Tâm lý của những người sẵn sàng xuống đường đó thường rất thỏai mái

    0
    41
    Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông tập trung bãi thị sáng 19.9 ẢNH: NGUYÊN NGA

    Võ Hồng Ly

    19.09.2017

    Dạo FB để theo dõi các tin tức liên quan đến việc hơn 2000 bà con tiểu thương đã tập trung biểu tình sáng nay tại chợ An Đông, tôi thấy có mấy cái comment đại ý như sau mà làm cho tôi muốn cười lăn : « Lúc nãy đi ngang An Đông kẹt xe, gặp cả đoàn người đang đi biểu tình mà mặt mày chị em ai nấy đều cũng hớn hở như đi lễ hội, vãi cả biểu tình ! », « Biểu tình gì mà cứ như đi trẩy hội, mặt mũi còn cười toe cười tóet, chả nghiêm túc gì cả ! »…

    Ở Việt Nam, dù chưa có luật Biểu Tình, dù lý do biểu tình được đưa ra có hòan tòan chính đáng và đúng đắn đi nữa nhưng nhà cầm quyền vẫn luôn tìm cách bắt bớ, đàn áp những người tham gia biểu tình. Không những vậy, họ còn tìm cách tuyên truyền rằng biểu tình bị cấm vì biểu tình là hành vi trái pháp luật. Chính vì vậy mà đối với phần lớn người dân của chúng ta đều coi biểu tình là cái gì đó khủng khiếp lắm, phản động lắm vì đã dám đứng ra phản đối lại chính quyền. Chính vì suy nghĩ sai trái này nên họ luôn nghĩ rằng những ai đi biểu tình đều là những người đang chống chế độ và họ cũng không thể hiểu được là tại sao đã đi chống chính quyền mà mặt mũi người biểu tình lại có thể hớn ha hớn hở như xem dự lễ hội như vậy !

    Thật ra, khi chưa có luật biểu tình mà nhà cầm quyền luôn cấm biểu tình là một cái sai thứ nhất, đàn áp và bắt bớ người biểu tình trong khi họ đang bảo vệ lợi ích chính đáng của họ và của cộng đồng là cái sai thứ hai, tuyên truyền trái với pháp luật khi cấm mà chưa ban hành luật là cái sai thứ ba của nhà cầm quyền. Chính vì họ không đại diện và không đứng về lợi ích của nhân dân nên xung đột lợi ích ngày càng nhiều giữa nhân dân và nhà cầm quyền trong thời gian gần đây là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Đó là kết quả tất yếu của việc xa dân, không lấy lợi ích quốc gia và không lấy lợi ích của nhân dân làm trọng tâm trong các chính sách điều hành phát triển của những người lãnh đạo. Khi xung đột xảy ra thì dù mục đích biểu tình có là gì đi chăng nữa thì nhà cầm quyền vẫn tìm mọi cách ngăn cấm, cản trở, đàn áp và bắt bớ dưới nhiều hình thức và lý do khác nhau vì sợ sự sai trái của họ sẽ bị nhân dân tố cáo và vạch mặt, nhất là trong thời buổi các phương tiện truyền thông cá nhân đã phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.

    Ở các nước dân chủ phương tây, phần lớn các cuộc biểu tình đều diễn ra rất văn minh và nhân bản. Nhân dân của những đất nước này đều hiểu rằng biểu tình không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân vì nó cho phép tạo ra sự công bằng trong đối trọng quyền lực giữa nhà nước và nhân dân nhờ sự duy trì phản biện xã hội. Dù chủ đề biểu tình có là gì và có nhạy cảm như thế nào thì một khi đã xin phép và có giấy phép được cấp theo luật định thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bảo vệ và tạo điều kiện cho cuộc biểu tình được diễn ra tốt nhất có thể. Những ai đã từng đến hay sống ở các nước văn minh này đều có thể thấy hình ảnh người dân tươi cười, ôm hôn, chào nhau khi gặp mặt, phấn khởi hào hứng tham gia biểu tình một cách tích cực. Có những nơi người ta còn ăn mặc hóa trang, có trang bị ban nhạc, có loa phóng thanh tần suất cao để người biểu tình vừa đi, vừa có thể hô vang khẩu hiệu biểu tình, vừa có thể vừa hát, vừa nhảy một cách vui vẻ. Nếu gặp cảnh này, những người đến từ nơi khác không quen với những họat động biểu tình sẽ nghĩ là họ đang có mặt tại một lễ hội nào đó chứ không phải là đang đứng đối diện với những người « dân oan » đang đi đòi quyền lợi hoặc đang đi phản đối chính quyền của họ thông qua việc chống lại một chính sách, một dự thảo luật nào đó.

    Tâm lý của những người sẵn sàng xuống đường đó thường rất thỏai mái vì họ cho rằng việc đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, cho cộng đồng là điều hết sức cần thiết và có lợi về lâu dài. Họ không căng thẳng hay sợ hãi vì họ nắm chính nghĩa và họ cho rằng những việc họ làm là đúng. Chỉ có những ai làm sai thì mới luôn phải tìm cách bịt miệng, che giấu, lén lút và sẵn sàng sử dụng vũ lực để cho nhân dân không lật tẩy được những hành vi sai trái của họ bằng cách ngụy biện vì lý do an ninh.

    Do đó, khi thấy những người đồng bào của mình đang tuần hành ôn hòa, mặt mũi vui vẻ trên clip sáng nay ngay cả khi bên cạnh họ là những nhân viên an ninh mặt mũi căng thẳng, đằng đằng sát khí vô cùng hình sự thì tôi lại thấy rất vui và tự hào. Một công cuộc thay đổi lớn cho ngày mai đều phải được bắt đầu từ những hành động rất nhỏ ngày hôm nay của những con người tưởng như đã chấp nhận cam chịu cúi đầu. Những gì bà con tiểu thương đã cùng đòan kết thể hiện trong sáng nay tại Sài Gòn chứng tỏ họ đã bước qua nỗi sợ hãi và chuyển nỗi sợ hãi đó cho những người làm công tác an ninh và bảo vệ nhà cầm quyền. Đó mới là tinh thần biểu tình văn minh nhất, nhân bản nhất cần phải được chúng ta duy trì và phát huy trong tương lai.