Quan điểm: Nước Mỹ và bài học học mãi không xong

0
53

Người Thông Dịch

Thay thế chính phủ bằng nguồn lực cá nhân quả thật cần quá nhiều công sức.

Annie Lowrey, tác giả thuộc The Atlantic, ngày 21 tháng 8, 2020

Translated from The Atlantic article The Lesson Americans Never Learn.

Trên khắp cả nước, các trường học lần lượt chuyển sang học bán phần hoặc toàn phần trực tuyến, các bậc phụ huynh cả nước đang dùng Facebook để thuê gia sư hoặc giáo viên bị mất việc để dạy cho con mình. Chủ các cửa hàng tự phát thì vào những trang như GoFundMe để gây quỹ và tìm kiếm thêm hỗ trợ từ những khách hàng thân thuộc nay đã phải tự cách ly tại nhà. Người ốm đang phải dựa vào quỹ cứu tế COVID-19 và các chiến dịch gọi vốn cộng đồng để trang trải viện phí. Và các nhà khởi nghiệp đang lập nên các tổ chức nhằm mua lại những bữa ăn từ những nhà hàng đang gặp khó khăn rồi gửi đến những nhân viên tuyến đầu, những người đã kiệt sức vì công việc cao cả của mình.

Những tín hiệu thay đổi này thể hiện được tài khéo léo của người dân Hoa Kỳ, đây được xem như một thước đo về tinh thần vượt khó của những cộng đồng dân cư trên khắp nước Mỹ, những hành động tích cực này lan rộng trên những trang điện tử hay mạng xã hội trong thời gian gần đây. Nhưng chúng cũng là một thảm kịch. Nước Mỹ đang ép công dân của mình tự tìm đường thoát khỏi một thảm họa toàn cầu, đặt thêm những gánh nặng về việc quản lý cộng đồng lên vai những gia đình đang bị ảnh hưởng trầm trọng, đồng thời những bất bình đẳng trong xã hội trong thời điểm hiện tại lại được thể hiện càng rõ nét hơn.

Ở các nước thu nhập cao, chính phủ đảm bảo việc chu cấp đồ dùng và dịch vụ thiết yếu như: y tế, di chuyển giữa các thành phố, đồ dùng học tập cho trường công, hỗ trợ kinh tế cho những thời kỳ thất nghiệp. Nhưng ở Mỹ, chính phủ thường không làm được như vậy. Trong cái khó ló cái khôn, những thiếu thốn sẽ phát sinh những thay đổi mang tính sáng tạo, nhưng cũng sẽ thể hiện được sự nghèo nàn của quốc gia.

Từ rất lâu trước năm 2020, nhiều người Mỹ đã phải tự cứu lấy bản thân trước khi nhận được giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Họ tìm kiếm máy tính, bút chì màu, và giấy cho lớp học tiểu học thông qua các chiến dịch trực tuyến. Họ dựa vào các trang gọi vốn cộng đồng sau một tai nạn xe hơi, sau một ca cắt bỏ ruột thừa, sau một trận chiến với ung thư, sau một ca sinh non. Họ phải chia nhau thuê một chiếc xe vì xe buýt chẳng bao giờ xuất hiện.

Giờ dịch bệnh đã phá nát cơ sở hạ tầng giáo dục của nước Mỹ, tàn sát mạng lưới chăm sóc trẻ em, xóa sổ hàng triệu công việc lương thấp, ép hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, và giết chết hơn 170,000 người và số ca tử vong vẫn còn đang tăng. Hàng ngàn người đang sắp bị trục xuất khỏi nhà ở của chính họ, hàng ngàn doanh nghiệp sắp phá sản, hàng ngàn phụ huynh đang tuyệt vọng tìm bạn bè, người thân và kể cả người lạ trên mạng internet giúp đỡ họ trông coi lũ trẻ ở nhà.

