NHỮNG NGƯỜI UỐNG TRÀ 

0
76
Photo by Hoang Viet
   

Kim Cúc Ngô Thị cùng với Hoa Ngau Phan Thi.

(Truyện ngắn- In lần đầu trên Tạp chí Sông Hương)

Truyện viết vào cuối năm 1983, ở Nhà sáng tác Đại Lải- Hà Nội. 

Nhiều chuyện rất đáng nhớ liên quan tới truyện ngắn này, tới chuyện Hội Nhà Văn Việt Nam, tôi sẽ kể sau … 

Ngô Thị Kim Cúc

Tác giả Ngô Thị Kim Cúc Ảnh cũng chụp vào năm 1983, có lẽ trước khi viết truyện này

………………………

Có ba người trong căn phòng nhỏ ấy, căn phòng tập thể dành cho cán bộ độc thân, rộng không đến mười mét vuông. Cửa phòng đóng kín, để chỉ có họ với nhau, cùng những đồ dùng khiêm tốn.

Một cái giường cá nhân bằng gỗ để mộc. Một cái tủ nhỏ để đựng quần áo cũng bằng gỗ xấu nhưng có đánh qua một lớp vẹc-ni mỏng. Một cái bàn viết nhỏ có hai ghế dựa, trên thành vắt hai chiếc áo khoác của khách. Hai cái kệ khá lớn đóng cao phía trên tường, ngổn ngang sách lẫn báo, hình như lúc nào cũng vừa bị xáo trộn chứ chưa từng được sắp xếp cho gọn lại.

Họ thu cả chân lên chiếc giường đã được trải thêm một chăn bông cũ bọc vải xanh sậm, còn ở một đầu giường là chiếc chăn mới, bọc vải hoa cuộn tròn lại dưới chiếc gối dài. Họ đều trầm ngâm như nhau, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn sang phía ấm nước đang đặt trên rề-sô, vẻ chờ đợi, chờ đợi một cách thư thái và kiên nhẫn. Khi làn khói trắng bắt đầu vọt ra ở vòi ấm, vẻ chờ đợi trên mặt họ chuyển ngay thành háo hức.

Chủ nhà, ngồi ngoài cùng, thong thả rời khỏi chỗ, bước đến cạnh chiếc ấm, chờ chừng một phút nữa rồi mới nhắc ấm lên, tắt lửa và xách ấm nước đến cạnh giường. Anh rót nước vào chiếc phích nhỏ để cạnh đấy, đậy ngay lại, tráng một lớp nước vào chiếc ấm đất nung, đổ ra chén, rồi dùng chiếc thìa nhỏ múc trà từ một hộp thiếc cho vào ấm, rưới một số nước vừa đủ và đặt trả ấm nhôm lên rề-sô. Trong khi đó, người khách già tuần tự tráng cả ba chén chung và đổ nước vào chiếc ly lớn. Họ đều làm tất cả những việc đó một cách nhẹ nhàng, cẩn trọng, không một chút nôn nóng, ơ hờ, như thể đó không phải là những hành động trong sinh hoạt thường ngày mà là những nghi thức. Xong xuôi, họ lại thu tay vào áo, ngồi lặng yên như đang định thần để chăm chú lắng nghe từng âm thanh không thể nhận được bằng tai đang vọng ra từ chiếc ấm nhỏ bằng đất nung đỏ một màu rất đẹp kia, khi vị đắng chát của ta-nanh và cà-phê-in được chậm rãi tiết ra từ những đọt lá màu đen uốn cong hình móc câu ấy.

Photo by Hoang Viet

Khi ước lượng thời gian đã đủ cho trà ngấm, chủ nhà bắt đầu rót nước ra chén, động tác nhanh và gọn khác hẳn trước, như sợ chậm thêm một phút nào sẽ làm hao phí làn hương ấm áp và thơm tho đang hối hả vươn lên từ lòng những chiếc chén con. Hình như thứ nước màu vàng xanh đẹp đẽ kia đã chuyển từ đầu lưỡi vào người họ một cảm giác tinh lọc, sáng rỡ, làm cả người họ nóng hẳn lên như có một luồng khinh khoái đang chảy lẫn cùng với máu.

Chủ nhà mở đầu bằng một giọng rất trầm, thứ giọng trầm nhưng không phải để nói to giữa đám đông mà chỉ để thì thầm những điều tâm sự sâu kín với một vài người.

Lúc đó khoảng chín giờ một buổi sáng chủ nhật.

– Đôi khi người ta cứ tự trách mình từ những chuyện không đâu… Mà thực ra cũng chẳng phải không đâu. Những điều như vậy vẫn thường chi phối con người không kém gì những chuyện lớn lao khác.

