Thái Bình Dương báo động làn sóng tàu Việt trộm hải sâm

0
699
Một tàu cá của Việt Nam và 15 thuyền viên bị bắt giữ gần rạn san hô Saumarez thuộc Khu bảo tồn Hải dương Khối Thịnh vượng Chung ở Biển San hô, Úc, ngày 10 tháng 4, 2017.
   

VOA

Trong phòng xử án chật cứng những bị cáo vào một ngày đầu tháng Ba, 50 ngư dân Việt Nam lần lượt bước lên đối diện chánh án Tòa án Quốc gia Waigani của Papua New Guinea để nghe cáo trạng. Họ không có luật sư biện hộ và chỉ hiểu được chuyện gì đang diễn ra nhờ một nữ tu Công giáo người Việt thông dịch. Rồi từng người họ nhận tội.

Nhà chức trách Papua New Guinea bắt giữ những người đàn ông này vào cuối tháng 12 năm ngoái khi họ đang đánh bắt hải sâm trong vùng biển phía đông nam của nước này mà không có giấy phép hợp lệ. Cả 48 thuyền viên và 2 thuyền trưởng bị tuyên án bốn năm tù giam cùng lao động khổ sai nếu họ không nộp khoản tiền phạt hơn 6.000 đôla mỗi thuyền viên và gần 50.000 đôla mỗi thuyền trưởng.

Dù tới nay 43 thuyền viên đã nộp tiền phạt và được hồi hương, án tù và mức tiền phạt là lời cảnh cáo không khoan nhượng của Papua New Guinea đối với những tàu cá Việt đã liên tục xuất hiện trong vùng biển nước này khoảng ba năm gần đây để đánh bắt trộm hải sâm, loài sinh vật biển được tiêu thụ phần lớn ở các thị trường Châu Á để làm thuốc và chế biến những món cao lương mỹ vị.

Nhưng Papua New Guinea không phải là điểm đến duy nhất.

Với màu sơn xanh da trời đặc thù, những chiếc tàu gỗ nhỏ phần lớn xuất phát từ Quảng Ngãi giờ đang tỏa rộng khắp khu vực tây nam Thái Bình Dương và tiến sâu vào vùng duyên hải của những nước như Palau, Liên bang Micronesia, Úc, New Caledonia, Quần đảo Solomon và Vanuatu, vượt qua những chặng đường có khi hơn 10.000 km.

Và khi tin tức về những vụ phát hiện và bắt giữ những tàu cá này được loan tải thường xuyên hơn, giới chức ngư nghiệp của các nước trong khu vực trong những cuộc phỏng vấn với VOA bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng về một vấn đề đang lớn dần mà họ nói cần biện pháp ứng phó cấp bách.

Làn sóng ‘tàu xanh’

“Đó là vấn đề rất nghiêm trọng cho chính phủ các đảo này trên một số phương diện,” ông James Movick, Tổng giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (FFA), nói. “Một phương diện dĩ nhiên là chuyện vi phạm biên giới quốc gia. Những tàu này đang tiến vào bên trên những rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế 12 hải lý và bên trong lãnh hải, và đây là sự vi phạm về nhập cảnh, quyền chủ quyền và kiểm soát biên giới.”

Ông Movick đầu tháng 5 đã chủ trì một hội thảo tập trung bàn về những tàu cá trái phép của Việt Nam ở khu vực tây nam Thái Bình Dương, được gọi bằng cái tên “Vietnamese blue boats” (những chiếc tàu xanh dương Việt Nam). Tại đây, các nước thành viên bị ảnh hưởng của FFA chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của mình về những chiếc tàu này trong hai ngày nhóm họp ở thành phố Brisbane, Úc.

