Pháp: Các tuần báo cổ vũ dồn phiếu cho Macron

0
887
   

media
Emmanuel Macron (En Marche ! ) và Marine Le Pen (FN). Alain Jocard, Eric Feferberg / AFP

« Chủ Nhật không bầu ai, thấy Le Pen thứ Hai » : Câu nói dưới dạng châm ngôn này đã chiếm trọn trang bìa tuần báo Pháp L’Obs. Lời cảnh báo này – kèm theo lời kêu gọi bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron – cũng đã được các tuần báo lớn khác của Pháp nêu bật trong những bài xã luận, như L’Express cho rằng « Lý trí phải chiến thắng » trước cảm tính, hay Le Point nói thẳng : « Không bầu cho Macron tức là bầu cho Le Pen ».

 

Trên các tuần san Pháp, không thể thấy những lời cảnh báo nào rõ ràng hơn về khả năng nước Pháp có một tổng thống cực hữu nếu cử tri Pháp chọn con đường bỏ phiếu trắng hay không đi bầu nhân vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày Chủ Nhật 07/05/2017, chỉ vì không thích ông Macron dù vẫn ghét bà Le Pen.

Cả ba tờ tuần báo Pháp đều dành hồ sơ đặc biệt nói về bầu cử tổng thống Pháp, nhưng nếu L’Obs, thiên tả, tập trung đả kích các thành phần bị mệnh danh là « Cái cánh tả có thể giúp Mặt Trận Quốc Gia “cực hữu” chiến thắng », tựa ngay trang bìa, thì Le Point, thiên hữu, lại nhìn xa hơn về tương lai cánh hữu trong hồ sơ mang tựa đề « Cánh hữu : Trận chiến bắt đầu ». Riêng L’Express, tự nhận là không tả, không hữu, đã nhìn rộng hơn và tự hỏi « Nước Pháp đi về đâu ? », giới thiệu nội dung cuộc tranh luận giữa hai nhà lý luận Debray và Finkielkraut.

L’Obs : Mélenchon với chủ trương « Không Không » nguy hiểm

Như nói ở trên, tuần báo L’Obs đã lên tiếng báo động về nguy cơ ứng cử viên cực hữu chiến thắng do việc cử tri thờ ơ không bỏ phiếu cho Macron để cản đường Le Pen. Người phải chịu trách nhiệm về tình trạng này, theo L’Obs, không ai khác hơn là Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất đã được hơn 19% phiếu bầu nhân vòng một cuộc bầu cử tổng thống cuối tháng Tư vừa qua, nhưng đã từ chối lên tiếng kêu gọi dồn phiếu cho Emmanuel Macron một cách rõ ràng.

Đối với L’Obs, Mélenchon là một « Phù thủy tập sự », tựa của bài phân tích về lãnh tụ phong trào Nước Pháp Bất Khuất, đã khẳng định xu hướng dân túy « nguy hiểm » của ông khi không kêu gọi bỏ phiếu cho Emmanuel Macron chống lại Marine Le Pen.

Trong bài xã luận của mình, tuần báo L’Obs đã nhấn mạnh đến nguy cơ đảng cực hữu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mà theo tờ báo sẽ là một bi kịch cho nước Pháp, cho các giá trị Pháp và nhất là cho người Pháp.
L’Obs đã không ngần ngại cực lực phê phán những người chủ trương đánh đồng hai ứng cử viên, giữa một Le Pen cực hữu và một Macron « cộng hòa ».

Bài xã luận của tuần báo Pháp quy trách nhiệm cho hai chính khách : « Đó là trách nhiệm to lớn của ông Nicolas Dupont-Aignan (ứng viên cánh hữu đã chạy theo Marine Le Pen), nhưng cũng là trách nhiệm của Jean-Luc Mélenchon. Người đầu tiên đã phá vỡ đê ngăn, còn người thứ hai thì chấp nhận đứng yên nhìn xác chết trôi trên mặt nước. »

Nhắc lại tên gọi của phong trào Mélenchon là Bất Khuất, L’Obs kết luận : « Vắng mặt hay bỏ phiếu trắng khi Mặt Trận Quốc Gia ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp không phải là thể hiện tinh thần bất khuất, mà là cam chịu thân phận nô lệ ».

