Tết và dĩ Âu vi trung trong văn hóa

0
104
Hai Phong 1978

Thái Hạo

Những năm gần đây, cứ đến dịp này là lại thấy nhiều người lên tiếng đòi bỏ Tết. Lý do thì nhiều, như ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng lãng phí, tai nạn giao thông, ăn nhậu bừa bãi, cản trở sự phát triển của xã hội, và nhất là “gốc Tàu”. Với những lý do ấy, người ta đề xuất bỏ Tết, phương án là chỉ ăn tết Tây như Nhật Bản, để mau đến văn minh.

Không bàn bạc về những lý do được nêu ra, chỉ nói tới tinh thần dĩ Âu vi trung trong văn hóa của nhiều người Việt ngày nay. Dĩ âu vi trung, đại khái là lấy châu Âu làm trung tâm, làm mẫu mực và lý tưởng. Một mô hình chính trị dân chủ thì đúng là nên học tập và áp dụng từ các quốc gia Tây phương tiến bộ, nhưng văn hóa là một vấn đề rất khác, không nên đánh đồng.

Người Ấn Độ ăn bốc. Với họ, việc dùng tay để bốc thức ăn cho vào miệng là một cử chỉ đầy lòng tôn trọng và mang tính thiêng liêng, họ xa lạ với việc sử dụng các dụng cụ như đũa, thìa, nĩa. Ngược lại, người ở nhiều dân tộc trên thế giới thì coi việc chạm tay vào thức ăn là rất bất lịch sự, ít nhất cũng là mất vệ sinh. Ở đây, trong văn hóa ăn uống, không thể nói cái nào đúng hơn, hay hơn, văn minh hơn, bởi vì nó mang tính quan niệm. Việc quan hệ tình dục trước hôn nhân đối với một số dân tộc là tồi tệ nhưng ở những dân tộc khác thì hoàn toàn lành mạnh. Việc thờ cúng tổ tiên như một thứ tôn giáo được một số dân tộc đặc biệt coi trọng nhưng lại xa lạ với một số dân tộc khác. Đông phương coi trọng ngày chết (giỗ) nhưng Tây phương chú trọng ngày sinh. Phần lớn dân tộc trên thế giới coi trọng sự ổn định, vững vàng nhưng người Digan thì chỉ thích du cư, cuộc sống của họ là nay đây mai đó, ca hát và nhảy múa… Tóm lại, văn hóa là một bức tranh vô tận màu sắc và cơ bản là tài sản mang tính nhân loại, trừ những hủ tục phản khoa học, phản lại các giá trị căn bản, phổ quát.

Tết là một giá trị văn hóa của cộng đồng Việt và một số nước châu Á khác. Đọc về phong tục đón năm mới của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có những nước “văn minh”, chúng ta sẽ không thể mang kiến thức khoa học hay cái được gọi là “tiến bộ” ra để phán xét, vì chúng “chẳng giống ai” cả! Nếu ở Đan Mạch, vào sáng sớm ngày đầu năm khi bạn mở cửa ra mà thấy một đống bát đĩa bị đập vỡ ngay dưới chân thì nên mỉm cười, vì đó là những lời cầu chúc dành cho bạn! Người Ytaly sẽ mặc đồ lót màu đỏ vào đêm giao thừa vì theo họ màu đỏ sẽ mang đến sự sinh sôi! Người Thụy Sĩ sẽ ném kem xuống sàn nhà vào lúc nửa đêm vì điều đó sẽ mang lại một năm may mắn, bởi kem tràn đầy!

Bạn định theo cái “tết Tây” nào? Đó là chưa nói bọn Tây cũng đánh nhau liên miên trong suốt chiều dài lịch sử, phải chăng những nước nhỏ yếu từng bị ức hiếp cũng nên tẩy chay cái tết dương lịch? Và đó còn là chưa nói đến việc không phải nước nào “ăn tết Tây” cũng giàu có. Nhưng Hàn, Sing, Đài ăn tết Nguyên Đán mà vẫn giàu có đó thôi!

