Tăng Tuyết Minh- Người vợ Trung Hoa của Hồ Chí Minh

    0
    179
    Bà Tăng Tuyết Minh
    Tháng Chín 6, 2017, in Lịch sử Việt Nam and tagged

    tang tueyt minhjpg.jpg

    Nguyên tác của Từ Song Minh

    Nguyễn Duy Chính dịch và giới thiệu

    Lời nói đầu: Theo điện thư của một bằng hữu, chúng tôi đọc được một bài báo trong Võ Hán Văn Sử Tư Liệu (武漢文史資料) [số 99 ra tháng 1 năm 2001], nguyên tác của Từ Song Minh (徐雙明) do Khổng Khả Lập (孔可立trích lại trên https://viet.com.cn/zeng_xueming.htm  viết về cuộc đời bà Tăng Tuyết Minh (曾雪明), người vợ Trung Hoa của Hồ Chí Minh.
    Tác giả của bài báo này có liên hệ gia tộc, vợ ông ta gọi bà Tăng Tuyết Minh là bà cô. Tăng Tuyết Minh là em út (cùng cha khác mẹ) của Tăng Cẩm Tương, ông nội của vợ Từ Song Minh. Để có thêm một số chi tiết về cuộc đời bí mật của người lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, chúng tôi lược dịch những điểm chính. Bài viết nguyên thủy có chỗ không được minh bạch lắm, chúng tôi cố gắng sắp xếp lại cho rõ ràng hơn. Nguyên tác vốn từ Võ Hán nên quan điểm chính trị rập theo đường lối Hoa lục. Phần viết về tiểu sử và văn thơ của Hồ Chí Minh chúng tôi cắt bỏ vì thấy không cần thiết. Những chữ trong ngoặc vuông là của người dịch phụ thêm.

    … Nhạc phụ tôi [Từ Song Minh] là Tăng Trụ Vân (曾柱雲) sinh năm 1906 tại Quảng Châu, mất năm 1994 tại Vũ Hán, lúc sinh tiền làm kỹ sư trưởng tại phòng thanh tra số 4, cục đường sắt. Thân phụ của ông tên là Tăng Cẩm Tương (曾錦湘), sinh năm Canh Dần đời Thanh Quang Tự thứ 6 (1880). Cụ Tăng Cẩm Tương có 10 anh chị em, người em gái út lấy Lý Thụy (李瑞) là thông dịch viên người Việt Nam của Bào La Đình (鮑羅廷) [tức Mikhail Markovich Borodin], cố vấn chính trị của Tôn Trung Sơn [tức Tôn Dật Tiên]. Lý Thụy chính là chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sáng ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sau này.

    Cha của Tăng Tuyết Minh (曾雪明) là Tăng Khai Hoa (曾開華) từng nhiều phen sang buôn bán tại Đàn Hương Sơn [tức Honolulu, Hawaii], Mỹ Quốc và đã cải đạo trở thành một gia đình Cơ Đốc giáo thuần thành, đời sống chân chỉ, lương thiện. Tăng Khai Hoa bình sinh có hai đời vợ, người vợ trước họ Phan sinh được hai trai, một gái, sau bị bệnh qua đời. Tăng Cẩm Tương là con trai thứ [của bà vợ cả]. Người vợ thứ hai họ Lương, sinh được 7 người con gái, người con út là Tăng Tuyết Minh.

    Tăng Tuyết Minh (曾雪明) sinh tháng 10 năm 1905 tại Quảng Châu, nguyên quán người trấn Tông Khẩu (鬆口), Mai Huyện (梅縣), tỉnh Quảng Đông.

    Từ năm 1912 đến năm 1917 [tức 7 đến 12 tuổi] bà theo học một trường tư tại Quảng Châu bao gồm trường tiểu học Chân Quang và trường Quốc Dân 14. Năm 1915, khi Tăng Tuyết Minh 10 tuổi thì phụ thân Tăng Khai Hoa qua đời tại Hương Cảng [Hongkong], thọ 76 tuổi [như vậy ông Tăng Khai Hoa sinh năm 1829].

