TƯƠNG LAI NÀO CHO NƯỚC NGA?

0
56
Biểu tình phản đối Putin tại Frankfurt, Đức, 13 tháng Ba.
   

Trần Quốc Quân 

Khi theo dõi những cuộc ẩu đả ngôn ngữ của người Việt xung quanh cuộc chiến Nga – Ukraine một người bạn của tôi nói rằng: ”Người Việt mình lúc nào cũng chia ra làm hai phe, mà cũng chẳng để làm gì cả. Đến khi nào người Việt mới biết mình chung một số phận?”. Một phe thì ủng hộ Ukraine, điều này hoàn toàn là một phản xạ tự nhiên của con người. Cái sự yêu thương, đau xót với đồng loại thực ra là điều không quá trừu tượng, không phải là sản phẩm của tưởng tượng nào đó mà nó nằm ngay trong cơ thể con người. Đôi khi nó có cả ở động vật. Một phe thì ủng hộ cuộc tấn công của Putin vào Ukraine với những từ ngữ lạnh người: ’’Chờ đợi tháng Mười’’, bằng những hình ảnh đổ nát ở Ukraine, cho rằng đó là sự sáng suốt, quyết liệt, táo bạo của Putin dù câu cửa miệng của những người này luôn luôn nói rằng mình yêu hoà bình. 

Thật không thể tưởng tượng được. Có phải những hào nhoáng được tô vẽ về một nước Nga vĩ đại đã khiến người ta mất luôn khả năng suy nghĩ? Người ta lấy ý định để biện luận cho ý kiến một cách gượng gạo và yếu ớt trong khi lẽ ra ý kiến phải chỉ đạo ý định. Thái độ đúng của một người trong thảo luận là luôn luôn ngờ vực những gì mình biết, kiểm chứng lại những ý kiến khác thay vì biểu lộ thái độ một cách quyết liệt, và đặt mình trong tư thế sẵn sàng thay đổi lập trường. Dường như người Việt hiểu sai về nước Nga rất nhiều và đồng nghĩa chưa có những nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về nước Nga nên mới có những cuộc ẩu đả, mạt sát nhau dữ dội vậy.

Nước Nga hiện tại.

Mới đây Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược của nước Nga đã nói rằng cuộc chiến này phải chấm dứt trong vòng hai tuần lễ nhưng đến nay đã hai tuần có lẻ và không có dấu hiệu gì là nó có thể chấm dứt được. Ngay cả từ đây tới đó có chiếm được Ukraine đi chăng nữa thì cũng sẽ thất bại bởi vì Nga đã tấn công vào bằng máy bay, pháo và xe tăng. Chúng ta đều biết, xe tăng và máy bay chỉ có thể tàn phá được chứ không thể chiếm đóng được. Và nước Nga sẽ sa lầy bi đát hơn khi ở Afghanistan. Có một điều mà chúng ta không quên, trước đây chính sự sa lầy ở Afghanistan đã đưa tới sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Lần này có rất nhiều triển vọng, gần như là chắc chắn: Sự sa lầy tại Ukraine sẽ đưa tới sự sụp đổ của Liên bang Nga. 

Có một vài dữ kiện cơ bản để chúng ta hiểu về nước Nga ở thực tại. Nước Nga không phải là một nước có trọng lượng kinh tế nào hết trên thế giới. Tổng sản lượng kinh tế (GDP) chỉ là 2% GDP của thế giới. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của Nga thấp hơn hẳn mức trung bình của thế giới. Tuy là một nước nghèo nhưng trong thời gian vừa qua Putin đã phí phạm rất nhiều tài nguyên của đất nước vào quân lực cho nên nước Nga lại càng nghèo thêm. 

Hiện nay, một trong những lý do mà các quan sát viên nhấn mạnh đó là sự lúng túng về việc tiếp liệu cho đoàn quân tại Ukraine và có thể không thể tiếp liệu được nữa, đồ ăn của lính Nga là đồ ăn hết hạn, có những người lính trên đường hành quân đã tự phá hỏng phương tiện của mình. Thông thường các biện pháp trừng phạt kinh tế thì phải mất một thời gian nhất định thì mới có tác dụng, nhưng với Nga là một ngoại lệ, không ai có thể nghĩ rằng nó lại có tác dụng nhanh đến vậy. Bởi vì nền kinh tế Nga vốn dĩ đã yếu bệnh trước đó. Đại dịch Covid khiến GDP của nước Nga vốn đã thấp lại còn bị suy giảm 19%. Các thể chế tài chính toàn thế giới đang gấp rút thu hẹp và tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga, các chỉ số không còn ý nghĩa ở nước này.

