RFA
Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, một số quan chức đảng của Việt Nam đã gặp gỡ những tờ báo lớn trong nước và đề cao vai trò của các trang báo này. Cụ thể ngày 18/6, bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao sự dấn thân của báo Tuổi Trẻ để phanh phui các vấn đề tiêu cực và nói rằng sẽ bảo vệ nhà báo đấu tranh cho lẽ phải.
Ai bảo vệ và bảo vệ khỏi ai?
Tại buổi gặp gỡ với báo Tuổi Trẻ, bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói:
‘Chúng ta cùng nhau dấn thân. Báo Tuổi trẻ hãy dấn thân hơn nữa. Khi có vấn đề gì chưa yên tâm thì báo chị Thư (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư) hoặc báo tôi, để bảo vệ nhà báo đấu tranh cho lẽ phải.’
Nói với đài RFA, bà Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ cho rằng giới báo chí hiện nay cần sự bảo vệ của cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tư pháp để được an toàn làm việc. Tuy nhiên bà cũng cho rằng sự bảo vệ của các cơ quan này đôi khi không thực sự hiệu quả:
Thực ra hiện nay điều nhà báo phải chống đầu tiên là những người làm không đúng pháp luật. Họ phải thay mặt cho người đọc để phản ứng và yêu cầu xử lý những người này. Ông Nguyễn Thiện Nhân có lẽ nghĩ đến trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất thành phố, ông thấy rằng cần có sự ủng hộ, bảo vệ cho các nhà báo. Để có thể bảo vệ cho các nhà báo cũng là các lực lượng chức năng thôi. Ông Thiện Nhân xác định như vậy cũng đúng, bởi vì hiện tại các lực lượng quản lý nhà nước, các lực lượng tư pháp phải làm sao bảo vệ cho các nhà báo – là người đại diện cho tiếng nói của người dân để người ta được an toàn bảo vệ cho lẽ phải. Nói như vậy cũng đúng, nhưng vấn đề là sự bảo vệ của hệ thống, vì sự chỉ đạo cụ thể cho người A hay B có khi không có hiệu lực hết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân có lẽ nghĩ đến trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất thành phố, ông thấy rằng cần có sự ủng hộ, bảo vệ cho các nhà báo.
– Bà Vũ Kim Hạnh
Tuổi trẻ là một trong những tờ báo lớn nhất Việt Nam với số lượng ấn bản khoảng hơn 200,000 tờ một ngày. Hiện tờ báo này đang có một loạt bài chống tham nhũng đình đám liên quan đến vụ sân Golf Tân Sơn Nhất.
Trong khi đó nhà báo Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe, cũng là cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam lại cho rằng các nhà báo thường bị côn đồ của đảng, những người mặc thường phục nhưng được chính quyền thuê hoặc chỉ đạo, tấn công:
Một số người thấy rằng báo chí của đảng ăn không nói có nhiều quá nên họ bức xúc tấn công lại. Những bọn côn đồ của đảng và nhà nước lâu nay được huấn luyện để tấn công nhân dân, nhiều khi cũng lạm quyền tấn công lại nhà báo.
Mới hôm 13/6, một nhóm phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam đã bị tấn công, làm hỏng chiếc camera giá trị hàng tỷ đồng khi đến huyện Sóc Sơn, Hà Nội để quay phim về tình trạng lấn chiếm ao hồ để trục lợi.
Điều đặc biệt là vụ án này được triển khai rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 24 giờ đã được công an Sóc Sơn ra quyết định khởi tố, bắt khẩn cấp nghi phạm. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngay sau đó cũng ra công văn yêu cầu huyện Sóc Sơn điều tra, xử lý vụ việc.
Báo Dân Việt ngày 17/6 đã đăng bài với tiêu đề “Nếu không phải phóng viên VTV bị tấn công, liệu có mau mắn đến thế?” nói rằng một số vụ tấn công nhà báo từng xảy ra nhưng phải một thời gian khá lâu mới được khởi tố. Trang báo này cũng đưa ra ví dụ Vụ bốn phóng viên TTXVN, báo Nông thôn Ngày nay, báo Tuổi Trẻ và báo Quảng Ngãi, ngày 16.9.2014, khi đi viết bài về khai thác bãi cát Nam Phước, Quảng Ngãi, đã bị hành hung phải nhập viện cấp cứu. Hoặc vụ nhà báo Nguyễn Ngọc Quang, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị chém trên đường ngày 4.9.2015, nhưng sau 5 ngày mới khởi tố. Cơ quan điều tra cho biết sự chậm trễ là vì đang điều tra.
