TRUMP – NÓI VÀ LÀM

0
28
18-04-2024
(Phần 1/2)
Trump được bàn dân thiên hạ đặt cho một biệt danh là vua nói dối (Lying King). Theo Washington Post, tổng số tuyên bố sai trái hoặc gây hiểu lầm của Trump là 30,573 trong 4 năm làm tổng thống. Trump còn một khuyết điểm nghiêm trọng hơn nữa là việc làm không đi đôi với lời nói.
Chỉ còn hơn sáu tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Đây là lúc kiểm điểm lại một số sự kiện đã và đang xẫy ra trong vài năm qua liên quan cựu Tổng Thống Donald Trump và sẽ là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 11 sắp tới.
Bài báo này sẽ khá dài vì Trump có nhiều khuyết điểm mà độc giả cử tri cần phải biết và có thể sẽ không có phần tham khảo vì tôi đã phải tham chiếu vài chục tài liệu hoặc là tôi sẽ chỉ liệt kê khoảng 10 tài liệu quan trọng nhất. Xin độc giả thông cảm.
* CUỘC BẦU CỬ 2020 BỊ ĐÁNH CẮP.
Trump lên án cuộc bầu cử 2020 bị Đảng Dân Chủ đánh cắp trong khi ông làm tổng thống có FBI, CIA, Secret Services trong tay. Sau nhiều cuộc điều tra và kiện tụng trước tòa, các cơ quan có thẩm quyền đã không tìm thấy chứng cớ gian lận quy mô nào trong cuộc bầu cử này. Trái lại, có bằng chứng rõ ràng chính Trump đã âm mưu đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống 2020 ở Georgia. Trump đã bị truy tố về việc này và đang chờ ngày ra tòa.
Chính ông đã khích động cuộc bạo loạn 6/1/2021 để đảo lộn kết quả bầu cử tổng thống 2020. Một trong những chiến thuật của Trump là tạo ra những đại cử tri giả và áp lực Phó Tổng Thống Mike Pence không chứng thực các đại cư tri hợp pháp. Trump đã bị tòa truy tố về vụ 6/1 và đang chờ ngày ra tòa.
* TÁT CẠN ĐẦM LẦY – BÀI TRỪ THAM NHŨNG
Tát cạn đầm lầy là cụm từ được các chính trị gia thường xuyên sử dụng từ những năm 1980 và ở Mỹ thường ám chỉ việc giảm bớt ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đặc biệt, các nhà vận động hành lang và bài trừ tham nhũng nói chung. Vào ngày 17-10-2017, trong bài phát biểu về cải cách đạo đức, Donald Trump tuyên bố: “Đã đến lúc phải tát cạn đầm lầy ở Washington, D.C.” Và sau đó Trump đã thường xuyên xử dụng khẩu hiệu này và được công chúng tán thưởng.
Chẳng bao lâu, Trump lại chính là chủ đề liên quan đến tham nhũng của những bài báo tràn ngập trên Internet.
Một trong những tài liệu đó là báo cáo được phổ biến vào đầu năm nay “Bán Nhà Trắng: Làm sao hoàng tử, bộ trưởng, thủ tướng trả nợ Trump” (White House for Sale: How Princes, Prime Ministers, and Premiers Paid Off President Trump) của Đảng Dân Chủ Hạ Viện trong Ủy Ban Giám Sát Và Trách Nhiệm (Committee on Oversight and Accountability).
Báo cáo gây chấn động này tiết lộ mức độ tham nhũng của Tổng thống Donald Trump với hơn $7.8 triệu thanh toán từ nước ngoài và các nhà lãnh đạo của họ, bao gồm một số chế độ tồi tệ nhất thế giới qua các cơ sở kinh doanh do Trump làm chủ. Số tiền này không bao gồm hàng triệu đô la chui vào túi của con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner của ông khi họ còn ở Nhà Trắng.
