Radio trò chuyện đang hướng hàng triệu người Mỹ ngả theo bảo thủ

0
18
Rush Limbaugh, một người dẫn chương trình radio, giới thiệu Tổng thống Trump tại cuộc vận động tranh cử năm 2018. Ảnh: Jeff Roberson/Associated Press

Translated from The New York Times article Talk Radio Is Turning Millions of Americans Into Conservatives

Paul Matzko, ngày 9 tháng 10, 2020

Phương tiện này là nòng cốt của chủ nghĩa Trump.

Mỗi tuần, có ít nhất 15 triệu người Mỹ theo dõi một trong 15 chương trình radio trò chuyện nổi tiếng nhất. Không phải tất cả đều theo phe bảo thủ, nhưng họ đang chiếm số lượng áp đảo. Hầu hết các chương trình đều có người dẫn thuộc nhóm bảo thủ hay tự do – cùng với thính giả trung thành của họ như “Dittoheads” của Rush Limbaugh hay “Savage Nation” của Michael Savage. Chỉ có một người nghiêng về cánh tả.

Tuy khán giả của radio trò chuyện đang dần lớn tuổi hơn, tiền quảng cáo tiếp tục giảm, và các hình thức truyền thông đại chúng mới như podcast (tệp âm thanh có thể nghe trực tiếp hoặc tải về từ internet) bắt đầu cạnh tranh gay gắt, hàng triệu người Mỹ vẫn nghe radio trò chuyện mỗi ngày, tiếp nhận thông tin hình thành tư tưởng chính trị của họ. Fox News thường được cho là đã hình thành quan điểm bảo thủ và ảnh hưởng sâu sắc tới chính quyền Trump, nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của radio trò chuyện.

Chủ nghĩa bảo thủ trên radio trò chuyện không hoàn toàn đồng nhất với thể chế bảo thủ của các think tank (các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách), tạp chí cánh tả ở Washington, và chính Đảng Cộng hòa. Tới đầu những năm 2000, chủ nghĩa bảo thủ này đã trở thành một loại bảo thủ không còn tập trung nhiều vào thị trường tự do và chính phủ nhỏ mà thay vào đó là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy. Nói ngắn gọn, đây là cốt lõi của chủ nghĩa Trump – vào thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, dù có còn Tổng thống Trump hay không.

Sức mạnh của radio trò chuyện bắt nguồn từ chính lượng nội dung khổng lồ được sản xuất ra mỗi tuần. Một chương trình radio trò chuyện được sản xuất mỗi ngày trong tuần và kéo dài ba tiếng. Vậy, chỉ riêng 15 chương trình nổi tiếng nhất đã lên tới 45 tiếng nội dung mỗi ngày. Nếu không tính hàng trăm chương trình địa phương khác, một thính giả trung thành có thể nghe những cuộc trò chuyện khuynh hướng bảo thủ trên radio cả ngày, xuyên suốt cả tuần, mà vẫn không bao giờ tiêu thụ hết được.

Kỳ lạ thay, radio trò chuyện vẫn chưa nhận được sự chú ý của truyền thông quốc gia. Phần lớn là vì khuynh hướng tiếp nhận truyền thông được phân chia theo tầng lớp. Nếu bạn ghé thăm một tiệm đồ mộc hoặc nhà máy, hay đi ké một chiếc xe tải đường dài, khả năng cao radio trò chuyện sẽ là một phần không thể thiếu. Nhưng nhiều trí thức, gồm cả nhà báo, vẫn bối rối trước tầm phủ sóng của radio trò chuyện vì họ không nghe radio trò chuyện, và cũng chẳng quen ai nghe cả.

Hơn nữa, những ai muốn cố gắng hiểu radio trò chuyện hơn sẽ ngay lập tức gặp một trở ngại lớn: vì lượng nội dung quá lớn, họ sẽ phải dành nhiều thời gian nghe qua tất cả – một công việc đáng sợ cho những ai vốn không đồng thuận với góc nhìn bảo thủ của người dẫn chương trình. Người nghe thường phải rất trung thành mới bỏ ra nhiều thời gian như vậy.

Mỗi chương trình đều có những lời đùa và từ ngữ liên hệ riêng như một loại tốc ký ngôn ngữ kết nối cộng đồng người hâm mộ và đẩy lùi sự xét nét từ bên ngoài. Và vì kịch bản của các chương trình radio mới được đăng tải đều đặn trên mạng trong khoảng 10 năm trở lại đây, các nhà báo và nhà nghiên cứu nhận thấy việc lội qua tất cả những dữ liệu là vô cùng khó nhằn.

Jim Derych, tác giả của “Confessions of a Former Dittohead” (“Lời thú tội của một cựu Dittohead” – tạm dịch), đã miêu tả hiện tượng này rằng Rush Limbaugh “khiến bạn cảm thấy mình là người trong cuộc — như thể bạn nắm rõ tình hình chính trị đang thế nào, còn tất cả những kẻ khác đều ngu ngơ.” Như thể bạn và người được chọn trên radio đã thức tỉnh và nhận ra một sự thật ẩn nấp về sự vận động của thế giới trong khi toàn bộ phần còn lại của nước Mỹ đang ngủ yên như một bầy cừu. Đó là một cảm giác quyền lực.

