Trung Điền
Chỉ còn 6 năm nữa, đảng CSVN bước vào tuổi 100 (1930-2030). Về mặt con số, cho thấy là đảng CSVN sống khá thọ, hơn cả tuổi thọ trung bình của một đời người. Nhưng về mặt năng lực, rõ ràng là đảng CSVN ngày nay chỉ còn là cái xác khô và đang trong quá trình phân hủy.
Sự kiện cùng một lúc thượng tầng lãnh đạo mất hai ghế tứ trụ: Chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội mà đã gần một tháng nay chưa có người thay thế một cách chính thức, trong khi cơ quan lãnh đạo tối cao là Bộ Chính trị đã bị rơi rụng – chỉ trong 2 năm từ 18 xuống còn 13 người, cho thấy là thượng tầng lãnh đạo CSVN có vấn đề.
Sự chậm trễ trong việc tìm người điền khuyết vào hai vị trí trống của tứ trụ đã dấy lên ba câu hỏi:
1) Phải chăng là thiếu người có đủ điều kiện để điền khuyết vào hai chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội như quy định là phải ở Bộ Chính trị hai nhiệm kỳ. Hiện nay chỉ còn hai người “đủ điều kiện” là bà Trương Thị Mai (Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) và ông Tô Lâm (Bộ trưởng Công An)?
2) Phải chăng là các phe phái trong Trung ương đảng đã “đấu đá” nhau kịch liệt khiến cho việc chọn lựa nhân sự thay thế gặp bế tắc?
3) Phải chăng là sự lãnh đạo của đảng hiện nay hoàn toàn nằm trong tay của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên việc điền khuyết 2 ghế tứ trụ trong thực tế cũng không ảnh hưởng gì đến quyền lực của đảng đang nằm trong tay ông Trọng và phe nhóm của ông?
Cả ba câu hỏi này đều có liên hệ trực tiếp đến hậu quả của chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2012 cho đến nay.
Mục tiêu ban đầu của ông Trọng khi nắm ghế tổng bí thư trong đại hội XI vào năm 2011 là muốn “thanh toán” ông Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm trong bộ máy chính quyền, lấy cớ là để loại trừ những con “sâu chúa tham nhũng” trong các bộ và các tập đoàn kinh tế. Nhưng ông Trọng đã thất bại trong việc “thanh toán” phe ông Dũng bằng đòn đốt lò, mà đã phải bày binh bố trận bằng những quy định về điều lệ đảng để nhằm loại ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chạy đua vào ghế tổng bí thư với ông Trọng trong đại hội XII vào năm 2016.
Sau khi loại ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng bắt đầu mạnh tay thanh trừng nội bộ qua chiến dịch “đốt lò,” với tuyên bố: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.”
Trên mặt nổi, ông Trọng coi chiến dịch đốt lò là để “giành lại quyền lực và uy thế” cũng như “củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền và sự lãnh đạo của đảng,” nhưng những gì diễn ra qua các cuộc truy tố và phanh phui trên mặt báo về tên tuổi của những “củi khô, củi tươi,” thì đa số là những người liên hệ đến các phe nhóm của cựu ủy viên Bộ Chính trị như ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Văn Chi, ông Lê Thanh Hải, ông Phạm Bình Minh, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ… cho thấy đây là cuộc sát phạt của ông Trọng nhắm vào các đối thủ chính trị của mình.
Nếu ông Trọng thật sự dùng chiến dịch “đốt lò” để lấy lại uy tín của đảng, thì tại sao chính ông Trọng, với tư cách tổng bí thư kiêm trưởng Tiểu ban Nhân sự qua các kỳ đại hội XII (2016), đại hội XIII (2021) và sắp tới là đại hội XIV (2026) lại để lọt những cán bộ biến chất, tham nhũng vào Trung ương đảng và leo lên Bộ Chính trị. Sự việc này cho thấy hai điều:
Một là ông Trọng đã quỷ quyệt khi biết rất rõ tham nhũng không thể nào tiêu diệt được trong một thể chế độc tài độc đảng, nhưng ông vẫn nhân danh trong sạch đảng để tìm cách triệt hạ một cách có hệ thống những đối thủ chính trị của ông.
