Tác giả: Jonathan Kirshner
Dịch giả: Trần Ngọc Cư
Số tháng 3 và tháng 4/2021
Tiếp theo phần I
TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN
Tồn tại liên tục cho đến chính quyền Biden, do đó, là nhận xét cho rằng trọng tâm chính trị ở Hoa Kỳ đã chuyển khỏi chủ nghĩa quốc tế mang tính đặc trưng của 75 năm trước Trump và hướng tới một cái gì đó gần hơn với chủ nghĩa cô lập, vốn có một truyền thống lâu dài trong lịch sử Hoa Kỳ. Khi đánh giá quỹ đạo tương lai của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, các nhà quan sát bên ngoài sẽ phải đưa ra đánh giá về từng đảng phái chính trị.
Ngay cả khi Trump mãn nhiệm, Đảng Cộng hòa có thể sẽ từ chối việc tách mình khỏi chủ nghĩa Trump, vì nhiều quan chức dân cử sống trong nỗi sợ rằng Trump sẽ biến khối cử tri to lớn và trung thành của mình thành những kẻ chống phá những người chỉ trích ông. Ít nhất thì về luận điệu, đảng này có thể sẽ vẫn giữ thái độ “sinh quán chủ nghĩa” [dành ưu tiên cho người sinh ra tại Mỹ so với người nhập cư] và dân tộc chủ nghĩa đối với phần còn lại của thế giới.
Các chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ mặc dù có thể bớt ác ý hơn một cách công khai, nhưng sẽ không mang lại nhiều trấn an đối với bên ngoài. Người ta có thể kỳ vọng Biden sẽ làm tràn ngập lĩnh vực này với một đội ngũ chính sách đối ngoại đầy ấn tượng và mang đến mọi cảm tưởng trấn an rằng Hoa Kỳ sẽ hành xử như một cường quốc có trách nhiệm, một cường quốc gắn bó với thế giới, tôn trọng luật lệ và tuân theo các chuẩn mực. Nhưng sứ mệnh của ông ta có giới hạn.
Biden, được bầu chủ yếu trên một chính sách nhắm vào tất cả những gì Trump không có, có một ít vốn liếng chính trị quý giá nhưng có thể ông sẽ không triển khai nó cho mục đích đấu tranh cho các ưu tiên chính sách đối ngoại của mình. Đảng Dân chủ, thống nhất trong nỗi kinh hoàng của họ trước nhiệm kỳ tổng thống của Trump, bị chia rẽ về nhiều thứ khác. Các vết nứt có thể nhìn thấy chạy qua đảng, thường ở các đường phân chia thế hệ, giữa cánh giữa của đảng và cánh tả. Và khối cử tri trung gian của nó, mặc dù không theo chủ nghĩa sinh quán [nativism] hay chủ nghĩa dân tộc [nationalism], nhưng có thể được mô tả là cảnh giác đối với với chủ nghĩa toàn cầu [globalism-wary] và thậm chí là tò mò với chủ nghĩa cô lập [isolationism-curious].
Các xung đột trong Đảng Dân chủ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do độ tuổi của Biden vào thời điểm ông nhậm chức (78). Cho rằng chính bản thân Biden đã nhiều lần ám chỉ rằng ông rất có thể trở thành tổng thống chuyển tiếp, một nhiệm kỳ, các thành viên đảng Dân chủ của ông sẽ nhanh chóng bắt đầu tranh giành vị trí trong cuộc chiến dự kiến giành vai trò lãnh đạo đảng. Do đó, việc dự đoán hành vi của Hoa Kỳ một lần nữa sẽ đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng con đường phía trước về các hậu quả chính trị có thể xảy ra trong 4 năm tới.
Tệ hơn nữa, các đánh giá của người nước ngoài về Hoa Kỳ phải xét đến khả năng nước này sẽ sớm hoàn toàn bị loại khỏi cuộc chơi đại cường. Nhìn một cách khách quan, Mỹ tự hào có một nền kinh tế khổng lồ và chỉ huy một quân đội ấn tượng nhất thế giới. Nhưng như một câu ngạn ngữ nói về các đội thể thao, họ không chơi trò chơi trên giấy và ta có đủ lý do để đặt câu hỏi liệu Washington có đủ tiềm lực để hành xử như một diễn viên có mục đích trên sân khấu thế giới và theo đuổi lợi ích lâu dài của mình hay không.