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đã cho phép điều này xẩy ra bằng cách từ chối thực hiện giám sát và thi hành hiến pháp cấm nhận tiền nước ngoài. Các đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện như Chủ Tịch lúc bấy giờ là Paul D. Ryan (Cộng Hòa , Wisconsin) đã làm ngơ.
Theo báo The Atlantic, tham nhũng của Trump không có giới hạn. Khách sạn của Trump tính Sở Mật vụ với “giá cắt cổ” – lên tới $1,185 một đêm, theo báo cáo của Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện – dành cho các nhân viên an ninh ở khi Trump hoặc các thành viên trong gia đình ông ta đến thăm.
Các công ty và các nhóm lợi ích khác muốn hối lộ Trump chỉ đơn giản là bơm tiền vào cơ sở kinh doanh của Trump. Khi họ tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ cho việc sát nhập, các giám đốc điều hành tại T Mobile đã chi $195,000 tại khách sạn của Trump ở Washington, D.C. Khi Viện Điều Hòa, Sưởi Ấm và Làm Lạnh muốn chính quyền ủng hộ một hiệp ước quốc tế giúp các thành viên, họ đã trả hơn $700,000 để tổ chức một sự kiện tại khu nghỉ dưỡng chơi gôn của Trump ở Florida. Chính phủ Qatar mua một căn hộ trong tòa nhà mang thương hiệu Trump ở New York với giá $6.5 triệu.
* ĐẠI DỊCH COVID 19
Đây là một biến cố thể thảm nhất trong cuộc đời làm tổng thống của Donald Trump. Lúc đầu tuy được báo là có đại dịch, ông dấu hết mọi người và tuyên bố đại dịch là một tin bịa đặt của Đảng Dân Chủ để hại ông và không tin cả vào báo cáo của tình báo Hoa Kỳ vào đầu năm. Ông lo sợ kinh tế suy sụp nhiều hơn là lo cho sự an toàn của dân.
Sau đó ông tuyên bố sẵn sàng đối phó với đại dịch COVID-19. Sự thực là Hoa Kỳ thiếu thốn trầm trọng mọi thiết bị y tế ngay cho cả các bệnh viện.
Kể từ ngày Tổng Thống Trump công bố tình trạng khẩn cấp về COVID-19, ông liên tục tung ra những thông tin sai lầm hoặc thiếu chính xác khiến một số cơ quan truyền thông không trực tiếp truyền thanh hay truyền hình các buổi họp báo nữa hoặc không tham dư.
Trump từng tuyên bố những câu như:
* Sự bùng phát coronavirus chỉ tạm thời. Một ngày nào đó nó sẽ biến đi như một phép lạ.
* Trời ấm sẽ có ảnh hưởng mạnh trên coronavirus.
* FDA đã chấp thuận chloroquine để trị COVID-19.
* Đeo khẩu trang không cần thiết (thực tế khẩu trang là cách tránh truyền bệnh và lây bệnh khá hiệu quả).
Sự cẩu thả của Trump và lãng phí khoảng ba tháng đã khiến hàng trăm ngàn người Mỹ chết oan. Đây không phải là điều ông làm cho nước Mỹ vĩ đại.
* MEXICO SẼ TRẢ TIỀN XÂY BỨC TƯỜNG BIÊN GIỚI.
Trump nhiều lần tuyên bố trước công chúng là Trump sẽ buộc Mexico phải trang trải phí tổn xây bức tường biên giới. Kết quả là Trump đã dùng ngân sách liên bang và tiền thuế của dân Hoa Kỳ để trả chi phí này.
Tính đến tháng 12 năm 2020, tổng cộng kinh phí cấp cho hàng rào mới là khoảng $15 tỷ. Trong số đó một phần ba do Quốc Hội cấp trong khi Trump ra lệnh lấy phần còn lại từ ngân sách quốc phòng.
* CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI TỐT VÀ DỄ THẮNG.