Và hai là ông Trọng đã thâm độc khi dùng chính kế sách đốt lò để củng cố vây cánh, trở thành “thái thượng hoàng” nắm quyền lực suốt đời.
Từ cuối năm 2023, tin đồn loan truyền rằng ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ lần thứ hai và tình trạng sức khoẻ nguy kịch có thể không qua nổi. Trong lúc tin đồn chưa có lời giải thì hình ảnh ông Trọng khoẻ mạnh xuất hiện trong cuộc họp bất thường của Quốc hội để thông qua Luật Đất đai vào ngày 15 tháng 1, 2024. Dư luận cho rằng ông Trọng đã lập kế “giả chết bắt quạ,” tức để “thăm dò các cận thần và buộc đối thủ của mình phải lộ diện.”
Không biết là ông Trọng có tìm ra những “con quạ” nào không nhưng chỉ mấy tháng sau đó, hai nhân vật mà dư luận cho rằng “rất gần” với ông Trọng là ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ phải viết đơn từ nhiệm hết mọi chức vụ vì bị dính đến vụ hối lộ của hai tập đoàn sân sau là Phúc Sơn và Thuận An.
Hiện nay chỉ còn lại ba người có “đủ điều kiện” để thay ông Trọng trong Đại hội XIV (2026) là Thủ tướng Phạm Minh Chính (đang bị đồn là dính đến vụ hối lộ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhân vật đang chạy trốn), Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (đang bị đồn là dính đến vụ án đất ở Lâm Đồng và Đà Lạt), Bộ trưởng Công An Tô Lâm (hiện không là tứ trụ và ở tuổi quá 65 để có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ, nên Tô Lâm sẽ phải chọn một trong hai ghế tứ trụ đang bị bỏ trống thì mới có hy vọng để tranh với ông Trọng).
Nội tình thượng tầng lãnh đạo của đảng CSVN hiện nay phải nói là “nát” hơn tương. Tư thế chính trị của các ủy viên Bộ Chính trị hiện nay như Nguyễn Văn Nên (Bí thư Sài Gòn), Đinh Tiến Dũng (Bí thư Hà Nội), Phan Đình Trạc (Trưởng Ban Nội chính), Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Phan Văn Giang (Bộ trưởng Quốc Phòng), Lương Cường (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân), Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao), Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM), Trần Thanh Mẫn (Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội) rất là yếu. Những người này không có khả năng gì nổi trội và đa số đều “gật đầu” theo mệnh lệnh của ông Nguyễn Phú Trọng.
Rốt cuộc là sự khủng hoảng thượng tầng tứ trụ và chưa có người thay thế như hiện nay là do tính toán của ông Trọng. Nguyễn Phú Trọng không muốn ai hăm he thay thế mình vì ông tự cho đủ khả năng “cầm chịch” quyền lực và muốn kéo dài thêm nữa.
Tóm lại, ông Nguyễn Phú Trọng đã học tập tốt kế sách “đả hổ diệt ruồi” và dùng nó để lần lượt tiêu diệt các đối thủ chính trị như ông Tập Cận Bình đã làm bên Trung Quốc từ năm 2013 đến nay. Vì thế, ngày nào còn ông Trọng nắm quyền, đừng chờ đợi Việt Nam ra khỏi bóng đen của Bắc Kinh và đại hội XIV tới đây cũng chỉ là bổn cũ soạn lại: Tiếp tục “đốt lò.”
Đảng CSVN đang tự mục nát từ bên trong và sẽ bị nghiền nát bởi một cơn bão lớn đến từ khát vọng muốn thay đổi của hàng triệu người dân Việt Nam, căm phẫn vì sự ngoan cố và tham quyền cố vị của Nguyễn Phú Trọng.
Nguồn: Web Việt Tân
Advertisement