Vấn đề không chỉ là, khi chính trị nội bộ không chịu dừng lại trên mé nước [trên bờ đại dương], chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có thể thay đổi khó lường từ chính quyền này sang chính quyền khác. Vấn đề là, nước đang tràn vào con tàu Hoa Kỳ. Đất nước này đã bước vào thời đại chỉ có thể được coi là thời đại phi lý trí [an age of unreason], với những mảng dân số đông đảo theo thuyết âm mưu hoang đường.
Hoa Kỳ ngày nay trông giống như Athens trong những năm cuối của Chiến tranh Peloponneso hay giống nước Pháp trong những năm 1930: một nền dân chủ vững mạnh một thời đã trở nên xơ xác và dễ bị tổn thương. Pháp, rơi vào chính sách nhượng bộ vô nguyên tắc đối với Đức Quốc Xã, sẽ sớm minh họa rõ ràng rằng một quốc gia chỉ tập trung vào xung đột xã hội trong nước không phải là một quốc gia có khả năng thực hiện chính sách đối ngoại hiệu quả, có thể dự đoán hoặc đáng tin cậy.
KHÔNG CÒN ĐƯỢC HƯỞNG NHỮNG TẤM SÉC ĐỂ TRỐNG
Kịch bản về một tương lai u ám này có thể không trở thành hiện thực. Nó thậm chí không phải là tương lai dễ xảy ra nhất của Mỹ. Nhưng logic của tình trạng hỗn loạn trật tự quốc tế đòi hỏi rằng tất cả các quốc gia ít nhất phải tiến hành tìm hiểu sự phân cực và rối loạn chức năng trong nước của Hoa Kỳ, suy nghĩ chín chắn về tác động của kịch bản có hậu quả khó lường, và tưởng tượng một thế giới trong đó Washington, dù với tất cả sức mạnh thô bạo của nó, ít liên quan đến chính trị thế giới. Triển vọng này sẽ đưa đến các tái thẩm định quan trọng [major reassessments] về hành vi của Hoa Kỳ.
Một số sửa đổi chính sách sắp xảy ra sẽ lành tính và thậm chí có lợi từ quan điểm của Hoa Kỳ. Về mặt tích cực của sự kết toán sổ sách đối ngoại, các nước Trung Đông cuối cùng có thể bắt đầu hình dung cuộc sống không có các cam kết quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực.
Vào năm 1990, người ta có thể hiểu được rằng các đồng minh của Hoa Kỳ đã hoan nghênh cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo để giải phóng Kuwait khỏi sự chiếm đóng của Iraq. Nếu cuộc xâm lược đó không được chặn đứng, Iraq có thể đã đạt được sự thống trị chính trị đối với trữ lượng dầu hỏa khổng lồ của toàn bộ khu vực Vịnh Ba Tư. Do đó, trong bối cảnh không có một đối thủ quân sự ngang hàng hoặc một mối đe dọa an ninh cấp bách, Hoa Kỳ đã có một vị trí thuận lợi để đẩy lùi cuộc xâm lược đó.
Nhưng nhiều điều đã thay đổi trong ba thập niên qua. Hoa Kỳ hiện là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới; Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iraq, Kuwait và Saudi Arabia; vả lại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ nên tìm cách ngăn cản, không trợ cấp, việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ngày nay nếu có một ai đó đang thiết kế chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ đầu, thì sẽ rất khó biện minh cho cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh. Đặc biệt, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Ả Rập Xê-út luôn là một cuộc hôn nhân tuỳ tiện hơn là một tình bạn sâu sắc. Điều đó đặc biệt rõ ràng dưới thời Trump, nơi có mối quan hệ mờ ám giữa các ông hoàng với nhau, giữa con rể của Tổng thống, Jared Kushner, và Mohammed bin Salman, thái tử Ả Rập Xê Út.
Nhưng các quan hệ cá nhân lại là những quan hệ phù du nhất. Chúng giải thích cho việc chính quyền Trump gần như im lặng trước vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post (được cho là do chính thái tử ra lệnh) và sự chấp thuận ngầm về cơn ác mộng nhân đạo là cuộc chiến của Ả Rập Xê Út ở Yemen.
Ngược lại, với tư cách là một ứng cử viên, Biden nói rằng nếu ông được bầu, Ả Rập Xê Út sẽ không còn được hưởng một “tấm séc để trống nguy hiểm.” Luôn luôn có khả năng là các luận điệu lúc tranh cử sẽ dẫn đến thực tế của chính trị quyền lực, nhưng khi đánh giá an ninh quốc gia của chính mình trong những năm tới,