Tay anh bưng chén trà đưa lên, như định uống, lại dừng lại ở lưng chừng như vừa chợt nhận ra trong làn khói trà ẻo lả một cái gì khác lạ.

Trên gương mặt chữ điền của người đàn ông bốn mươi tuổi, đôi mắt tinh anh khá đẹp kia bỗng trầm ngâm một nét buồn, giống như một nỗi đau không dứt. Anh đăm đăm nhìn hai người khách trước khi đặt chén xuống và nói tiếp, giọng nhỏ lại, vang lên một cách đều đặn và buồn bã trong làn không khí buốt giá:

– Đêm ấy tôi có việc phải về rất khuya, trời lại mưa lớn nên phải còng lưng cố đạp cho nhanh. Đến một quãng vắng bỗng nghe gọi: “Anh ơi, cho đi nhờ với!”. Tôi ngoảnh lại, thấy một người hối hả chạy từ hè phố ra, tay vẫy rối rít. Tôi chần chừ một tí, nghĩ không biết có phải thật người có việc muốn đi nhờ không, thì xe đã bon một quãng xa, trời lại đang mưa, thế là tôi đạp thẳng, vì vừa lạnh lại vừa mệt. Việc chỉ có thế nhưng về đến nhà rồi, rửa ráy lên giường xong mãi tôi không ngủ được. Tôi cứ hình dung cái vẻ mừng rỡ của người ấy lúc chạy về phía tôi, rồi sau đó anh ta chậm hẳn lại, hoàn toàn hẫng hụt và ngạc nhiên thấy tôi bỏ đi luôn. Mà mưa thì tầm tã như trút, và anh ta chẳng có xống áo gì, ướt như chuột lột. Tôi nghĩ, mình có phải là một người ích kỷ tệ hại không. Sao không ngừng lại thử xem, ngộ nhỡ là một người nhỡ đường đi nhờ một đoạn để chóng được về nhà, thay bộ quần áo khô ráo. Thế mà mình nỡ thản nhiên từ chối một việc cỏn con như vậy… Và đầu tôi cứ lấn vấn mãi các ông ạ, cứ thấy ân hận, khổ tâm thế nào ấy…

Người khách già chăm chắm nhìn vào một điểm vô hình nào đó phía trước bằng cặp mắt to hơi đục và đờ, dấu hiệu của chứng suy nhược thị giác. Đôi mắt đó thích hợp với những nếp nhăn sâu từ giữa má kéo xuôi về hai bên mép tạo cho thần sắc ông một vẻ rầu rĩ lộ liễu, thích hợp với đôi vai xuôi và cái lưng nhỏ còng xuống vì mệt mỏi được che lấp bởi chiếc áo len rộng màu nâu sẫm. Một chiếc tất đen ở chân ông bị thủng khiến đầu ngón chân thứ hai thò ra ngoài như một hạt dẻ lớn.

Ông nói, giọng rền và chậm, như thể mọi âm thanh đều cần thời gian để lắng lại và thoát ra:

– Cứ thử đặt trường hợp là sau khi suy nghĩ, ông không đi luôn mà quay trở lại thì sao nhỉ? Một là ông sẽ lai hộ người kia một quãng đường rồi quay về, ngủ yên và chẳng có dịp nào để kể lại chuyện này cả, vì nó bình thường quá, đến nỗi nói ra sẽ trở thành ngô nghê. Trường hợp thứ hai, người kia không phải kẻ thực sự nhỡ đường, và thế là ông trở thành nạn nhân của một vụ trấn lột. Và khi nghe chuyện, nhiều người sẽ kêu lên: “Sao ông ấy dại thế, sao lại quen thói tin người như từ thời xửa thời xưa nào rồi!”. Và người ta sẽ trách ông, cười ông là khác, thay vì khen ông. Đúng thế không nào?

– Vâng, quả đúng thế thật.

Chủ nhà xác nhận, và cùng với cái gật đầu, anh bưng dĩa thuốc quấn lên mời hai người khách, rồi bật diêm châm lửa cho họ, gài một điếu lên môi mình. Những đầu thuốc rực đỏ lên và những làn khói nồng nàn bắt đầu vấn vít cùng với khói trà thơm.

– Bởi vì, đâu phải bao giờ người ta cũng có thể hiểu được người khác, chứ đừng nói là làm giống người khác.

Người khách trẻ lên tiếng. Làn da trắng xanh của anh nổi bật trên nền chiếc áo len cổ cao màu xanh đen và trên lớp da trắng đó nổi bật một cặp mắt đen nhánh, với cái nhìn dò xét một cách thẳng thắn của trẻ con.

– Thế gặp trường hợp các ông, các ông sẽ xử sự thế nào?