Vì sao nước Nga lại rơi vào tình trạng bi đát như hôm nay?

Hiểu sai về lịch sử, về dòng chảy của lịch sử thì không thể hành động đúng ở thực tại, không thể đổi dòng được lịch sử. Nếu không đặt biến cố trong một bối cảnh lớn mà chỉ coi lịch sử như một số biến cố ngẫu nhiên thì rất dễ không nhìn thấy logic của nó. Có một lý do khoa học khả dĩ giải thích điều này: Trong khoa học, người ta thử nghiệm một phương pháp, một hiện tượng vô số lần rồi đưa ra kết luận sau khi đã tường tận nó. Điều này cũng tương tự: Nếu ta chỉ đọc lịch sử của riêng nước mình, hiển nhiên ta chỉ thấy các sự kiện lịch sử tới rồi đi một lần, ta chỉ có cái nhìn phiến diện về nó chứ không thể hiểu thấu đáo nó được. Để đưa ra cái nhìn khách quan tối đa, ta phải xem xét đồng thời cùng những sự kiện đó xảy ra ở các nước khác thì như thế nào.

Nước Nga không hề vĩ đại như cha anh ta thấy hoặc cha anh cố tình cho ta thấy. Mục đích của Putin không phải là chiếm Ukraine mà là gây khó dễ cho Mỹ và EU, đồng thời để thể hiện với người Nga mình là nhà lãnh đạo mạnh mẽ vì danh dự tổ quốc, từ đó kích thích tinh thần dân tộc cực đoan ở Nga.

Lịch sử Nga đặc biệt hơn lịch sử mọi nước trên thế giới, vì cho tới nửa sau thế kỷ 9 cách đây 1300 năm, không có một quốc gia nào ở vùng đó do thời tiết lạnh lẽo khắc nghiệt, con người không thể trồng cấy. Vùng đất đó ban đầu không có chính quyền, chỉ có vài nhóm người ở, và giữa họ chỉ có chiến tranh chứ không hề có sự liên đới nào. Vào thế kỷ 9, những người cướp biển Viking ở Bắc Âu không còn thuần túy cướp bóc mà bắt đầu có những hoạt động buôn bán bởi các dân tộc ở trung tâm châu Âu đã biết cách tự vệ. Những người Viking đi dọc theo những con sông như sông Volga vào sâu trong đất liền. Tới cuối thế kỷ 9 họ thành lập ra nước Rus Kiev, rồi sau họ tới chinh phục vùng đất Ukraine, cũng trong cuối thế kỷ 9. Từ 2 vùng đất tổ này, dần dần họ chinh phục toàn vùng Nga bây giờ, quá trình mở mang đất nước của họ man rợ và đầm đìa máu. 

Nước Nga từ khi thành lập (cho tới nay là 12 thế kỷ) chỉ có những kẻ cầm quyền tàn bạo, họ không bao giờ có hòa bình tự do, hôm nay đánh chỗ này ngày mai lại nội chiến chỗ kia. Kể cả những vị vua được người Nga xem là vĩ đại như Peter đại đế thì cũng hoàn toàn khuyết thiếu lòng nhân đạo. Trong 300 năm cuối cùng trước khi bị lật đổ, dòng họ Romanov luôn luôn giết nhau để giành quyền. Người nô lệ trong chế độ phong kiến Nga cũng bị đối xử rất tàn tệ, các vương công, lãnh chúa Nga thích làm gì họ thì làm, về mức độ còn tàn bạo hơn cả chế độ quân chủ tại Việt Nam. Đất nước Việt Nam cũng hung bạo không kém nhưng chuyện anh giết em, chú giết cháu để giành chính quyền hiếm khi xảy ra (có lẽ vì Khổng giáo khiến người ta có khuynh hướng phục tùng). 