Nước Mỹ cứ liên tục học đi học lại bài học này, thế nhưng họ chưa bao giờ ngấm được rằng: những quyên góp nhỏ lẻ của tư nhân sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề mà chỉ chính phủ mới có thể làm được. Trước tiên, các cá nhân, tổ chức phi lợi nhuận và công ty đơn giản là không có đủ tài nguyên để cung cấp dịch vụ công cộng trên diện rộng. Một phần lớn các chiến dịch trên GoFundMe không thể đạt được mục tiêu đã đề ra của họ, trong số đó nhiều chiến dịch còn không kêu gọi được chút tiền nào. Dù đã có nhiều chiến dịch cố gắng cứu nhà hàng và quán bar, Yelp báo cáo rằng 140,000 doanh nghiệp có trên dịch vụ của họ đã đóng cửa từ khi suy thoái kinh tế khi dịch bệnh bắt đầu, nhiều doanh nghiệp sẽ không bao giờ mở lại nữa; để cứu được họ chắc chắn phải cần hàng tỉ đô la. Người Mỹ đang đối mặt với gần 90 tỉ đô la nợ y tế mỗi năm, hơn gấp đôi số tiền được ủng hộ cho các quỹ từ thiện liên quan đến sức khoẻ.

Thứ hai, thu nhập gia đình, tiền ủng hộ, lãi kinh doanh, và đầu tư tập đoàn dường như đều có vẻ là những hiện tượng theo vòng lặp. Khi nền kinh tế sụp đổ, những yếu tố này cũng sụp đổ theo. Ví dụ như ở một thành phố nơi nguồn thu nhập chính đến từ cối xay gió, khi những cối xay gió này ngừng hoạt động, các trường học trong thành phố đó sẽ không còn tiền để duy trì việc dạy và học, công dân mất đi bảo hiểm sức khỏe, các tổ chức phi lợi nhuận sẽ có ít tiền ủng hộ hơn, và các doanh nghiệp sẽ thấy doanh thu của mình giảm đi, tất cả đều sẽ xảy ra cùng một lúc. Như một thực tế, khi nền kinh tế đi xuống, người ta sẽ có ít khả năng quyên góp, trong khi sẽ có nhiều nhu cầu về quyên góp hơn. Mặt khác, với chính phủ liên bang, ngay cả những lúc yên ổn, họ vẫn có thể vận hành và thâm hụt ngân sách sẽ có thể tệ hơn trong những lúc khó khăn, nhưng họ vẫn sẽ hoạt động được. Việc của họ là phải bơm tiền mặt vào thị trường, bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức, đặt biệt là khi một đại hoạ kinh tế xảy ra nhằm giữ vững dòng tiền lưu thông trong thị trường. Khi chính phủ liên bang không thể làm như vậy, những quyên góp nhỏ lẻ từ tư nhân không bao giờ có thể rút ngắn khoảng cách trong nền kinh tế vĩ mô.

Điều thứ ba, việc đòi hỏi mỗi cá nhân phải dựa vào bản thân, gia đình và mạng lưới xã hội khi khó khăn ập đến không chỉ phản ánh mà nó còn khoét sâu thêm những cách biệt hiện có về sự chênh lệch tầng lớp, sắc tộc và ranh giới địa phận. Ví dụ, khi nghĩ tới những hội phụ huynh, nó đã không còn đơn thuần là một cách hay để cha mẹ quyên góp phần vào trường của con mình, mà nó đã khuếch đại thành những thực tế rất thô thiển cho sự bất bình đẳng trong giáo dục. Những phụ huynh ở khu nhà giàu đổ tiền để mua kính viễn vọng và vào những lớp bổ túc, trong khi đó họ lại từ chối quyên góp cho những trường ở khu nhà nghèo hơn đang rất cần những vật dụng thiết yếu. (Điều này, tất nhiên, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nơi mà sự phân bổ thuế bất động sản và những chính sách về khu học chánh tạo ra những hố sâu ngăn cách trong xã hội).