Chủ nhà hỏi khách với vẻ dè dặt và chờ nghe trả lời cũng với vẻ dè dặt. 

– Có thể cũng sẽ làm giống ông thôi, vì… ông thấy đó, bọn tôi cũng có khác gì ông đâu.

Người khách già nói chậm chạp, hầu như không phải nghĩ ngợi gì.

– Kể cả việc sau đó cũng sẽ băn khoăn, day dứt, tự trách mình và khổ tâm… Phải thế không anh?.

Người khách trẻ hỏi, với một thoáng châm biếm trong nụ cười không trọn vẹn. Sau đó cả ba người cùng lặng thinh, rít thuốc, để khói thuốc thay mình làm đầy gian phòng hẹp.

– Kể cũng đáng buồn, các ông nhỉ? Bởi vì nếu cứ thật tin rằng người kia là kẻ xấu đi thì mình sẽ nhẹ nhõm và thấy yên tâm ngay… Đằng này, mình lại không nỡ tin thế.

Đến những chữ cuối, giọng trầm lắng của chủ nhà như chợt run lên, mắt anh dán vào đáy chén nước màu vàng xanh trong suốt kia như cố tìm lời giải đáp.

Một thoáng lặng yên nối kết những điều họ không nói thành lời, sự lặng yên như một ngôn ngữ sâu thẳm mà họ dùng để bày tỏ với nhau.

Người khách già lấy tăm xăm một miếng mứt gừng lên. Những hạt đường bám bên ngoài lát mứt ánh lên vẻ sáng rỡ của thủy tinh. Ông hơi nheo mắt, như thể vị ngọt và cay đã làm nảy ra trong ông một điều nghĩ ngợi khác.

– Tin vào cái này và không tin vào cái kia. Chỉ có thế mà biết bao rắc rồi, các ông nhỉ?

Ông chấm câu bằng việc nâng phích lên cho thêm nước vào ấm. Bàn tay xương xẩu nổi đầy gân xanh run run vì cái trọng lượng nhỏ nhoi phải cáng đáng. Trả phích về chỗ cũ, ông lần lượt nhìn vào mắt hai người kia, đôi mắt đục hơi chớp như đang phải cân nhắc về những điều sẽ nói.

– Câu chuyện tôi sắp kể có cái gì na ná như chuyện của ông vừa rồi. Với người khác thì có lẽ nó đã trôi tuột đi đằng nào rồi, còn với mình thì nó cứ ở lại, ở lại mãi, dù chẳng có gì vui…

Ông rót nước ra các chén, bưng chén mình lên uống một ngụm trước khi bắt đầu:

– Lần ấy tôi phải đi công tác miền Nam. Lẽ ra thì có thể nhờ các cô hành chánh lấy giúp vé nhưng tôi lại tự mình ra quầy vé, để thấy cho được cái cảnh ngổn ngang, chen chúc. Những hàng người dài dằng dặc, căng thẳng chờ được nhích lên từng bước, từng bước, như tiến đến chỗ giải thoát không bằng. Tôi hoa cả mắt và xây xẩm mày mặt, tự hỏi không biết có đến lượt mình không, và mình có đủ kiên nhẫn và can đảm chờ đến lúc ấy không thì bỗng nhiên tôi nghe tiếng kêu và trông thấy bà cụ ấy. Dễ cụ cũng đã ngoài bảy mươi, tóc bạc  trắng cả. Cụ vừa lần sờ các túi áo trong áo ngoài vừa thở hổn hển, hẳn vì bị xô đẩy dữ quá. Móc chán rồi cụ lộn trái các túi áo ra, và kêu lên “Chết tôi rồi! Mất hết cả giấy tờ tiền bạc đi đằng nào rồi!”. Kêu thì kêu, cụ lại vẫn tiếp tục lục lọi trong từng cái áo, như đã quẫn trí. Những người chung quanh quay sang hỏi, cụ vừa khóc vừa kể không ra tiếng. Cụ ở Thái Nguyên xuôi tàu xuống, ngủ lại ga chờ mua vé vào thăm con đang công tác trong Nam. Chen chúc thế nào không biết mà đến lúc ấy thì mất sạch chẳng còn gì. Giờ thì vào Nam không xong, mà ngược lên Thái Nguyên cũng dở. Nói đến đấy chắc là lo lắng và tủi thân, cụ òa khóc to lên, cái mồm móm mém mếu xệch đi trông thật thảm thương, hai tay buông thõng rồi lại co lên vày vò các túi áo không ngớt. Thật mình cũng thấy xót xa gan ruột cho tình cảnh của bà cụ. Ấy thế mà có mấy tay thanh niên đứng cạnh tôi lại há hốc mồm cười hô hố, cười một cách hả hê khoái trá. Tôi nhìn chầm chặp vào mồm bọn chúng nhưng bọn chúng cứ làm như không thấy, bơ đi. Tôi bèn hỏi: “Các cậu cười gì đấy?”. Một thằng hỏi ngược lại tôi: “Ông hỏi làm gì?”. Tôi không dằn được, nói gay gắt: “Tôi thấy chả có gì đáng buồn cười ở đây cả!”. Nó hét vào mặt tôi: “Tôi có mồm tôi cười. Ông cấm được à. Rõ hâm!”. Nếu không tự kìm chế, hẳn tôi đã tống vào mồm nó vài quả rồi có đến đâu thì đến. Thế nhưng tôi đã không làm được gì nó các ông ạ. Và về đến nhà cứ buồn và nghĩ ngợi mãi. Sao bọn nó lại cười các ông nhỉ. Sao lại có thể cười được chứ. Phải giải thích điều ấy như thế nào đây?