    Từ năm 1918 đến năm 1921 [13 đến 16 tuổi], Tăng Tuyết Minh theo học làm cô mụ [đỡ đẻ, nguyên văn trợ sản sĩ 助產士] tại một y viện của người chị là Tăng Tuyết Thanh (曾雪清) mở ra ở đường Mễ Thị, Quảng Châu.

    Từ năm 1921 đến năm 1923 [16 đến 18 tuổi], cô làm y tá cho viện dục anh Đông Sơn của bà Tăng Tuyết Thanh. Năm 1923, bà Tuyết Thanh giúp đỡ cho Tuyết Minh đến học trung học tại Phiên Ngung nhưng tháng 6 năm sau, bà chị chẳng may qua đời nên Tuyết Minh phải chuyển qua học nghề tại bảo sanh viện Quảng Châu.

    Năm 1925, cô tốt nghiệp được viên hiệu trưởng bảo sanh học hiệu là Hoàng Ngọc Anh (黃玉英) cho làm cô mụ tại y viện La Tú Vân (羅秀雲) tại Quảng Châu, khi đó Tăng Tuyết Minh vừa đúng 20 tuổi.

    Vào thời kỳ đó, Quảng Châu đang là trung tâm của làn sóng cách mạng. Hà Hương Ngưng (何香凝), Đặng Dĩnh Siêu (鄧穎超), Sái Sướng (蔡暢) đều ở Quảng Châu tiến hành vận động phụ nữ. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng, Tăng Tuyết Minh thường đến nghe diễn thuyết về vận động phụ nữ và tham gia hoạt động, làm quen và kết thân với Đặng Dĩnh Siêu [vợ Chu Ân Lai], Sái Sướng.

    Về phần Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp Đông Phương đại học Mạc Tư Khoa, ông được Cộng Sản quốc tế gửi theo làm phiên dịch cho phái bộ Liên Xô [do Borodin cầm đầu] được Mạc Tư Khoa gửi sang Trung Quốc làm cố vấn. Ông Hồ đến Quảng Châu tháng 11 năm 1924, dưới bí danh là Lý Thụy.

    Một ngày năm 1925, Tăng Tuyết Minh đến thăm Sái Sướng để thực tập huấn luyện về vận động phụ nữ, khi từ trên lầu đi xuống thì gặp Lý Thụy từ dưới nhà đi lên. Hai người chào và nhìn nhau, ngay lần đầu Lý Thụy đã bị dáng dấp cao nhã và nhan sắc thanh xuân của Tăng Tuyết Minh cuốn hút. Khi lên gặp Sái Sướng, ông liền hỏi ngay cô gái vừa đi khỏi tên là gì, có liên hệ ra sao. Sái Sướng thấy Lý Thụy cũng còn độc thân nên hiểu ý cùng với Đặng Dĩnh Siêu giới thiệu cho Tăng Tuyết Minh.

    Lúc đó Tăng Tuyết Minh mới biết Lý Thụy, người thông dịch của phái bộ Bào La Đình kia là đảng viên cách mạng Việt Nam. Trong xã hội phong kiến cổ thời, việc luyến ái tự do là điều khó chấp nhận, huống chi Lý Thụy lại là người ngoại quốc, đã 35 tuổi [hơn cô ta 15 tuổi] mà chưa có vợ, liệu gia đình có đồng ý chăng? Cũng may họ Tăng tương đối tiến bộ. Sau khi hay biết, Tăng Cẩm Tương[1] liền cho mời Lý Thụy đến nói chuyện một hồi lâu. Sau khi gặp gỡ, Tăng Cẩm Tương nhận thấy Lý Thụy có tài, thông hiểu tình hình quốc tế, biết nhiều ngoại ngữ nên đã thay mặt gia đình chấp nhận lời cầu hôn.