Macron : Sự lựa chọn của lý trí

Tuần báo L’Express cũng lên tiếng kêu gọi cử tri là phải hăng hái đi bầu, và không bỏ phiếu trắng, vì quyền được tự do chọn người đứng đầu Nhà nước là một cột trụ của di sản dân chủ mà người Pháp được thừa hưởng và cần tôn trọng. Đối với L’Express, mỗi người phải bỏ phiếu theo hướng lựa chọn dứt khoát giữa một trong hai ứng cử viên, « không vắng mặt, không bỏ phiếu trắng »

Tuy nhiên trên vấn đề nên bầu ai, thì l’Express mạnh dạn khẳng định sự chọn lựa của mình : đó là Emmanuel Macron. Tờ báo giải thích :

« Đây không phải là sự lựa chọn cái Thiện chống lại cái Ác, của một nước Pháp suy nghĩ tốt chống lại nước Pháp suy nghĩ xấu. Cũng không phải là của nước Pháp sung túc chống lại nước Pháp nghèo khó vì có người Pháp sung túc bỏ phiếu cho Le Pen, và ngược lại cũng có người Pháp đang gặp khó khăn nhưng lại thích Macron. Vả lại nước Pháp không hề bị chia thành hai khối thuần nhất đối nghịch nhau trong một trận đấu cuối cùng : cả hai ứng viên gộp lại chỉ tập hợp được không đầy một nửa cử tri ở vòng đầu. »

Đối với L’Express, đây là sự lựa chọn của lý trí chống lại cảm tính. Tạp chí tin chắc rằng việc thực hiện chương trình hành động của bà Marine Le Pen sẽ làm cho nước Pháp bị suy yếu lâu dài, và sẽ làm cho cộng đồng dân tộc Pháp bị chia rẽ trầm trọng.

Tuần báo Le Point cũng giống như hai đồng nghiệp L’Obs và L’Express, kêu gọi bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron, vì « không bầu cho Macron tức là bầu cho Le Pen ». Do vậy, theo Le Point, cần phải làm mọi cách để đảm bảo sao cho ở vòng 2, bà Le Pen không được bầu lên một cách bất ngờ do sự lơ là cảnh giác đối với phe cực hữu.

Báo giới quốc tế thận trọng dù nghĩ rằng Macron sẽ thắng

Thái độ thận trọng trên đây cũng là quan điểm chung của báo giới quốc tế khi nhìn vào cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Tuần báo Courrier International đã lược qua nhận định của các đồng nghiệp nước ngoài, đánh giá rằng Emmanuel Macron có nhiều triển vọng làm chủ nhân điện Elysée sắp tới đây, nhưng vẫn không loại trừ sự cố giờ chót.

Nhật báo Thụy Sĩ Tribune de Genève thẩm định : « Đây là có vẻ là một cuộc bầu cử không thể thua đối với Emmanuel Macron. Trừ phi nổ ra tai tiếng, hay những tiết lộ động trời – tiền lệ của ứng viên Fillon buộc người ta phải thận trọng – bằng không thì ứng viên của phong trào Tiến Bước ! sẽ là chủ nhân tới đây của điện Élysée ».

Nhật báo Đức Die Welt cũng ghi nhận : « Sóng gió trên mạng xã hội mỗi lần ông Macron đi vận động tranh cử cho thấy là ông đang đi trên một lớp băng mỏng và có thể bị té ngã ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào ».