Ông ngồi lặng đi, lưng gù thêm xuống và mắt không hề động đậy, như đang sống lại hoàn toàn điều đang nói, nom giống hệt một bức tượng biểu hiện cho tuổi già và sự mỏi mệt cùng nỗi bất an trong tâm hồn một con người không thỏa hiệp.

Chẳng ai nhìn ai cả. Mỗi người chìm sâu vào điều mà mình đang chiêm nghiệm. Rồi thì, giọng sắc và dứt khoát của người khách trẻ cất lên trước tiên:

– Đó là sự sa đọa về tinh thần, về đạo đức, là sự xúc phạm đáng báo động với tất cả mọi người.

Chủ nhà nhìn người đang nói. Nỗi buồn trong mắt anh sánh ra một ít bởi sự tập trung cao độ về câu nói mà anh vừa nghe.

– Đúng thế. Chẳng khác gì sự vô luân vì không còn giới hạn, không còn phân biệt giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, đẩy con người dần dần đi đến cái đáy tận cùng của sự hung bạo.

Bỗng, như chợt nhớ ra là mình đã quá hăng hái trong câu chữ, nhớ tới vai trò chủ nhà, anh đột ngột dừng lại, đằng hắng, và nói với khách bằng một giọng đon đả bình thường:

– Nào, ăn mứt đi chứ, các ông, sao lại để nguyên thế này!

Anh bưng dĩa mứt lên mời tận tay hai người khách, và cũng nhón cho mình một lát, vừa định đưa lên mồm thì cửa bật mở ra, làm mọi người đều phải ngẩng về phía ấy. Một luồng gió lạnh như băng ập vào cùng lúc với người khách thứ ba. Anh ta đứng tựa lưng vào cánh cửa vừa được khép trả và kêu lên một cách tự nhiên đến suồng sã:

– Ái dà, ấm cúng nhỉ!.

Và để nguyên cả áo khoác, cả mũ, anh ta đến ngồi vào chỗ trống trên giường mà cả ba người kia đã tự động nhích vào từ khi anh ta xuất hiện. Cởi giày và tuột găng rất nhanh, anh ta bưng ngay chén nước mà chủ nhà vừa pha lên, uống liền mấy hớp.

Chủ nhà nói, giọng thân tình:

– Lâu lắm mới thấy. Ông có vẻ khỏe ra đấy!

– Tôi mới về. Đoàn vừa lưu diễn.

Hai người khách nhìn cả vào đôi mắt hơi lồi có những tia nhìn rất nhanh, cái miệng rộng với đôi môi mỏng, và lắng nghe giọng nói khá đường bệ, tự tin của người quen thành công hơn là thất bại. Anh ta nhận thuốc từ tay chủ nhà, rít những hơi rất sâu rồi lấy thuốc khỏi môi, xoay tới xoay lui điếu thuốc quấn không có nhãn hiệu, săm soi mãi như cố tìm ở đó cái gì khác lạ.

Trong khi đó, ba người kia đã dần dần nối lại được cái mạch trong câu chuyện vừa bị cắt, nhờ vào sự yên lặng mới trở lại với căn phòng.

Người khách trẻ dụi thuốc vào gạt tàn trước khi mở lời:

– Các anh có để ý những đám đánh nhau bao giờ không?

Và anh tiếp luôn không đợi nghe trả lời:

– Ở đó hình như có cái gì giống với những điều các anh đã nói từ sáng đến giờ.

Hai người kia ngồi yên, ngẫm ngợi, có vẻ bần thần, còn người mới vào nói ngay chẳng chút dè dặt:

– Những đám đánh nhau à?  Cái bọn thừa năng lượng ấy à? Có lẽ chỉ khi nào chân tay không giở lên nổi chúng mới chừa được cái thói ấy.