Năm 2008, hai nhà báo chống tham nhũng nổi tiếng của tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ đã bị bắt với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì bị cho rằng đưa tin sai sự thật liên quan đến vụ án PMU18 – một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2006.
Ranh giới chống tiêu cực và “phản động”
Cũng trong buổi gặp gỡ hôm 18/6 với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thiện Nhân đã hoan nghênh sự dấn thân đối đầu với tiêu cực của trang báo này, vì cho rằng tiêu cực là nguy cơ dẫn đến những tồn vong của chế độ.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao cũng là lên tiếng chống tiêu cực nhưng trang báo này lại được ca ngợi còn những trang báo hay blog khác khi lên tiếng chống tiêu cực lại bị quy là phản động hoặc chống đối Nhà nước.
Bà Vũ Kim Hạnh nhận định:
Hễ nhà báo mà đụng đến quyền lợi của ông nào ở cấp nào là họ sẽ phản ứng để tự bảo vệ họ bằng cách họ quy nhà báo này nói sai, nhà báo này ăn tiền, là phản động,… Tôi cho rằng những phản ứng này chưa hẳn đến từ cơ quan chức năng cao nhất.
Còn theo nhà báo Phạm Thành, do sự đấu đá của các nhóm lợi ích nên báo chí đôi khi được phép lên tiếng về một hiện tượng tiêu cực nào đó. Ông cho rằng một khi báo lên tiếng về một vấn đề đã được cho phép, thì chuyện được “khen” là điều dễ hiểu:
Hiện tại các nhóm lợi ích đang đấu đá lẫn nhau. Báo chí trong hệ thống của họ thì họ có thể điều khiển được. Họ bảo bây giờ phải phê bình tội thằng này chẳng hạn, thì báo cứ thế mà làm. Còn những trang mạng không nằm trong tay họ như mạng xã hội chẳng hạn thì dù có nói sự thật đến mức nào các ông ấy cũng không đánh giá cao.
Hiện tại các nhóm lợi ích đang đấu đá lẫn nhau. Báo chí trong hệ thống của họ thì họ có thể điều khiển được.
– Nhà báo Phạm Thành
Nhà báo với hơn 30 năm kinh nghiệm này cũng nói rằng mặc dù báo chí Việt Nam thuộc sự quản lý của Nhà nước nhưng không thuộc sự quản lý của bất cứ cá nhân cụ thể nào. Chính vì vậy một số lãnh đạo muốn được “xuôi chèo mát mái” trên các mặt báo này thì cũng cần “tung hứng” khen ngợi họ.
Cũng nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã gặp gỡ đại diện báo Thanh Niên và nói rằng ông rất vui mừng và vinh dự với những thông tin tốt của Đà Nẵng trên trang báo này.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/12/2015, Việt Nam có 858 cơ quan báo chí in, và 105 cơ quan báo điện tử. Tất cả đều nằm dưới sự quản lý của một Tổng biên tập chung là Ban tuyên giáo mà Phó trưởng ban chính là Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn.
Trong khi các trang báo trong nước được tán thưởng vì phơi bày các tiêu cực trong xã hội, các trang báo được gọi là lề trái bị ngăn chặn. Nhiều nhà báo tự do hay blogger bị đàn áp hoặc bỏ tù vì chỉ trích chính quyền. Tổ chức Bảo vệ Ký giả- CPJ có trụ sở ở Hoa Kỳ ra công bố vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy hiện Việt Nam có ít nhất 8 nhà báo tự do vẫn bị cầm tù. Danh sách này có Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy,…
Cũng theo tổ chức này, trong tổng số 259 nhà báo bị tù tội trong năm 2016 trên toàn thế giới, Việt Nam đứng hàng thứ sáu trong số 31 quốc gia có nhà báo bị cầm tù.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp hôm 26 tháng 4 công bố báo cáo cho thấy Việt Nam đứng thứ 175/180 quốc gia về tự do báo chí.