    Năm 1926, Lý Thụy làm đám cưới với Tăng Tuyết Minh tại Quảng Châu. Đặng Dĩnh Siêu, Sái Sướng hai người làm chứng và mai dong chủ trì hôn sự. Trong ngày cưới, cố vấn Liên Xô Bào La Đình và phụ tá là Trương Thái Điện có đến chúc mừng, nghi lễ cực kỳ long trọng.

    Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc và thời gian này là khoảng trống trong tiểu sử của Hồ Chí Minh. Trong suốt thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1926, Tăng Tuyết Minh được tiếp tục huấn luyện tại văn phòng Vận Động Phụ Nữ do Hà Hương Ngưng sáng lập và được giảng viên Trịnh Phúc Như (鄭福如) giới thiệu gia nhập Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc. Cuối năm đó, Tăng Tuyết Minh cấn thai, Lý Thụy mừng rỡ khôn xiết, mong ngóng ngày được làm cha.

    Thế nhưng mẹ của Tăng Tuyết Minh [Lương thị] khi hay tin lại sợ con mình sinh nở rồi sẽ cùng chồng đi mất nên hết sức ép con gái phải phá thai. Vào lúc đó, các anh chị của Tăng Tuyết Minh – ngoại trừ anh hai Tăng Cẩm Tương – cũng hùa theo [phần lớn trong số 7 người con ruột của Lương thị đã chết yểu, chỉ còn một mình Tăng Tuyết Minh]. Cha chết sớm, mẹ sống cô độc trong tuổi già, Tăng Tuyết Minh đành phải nghe lời cho tròn chữ hiếu. Mặc dầu Lý Thụy hết sức khuyên lơn, Tăng Tuyết Minh nuốt lệ trục thai mang theo nỗi hận suốt đời. Hai người sống với nhau chưa tròn một năm.

    Tình hình biến chuyển, ngày 12 tháng 4 năm 1927 xảy ra biến động Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch tiến hành chiến dịch bài trừ và tiêu diệt đảng viên Cộng Sản. Theo chỉ thị của Cộng Sản Quốc Tế, Lý Thụy phải cùng đoàn cố vấn Liên Xô đi qua Vũ Hán, lên Thượng Hải rồi từ Hải Sâm Uy [Vladivostok] trở về Mạc Tư Khoa nhưng không được phép mang gia đình. Từ lúc này, vợ chồng mỗi người một nơi và theo đúng nguyên tắc [của đảng Cộng Sản] thì sẽ họ không bao giờ được quyền liên lạc với nhau nữa.

    Trong hoàn cảnh bi thương, tuyệt vọng, Tăng Tuyết Minh chỉ còn cách quay về sống với mẹ và làm cô đỡ tại huyện Thuận Đức. Không bao lâu, mẹ cô bị bệnh nặng nên Tăng Tuyết Minh phải nghĩ việc về lo cho mẫu thân, đến khi khỏi bệnh rồi thì trở về làm cô đỡ tại xã Quần An.

    Có một lần khi cô nghỉ phép về thăm mẹ, gặp một cô giáo ở đê Lặc Lưu tên là Hoàng Nhã Hùng (黃雅雄) cho hay Lý Thụy từ Thượng Hải gửi về Dư Gia Viên cho Tăng Tuyết Minh một lá thư, có người tên là Dư Bác Văn (余博文) nhận giùm. Y đã không chuyển giùm lá thư lại còn tự ý mở ra đưa cho cô giáo Hoàng Nhã Hùng coi chung rồi xé bỏ. Vào thời loạn ly, việc giao thông cực kỳ khó khăn, thư từ lại càng khó khăn hơn nữa. Cô giáo Hoàng cũng nói thêm, theo như cô ta nhớ được thì trong thư Lý Thuỵ cho hay ông ta đang ở Thượng Hải bình an. Lý Thụy cũng hẹn với vợ một hạn kỳ để Tăng Tuyết Minh cố gắng lên Thượng Hải rồi cùng xuất ngoại. Nếu như đến ngày ấy Tăng Tuyết Minh không lên được thì ông đành phải đi một mình … Khi biết được tin này, nhật kỳ ước định đã xa, Tăng Tuyết Minh chỉ đành thở dài nuốt nước mắt.