Anh ta nhìn những người khác, có vẻ chở nghe những lời tán thưởng nồng nhiệt nhưng lại gặp một sự lặng lẽ hoàn toàn trái ngược nên chỉ ngẩng mặt lên, tiếp tục rít thuốc và sau đó phun những sợi thuốc dính ở môi ra.

Giọng trong trẻo của người khách trẻ cắt vào khoảng không lạnh giá ấy:

– Nhiều lần tôi quan sát và rút ra được kết luận là điều đáng nói không phải ở ngay trong đám đánh nhau mà là ở chung quanh, ở những người hoàn toàn trong trạng thái tỉnh táo chứ không hề bị kích động chú nào.

– Đúng thế. Tôi cũng nhiều lần làm như ông: quan sát chung quanh các đám đánh nhau và cũng thấy như thế.

Giọng trầm của chủ nhà nối ngay theo. Người khách trẻ đưa cặp mắt đen nhìn anh, nhìn hai người kia rồi nheo lại với những điều đang nói:

– Cả một đám đông chen chúc nhau, không phải chỉ vì tò mò mà rõ ràng có sự thích thú, khoái trá, như thể đang tiêu khiển không bằng. Và không những thế, hình như còn cả sự khuyến khích ngấm ngầm, như để giải tỏa một cái gì đó trong con người họ… Còn những kẻ đánh nhau thì xông đến như điên, tay chân gậy gộc vung loạn lên, máu me đầm đìa cả mặt mũi quần áo, mất hết lý trí, mất hết lương tri, như có thể nhai sống nuốt tươi nhau không bằng, như hai con gà đá, hai con trâu điên, hai con hổ đói… Tôi đã từng ở chiến trường nhiều năm, từng nhìn thấy bao nhiêu máu me, bao nhiêu người chết, nhưng phải chứng kiến những cảnh như thế thì người cứ nổi gai lên vì ghê sợ, vừa tức giận, vừa kinh tởm. Sao lại có thể đứng xem để thưởng thức được chứ? Sao lại có thể cười cợt tươi tỉnh như không…?!

Anh nâng chén lên, uống một hớp nước, như nuốt một cái gì đó trong cổ họng xuống. Người khách mới nhân đó lại xen vào:

– Hai sự hung bạo giống hệt nhau không hơn không kém: những kẻ muốn ăn thịt người và những kẻ đứng xem người bị ăn thịt. 

– Vâng, đúng thế.

Được sự đồng tình của người khách già, người mới vào lại hăng hái tiếp tục:

– Mọi sự độc ác đều đáng bị lên án, phải không các ông? Con người sau chiến tranh có thể bị mất mát, thiệt hại, tật nguyền ở một số mặt, nhưng về mặt này thì không thể… Không thể nào chấp nhận, không thể nào tha thứ được.

Đôi mắt người khách già nhìn người này đầy những hàm ơn, như thể anh ta đã mang đến cho ông một cái gì to tát, còn đôi mắt đen của người khách trẻ thì nhìn chủ nhà đang lặng yên ngắm làn khói thuốc. Anh đốt cho mình điếu thuốc mới, chậm rãi rít những hơi dài, nhả khói vào đám khói đã làm mờ những gương mặt mỗi người trong phòng và nói tiếp:

– Có lần tôi đi đến, hỏi một cô gái có mặt trong cái đám đông ấy: “Sao cô không can họ ra?!”. Tất nhiên tôi chỉ hỏi thế thôi, chứ mảnh mai như cô ấy không thể cáng đáng một việc như thế, vả lại cô ấy là phụ nữ. “Làm sao can được, anh”, cô ta trả lời. Tôi lại bảo: “Thế cô đi gọi công an đi!”. “Chắc sẽ có người làm việc ấy”. “Thế cô làm việc gì?”. Tôi lại hỏi tiếp. Cô ta đáp với một chút ngập ngừng, chắc đã cảm thấy có điều gì không ổn. “Tôi… xem thôi”. Tôi nhìn lại cô thật kỹ, thấy đúng là mặt mũi xinh xẻo, hiền hậu, thì càng không kìm được, lại tiếp luôn: “Sao cô không vỗ tay? Họ đánh nhau hăng thế kia!”. Tất nhiên cô ta ngạc nhiên và phật ý, kêu lên một cách gay gắt: “Anh này nói hay nhỉ!”. “Tôi tưởng nếu đi xem thì phải cổ vũ, tán thưởng cho nhiệt tình chứ!”. Thế là cô ta hứ lên một tiếng, vùng vằng dắt xe quày ra, đạp một mạch không thèm nhìn lại. Có lẽ cô sẽ bực bội vì buổi sáng đã gặp phải một gã đàn ông bất lịch sự với mình như thế. Nhưng các anh hiểu cho, là tôi không thể kìm mình được. Tôi không thể chấp nhận việc ngay cả phụ nữ cũng tham gia vào những chuyện như thế. Phụ nữ vốn mềm mại và nhạy cảm với những nỗi đau hơn.

