Tuổi Hai Mươi-phần 25.

0
104

Bùi Thanh Hiếu

Ra tù về tôi tìm mãi không có công việc gì, ở nhà bán nước trà giúp mẹ. Thỉnh thoảng gặp lại bạn cũ trong tù như anh Thắng Mều, anh Ánh và thằng Thắng Thanh Hoá.

Thắng Thanh Hoá có cái nhà nhỏ trong ngõ Bạch Mai, cuộc sống cả hai thằng cũng vất vả, rồi nó dính một vụ, bỏ Hà Nội về quê sống, từ đó đến nay tôi bặt tin nó. Giờ nghe tin nó ở quê làm ăn nuôi hai con nhỏ, vợ bỏ đi đâu mất tích.

Hai đứa đàn em Cường và Tuấn đến nhà tôi chơi, chúng thấy tôi ngồi bán cặm cụi từng chén nước trà, chúng ngao ngán và thất vọng về người đàn anh. Chúng nghĩ ở trong tù khắc nghiệt như thế, tôi vẫn tạo dựng được vị thế thì sao về xã hội lại thấp kém như vậy.

Tôi khuyên chúng nên nhẫn nhịn, chấp nhận thực tại của cuộc sống. Chúng có vẻ không nghe, tôi hiểu điều ấy, bởi chính bản thân tôi đã nhiều lần cũng nghĩ đến chuyện làm gì phạm pháp kiếm khoản tiền mua cái xe máy đi lại. Sau cả hai thằng ấy lại đi tù lần nữa, nghe nói án dài đến 10 năm.

Năm 27 tuổi, tức năm 1998 là năm mà nhiều cay đắng, ê chề nhất. Dư âm của một tên tội phạm vừa ra tù dai dẳng, ai cũng chẳng muốn gần, kể cả bạn bè khi trước. Người ra tù vì thế chỉ còn biết chơi với bạn tù cũ, kết cục lại rủ nhau phạm tội.

Tôi cảm thấy mình chẳng có giá trị gì trong cuộc sống đang diễn ra, đôi khi tôi nghĩ những ngày tháng trong tù, ở đó tôi còn cảm thấy mình có giá trị.

Chút giá trị duy nhất là thỉnh thoảng hàng karaoke của anh Hải nhà tôi bị quấy phá, anh gọi tôi sang xử lý. Có hàng karaoke cách đó một đoạn, hình như tên là Hoa Trà thì phải. Các hàng karaoke hay mượn nhân viên của nhau khi khách đông, chủ nhà hàng Hoa Trà biết chuyện, thỉnh thoảng bị quấy phá gì họ gọi tôi đến nhờ can thiệp.

Quấy phá có hai dạng, một dạng là dân xã hội quanh đó, hai là khách.

Dân xã hội đen quanh đó cũng có nhiều người cùng ở tù với tôi, người thì lúc giam cứu, người thì lúc cải tạo. Có người cùng buồng, cùng đội. Họ thấy tôi đến, anh em hồ hởi uống nước tâm sự, hỏi thăm nhau. Còn khách quậy là dân làm ăn quan chức trung trung họ chẳng hơi đâu mà quậy lộ ra mất mặt, chỉ một vài người quá say nói chuyện ân cần là họ cũng nhận thức được.

Khách là dân xã hội đen, nói chuyện vài câu thân ái là họ bắt sóng nhận ra nhau và dễ dàng bỏ qua, bởi họ cũng đồng cảm với đồng bọn vừa ra tù, có chỗ kiếm ăn, chẳng nỡ gây chuyện phá nhau làm gì.

Lúc này tôi nhận ra, những năm tháng trong tù, tôi đã đối xử tốt với nhiều người vì nghĩ họ thân cô, thế cô. Không ngờ nhiều người khi về xã hội, họ lại có tiếng tăm ở khu họ ở.

Nhà hàng Hoa Trà một đêm bị đám khách quấy gọi tôi sang, đến nơi hoá ra đám khách có ông Minh Ve, đội trưởng cũ của tôi. Ông Minh Ve là người giả vờ đói khổ lúc mới về đội mà tôi cho hai quả trứng vịt lộn. Ông là quân của Đắc Thịnh, trùm buôn ma tuý lớn nhất Hà Nội. Thời thế của Đắc Thịnh đang mạnh, anh Đắc Thịnh bắn người xong, gọi công an đến dàn xếp. Nếu các bạn nào từng đọc Con Chọi Chì Cụt Đuôi của tôi sẽ thấy xã hội đen như những con cá chọi trong cái bể mà tôi đã tả, cứ mỗi một thời gian lại có người xưng hùng, xưng bá rồi thời gian lại kẻ khác lên.

Ông Minh Ve là người gây chuyện chính, ông đòi nhân viên đẹp không được, ông đập bàn đòi dẹp quán. Người đi theo ông cả chục người, toàn dân xã hội tướng mạo dữ dằn, xăm trổ. Ông còn gọi điện cho công an bảo hôm nay ông sẽ dẹp cái quán này.

