VOA
Chính đảng của tân Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đoạt được nhiều phiếu nhất trong các cuộc bầu cử quốc hội. Đảng Cộng hòa Tiến bước có lập trường trung dung đã góp phần gạt sang một bên hai chính đảng lớn của Pháp trong một thắng lợi không có tiền lệ, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho ông Macron thông qua nghị trình của ông tại quốc hội. Tuy nhiên tỷ lệ cử tri đi bầu thấp có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều người Pháp đã mất tin tưởng nơi các chính khách của họ.
Tỷ lệ cử tri đi bầu hôm Chủ nhật 11/6 chỉ đạt 41%, so với hơn 48% cách đây 5 năm. Nhiều cử tri bày tỏ sự hoài nghi đối với tất cả các chính khách.
Anh David Queneutte, một cử tri tại Henin Beaumont nói: “Với tất cả những lời hứa hẹn mà họ đã đưa ra và không hề giữ lời, thì ngày càng có ít người đi bỏ đi bầu.”
Tuy nhiên nhiều người nói rằng nên cho tân Tổng thống Macron một cơ hội để cải thiện tình hình.
Ông Francis Poulain, một cử tri ở Henin Beaumont nói: “Ai thắng ai thua, kết quả do lá phiếu định đoạt rất là quan trọng. Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một tình huống như thế này, một ứng cử viên ít ai biết đến lên nắm quyền, và hàng chục ứng cử viên vô danh khác được bầu vào quốc hội. Đây là một cuộc cách mạng. Có thể cuộc cách mạng đó sẽ dẫn đến một điều gì tốt đẹp. Chúng ta không biết. Chúng ta hãy chờ xem.”
Cử tri bị lôi cuốn bởi thông điệp của ông Macron trong chiến dịch vận động tranh cử, hứa hẹn thay đổi và tiến bộ, nói rằng điều quan trọng là ông Macron phải được ủng hộ đủ để có thể thực hiện nghị trình của ông.
Một cử tri tên Thibault Gouache nói: “Điều thiết yếu là phải trao choTổng thống đương quyền thế một đa số ở quốc hội, nếu không, ông sẽ không thể thay đổi nước Pháp. ”
Ông Macron đắc cử với lời cam kết sẽ thay đổi chính trị “như thường lệ” ở Pháp, thành chính trị đi sát với nhân dân hơn, và hướng về tiến bộ. Giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã vấp phải một trở ngại ngay trước các cuộc bầu cử quốc hội, khi một trong các Bộ trưởng, ông Richard Ferrand, bị điều tra về các cáo trạng về nạn gia đình trị.
Ông Dominique Reynie thuộc Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị ở Paris, nhận định: “Tôi tin rằng nội các do ông Macron tập hợp cho tới nay đã đi dúng đường về mặt thông tin ra ngoài, các tuyên bố công khai, duy trì hình ảnh và các hoạt động của chính phủ. Ông có thể phải đối phó với một số khó khăn liên quan tới vấn đề ông Richard Ferrand, nhưng đây không phải là một vấn đề lớn, nói tổng quát.”
Các cuộc bầu cử quốc hội như thế này được coi là một cuộc biểu quyết quan trọng cho vị Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp. Gần 8000 ứng cử viên dự tranh để giành 577 ghế tại Hạ viện Pháp. Vòng bầu cử thứ nhì mang tính quyết định sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật tới đây.