Chỉ có 2 ngoại lệ là thời Khrushchev kéo dài chừng 8 năm, tuyên bố lung tung cả nhưng không gây chiến ở đâu, có lúc thì đòi đem vũ khí nguyên tử sang Cuba nhưng Kennedy dọa đánh thì rút về, và một người nghiện rượu Boris Yeltsin. Đối với chế độ Putin, đe dọa từ phía Ukraine nhỏ và không khẩn cấp. Nó chỉ là nguy cơ quân đội Ukraine được tăng cường từ từ, và rồi tới lúc Donbass sáp nhập lại với Ukraine, nhưng dù Donbass có trở lại với Ukraine thì cũng chỉ là một mất mát không lớn lắm. Đe dọa từ Belarus lớn hơn. Belarus tuy là một nước riêng nhưng thực tế vẫn là chư hầu của Nga và rất gắn bó với nhau. Lukachenko từng dựa vào sự bảo vệ của Putin để lộng hành, bất chấp cả luật lệ quốc tế để đàn áp. Nhưng những năm gần đây tình hình Belarus trở nên sôi động vì khát vọng dân chủ lên cao, Putin lo sợ sẽ có một cuộc cách mạng dân chủ ở đây và như vậy làn sóng dân chủ có thể tràn vào Nga. 

Nga về mặt kinh tế và kỹ thuật rất kém, chỉ giỏi làm vũ khí, hack máy tính và kỹ thuật không gian. Kỹ thuật không gian không sản xuất gì ghê gớm cả, về cơ bản chỉ làm hỏa tiễn bắn lên phô trương với thế giới. Ngay cả nồi niêu xoong chảo vẫn phải nhập khẩu, chỉ biết đào dầu khí, vàng lên bán, gần đây thì biết thêm chăn nuôi nhưng đó cũng không phải là kỹ thuật cao. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã hòa hợp hơn về mặt sắc tộc nhưng vẫn còn khá phức tạp. Người Nga sống ở khu vực chung quanh Moscow khoảng 50-60 triệu dân và họ áp đặt lên các sắc tộc khác cái tinh thần dân tộc cực đoan, khuynh hướng hung hãn của họ. Putin dựa vào đám người này. Nga có 22 nước cộng hòa và 4 lãnh thổ tự trị, 20-30 lãnh thổ bán tự trị. Do đó, Nga một nửa là đế quốc – một nửa là quốc gia.

Theo lẽ thường, một đế quốc sẽ co lại khi khủng hoảng, nhưng với thực thể phức tạp như Nga thì… làm liều. Trong thực tế, khối người Nga thì có thể tồn tại lâu dài nhưng những sắc tộc khác bên trong nước Nga thì đang ngày càng ý thức về quyền của họ, liệu Nga có giữ nổi 22 nước cộng hòa đó không? Có lẽ là không. Nước Nga Moscow có thể còn nhưng Liên Bang Nga hiện nay đang đối mặt nguy cơ tan rã nghiêm trọng. 

Belarus và Ukraine là những vùng đất tổ của người Nga nhưng gần đây cũng đã ly khai. Putin đòi EU không được kết nạp Ukraine cũng như NATO phải rút hết căn cứ quân sự khỏi các nước Liên Xô cũ và Đông Âu. Đó là một đòi hỏi vô lý tới nỗi EU và NATO không thèm trả lời. Putin thấy rằng NATO đã chết lâm sàng do quan hệ Mỹ – EU rạn nứt nên mới dám xấc xược như vậy. 

Trước khi chiến tranh xảy ra, sau khi Biden họp với Putin xong, Biden mở một cuộc họp báo nói một câu như thế này: “Nước Nga có thể xâm nhập ở mức độ nhỏ vào Ukraine và cũng có thể xâm nhập ở mức độ nghiêm trọng, nhưng nếu xâm nhập ở mức độ nghiêm trọng thì Mỹ sẽ can thiệp”. Biden không nói sẽ can thiệp thế nào. Người ta lại hỏi như vậy là ông cho phép Nga xâm nhập vừa chăng, và định nghĩa xâm nhập vừa là gì? Thế là phát ngôn viên của Biden và ngoại trưởng Mỹ phải thanh minh rằng: “Xâm nhập nào cũng là xâm nhập, chúng tôi không dung túng”. 

Có thể hiểu điều này rằng: họ sẽ không can thiệp quân sự mà chỉ trừng phạt kinh tế thôi. Tuy nhiên cũng không nên coi thường các đòn kinh tế, SWIFT vừa rồi là một minh chứng. Nga sống chủ yếu bằng bán dầu rồi mua những vật dụng cần thiết – thế nên bị loại khỏi hệ thống SWIFT thì gần như không thể mua bán gì với thế giới, đồng nghĩa với việc lâm vào đường cùng. 