Tôi đến lúc ông đứng giữa nhà hàng, nhân viên trốn chui lủi trong bếp, chủ nhà hàng ngồi im sợ hãi.

Ông thấy tôi hỏi.

– Ơ mày đi đâu đến đây.

Tôi nói.

– Đây nhà cô em, cô em bảo có chuyện gọi em đến. Ôi thế hoá ra là anh đập quán ạ.

Ông Minh Ve xua tay ra hiệu đám đi theo ngừng lại.

– Thôi, lên phòng hát ngồi đi, đây thằng đàn em của tao trong trại.

Tôi bảo chủ nhà hàng điều nhân viên lên và dọn đồ bị vỡ đập, mang đồ khác. Chủ nhà răm rắp làm theo, chắc hồn vía còn chưa tỉnh. 

Ông Minh Ve kéo tôi lên ngồi cùng, chủ nhà điều cho tôi một nhân viên. Tôi nói thầm bên tai cô nhân viên, cô ta tên Thu người Sơn Tây.

– Em ngồi chút rồi xuống, anh không có tiền bo cho em đâu.

Thu cười nói nhỏ.

– Em biết, nhưng em muốn ngồi với anh và còn trả anh tiền bo vì được ngồi với anh.

Cuộc vui trở lại ồn ã, ông Minh Ve kể chuyện cho đám đàn em đi theo về những ngày tháng ở trong tù. Ông Minh Ve làm đội trưởng, ông vác dùi đâm người ta vào ngực. May nhờ Đắc Thịnh mạnh chạy tiền, ông chỉ bị chuyển đội chứ không bị xử thêm án. Ông kể những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của ông trong trại. Tất nhiên ông cũng nâng tôi lên, ông ý anh hùng thế thì đàn em lúc đó của ông ấy cũng phải ghê gớm, mà thực sự đàn em ông ấy là thằng Khánh đánh chết ông Dũng mà tôi đã kể ở phần trước. Đám đi theo cũng biết mang máng chuyện ông đâm Chính Ghẻ, đàn em ông ấy đánh chết Dũng Trắng. Nay nghe ông kể tôi cũng là đàn em cứng của ông thời gian đó, họ cũng nể.

Tan cuộc lúc 2 giờ sáng, ông Minh Ve trả tiền cả chỗ đồ đã đập, bo sộp cho các nhân viên.

Khi đám khách về hết, chủ nhà hàng bảo tôi ngủ lại mai về, Thu vẫn lẽo đẽo theo sát tôi, cô bảo em muốn mời anh ra nhà nghỉ ngủ, ban nãy anh kia trả tiền bo cho em rồi.

Đêm ấy khi khoả thân nằm cạnh Thu, tôi tính ra đã 4 năm rồi chưa làm tình.

Đến trưa tôi đưa Thu về lại nhà hàng Hoa Trà, nhà chủ tha thiết mời tôi làm bảo kê cho họ, chỉ cần tôi ngồi ở đó thôi, không phải làm gì hết. Thu cũng năn nỉ tôi làm, tôi nhận lời.

Được chục hôm, tôi thấy đồng tiền từ việc này còn tệ hơn cả buôn thuốc phiện, đúng nghĩa bọn ma cô chăn gái.

Tôi bỏ không làm nữa, quay về nhà bán nước với mẹ.

Người buôn gió

Thu đến thăm tôi lúc tôi ngồi bán nước, cô nhắc chuyện chủ nhà hàng mong tôi quay lại làm giúp. Mẹ tôi lại tưởng là tôi có bạn gái, nên ý tứ bảo trông hàng hộ tôi để hai đứa vào trong nói chuyện.

Tôi kể với Thu tôi không phải là dân giang hồ, chẳng qua vì lúc đó dại dột muốn kiếm tiền nên bị đi tù. Tôi muốn làm việc gì lương thiện sống, nếu tôi làm bảo kê ở đó, rồi có lúc đụng độ cũng dẫn đến lại vào tù. Tôi đang cố tìm xin việc, có nơi họ bán nước tinh khiết đóng chai đang hứa nhận tôi làm chở hàng bằng xe máy cho họ.

Thu khóc, cô cũng kể cô học trường thông tin của quân đội, lấy chồng cũng sĩ quan quân đội. Vợ chồng bỏ nhau, cô chán đồng lương ít ỏi và muốn tránh tiếng bị chồng bỏ ở quê, đi theo bạn xuống Hà Nội làm cave ở nhà hàng. Cô tính làm thời gian, có chút tiền sẽ về mở hàng tạp hoá ở quê.

Thu chào mẹ tôi về, mắt còn rớm lệ. Mẹ tôi lúc đầu thấy Thu đến thăm, vui lắm ra trông hàng hộ cho hai đứa tâm sự, lúc sau thấy Thu về buồn thế, còn tôi mặt u ám như kiểu chúng tôi quyết định không quan hệ. Niềm vui của mẹ chớm lên rồi tắt, mặt mẹ buồn thiu.

Chắc mẹ nghĩ cô ấy là bạn gái của tôi và chúng tôi vừa chia tay nhau.