Tương tự như những cử tri bỏ phiếu chỉ dựa trên một vấn đề (single-issue voters), người hâm mộ của radio trò chuyện gây được sức ảnh hưởng lớn tới bức tranh chính trị do cam kết tư tưởng sâu sắc của họ. Từ lâu, các nhà khoa học chính trị đã lưu ý rằng số lượng cử tri bỏ phiếu dựa trên một vấn đề không hẳn nhiều nhưng khả năng tác động của họ rất đáng kể. Những tổ chức như Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ đã vận động thành công những người ủng hộ kiểm soát súng, dù đại đa số công chúng đã ủng hộ (tuy khá phân tán) những biện pháp kiểm soát súng gắt gao hơn.Những thính giả của radio trò chuyện tạo thành một nhóm đông gấp ít nhất ba lần N.R.A (Hiệp hội Súng trường Quốc gia) và họ đều hướng tới một viễn cảnh nước Mỹ cụ thể. Ví dụ, từ giữa những năm 2000, người nghe radio trò chuyện đã đóng vai trò lớn trong việc hướng những người thuộc đảng Cộng hòa theo quan điểm phản đối nhập cư độc ác của ông Trump. Ông Limbaugh đã từng đề xuất một loạt “Đạo luật Limbaugh” để yêu cầu người nhập cư phải nói tiếng Anh, cấm họ tham gia các công việc chính phủ hoặc có quyền sử dụng các dịch vụ của chính phủ, đồng thời trục xuất những người lao động chưa có kỹ năng. Chương trình radio trò chuyện không bị giới hạn bởi không gian vật chất. Chúng có thể theo chân thính giả bất cứ đâu, từ radio trên xe hơi trong lúc di chuyển cho tới những chiếc radio được đặt ở bàn làm việc hay ứng dụng radio ngay trên điện thoại. Radio trò chuyện có khả năng định hình thế giới quan của con người mà các phương thức truyền thông khác đơn giản không thể làm được (phải chăng, ngoại lệ duy nhất là “người anh em họ” hiện đại của chúng – podcast). Điều này là thực tế của các kênh radio bảo thủ từ lâu trước khi các thể loại dẫn chương trình radio trò chuyện xuất hiện vào những năm 1980. Vào đầu những năm 1960, một nhóm sản xuất chương trình truyền thanh trên sóng AM đã tạo một mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia không chính thức gồm hàng trăm đài phát thanh; trong đó, đài phát thanh lớn nhất của một nhà thuyết giáo chính thống ở New Jersey tên là Carl Mcintire – đã đạt tới 20 triệu người nghe trong một tuần (bằng con số cao nhất mà Rush Limbaugh đạt được bốn thập kỷ sau). Người Mỹ có thể bắt sóng một kênh radio bảo thủ bất cứ lúc nào, bất cứ ngày nào. Tới năm 1963, Tổng thống John F. Kennedy đã rất lo ngại trước việc “một phần không thể thiếu trong văn hoá Mỹ ngày nay” có khả năng “xúc phạm hội đồng trường học, thư viện và các cơ quan chính phủ địa phương”, theo như một phụ tá của ông cho biết. Vì vậy, ông đã cho phép cho Sở Thuế Vụ kiểm toán có mục tiêu và sử dụng Học thuyết Công bằng của Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) nhằm khiến các kênh phát thanh phiền toái này im tiếng. Đây trở thành vụ việc kiểm duyệt thành công nhất của chính phủ trong nửa cuối thế kỷ trước. Các đài phát thanh bảo thủ chưa bao giờ quên vụ việc năm ấy, và có lẽ đó là lý do chính mà một người theo thuyết âm mưu lại thu hút được nhiều thính giả như vậy. Kể từ năm 2003, Rush Limbaugh, người đã từng là nhân viên tại một đài radio vào giữa những năm 1960, đã nhắc tới Học thuyết Công bằng trong khoảng 150 số phát sóng. Ông cho rằng sự phát triển của hình thức radio trò chuyện là nhờ việc gỡ bỏ Học thuyết Công bằng vào năm 1987 bởi chính quyền Reagan. Ông còn lo cánh tả có thể khôi phục Học thuyết Công bằng để loại các kênh radio bảo thủ bất cứ lúc nào. Theo lời ông Limbaugh nói hồi tháng Giêng, “Họ đã cố vô hiệu hoá tôi” gần ba thập kỷ. Sự nghi ngờ rằng các tổ chức cao cấp – truyền thông, trường đại học, chính phủ, các tập đoàn công nghệ – được điều hành bởi những người theo phe tự do đang cố tìm cách để bịt miệng các tiếng nói bảo thủ làm dấy lên sự lo lắng với phe cánh hữu. Điều này cũng lý giải cho việc phe bảo thủ ủng hộ ông Trump, người tuy đã bị cáo buộc nhiều vấn đề nhưng luôn không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình. Khi bạn tin rằng tất cả chính trị gia đều nói dối nhưng chỉ có chính trị gia tự do thách thức cuộc chơi, bạn sẽ muốn bỏ phiếu cho người mà bạn nghĩ là dám chống trả điều đó, cho dù họ có thể cũng là kẻ dối trá. Lấy ví dụ về vai trò của radio nói chuyện trong việc phát tán chủ nghĩa phủ nhận sự tồn tại của Covid. Mỗi khi chính phủ đưa ra quy định để phòng chống đại dịch, những người dẫn radio nói chuyện đều khởi xướng sự chống đối bảo thủ trên diện rộng. Quả thực, rất nhiều quan điểm của Trump về đại dịch – ví dụ như việc so sánh nó với bệnh cúm và quy kết cho Trung Quốc cố tình vũ khí hoá con virus – thực chất đã được tuyên truyền trên các kênh radio trò chuyện. Radio nói chuyện bảo thủ sẽ đồng hành cùng Trump, nhưng cho dù kết quả cuộc bầu cử tháng Mười Một có ra sao, chúng cũng sẽ tiếp tục phát triển mà không có Trump. Radio trò chuyện đã phát ra những tín hiệu quá mạnh, đến nỗi nó khó có thể bị phai nhạt theo thời gian. Người dịch: Ren Dinh, Linh Pham

Biên tập: Diễm