    Năm 1931, khi Lý Thụy (bấy giờ có tên là Tống Văn Sơ) bị nhà đương cục Anh bắt giam ở Hongkong, Tăng Tuyết Minh nghe tin có đến thăm chồng nhưng không được gặp, đành trở về.

    Tăng Tuyết Minh làm cô đỡ ở Quần An đến năm 1932 thì mẹ cô qua đời. Đến năm 1934, cô về Quảng Châu, bất ngờ gặp lại người thầy cũ là nữ bác sĩ Trương Tố Hoa (張素華) và được bà này nhận vào làm cô đỡ tại nơi bà ta đang làm việc. Từ đó bà Tăng Tuyết Minh– cho tới khi qua đời năm 1991 [thọ 86 tuổi] – làm việc và sinh sống tại Quảng Châu trong ngành hộ sản và nhi khoa.

    Đoạn kết

    Cứ theo lời tường thuật của tác giả bài viết này [Từ Song Minh] thì những người đồng hàng với vợ ông gọi bà là bà cô mười [thập cô bà 十姑婆]. Bà là một tín đồ Cơ Đốc rất ngoan đạo vẫn thường ngày đêm cầu nguyện cho trượng phu được bình an. Năm 1988, khi hai vợ chồng Từ Song Minh đến thăm bà ở Quảng Châu, Tăng Tuyết Minh vẫn thường thường nhắc đến người chồng nay đã quá cố. Bà kể lại rất rành rọt từ lúc hai người quen biết nhau, yêu thương nhau và từng chi tiết của ngày cưới như thế nào. Bà cũng cho họ coi những bức ảnh quí hiếm và đưa những lá thư bà viết cho ông Hồ Chí Minh để nhờ họ cất giữ. Hiện nay trong tay vợ chồng Từ Song Minh còn giữ được chiếc nhẫn đính hôn bằng hồng bảo thạch mà năm xưa Lý Thụy tặng cho Tăng Tuyết Minh và tấm rèm cửa do cố vấn Liên Xô Bào La Đình mừng hai người ngày cưới. Hai món kỷ niệm này sẽ mãi mãi là gia bảo để lại cho con cháu họ.

    Mãi tới năm 1950, khi tiểu sử và hình ảnh của lãnh tụ Cộng Sản nước Việt Nam – nhân ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Hồ Chí Minh – đăng trên Văn Hối Báo (文匯), Tăng Tuyết Minh mới biết rằng chồng mình nay đã có tên khác. Bà đã nhiều lần tìm cách liên lạc với ông nhưng không được toại nguyện. Đến khi chiến dịch chỉnh đốn tác phong được phát động, bà Tăng Tuyết Minh cũng bị đem ra “đấu tố” vì có hôn nhân bất minh, “nhận vơ” chồng mình là lãnh tụ của một nước bạn. Sự việc sau nổ lớn và đưa lên đến tận bà Sái Sướng, khi đó đang là chủ tịch Liên Hiệp Phụ Nữ toàn quốc và được xác nhận chính thức rằng Hồ Chí Minh chính là Lý Thụy năm xưa. Việc này vì thế không còn ai dị nghị nữa.

    Câu hỏi của người dịch:

    Tại sao ông Hồ Chí Minh sau này lấy tên trùng với bà? Nghe đâu ông còn giữ một đôi hài cũ, chuyện đó thực hay hư? Vì sao đảng Cộng Sản Trung Hoa và đảng Cộng Sản Việt Nam không đi xa hơn để cho hai người đươc trùng phùng ? Nếu có một thế giới bên kia, sau khi đã thoát khỏi mọi nhân sinh hệ lụy, liệu ông Hồ và bà Tăng có tái hợp hay chăng?

    Tất cả đều vẫn là những bí mật không có câu trả lời.

    Nguồn bài đăng

    Advertisements

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here