Nữ nhà báo Nga phản đối chiến tranh ngay trên truyền hình quốc gia

Nga vốn dĩ là một đất nước rất phức tạp. Nó vẫn có các tổ chức đối lập nên dư luận nói chung vẫn cởi mở hơn những nước độc tài còn sót lại, nhưng băng đảng mafia của Putin càng lúc càng siết chặt sự kiểm soát bằng tuyên truyền một chiều và ám sát đối lập. Chính quyền Putin rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền một chiều về hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ đang quay lại vị thế siêu cường và gặp sự chống đối mạnh mẽ của phương Tây. Điều này khiến dân Nga bị mê hoặc bởi dân trí của Nga rất thấp. Đi từ phía Đông Nga về phía Tây càng tới gần châu Âu thì trình độ văn minh càng cao, khi sang Ukraine cũng vậy. St. Petersburg là thành phố giàu nhất nước Nga nhưng so với những thành phố của các nước nghèo ở châu Âu cũng thua kém hơn. 

Lịch sử Nga có một số nhà khoa học khá nhưng toàn bộ đều là những người từng sống ở Tây Âu, kể cả nhà bác học được xem là vĩ đại nhất của họ là Mendeleev. Nếu so với số nhà bác học của phương Tây thì số nhà bác học Nga rất ít ỏi, sở dĩ người Việt thấy nước Nga vĩ đại đều là nhờ vào biện pháp tuyên truyền. Người Nga cũng kém về tư tưởng như người Việt Nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ họ cũng không có được một nhà tư tưởng nào, Putin là tay bố già mafia còn người tiền nhiệm Yeltsin cư xử cũng rất côn đồ. 

Hệ thống KGB cũ vẫn còn ảnh hưởng lớn ở các nước Liên Xô cũ, đặc biệt là Nga, thậm chí nó còn ảnh hưởng lớn tới các nước Đông Âu ngày nay dù đã dân chủ hoá. Putin có một người bạn thân là tỷ phú, người tỷ phú này thích dân chủ nên cố gắng thuyết phục Putin nhưng chỉ nhận được lời khẳng định: “Người Nga không cần dân chủ mà chỉ cần Sa Hoàng thôi”. Thực sự theo góc độ nào đó Putin không sai. Lịch sử nước Nga cực kỳ đẫm máu, giữa các sắc tộc chỉ có hận thù, chính vì vậy dưới góc nhìn như Putin có thể khẳng định: họ cần một Sa Hoàng độc đoán ép buộc tất cả phải bỏ qua hận thù mà sống chung trong một nước Nga thống nhất. Đó cũng là nét đậm nhất trong bản khắc họa của lịch sử Nga.

Kyiv năm 2018

Người dân Ukraine cho tới khi Liên Xô tan rã chỉ biết tới những chế độ chuyên chế. Khi Liên Xô tan rã người dân Ukraine đã vượt qua được di sản bạo lực nặng nề, bất chấp tình trạng nghèo đói để đổi dòng lịch sử, chuyển hóa thành công về dân chủ. Và đương nhiên, điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ bất chấp tất cả để bảo vệ sự tự do, nền dân chủ dù còn non trẻ của mình dù phải đồng quy vu tận với Nga như lời ông tổng thống Zelensky nói: “Chúng ta đã không chịu trở thành nô lệ và sẽ mãi mãi không bao giờ chấp nhận làm nô lệ. Vì đây là tinh thần chiến đấu của chúng ta và đó cũng chính là bổn phận của chúng ta”.

Con người sinh ra vốn có những khả năng bình đẳng như nhau, nhưng bản thân các dân tộc hơn kém nhau vì tổ chức xã hội của họ khác nhau. Bản thân người Nga từng có rất nhiều tiềm năng, nhưng vì tổ chức xã hội sai trái nên họ chỉ có tương lai mù mịt. 

Trong lịch sử, họ đã là quốc gia sản xuất nhiều vàng nhất thế giới, nhưng hiện tại họ đã bán sạch sẽ trữ lượng của mình. Hầu như toàn bộ lịch sử nước Nga đều là chế độ nô lệ, thế nên nếu được chọn lựa có lẽ người Nga không muốn sống ở nước Nga. Trong chiều sâu, dân tộc nào không ít thì nhiều cũng xứng đáng với số phận của mình. 

Nếu quả thực người Nga cũng nghĩ như nhiều người đang tự hào cùng họ, rằng nước Nga thật sự vĩ đại thì phải xem chừng. Từ xưa đến nay, tự hào dân tộc vốn là thứ điểm tô vô giá trị vì nó có sẵn và luôn luôn miễn phí.

Nếu thế kỷ này sẽ chứng kiến những dân tộc có thể vươn lên và phát triển thì chắc chắn dân tộc Nga không nằm trong số đó.

Trần Khánh Ân

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here