Tình trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài không phải là hiện tượng mới. Bộ Nông nghiệp và Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho biết hàng trăm ngư dân, phần lớn từ các tỉnh trung và nam bộ, mỗi năm đều bị các nước láng giềng của Việt Nam như Philippines, Malaysia và Indonesia bắt giữ trong vùng biển của họ vì hoạt động đánh bắt trái phép.

Quảng Ngãi nổi bật trong số những tỉnh có nhiều ngư dân đi đánh bắt trái phép ở nước ngoài. Dữ liệu những vụ bắt giữ tàu Việt Nam thời gian gần đây trong khu vực tây nam Thái Bình Dương cho thấy đa phần lớn những con tàu này mang ký hiệu “QNg” với đại đa số ngư dân đến từ xã Bình Châu, ven biển phía đông Quảng Ngãi. Họ nhắm mục tiêu vào những loài hải sâm có giá trị kinh tế lớn mà trữ lượng còn khá dồi dào ở những đảo quốc xa xôi.

Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.

Bức hình chụp ngày 10 tháng 6 năm 2015 được Chính phủ Palau công bố cho thấy ngư dân Việt Nam ngồi trên tàu cá của mình neo đậu ở thành phố Koror, Palau sau khi bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm trái phép trong vùng biển của đảo quốc nhỏ bé này.

Lợi nhuận béo bở

“Đặc thù của Quảng Ngãi là nghề lặn, các tỉnh khác không có nghề lặn nên không có qua chi bên đó,” ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, cho biết. Ông giải thích thêm rằng vì ở các rạn đá, rạn san hô mới có hải sâm có giá trị kinh tế lớn nên ngư dân Quảng Ngãi mới đi xa như vậy xâm phạm vùng biển các nước.

Vụ bắt giữ những ngư dân Quảng Ngãi ở Papua New Guinea hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy quyết tâm theo đuổi lợi nhuận béo bở của họ từ những chuyến đi biển kéo dài hàng tháng liền.

Chánh án John Kaumi của Papua New Guinea, trong phán quyết tuyên phạt 50 ngư dân Quảng Ngãi vào đầu tháng 3, nói rằng tổng cộng quãng đường mà một trong hai chiếc tàu đã đi từ cảng Sa Kỳ của Việt Nam tới nước ông là hơn 12.600 km, với những điểm dừng ở Philippines, Malaysia và New Caledonia, nơi mà các ngư dân cũng bị nghi đánh bắt hải sâm trái phép trước khi vòng lên Papua New Guinea tiếp tục hoạt động.

Với phương thức thu hoạch “thô sơ nhưng hữu hiệu một cách tàn nhẫn,” tổng sản lượng hải sâm mà ngư dân trên hai chiếc tàu này đánh bắt được là hơn 3 tấn, trong đó có hơn 2,6 tấn hải sâm vú trắng (white teatfish), một trong những loài hải sâm có giá cao nhất trên thị trường Châu Á. Papua New Guinea ước tính lượng hải sâm vú trắng này trị giá hơn 411.000 đôla.

Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương họ bỏ lại đằng sau.

Ngành khai thác hải sâm của Papua New Guinea từng cung ứng 10 phần trăm lượng hải sâm buôn bán toàn cầu vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, giá tăng và thương nhân ồ ạt đổ vào ngành kinh doanh này đã dẫn tới việc khai thác quá mức, khiến Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia của Papua New Guinea ban hành lệnh cấm khai thác tạm thời vào năm 2009. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào năm ngoái.

Papua New Guinea cho biết từ năm 2014 tới nay đã bắt giữ chín tàu đánh bắt hải sâm trái phép của ngư dân Việt Nam, tất cả đều tới đây trong khoảng thời gian lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.

“Chúng tôi xem đây rõ ràng là sự xem thường luật pháp của chúng tôi,” ông Gisa Komangin, viên chức quản lý của Cơ quan Ngư nghiệp Quốc gia Papua New Guinea nói với VOA bên lề hội thảo ở Brisbane. “Người dân bản địa nước chúng tôi lệ thuộc rất nhiều vào hải sâm và công dân Papua New Guinea tôn trọng lệnh cấm tạm thời. Sao chúng tôi lại cho phép hành vi của những người rõ ràng không tôn trọng luật pháp của chúng tôi?”

