trăm nghìn người da đen đã thiệt mạng trong Chiến tranh Ethiopia-Tigray.
Điều gì đã khiến một số bi kịch và xung đột thu hút sự chú ý của thế giới, trong khi những bi kịch và xung đột khác lại hầu như không được chú ý?
Câu trả lời có lẽ nằm ở thứ gọi là địa chính trị bản sắc (identity geopolitics). Một cuộc xung đột có nhiều khả năng gây ra quan ngại và phẫn nộ quốc tế nếu có một số lượng lớn người đồng cảm với những người đang chiến đấu hoặc đau khổ. Người châu Âu nhìn vào những người Ukraine trên đường chạy trốn và tưởng tượng rằng các thành phố của họ đang bị bắn phá, trong khi người Hồi giáo và người Do Thái sẽ đồng cảm với các bên tham chiến ở Gaza.
Tôi đoán là nếu chiến tranh Ethiopia-Tigray là một cuộc chiến trong đó người da trắng tàn sát người da đen – hoặc ngược lại – thì nó sẽ gây náo động toàn cầu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng yếu tố đối kháng chủng tộc, hoặc đối kháng nhóm, khiến người ngoài khó có thể đồng cảm với các bên tham chiến.
Khi những tội ác hàng loạt này được chia nhỏ thành các câu chuyện riêng lẻ, tác động về mặt cảm xúc và chính trị sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Khán giả toàn cầu biết rõ khuôn mặt và tên tuổi của những đứa trẻ Israel bị bắt cóc vào ngày 7/10 mà đến nay vẫn chưa rõ số phận của chúng, cũng như khuôn mặt của những đứa trẻ và gia đình người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Hàng triệu người sẽ sớm được xem bộ phim đoạt giải Oscar 20 Days in Mariupol (20 ngày ở Mariupol) kể về cuộc tấn công tàn bạo của Nga vào một thành phố của Ukraine.
Phim ảnh và báo chí kể về nỗi đau cá nhân đôi khi khiến người xem cảm thấy đau đớn đến mức khó lòng chịu đựng. Nhưng những cái tên và số phận của những đứa trẻ Tigray hoặc Sudan bị sát hại hoặc chết vì đói sẽ chẳng bao giờ nhận được sự chú ý như vậy, do đó chúng cũng sẽ chẳng bao giờ gây ra sự náo động toàn cầu như vậy.
Sự thờ ơ đối với các thảm kịch ở những nơi như Tigray hay Sudan xuất phát từ quá trình chọn lọc tin tức. Các tổ chức tin tức quốc tế nhận thấy rằng khán giả của họ dường như không hứng thú với những câu chuyện kiểu này – và để đưa tin về những câu chuyện này cũng tốn kém và nguy hiểm. Và thế là họ quyết định không ghi nhận các sự kiện này bằng các chi tiết có thể thực sự gây ra quan ngại quốc tế.
Những người ủng hộ chính nghĩa của người Palestine đôi khi nói rằng lý do khiến họ say mê ủng hộ Gaza, nhưng lại không biểu tình vì Sudan hay Haiti, là bởi vì chính sách của phương Tây liên quan trực tiếp đến các sự kiện ở Gaza. Mỹ cung cấp vũ khí cho Israel, nhưng không cung cấp vũ khí cho bên nào ở Sudan.
Lập luận này rất mạnh mẽ – nhưng không có tính thuyết phục. Theo truyền thống, quốc gia mua vũ khí lớn nhất của cả Mỹ và Anh là Ả Rập Saudi. Chính người Ả Rập Saudi đã sử dụng những vũ khí đó vào cuộc xung đột ở Yemen, mà theo Liên Hợp Quốc, đã cướp đi sinh mạng của 377.000 người vào cuối năm 2021. Giống như người Israel, người Ả Rập Saudi cũng bị cáo buộc ném bom bừa bãi và gây ra nạn đói. Nhưng công chúng ở phương Tây lại không phản đối kịch liệt hành động này.
Vấn đề gây ra khủng hoảng thực sự trong quan hệ Mỹ-Saudi là vụ sát hại một nhà báo nổi tiếng, Jamal Khashoggi. Cái chết khủng khiếp của ông có sức mạnh lay động cảm xúc và thay đổi nền chính trị quốc tế – khác với cái chết của hàng nghìn nạn nhân khác, những người mãi mãi chỉ là kẻ vô danh.
Chính trị thế giới dường như vẫn tuân theo câu nói nổi tiếng mà người ta thường gán cho Stalin “Một cái chết là một bi kịch, một triệu cái chết là một con số thống kê.”
Nguồn : NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Thank you for the auspicious writeup It in fact was a amusement account it Look advanced to far added agreeable from you However how can we communicate