– Phụ nữ à? Về phụ nữ thì nhiều chuyện lắm, ông bạn ạ – Người mới vào kêu lên một cách mừng rỡ, như bắt trúng một cái gì. Mắt anh ta lại nhìn rất nhanh cả ba người trong phòng và tay chìa ra một gói thuốc – Mời các ông hút. Thứ thuốc này khá hơn. Rồi tôi sẽ kể cho các ông nghe một câu chuyện có đầu có đuôi hẳn hoi, giống như tiểu thuyết ấy. Chuyện liên quan đến một phụ nữ.

Ba người lần lượt rút ba điếu, anh ta cũng đặt một điếu lên môi rồi cất trả gói thuốc. Những đầu thuốc lại đỏ lên và khói thuốc thơm lan tỏa trong căn phòng khi giọng cao và trầm bổng của anh ta cất lên một cách rành rọt và linh hoạt:

– Có một cậu và một cô sinh viên yêu nhau khá sâu đậm, tới mức nếu như có một kết quả cụ thể gì đó thì hẳn đã buộc phải kết hôn chính thức. Thế nhưng bọn Mỹ đánh gắt quá và anh ta ra trường, đổi đi công tác xa trong khi trường đại học phải sơ tán. Rồi anh ta trúng tuyển bộ đội. Họ có liên lạc thư từ được lúc đầu nhưng về sau thì lạc mất nhau vì địa chỉ cứ đổi lia lịa. Cuộc đời cứ thế mà trôi, mà dời đổi.

Anh ta ngừng nói, rít thuốc, uống nước, liếc nhìn những gương mặt chăm chú của mọi người một cách hài lòng rồi dựa ngửa ra tường và tiếp:

– Khi trở về vì bị thương, anh ta mới hay là cô bạn gái, cô người yêu ngày xưa của mình đã có chồng, có con, chắc hẳn cô nghĩ rằng anh chẳng còn sống nữa. Anh ta không hề có ý định gặp lại, vì xem như thế là ai đã yên phận nấy. Thế nhưng, cuộc đời vẫn tạo ra những dun rủi oái oăm, các ông ạ. Ở một ngôi nhà nào đó trong thành phố, cái anh chồng của cô kia bỗng dưng mắc bệnh rồi lăn quay ra chết một cách chóng vánh. Và cô ta trở thành mẹ góa của hai đứa con. Và cô ta lại chẳng có nghề ngỗng gì. Quen sống nhờ vào anh chồng dân buôn mất rồi. Thế nên mới có chuyện.

Anh ta đốt một điếu thuốc khác và nhả khói, cố tình ngắt đoạn ở chỗ những người khác đang nóng lòng muốn nghe tiếp:

– Cô ta bắt đầu bán ti-vi, tủ lạnh, quạt máy, tới bàn ghế giường tủ, rồi quần áo, và sau cùng là nhà… Sau đó thì sống bằng gì? Bằng cái cách như thế, các ông ạ. Những anh chàng dân buôn bè bạn với anh chồng ngày xưa tới lui, lui tới, giúp đỡ, đỡ giúp… Các anh thừa hiểu là bọn đàn ông, nhất là đàn ông dân buôn làm sao chỉ bỏ tiền ra mà không tính thu lại cái gì. Huống hồ cô ấy chỉ có một mình mà lại xinh đẹp phây phây ra thế. Vậy là một bên là bạn của chồng, một bên là vợ của bạn, cứ thế mà đi lại với nhau, luân phiên, tuần tự… Cho đến một ngày kia, có một anh chàng không ở trong giới buôn bán với họ, cũng được giới thiệu, cũng tìm đến, theo địa chỉ… – Anh  ta ngước đôi mắt hơi lồi lên nhìn hai người khách một cách hóm hỉnh và môi nhếch một cái cười nửa miệng vừa ranh mãnh vừa chán chường – Cô ta nghe tiếng gọi, đi ra mở cửa, và họ nhìn nhau, vừa sững sờ vừa chết điếng nhận ngay ra người cũ, tuy họ chia tay nhau đã mười năm hơn, và hai người chẳng ai còn trẻ nữa. Các ông tưởng tượng xem, cuộc hội ngộ cũng đầy vẻ ly kỳ tiểu thuyết đấy chứ, có khác nào Thúy Kiều, Kim Trọng thời nay…

Anh ta bật lên mấy tiếng cười khan đầy nhạo báng rồi rót cho mình một chén nước và bưng lên, uống cạn ngay. Cái miệng có hai khóe rất rõ hơi nhếch lên một cách ngạo nghễ kia lại buông ra một câu khoái hoạt:

– Đấy nhé, tôi cũng đã góp vui với các ông bằng một chuyện cũng không đến nỗi tồi lắm nhé. Bây giờ thì tôi xin rút lui. Đến giờ phải đi rồi.