Đài truyền hình Mỹ CNN cũng cảnh báo : « Giới chính khách tại vị ở Pháp đã vội vã ủng hộ Macron, ngay sau vòng 1. Điều này có thể là con dao hai lưỡi… vì điều đó chỉ nêu bật mối quan hệ của ông với tầng lớp lãnh đạo chính trị mà nhiều cử tri ghét bỏ ».

Marine Le Pen, đối thủ già dặn kinh nghiệm, rất nguy hiểm

Đài Mỹ CNN đã khen ngợi một nhân vật có kinh nghiệm : « Bà Le Pen đã làm được tất cả những gì cần phải làm : Tách mình ra khỏi đảng Mặt Trận Quốc Gia FN, vì hiểu rằng cử tri Pháp đã chán ngấy các đảng truyền thống. Bà đã chú ý đến từng cử chỉ, động tác trước ống kính truyền hình, trước các khán giả mà ở cấp độ quốc gia, sẽ bỏ phiếu cho bà. »

Nhật báo Bồ Đào Nha Público, cũng có nhận xét tương tự : « Đây là một ứng viên rất có kinh nghiệm, và cho dù bà có những ý tưởng dân túy cực đoan, bà đã tạo ra được cho mình một uy tín nhất định. Phong cách của bà khác xa với Trump (ở Mỹ) hay cha của bà là Jean-Marie Le Pen. Bà tinh tế hơn nên nguy hiểm hơn nhiều ».

Tờ báo lớn Tây Ban Nha El Pais thì ghi nhận sự chia rẽ của cánh tả Pháp rất có lợi cho đảng cực hữu FN, đã đưa đến ba ứng cử viên ra tranh cử tổng thống để rồi tất cả đều bị thua, và giờ đây việc ông Mélenchon từ chối kêu gọi bầu cho ông Macron giống như một hành động tự tử thực thụ, vì chỉ có tác dụng củng cố thế lực của đảng FN…

Trung Quốc thao túng Interpol để phục vụ Tập Cận Bình

Courrier International, dưới tựa đề « Interpol bị Trung Quốc sử dụng để thanh lọc Đảng » đã chú ý đến sự kiện tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý (Guo Wengui), sống lưu vong từ hai năm nay ở Mỹ, đã bắt đầu tiết lộ những vụ tai tiếng có thể dính líu đến những viên chức cao cấp nhất Trung Quốc, trong giới thân cận của ông Tập Cận Bình. Cho nên Bắc Kinh đã sử dụng những biện pháp mạnh (dựa vào Interpol) để bịt miệng nhân vật này.

Trích dịch môt bài viết trên tập san Foreign Policy ở Washington, Courrier International nhắc lại là vào năm 2016, tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol đã bầu lên một chủ tịch người Trung Quốc đầu tiên. Sự vụ gây ngạc nhiên nhưng cũng không có gì lạ lắm, vì Trung Quốc là thành viên và ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei), nguyên thứ trưởng bộ Công An Trung Quốc đã được đại hội đồng Interpol bầu ra.

Nhưng ngay từ đầu đã có sự nghi ngờ : Trung Quốc thường không rạch ròi giữa công việc cảnh sát và chính trị, nhiều người lo ngại hoạt động của Interpol bị ảnh hưởng. Mối nghi ngờ này bây giờ có cơ sở.

Khi nhà tỷ phú lưu vong đe dọa tiết lộ về tệ nạn tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo, Bắc Kinh đã yêu cầu Interpol ra thông báo đỏ về nhân vật này – tức là yêu cầu chính thức bắt giữ và cho dẫn độ – chuyển đến 190 thành viên của Interpol, và yêu cầu này đã được chấp nhận. Thời điểm vụ việc cho thấy động cơ là thuần chính trị và Interpol có nguy cơ trở thành phần nối tiếp của cánh tay vốn đã rất dài của Trung Quốc.