Đúng hồi ấy tôi hay nghe Mạnh Đình hát bài có đoạn.

Nhà nghèo chẳng có chi ăn

Trèo lên cây khế hỏi thăm chú quạ vàng..

..biết tôi năm ấy phải lòng

Mẹ tôi mừng suốt mùa đông tuổi già.

Mùa xuân em đi lấy chồng.

..đêm nằm ngồi khóc lẻ loi

vì chưng thương mẹ dáng ngồi buồn xo

Bạn tù cũ vẫn đến thăm, mẹ tôi luôn thân thiện với họ. Bởi mẹ tôi nghĩ, không ai có thể rủ tôi phạm tội được cả, nếu có chỉ là tôi quyết định làm.

Phần này tôi đưa lại bài Cách Một Cây Cầu.

………………………….

Cách một cây cầu.

Nhà tôi ở ngõ Phất Lộc, cách con sông Hồng không xa, hồi bé tôi thường đi bộ ra sông bơi. Bên kia sông là đất Gia Lâm với những địa danh như Ngọc Thuỵ, Bồ Đề…chỉ cách nhà tôi một cây cầu.

Vài chục năm trước , thuở đất Gia Lâm bắt đầu nhập nhoạng giữa làng với thành phố, một số nơi người ta còn chưa đổi tên làng thành phường như sau này. Người ta vẫn còn giữ đất trồng rau và lối sống của một làng xã đồng bằng Bắc Bộ.

Năm 1993 tôi có người yêu ở làng Thượng Cát, đến năm 1997 tôi đi tù về, cô ấy đã có người yêu khác. Tôi gặp lại một lần, hai người ngồi quán cà phê, cô ấy hỏi đúng câu tôi về bao giờ, rồi cứ cúi đầu lặng thinh. Một lúc lâu im lặng, tôi nói từ tốn rằng tôi biết cô ấy có người khác, đấy là con của một nhà hàng rắn nổi tiếng ở Gia Lâm. Tôi về chỉ gặp chào thôi, còn chuyện cô ấy với người kia, tôi mong cô hạnh phúc.

Tôi không gặp lại cô, thỉnh thoảng tôi vẫn sang bên kia sông chơi với những người bạn cũ, trong đó có anh bạn có cô em rất quý tôi, cô ấy giới thiệu tôi với đám bạn của cô. Cô không biết quá khứ của tôi thế nào, nhà cô làm nghề bán phở. Một hôm tôi ngồi với anh cô ở quán, thì thằng Sâm và thằng Tấn vào quán, thấy tôi chúng ồ lên chào, thăm hỏi tíu tít.

Thằng Sâm và Tấn ở cùng buồng 6-8 với tôi ở Hoả Lò, cô em kia vừa bán hàng vừa nhìn tôi đầy ngạc nhiên pha lẫn vẻ sợ hãi. Rồi sau đó cô dò hỏi thằng Sâm thêm về tôi, thằng đấy lại được dịp huênh hoang kể lể. Tất nhiên tôi chẳng là gì ghê trong tù, nhưng thằng Sâm nó muốn hoành tráng về những gì nó trải qua trong tù, nó biến tấu tôi là một đại ca trong đấy. 

Người bình thường nghe đến tù là sợ hãi, đằng này chứng kiến tận mắt thằng hàng xóm bất trị không biết sợ ai, ra tù vào tội mà thấy tôi thái độ nể phục như thế, tôi là đại ca trong đấy. 

Câu chuyện lan ra, tất cả những bạn của cô đều biết tôi là một kẻ giang hồ vừa ra tù, lại là kẻ có số má trong tù nữa. Rồi có lần cả đám đang ngồi quán phở, ông Hưng Bái cầm bến Cầu Chui phi xe trước cửa hỏi thăm nhà ai, nhìn thấy tôi ngồi trong đó , ông vồn vã hỏi về bao giờ thế, chiều qua nhà anh chơi nhé. Thế là rõ mười mươi tôi là thằng lưu manh, giang hồ chẳng dấu được.

Cô gái bán phở tên Hương, đám bạn cô ấy là những cô gái hiền lành, hầu hết họ học xong cấp 3 rồi đi làm ở khu công nghiệp Sài Đồng. Ở vùng quê sắp đang chuyển mình sang thành phố như thế, những cô gái đi làm khu công nghiệp là niềm tự hào của mọi nhà, đi làm khu công nghiệp như vậy là tiếp xúc với nền văn minh, có sinh nhật, có hội hè, có những giao lưu như trong những bộ phim Hàn đang chiếu trên truyền hình. Buổi tối khi cơm nước xong, các chàng trai cô gái ngồi quây quần ở nhà nào đó, họ nói chuyện ở công ty, nói chuyện lương thưởng, việc làm. Những câu chuyện của họ rất yêu đời, thánh thiện. Tôi rất thèm được hoà mình trong họ, nghe những câu chuyện trong sáng như thế. Tôi muốn tránh xa những bạn bè của trước kia để dần dần tìm một cuộc sống mới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here