Anh ta xoay người lại để mang giày trong lúc hai người khách kia lại nhìn nhau, trong mắt họ có cái gì thật khó nói. Hết nhìn nhau họ lại nhìn chủ nhà còn chủ nhà thì chăm chú quan sát một cái gì đó trong những làn khói bốc lên từ chiếc gạt tàn. Khi người khách thứ ba đã đứng lên và mang găng, anh mới nói chậm rãi:

– Ông… vội thế!

Người khách lại nở đúng nụ cười ban nãy và nói rất cười cợt, giỏng kéo dài ra:

– Thỉnh thoảng tôi lại ghé để biết được một chút thời-sự-tâm-hồn từ cái phòng nhỏ này của ông. Bây giờ thì tôi đi đây. Xin chào cả nhà.

Anh ta quay lưng, chủ nhà bước vội theo. Một luồng gió lạnh lại ập vào phòng khi người khách lạ tự tay mở rộng cửa, giơ bàn tay lên làm một động tác từ giã, một mắt nheo lại rất vui vẻ và tinh quái. Chủ nhà trở vào và rõ ràng có một điều đang làm anh nghĩ ngợi rất lung. Sự có mặt của người khách ban nãy, câu chuyện và phong thái của người này hình như tác động đến anh rất mạnh. Anh ngồi xuống giường, đổ lớp bã trà cũ ra chiếc ly lớn, cho trà mới vào, thêm nước và sau đó bật diêm châm thuốc. Những động tác đều chậm chạp như bị chặn lại từng lúc từ những ý nghĩ trong đầu.

Chỉ còn lại ba người, không khí cô đọng, tĩnh lặng lúc ban đầu trở lại rất nhanh. Họ ngồi lặng yên, thư thái chờ trà ngấm. Và khi chủ nhà rót nước ra chén, họ lại chậm rãi nhắp môi như lắng nghe tất cả vị đắng chát của trà chuyển thành một dư vị ngọt ngào thấm sâu trong cổ.

Rồi giọng rền và từ tốn của người khách già cất lên:

– Tôi nói điều này không biết có quá thơ mộng và lãng mạn không, nhưng tôi cứ nói – Ông hơi mỉm cười, đôi mắt đục bớt vẻ rầu rĩ một tí – là không phải tôi đoán nhưng tôi mong cuộc hội ngộ kỳ lạ kia sẽ dẫn đến một cái gì tốt đẹp. Bởi lẽ anh chàng kia dù đã có vợ rồi hay chưa cũng không thể nào đành lòng làm ngơ trước tình cảnh người yêu cũ như thế, mà có khi là người yêu đầu tiên cũng nên. Chỉ cần một chút tình thương, một chút nâng đỡ tinh thần, một số việc làm nho nhỏ và cụ thể nào đó… Tôi nghĩ, có khi cũng đủ để chuyển biến một cuộc đời. Những con người mất phương hướng và dễ gục ngã như thế rất cần có một điểm tựa, một điểm tựa thật sự…

Người khách trẻ nói ngay khi người khách già dừng lại:

– Mà suy cho cùng thì anh chàng kia cũng có phần trách nhiệm trong cuộc đời người phụ nữ nọ. Tôi cho là không phải bỗng dưng mà cô ta tự hủy hoại cuộc đời mình như thế. Nếu không vì khổ đau, thất vọng, không phải vì một sự bế tắc đến tận cùng… Chỉ một con người không có tình yêu, không có niềm tin thì mới hành động vô vọng như thế.

Chủ nhà lắng nghe những câu nói của hai người khách. Những làn khói thuốc không ngớt bốc lên làm nhòa gương mặt anh, không cho hai người kia nhìn thấy những vết nhăn bỗng sâu hơn trên trán, hai bên khóe mắt và khóe miệng, khiến anh bỗng chốc già đi đến mười tuổi nữa. Anh gõ tàn vào gạt, đưa thuốc lên môi rít tiếp rồi thu tay vào áo và rõ ràng không hề có ý định góp thêm vào câu chuyện giữa hai người.