Trong lúc nói chuyện với VOA, ông Komangin cho biết có thêm ba chiếc tàu xanh vừa được phát hiện trong vùng biển của Papua New Guinea.

Tổn thất và chi phí

“Họ cứ tới lấy như thể là của mình và chẳng màng gì tới sinh kế của người dân địa phương bỏ lại đằng sau,” ông Eugene Pangelinan, Giám đốc Điều hành Cơ quan Quản lý Tài nguyên Đại dương Quốc gia của Liên bang Micronesia, nói trong một chuyến thăm hồi gần đây của VOA.

Liên bang Micronesia, một quốc đảo nhỏ bé và hẻo lánh nằm ở trung Thái Bình Dương, đã bắt giữ chín tàu đánh cá và xấp xỉ 169 ngư dân từ Việt Nam kể từ tháng 12 năm 2014, theo một bản báo cáo tóm tắt mà Bộ Tư pháp nước này cung cấp cho VOA.

Ông Pangelinan cho biết hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam không chỉ gây nên tổn thất về sinh kế cho người dân nước ông vốn lệ thuộc gần như hoàn toàn vào ngành ngư nghiệp mà còn tạo thêm gánh nặng tài chính hết sức to lớn cho đảo quốc này, nơi có nền kinh tế nhỏ với nhiều thách thức về phát triển.

Trong những vụ việc gần đây, mỗi một tàu tuần tra tiêu tốn 30.000 tới 40.000 đôla chỉ để đi ra những đảo xa xôi thực hiện công tác giám sát, ông nói. Nếu phát hiện có tàu đánh bắt trái phép thì việc đưa những tàu này về xử lý có thể tốn thêm 15.000 đôla, tùy theo quãng đường và thời gian các tàu ở ngoài khơi. Nhưng ông Pangelinan nói chi phí lớn hơn cả là một khi ngư dân được đưa vào cảng thì nhà chức trách phải lo về an ninh và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ trong lúc chờ tòa án xét xử.

Một ngư dân được khám sức khỏe trước khi được hồi hương, Pohnpei, Liên bang Micronesia. (IOM Micronesia)

Một ngư dân được khám sức khỏe trước khi được hồi hương, Pohnpei, Liên bang Micronesia. (IOM Micronesia)

“Chuyện này kéo dài đã hai, ba năm nay rồi và chúng tôi tin chắc là chi phí đã vượt mức 200.000 đôla,” giám đốc cơ quan ngư nghiệp của Liên bang Micronesia nói. “Số tiền 200.000 đôla đó lẽ ra có thể đã được dùng để chi trả cho thuốc men bệnh viện, trả lương cho giáo viên, thanh toán những dịch vụ chính phủ cơ bản.”

Điểm nóng mới

Dù tầm hoạt động vẫn quanh khu vực tây Thái Bình Dương, nhưng dường như trọng tâm hoạt động của những tàu đánh bắt hải sản trái phép từ Việt Nam gần đây đã dịch chuyển xuống phía nam với những vụ bắt giữ mới nhất trong năm nay tập trung ở Úc, New Caledonia và Quần đảo Solomon. Số liệu mà VOA thu thập và kiểm đếm cho thấy từ đầu năm 2017 tới nay có ít nhất 18 tàu với khoảng 207 ngư dân bị bắt giữ trong khu vực này, nhiều nhất ở New Caledonia, với 11 tàu và khoảng 105 ngư dân.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp này trở thành điểm nóng mới nhất của làn sóng tàu xanh đến từ Việt Nam. Cách Úc 1210 km về hướng đông, New Caledonia có khu bảo tồn hải dương lớn thứ ba trên thế giới trải rộng trên diện tích 1,3 triệu kilômét vuông và nổi tiếng về sự đa dạng sinh học phong phú và độc đáo. Những rạn san hô và đảo biệt lập như Chesterfield, Bellona, Astrolabe, Pétrie, và Entrecasteaux – vốn được xem là những địa điểm nguyên sơ cuối cùng của hành tinh – lại chính là mục tiêu nhắm tới của những tàu đánh bắt hải sâm trái phép từ Việt Nam.