Trump từng tuyên bố ông là một người chủ trương thuế quan (tariff man). Ông cho rằng chiến tranh thương mại tốt và dễ thắng. Trên thực tế ông đã bước vào một bãi mìn. Xung đột kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã diễn ra kể từ tháng 1, 2018, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với Trung Quốc với mục tiêu buộc nước này phải thay đổi những gì Hoa Kỳ cho là các hoạt động thương mại không công bằng lâu nay và trộm cắp tài sản trí tuệ. Chính quyền Trump tuyên bố rằng những hoạt động này có thể góp phần vào thâm hụt thương mại Mỹ-Trung và chính phủ Trung Quốc yêu cầu chuyển giao công nghệ Mỹ cho Trung Quốc.
Để đáp trả các biện pháp thương mại của Mỹ, chính phủ Trung Quốc cáo buộc chính quyền Trump tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ dân tộc và có hành động trả đũa. Sau khi chiến tranh thương mại leo thang suốt năm 2019, tháng 1/2020 hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một đầy căng thẳng; Thỏa thuận này hết hạn vào tháng 12 năm 2021 và Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu về nhập khẩu của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại gây ra tổn thất kinh tế cho cả hai bên và dẫn đến sự chuyển hướng dòng chảy thương mại ra khỏi cả Trung Quốc và Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại, đầu tư kinh doanh bị đình trệ và các công ty không tuyển dụng nhiều người. Trên khắp đất nước, rất nhiều nông dân đã phá sản, một số người đã phải tự vẫn và lĩnh vực sản xuất và vận tải hàng hóa đã chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc suy thoái kinh tế vừa qua. Hành động của Trump được coi là một trong những đợt tăng thuế lớn nhất trong nhiều năm.
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump, cuộc chiến thương mại được coi là một thất bại đối với Hoa Kỳ trái với lời cam kết của ông.
* TRUNG QUỐC PHẢI TRẢ THUẾ QUAN GIA TĂNG.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng Trung Quốc sẽ trả mức thuế mà ông đã áp đặt đối với $250 tỷ trị giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Nhưng đó ước mơ của những chính khách thiếu kiến thức căn bản về kinh tế thị trường. Chính phủ Trung Quốc và các công ty ở Trung Quốc không trực tiếp trả thuế.
Thuế quan là thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Họ được các công ty nhập cảng đăng ký tại Hoa Kỳ thanh toán cho hải quan Hoa Kỳ đối với hàng hóa họ nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Các nhà nhập khẩu thường chuyển chi phí thuế quan sang cho khách hàng – nhà sản xuất và người tiêu dùng ở Hoa Kỳ – bằng cách tăng giá.
Chính quyền Trump đã suy luận một cách sai lầm cơ bản rằng Trung Quốc sẽ buộc phải giảm giá xuất cảng để duy trì thị phần. Nhưng điều này đã không xẩy ra vì độ co giãn nhu cầu theo giá (price elasticity of demand) thấp. Dân chúng Mỹ tiếp tục mua hàng nhập cảng từ Trung Quốc dù giá cao hơn do việc Hoa Kỳ tăng thuế. Cuối cùng những công ty nhập cảng và dân tiêu thụ Mỹ lãnh đủ hầu hết hậu quả của việc tăng thuế và lạm phát ở Mỹ cao hơn.
* CÂN BẰNG NGÂN SÁCH QUỐC GIA VÀ GIẢM NỢ CÔNG
Một trong những điều Trump hứa hẹn trong khi tranh cử là ông sẽ làm cân bằng ngân sách nếu được bầu làm tổng thống. Trong nhiệm kỳ bốn năm, Trump đã làm ngân sách quốc gia thiếu hụt nhiều hơn vì giảm rất nhiều thuế cho người giầu và các đại công ty và tăng ngân sách quốc phòng. Ngân sách đầu tiên của ông cho tài khóa 2018 có mức thiếu hụt là $779 tỷ. Mức thiếu hụt tăng lên đến $984 tỷ vào năm 2019 và lên tới hơn $1 nghìn tỷ vào năm 2020 trước khi Quốc Hội thông qua gói kích thích trị giá $2 nghìn tỷ để chống lại sự sụp đổ kinh tế do đại dịch Covid 19.