Cái quyết định tương lai của một quốc gia không phải là ăn cái tết nào, mà là mô hình chính trị. Từ mô hình chính trị tiến bộ sẽ xây dựng nền học vấn quốc gia và sáng tạo ra các giá trị vật chất lẫn tinh thần dồi dào. Đổ tội cho cái tết Nguyên Đán thì thật là oan ức làm sao.

Giả sử, cứ cho “Tết ta” là có nguồn gốc Trung Quốc đi, thì trải qua ngàn năm nó đã Việt hóa, trở thành một giá trị cổ truyền hoàn toàn. Không một người Việt nào ngồi Tết mà nhớ về Trung Hoa cả! Cũng như không một người Việt nào khi nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ vốn có khoảng 80% từ gốc Hán mà muốn mình trở thành một người Hán cả.

Giao lưu, giao thoa, thẩm thấu và chuyển dịch văn hóa vốn là một quy luật tất yếu của nhân loại, không một quốc gia nào biệt lập đến mức tự mình tồn tại mà không có những cộng sinh nhiều mặt, thậm chí là sự hòa huyết. Phật giáo vốn xuất phát từ Ấn Độ rồi lan ra khắp thế giới, theo thời gian và việc “nhập gia” mà “tùy tục” biến đổi. Thành ra mới có Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tây Tạng…, không ai hoàn toàn giống ai cả. Tết cũng thế, cùng xuất phát từ một nguồn gốc nhưng những sinh hoạt và lễ hội, phong tục ở mỗi ngước Á đông lại không giống nhau. Chúng góp phần định hình bản sắc văn hóa của dân tộc ấy chứ không còn là một thứ ngoại lai vênh váo.

Nếu có một ngày nào trong năm đã trở thành hồn cốt và thiêng liêng nhất với người Việt thì đó chắc hẳn phải là ngày Tết. Nó vừa là thời tiết, mùa màng, vừa là lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh. Nó kết nối con người với trời đất, kết nối những kẻ xa lạ, xóa đi những bất hòa hiềm hận…

Ngày nay, với sự cải thiện về đời sống vật chất và những thay đổi trong nếp sống xã hội, cái Tết vẫn chưa có những vận động theo kịp, thành ra còn đó những tồn tại bất tiện. Quá nhiều những cúng bái lê thê, quá nhiều những rượu thịt ê hề. Khi cơn đói nghìn năm đã được khỏa lấp, Tết nên trở thành một dịp nghỉ ngơi, gặp gỡ, vui chơi; thành một bình yên tận hưởng hương sắc của đất trời kỳ diệu đón mùa sang; thành đầm ấm hàn gắn sẻ chia…

Quan niệm, quan niệm, và quan niệm. Phải làm sống dậy và cấy nuôi những quan niệm tốt đẹp cho mọi sự mọi vật. Ăn có thể trở thành văn hóa, thành nghệ thuật, thậm chí thành những nghi thức thiêng liêng. Cái ăn không có tội, tội là bởi sự nông cạn của con người đã làm cho nó trở nên tầm thường và phàm tục. Đến tình dục cũng có thể trở nên một nghi lễ, những bộ phận truyền giống trở thành biểu tượng mang tính tôn giáo siêu việt cơ mà. Hà cớ gì không làm giàu cho Tết bằng sự giàu có trong tinh thần nòi giống mà lại khăng khăng đòi xử chết nó như một thứ tội đồ?

Thiết nghĩ, sự nông nổi và thái độ thù nghịch nhị nguyên bao giờ cũng là một trong những cội rễ của đói nghèo, lạc hậu, chia rẽ và chối bỏ và bạo lực. 

Tôi yêu và trân trọng những ngày tết cổ truyền của dân tộc, mong muốn giữ gìn, sửa sang và làm đẹp cái Tết cho non nước xuân thì. Tôi tin rằng, đến khi tự do cập bến, Tết sẽ bừng sáng hơn, an lành hơn, chứ không phải sẽ chết đi như một kẻ hắc ám nào đó trong trí tưởng tưởng của nhiều người.

Thái Hạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here