Bài viết nêu chi tiết vụ việc : Vào tháng 3, ông Quách Văn Quý, nhà thầu địa ốc, đã rời Trung Quốc cách đây 2 năm và hiện sống ở Mỹ, đã tiết lộ với một hãng truyền thông tiếng Hoa tại Mỹ, là người thân một quan chức thế lực ở Trung Quốc đã lợi dụng quan hệ chính trị của mình để giành những phần hùn trong các đại tập đoàn.

Tai tiếng về một cựu Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị

Cụ thể hơn, ông Quách được biết là gia đình ông Hạ Quốc Cường (He Guoqiang) cựu Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Dản Trung Quốc, đã nhờ người khác đứng tên trong phần hùn quan trọng của một trong những tập đoàn cổ phiếu lớn nhất Trung Quốc. Ông Quách còn dọa đưa ra nhiều tiết lộ khác về tài sản của ông Hạ Quốc Cường, từng là Bí Thư Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng từ 2007 đến 2012.

Những tiết lộ trên không mấy gây chú ý cho đến khi báo New York Times, ngày 15/04/2017, trong một cuộc điều tra, đã tìm thấy những phần tham gia của gia đình ông Hạ, bổ sung chứng cứ cho tiết lộ của ông Quách. Và 3 ngày sau thì Interpol ra thông báo đỏ nhắm vào ông Quách với lý do ông đã trả tiền, đút lót một viên chức Trung Quốc đang bị điều tra tham nhũng. Và đấy là theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã xác nhận tin về thông báo đỏ, nhưng lờ đi vai trò của Bắc Kinh, chỉ nói « Chúng tôi được biết Interpol đã ra thông báo đỏ đối với nghi phạm Quách Văn Quý ».

Quách Văn Quý hiện sống tại Mỹ, đảng Cộng Sản Trung Quốc không trực tiếp làm được gì ông, nhưng ông không tránh khỏi bị phiền hà từ phía Interpol.Thông báo đỏ tuy không có tính chất cưỡng chế của luật pháp, nhưng mỗi quốc gia thành viên Interpol có thể xử lý tùy ý. Đối tượng có thể không bị bắt, nhưng các hành động bình thường của đối tượng cũng có thể bị xem là phạm pháp. Tóm lại cuộc sống trở nên rắc rối hơn.

Theo bài viết, Bắc Kinh ngày càng muốn khống chế số công dân đã ra nước ngoài, và những thông báo đỏ chỉ là một công cụ, bên cạnh sự hù dọa, bắt cóc… Nhưng đây là công cụ rất hữu hiệu, được Trung Quốc tận dụng tối đa để chống tham nhũng, đàn áp đối lập, nhà báo… Trong năm 2015, Trung Quốc khoe đã có được 100 thông báo đỏ của Interpol nhắm vào những người đã chạy ra nước ngoài.

Trong trường hợp ông Quách Văn Quý, Bắc Kinh sử dụng tất cả những biện pháp, công cụ để bịt miệng ông. Lý do là vấn đề tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo, là điều rất nhạy cảm. Chẳng hạn như ông Hạ Quốc Cường, cho đến giờ chưa hề bị tố cáo chính thức.

Đại hội lần thứ XIX của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ diễn ra trong 6 tháng nữa, và như nhận định của Bill Bishop, một nhà quan sát đời sống chính trị Trung Quốc, « Ông Tập Cận Bình không muốn bị hụt hẫng, mọi tiết lộ về những vụ tranh chấp nội bộ hay tham nhũng của gia đình ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), một lãnh đạo khác mà ông Quách đã nêu tên, có thể gây náo động và khiến ông Tập không lèo lái được như ông muốn ở Đại hội Đảng.

Bắc Kinh và đàn em Bình Nhưỡng ngỗ nghịch

Tiếp tục nhìn về Trung Quốc nhưng trên bình diện ngoại giao, Courrier International nêu câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc là hậu thuẫn không mai một đối với Bắc Triều Tiên ? Tuần báo Pháp ghi nhận Trung Quốc ở vị trí trung tâm trong cuộc đọ sức Bình Nhưỡng–Washington. Bắc Kinh giảm bớt hậu thuẫn cho Bắc Triều Tiên nhưng sẽ không để chế độ Bình Nhưỡng bị lật đổ.