Theo tính toán của chuyên gia ngân sách hàng đầu của Washington, Eugene Steuerle, đồng sáng lập của Urban-Brookings Tax Policy Center, mức tăng thâm hụt hàng năm dưới thời Trump được xếp hạng là mức tăng lớn thứ ba xét theo quy mô nền kinh tế dưới bất kỳ chính quyền tổng thống Mỹ nào.
Tương tự như ngân sách liên bang, Trump cũng hứa hẹn sẽ làm giảm nợ quốc gia. Nhưng thực tế cho thấy nợ quốc gia đã tăng gần $7.8 nghìn tỷ trong thời gian Trump nắm quyền. Con số này gần gấp đôi số tiền mà người Mỹ nợ từ các khoản vay sinh viên, vay mua ô tô, thẻ tín dụng và mọi loại nợ khác ngoài nợ thế chấp cộng lại, theo dữ liệu từ Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang New York. Số tiền nợ liên bang mới cho mỗi đầu người Mỹ là khoảng $23,500.
* LUẬT THUẾ 2017 (TAX CUTS AND JOBS ACT).
Luật thuế năm 2017 là một công trình vĩ đại nhất và cũng là một thất bại to lớn nhất của Tổng Thống Trump. Ngay khi nhậm chức, Tổng Thống Trump đã cho thi hành chính sách giảm thuế trị giá $1,900 tỷ. Ông nói kế hoạch giảm thuế của ông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế. Trên thực tế, kế hoạch này rất tốn kém, chỉ mang lại lợi ích lớn cho những người rất giàu có và các tập đoàn lớn nhất.
Luật thuế 2017 dựa vào lý thuyết “trickle-down economics” mà tôi tạm dịch là kinh tế thấm xuôi. Lý thuyết này được đặt nhiều tên trong nhiều năm – bao gồm Reaganomics, Laissez-faire capitalism, top-down economics hay supply-side economics. Dù người ta gọi nó là gì chăng nữa thì ý nghĩa vẫn là bằng cách giảm gánh nặng thuế cho tất cả mọi người, đặc biệt là tầng lớp kinh tế ưu tú, những lợi ích tiếp theo sẽ “nhỏ giọt” xuống các tầng lớp dưới và cải thiện cuộc sống của mọi người.
Trên thực tế , điều này không xẩy ra với chính quyền Trump. Thật vậy, những gia đình có thu nhập nằm trong 1% trên cùng sẽ nhận được mức thuế trung bình cắt giảm hơn $60,000 đô la vào năm 2025, so với mức cắt giảm thuế trung bình dưới $500 cho các gia đình thuộc nhóm 60% dưới cùng theo Trung tâm Chính sách Thuế (Tax Policy Center – TPC). Tính theo tỉ lệ của của thu nhập sau thuế, cắt giảm thuế ở mức cao nhất – cho cả hai hộ gia đình nằm trong 1% và 5% nhóm giầu nhất – hơn gấp ba lần tổng giá trị cắt giảm thuế nhận được cho những người có thu nhập ở 60% dưới cùng.