Người khách già bưng chén trà của mình lên uống cạn và thay đổi hẳn giọng nói, nhanh lên và nhẹ nhàng đi:

– Buổi sáng này hay đấy các ông ạ. Biết thêm được một người như thế. Anh ta có vẻ hơi khe khắt một tí với những thực tế xù xì của đời sống. Nhưng đó là một người tốt, một người tích cực, tôi in như thế. Ông có một người bạn hay đấy, ông ạ.

Ông nhìn chủ nhà, đôi mắt đục vẫn còn vương vất vẻ tươi cười trong khi người khách trẻ nói thêm:

– Đúng là anh ta có vẻ hơi gay gắt quá, chua cay quá. 

Đến bấy giờ chủ nhà mới mở lời, giọng trầm và nhỏ hẳn:

– Vây, anh ta có hơi thế thật.

Chỉ nói thế rồi anh đưa tay lấy hộp trà định thay trà mới thì người khách già ngăn lại:

– Thôi ông ạ, đủ rồi. Bọn mình uống nốt nước cuối này rồi chia tay là vừa. Cũng đã đến lúc phải về đây. Sáng này chúng tôi lại rủ nhau đi bộ đấy, để vừa dễ trò chuyện, vừa được ngắm phố phường. Sáng nay trời đẹp lắm.

Ông nâng ấm lên rót đầy các chén và uống cạn chén mình trước tiên, đốt một điếu thuốc gắn lên môi rồi xỏ tay vào găng và đứng lên khoác áo ngoài vào. Người khách trẻ cũng mang găng và mặc áo trong khi chủ nhà lẳng lặng đứng lên để tiễn khách. Những nếp nhăn rầu rĩ trên mặt người khách già như mờ đi, còn đôi mắt đen của người khách trẻ như yên ổn hơn, tin cậy hơn lúc họ quay lại với anh trước khi cánh cửa đóng kín. 

Chủ nhà trở vào ngồi ở mép giường, nhìn xuống và nghĩ ngợi. Những chiếc chén không để ngửa trên khay, bã trà và nước thừa đầy đến hai phần chiếc cốc lớn. Trong chiếc gạt tàn đầy đầu mẩu, tàn thuốc rơi cả trên mép, những sợi khói cuối cùng mỏng mảnh tan vào làn khí lạnh. Anh đốt một điếu thuốc rồi đứng lên đi đi lại lại trong khoảng diện tích nhỏ hẹp của căn phòng, trán cau lại đầy trầm ngâm và buồn bực. Trong anh tràn đầy một cảm giác bất ổn, cảm giác của một người ngay thẳng bỗng dưng trở thành kẻ phạm tội.

Anh là người duy nhất có thể lên tiếng nhưng anh đã không làm điều đó. Anh không làm điều đó khi có mặt gã đàn ông nọ và ngay cả sau khi hắn đã rời khỏi phòng, khi các bạn anh nói về hắn với vẻ tán thành đầy thiện cảm, chỉ vì họ không hề biết chuyện. 

Phải, họ làm sao nghĩ được là hắn đã đem kể câu chuyện của chính đời hắn, kể một cách rao bán, như một món hàng rẻ rúng chỉ đáng để mua vua. Hắn đã cố tình bỏ lửng đoạn cuối, hoàn toàn khác xa với điều mơ ước của bạn anh. Vì hắn không hề trở lại căn nhà của người yêu cũ một lần thứ hai nào nữa, lạnh lùng cắt đứt mối quan hệ vừa được nối lại, thẳng thừng dập vùi cả thời quá khứ vừa được bật lên, bất kể việc làm đó có thể là một đòn trí mạng đánh vào trái tim vốn đã đầy thương tích của người phụ nữ. Hắn tự cho rằng hắn khôn ngoan và chân chính.

Anh hình dung hai bạn mình đang trên đường về, bàn luận sôi nổi và hăng hái về tất cả những gì họ đã nói cùng nhau buổi sáng, trong căn phòng này. Và họ thấy sung sướng, hạnh phúc, thứ hạnh phúc quá nhỏ nhoi, khiêm tốn mà họ cố công chắt lọc từ đời sống. Họ không hề biết rằng trong chính căn phòng đó anh đang đi lại, đầy dằn vặt và bực bội. 

Rồi anh dừng lại bên giường, bưng cái chén trà cuối cùng người khách già đã rót cho anh. Anh trầm ngâm nhìn vào lòng nước, đến tận đáy chén, và bất ngờ, anh nghe thấy mình nói với cái gương mặt mờ mờ hiện ra trong lòng chén:

– Nếu mình cứ ngập ngừng mãi thế này thì mình cũng chẳng hơn gì nó.

             Đại Lải, tháng Mười một – Tám ba

…………………………………..

Ảnh cũng chụp vào năm 1983, có lẽ trước khi viết truyện này

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here