Sự xuất hiện liên tục của những chiếc tàu xanh này gần một năm qua khiến nhà chức trách New Caledonia lo ngại rằng có thể còn nhiều tàu như vậy nữa đang hoạt động mà chưa bị phát hiện trong khi người dân thì bất an và phẫn nộ. Truyền thông địa phương cho hay căng thẳng đã gia tăng ở xã Bélep ở phía bắc hòn đảo này, nơi những chiếc tàu xanh thường bị phát hiện, vì ngư dân Việt Nam ẩu đả với ngư dân địa phương.

Trong thông cáo gửi tới VOA qua email, Bộ Ngoại giao Pháp nói họ “cực kỳ lo ngại” về tình trạng các tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển của New Caledonia để đánh bắt trái phép, điều mà Pháp gọi là “vấn đề đang lớn dần.”

“Trong bối cảnh này, ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ những khu vực hải dương và sự đa dạng sinh học hải dương,” thông cáo viết.

“Vì thế chúng tôi đang tích cực tập trung nỗ lực của mình vào vấn đề này, trong khi tôn trọng những quy định quốc tế và tham gia đối thoại thẳng thắn với Việt Nam, một đối tác trọng yếu của Pháp ở Châu Á.”

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết thêm rằng đại sứ quán Pháp ở Hà Nội đã chính thức lên tiếng với giới hữu trách Việt Nam để bày tỏ lo ngại, yêu cầu tăng cường giám sát và tìm kiếm giải pháp, cũng như xác định những mạng lưới địa phương tổ chức đưa ngư dân đi đánh bắt trái phép.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không hồi đáp email của VOA hỏi về sự tiếp xúc này.

‘Tội ác đối với đa dạng sinh học’

Manuel Ducrocq, Phó giám đốc Cơ quan Ngư nghiệp và Môi trường Hải dương Caledonia, là thành viên duy nhất của phái đoàn New Caledonia đến dự hội thảo “Tàu xanh” ở Brisbane. Cũng như những đại diện khác thuyết trình tại hội thảo, anh bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về hoạt động đánh bắt trái phép của những chiếc tàu này. Nhưng với anh vấn đề không chỉ dừng lại ở chuyện xâm phạm biên giới quốc gia và đánh bắt tài nguyên trái phép.

“Đó là tội ác đối với đa dạng sinh học,” anh nói với VOA trong những phút giải lao bên lề hội nghị.

Cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, anh Ducrocq giải thích rằng chính phủ New Caledonia đã quyết định hợp lực với toàn thể người dân bảo vệ vùng biển của họ và duy trì sự đa dạng sinh học cũng như việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển, “để con cái của chúng tôi có thể có cơ hội nhìn thấy san hô, nhìn thấy hải sâm và ăn chúng.”

Chính vì vậy anh xem việc những tàu Việt Nam xâm phạm không gian bảo tồn này và lấy đi hải sâm là điều “không thể chấp nhận được.”

“Vào lúc này những chiếc tàu đó vẫn tiếp tục đi vào vùng bảo tồn đa dạng sinh học, và có lẽ trong vài tháng hay một năm nữa sự đa dạng sinh học mà chúng tôi đã ra sức bảo tồn sẽ bị hủy hoại và có thể biến mất,” anh lo lắng nói về viễn cảnh sắp tới.

“Chúng tôi nghĩ giải pháp duy nhất là ở Việt Nam.”

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here