Courrier International trích dẫn Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc nhận định rằng Bắc Kinh rất chừng mực trong việc ủng hộ Bình Nhưỡng, và sẽ không phản ứng nếu Washington tiến hành những cuộc tấn công chuẩn xác vào cơ sở phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng không có gì đảm bảo là Bình Nhưỡng sẽ lại không thử nghiệm hạt nhân một lần nữa.

Trong bài xã luận ngày 22/04, tờ báo Trung Quốc ghi nhận là Bắc Kinh đang ở trong tình thế rất tế nhị : Bình Nhưỡng thì không nghe khuyến cáo, trong lúc chủ trương theo đó Bắc Triều Tiên tạm ngưng chương trình hạt nhân, cùng lúc Mỹ và Hàn Quốc ngưng tập trận chung, thì lại không được Washington và Seoul tán đồng.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, phiền phức khi có một láng giềng như Bình Nhưỡng rất cụ thể : Địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên gần với Trung Quốc, nhưng nếu miền đông bắc Trung Quốc không bị ô nhiễm thì vấn đề chủ yếu liên can tới Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng, nếu Bình Nhưỡng có một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới, tình hình sẽ khác :

« Đó sẽ là một mối đe dọa đối với miền đông bắc Trung Quốc. Trong tình hình này thì Trung Quốc bước đầu sẽ chủ trương tăng cường biện pháp trừng phạt ở Hội Đồng Bảo An, rồi giảm đáng kể việc cung cấp dầu hỏa cho Bắc Triều Tiên – nhưng sẽ cố tránh gây nên một thảm họa nhân đạo ». Tuy nhiên, theo tờ báo Trung Quốc, nếu Mỹ can thiệp, thì « cả bán đảo sẽ rơi vào chiến tranh ».

Hoàn Cầu Thời Báo kết luận là nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển hỏa tiễn hạt nhân và Washington đánh vào các cơ sở phát triển này, thì Bắc Kinh sẽ phản ứng bằng phương tiện ngoại giao, không nhất thiết là bằng phương tiện quân sự.

Tuy nhiên nếu lính Mỹ và Hàn Quốc vượt qua vĩ tuyến 38 chia cắt hai miền Triều Tiên, « đe dọa lật đổ chế độ Bắc Triều Tiên, khi ấy thì Trung Quốc lâm vào tình huống bắt buộc phải dấn thân quân sự. »

Vũ khí thương mại

Hiện nay, đối với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc nắm trong tay vũ khí thương mại. Đó cũng là hậu thuẫn cụ thể đối với nước láng giềng này mà tổng thống Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc sử dụng để gây sức ép.

Tuy nhiên, Courrier International thấy có những điểm đáng chú ý. Theo số liệu công bố trên website Quan Sát Giả (Guanchazhe) ngày 13/04, trao đổi thương mại Trung Quốc-Bắc Triều Tiên lên đến 8,4 tỷ yuan, tăng 37,4% trong quý đầu năm 2017 so với cùng thời kỳ năm 2016.

Đà tăng được ghi nhận trong lúc mà Trung Quốc thi hành các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, ngưng nhập than của Bắc Triều Tiên. Có điều là Trung Quốc ngưng nhập than nhưng lại tăng phần nhập quặng sắt, tăng 270% trong hai tháng đầu năm nay so với cùng thời kỳ năm 2016.

Courrier International nhắc lại là ngày 24/04, báo Hàn Quốc Chosun Ilbo đưa tin về xăng dầu thiếu hụt ở Bắc Triều Tiên. Một số trạm xăng chỉ cung cấp cho xe hơi ngoại giao đoàn mà thôi, một số trạm khác đã đóng cửa. Phải chăng Bắc Kinh thực sự bắt đầu gây sức ép ?

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here