Văn Phòng Ngân Sách Quốc hội (CBO) ước tính vào năm 2018 rằng luật năm 2017 sẽ tiêu tốn $1,900 tỷ trong 10 năm. Ước tính gần đây cho thấy rằng biến đổi việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế bất động sản tạm thời thành vĩnh viễn sẽ tiêu tốn thêm khoảng $350 tỷ mỗi năm bắt đầu từ năm 2027. Cùng với việc cắt giảm thuế 2001 và 2003 được ban hành dưới thời Tổng Thống Bush (hầu hết được thực hiện vĩnh viễn vào năm 2012), luật pháp đã làm giảm nghiêm trọng doanh thu của quốc gia. Tỷ lệ doanh thu trên tổng sản lượng nội địa (gross domestic product – GDP) đã giảm từ khoảng 19.5% trong những năm ngay trước khi Bush cắt giảm thuế xuống chỉ còn 16.3% trong những năm ngay sau đợt cắt giảm thuế của Trump. Doanh thu dự kiến sẽ tăng lên mức hàng năm trung bình 16.9% của GDP trong giai đoạn 2018-2026 (không tính những năm có đại dịch) theo CBO. Điều này đơn giản là không đủ doanh thu dựa trên nhu cầu đầu tư của quốc gia và các cam kết của chúng ta đối với bảo hiểm an ninh xã hội và sức khỏe.
Các viên chức của chính quyền Trump tuyên bố việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp sẽ dẫn đến tăng thu nhập $4,000 cho mỗi gia đình. Nghiên cứu mới cho thấy những người lao động kiếm được ít hơn khoảng $114,000 trong năm 2016 thu nhập không có thay đổi từ việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp, trong khi giám đốc điều hành cấp cao lương tăng mạnh. Tương tự như vậy, một nghiên cứu cặn kẽ đã kết luận rằng 20% của luật thuế khấu trừ chuyển tiếp, thiên vị các chủ doanh nghiệp giàu có, phần lớn đã đã thất bại trong việc tiếp cận công nhân ở những công ty không phải là chủ sở hữu. Giống như việc cắt giảm thuế của Bush trước đó, việc cắt giảm thuế năm 2017 của Trump là một thất bại.
Bốn năm sau khi Trump nhậm chức, bất bình đẳng lợi tức nhập tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn bất kỳ chính quyền nào trong số năm chính quyền gần đây nhất. Khoảng cách giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất của Mỹ tăng gần 9% mỗi năm dưới thời Trump. Tốc độ tăng trưởng đó nhanh hơn so với các giai đoạn trước.
* KINH TẾ PHÁT TRIỂN 4% – 6% MỖI NĂM.
Donald Trump cũng không thực hiện được lời hứa này. Ông cam kết kinh tế sẽ phát triển từ 4% – 6% sẽ giúp chính phủ thu thuế nhiều hơn và sẽ cân bằng ngân sách quốc gia và giảm nợ công. Nhưng trong 4 năm, kinh tế chỉ tăng 2.5% (2017), 3% (2018), 2.3% (2019), và giảm 2.8% (2020). Đây cũng là một trong những lý do làm cho ngân sách quốc gia thiếu hụt và nợ công nhiều hơn.
* TÁI THIẾT HẠ TẦNG CƠ SỞ
Trong bài phát biểu chiến thắng vào tháng 11, 2016 Trump tuyên bố sẽ phát triển cơ sở hạ tầng thành một mô hình không ai sánh kịp và chúng tôi sẽ đưa hàng triệu người dân trở lại làm việc khi chúng tôi xây dựng lại nó.
Trump đã lặp lại lời hứa chi tiêu lớn cho đường sá, đường sắt và sân bay trong nước, nhưng cho đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hành động. Vào tháng 3, 2018, Quốc Hội đã chấp thuận $21 tỷ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng – thấp hơn rất nhiều so với mức $1.5 nghìn tỷ mà ông Trump đã kêu gọi.
Vào tháng 4, 2019, ông Trump và các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã đồng ý chi $2 nghìn tỷ cho cơ sở hạ tầng, một thỏa thuận sau đó đã thất bại. Vào Tháng 6, 2020 đã có báo cáo cho rằng chính quyền Trump đang thực hiện kế hoạch trị giá $1 nghìn tỷ, nhưng chưa có thông báo nào được đưa ra. Phải đợi đến khi Joe Biden lên làm tổng thống kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở mới được thực hiện.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here