Thất bại hiện tại trong hệ thống trường học của đất nước làm đậm nét thêm sự chênh lệch giàu nghèo do tình trạng tự trị. Những gia đình khá giả sẽ thuê gia sư để trông con lúc nó học bằng Zoom, hoặc lập hẳn những “trường học một lớp” có giáo viên hướng dẫn trực tiếp cho con mình. Trong khi đó những gia đình nghèo đang phải chịu những “án phạt” do sự “thiếu trách nhiệm” của mình do không theo nổi xu hướng học trực tuyến, làm tăng số lượng học sinh “trốn học ảo” do chúng không thể học trên mạng vì nhiều lý do (thiếu internet, thiếu thiết bị học trực tuyến,…). Xét trên diện rộng, có rất nhiều các bậc cha mẹ thu nhập thấp đang phải đối mặt với một tình thế khó xử: hoặc phải bỏ con một mình để đi làm hoặc nghỉ làm, ở nhà trông con học để rồi chìm sâu hơn vào cảnh nghèo khó. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng đại dịch sẽ làm khoảng cách về thành tích học tập giữa con nhà giàu và nhà nghèo thêm lớn, và có thể còn khoét rộng thêm chênh lệch thu nhâp của cả nước.

Cuối cùng, cố gắng thay thế hỗ trợ từ chính phủ bằng những đóng góp cá nhân đòi hỏi một nỗ lực lớn không tưởng, mỗi người cần phải: kiếm lại tiền sau khi COVID-19 qua khỏi, làm việc với nhiều công ty bảo hiểm sức khỏe khác nhau với cách thức vận hành “kiểu Kafka” – phức tạp một cách vô lý – để thanh toán các chi phí sức khỏe. Lập một ngôi trường tạm thời cho đứa con đang cần nhiều trợ giúp của bạn, phỏng vấn giáo viên và tự xoay sở cách lập sổ lương. Tìm cách bắt Uber để đến kịp trạm xe lửa lúc chạy lúc không, hay tuyến xe bus với giờ giấc không cố định để kịp giờ đi làm. Phối hợp với những tổ chức phi lợi nhuận để cứu lấy nhà hàng của mình. Tìm kiếm một chỗ giữ trẻ, rồi sắp xếp dịch vụ vú nuôi chung, rồi lại phải kì kèo cho được một chỗ giảm giá trong một trường mầm non tư thục, vì cả nước Mỹ không có lấy một trường mầm non công lập và hệ thống trường mẫu giáo. Tất cả những việc làm thiết yếu này, chúng thật sự gây mỏi mệt.

Đảm đương với trách nhiệm quản trị cộng đồng không chỉ tốn tiền, nó còn tốn thời gian và công sức. Và chính vì nhu cầu này, theo một cách rất riêng, lại gia tăng sự cách biệt đang hiện hữu ở Mỹ. Những con người bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp – đây là những người buộc phải viết những câu chuyện lâm li bi đát để ngửa tay xin tiền trên mạng. Đây là những người bị đè nặng với việc phải kể lể những khốn khổ của mình nhằm kêu gọi trợ giúp, kéo cả cộng đồng vào hành trình chống ung thư của họ, phải giải thích trục xuất và vô gia cư nghĩa là gì, cầu xin sự giúp đỡ của mọi người để họ không phải cho nhân viên nghỉ việc và dẹp tiệm.

Câu trả lời mà hầu như mọi quốc gia thịnh vượng khác đều đã tìm ra đó là: Chính phủ phải đảm đương vai trò của chính phủ, với nhiệm vụ là cung cấp những điều đã đề cập ở trên. Chính phủ phải tìm cách thay thế cho thu nhập của mỗi người khi suy thoái ập đến, và giúp những doanh nghiệp đang chật vật vì những lỗi lầm không phải do họ gây ra. Chính phủ phải đảm bảo một hệ thống y tế đơn giản với chi phí hợp lý mà người dân có thể tiếp cận, phải phải cung cấp dịch vụ sóc dưỡng trẻ em cùng và hệ thống giáo dục công cho mỗi gia đình. Và chính phủ phải đầu tư vào hệ thống xe lửa, xe bus và lớp học. Chống lại suy thoái kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm y tế, sức khỏe và hạ tầng giáo dục – đây đáng ra không phải là việc của công dân. Và khi nó là việc của công dân, thì hãy ghi nhận đây đúng là bi kịch.

Người dịch: A. Duong & Kiều Giang

Biên tập: Phố

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/nuoc-my-va-bai-hoc-hoc-mai-khong-xong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here