Con chị ấy học lớp 9, ngày 3 buổi: sáng học ở trường, chiều cũng ở trường để học “tăng cường”, rồi sau đó kéo đến trung tâm. Từ trung tâm lại kéo về nhà cô giáo, học từ 17h15’ đến 19h 15’. Về tới nhà, tắm rửa thay đồ xong cũng phải 8h tối mới được ăn cơm.
Ở trường, chính khóa cũng cô dạy, tăng cường cũng là cô, đến trung tâm lại gặp lại cô, và về nhà thì tất nhiên cũng vẫn là cô rồi. Con thường xuyên kêu mệt và chán.
Tôi hỏi, sao chị không cho cháu ở nhà. Chị nói, chính cháu cũng sợ, vì nếu không đi học thêm có thể bị điểm kém, vì các bạn được tủ bài, mình thì không; con không đi học thêm ở trung tâm hay ở nhà cô, khi lên lớp mà giơ tay phát biểu cô cũng không bao giờ gọi…
Chị nói, có nhiều khi gia đình lục đục cũng chỉ vì con đi học tối ngày. Sáng bố dậy đi làm thì con đã ra khỏi nhà, tối bố về cũng không thấy con. Nghe nằng nặng trong những con chữ phía bên kia màn hình…
Hai vợ chồng thì lo kiếm tiền cho con đi học thêm, mỗi tháng dù học trường công nhưng cũng phải hết 4 triệu. Mà như chị nói thì mức đóng này cũng chỉ là trung bình thôi, có nhiều bạn còn đóng cao hơn, vì học kín cả tuần 3 môn Toán, Văn, Anh.
Tôi lại hỏi chị, tại sao cũng giáo viên trong trường đó dạy mà phải kéo nhau ra cái “trung tâm” kia? Chị nói, trong trường theo quy định của nhà nước thì chỉ thu có 17 nghìn/tiết, nhưng ra trung tâm thì thu tới 40 nghìn, nên nhà trường mới kéo nhau ra đó. Mà giáo viên cũng chẳng thích dạy ở trung tâm đâu, vì phải cắt phần trăm lại cho chủ trung tâm (nghe mọi người nói chính là hiệu trưởng của nhà trường). Các thầy cô giáo cũng chỉ thích dạy ở nhà thôi vì giá cao hơn trung tâm lại không phải cắt cho ai, nhưng sợ hiệu trưởng, nên phải lén lút, còn dặn phụ huynh giữ mồm giữ miệng…
Một nội dung, học đi học lại 4 lần ở 3 chỗ khác nhau trong một ngày, từ sáng tới đêm. Chao ôi, cái sự kiếm ăn sao mà tàn nhẫn độc ác bất lương. Cả một đám người lớn mang danh nhà giáo mà bu vào xâu xé những đứa trẻ non nớt. Thế mới biết, không phải chỉ có các trung tâm từ bên ngoài tràn vào trường học, mà còn cả trung tâm mọc ra từ trong nhà trường nữa. Thiên biến vạn hóa.
Tôi hỏi chị, ở Hà Nội học sinh có đi học thêm nhiều như nơi trường con chị không. Chị nói đa số, nhà trường và giáo viên đã mở lớp ra thì nhiều ít cũng cố mà đi, chứ không thì lo lắng đủ điều.
Biết rằng kêu gọi trách nhiệm của những người đang “chèo lái con thuyền giáo dục” thì thật xa xỉ, mà thúc giục phụ huynh hãy dũng cảm lên để giành lại tuổi thơ cho con thì thường gặp những nỗi sợ hãi nơi họ. Tôi hiểu, nhưng các vị phải dũng cảm lên, vì lẽ phải trong tay mình. Thương con đứt ruột mà không hành động được vì con thì còn ai có thể?
Thái Hạo