Nhìn lại xu hướng bỏ chữ Hán ở Đông Á: Trường hợp Triều Tiên và Hàn Quốc

0
7
Tại Triều Tiên và Hàn Quốc
Cù Tuấn
– nguồn: Dự án Nghiên cứu Quốc tế, tác giả Nguyễn Hải Hoành
Người Triều Tiên ngày xưa không có chữ viết. Từ thời Tây Hán (206TCN-23), chữ Hán bắt đầu vào bán đảo Triều Tiên và từ thế kỷ 2–3 sau CN, trở thành chữ viết chính thức của xứ này, gọi là “Hanja” (Hán tự). Tiếng Triều Tiên khác ngữ hệ với Hán ngữ, chữ Hán không ghi âm được tiếng Triều Tiên. Chữ Hán mượn về chỉ dùng để viết, không dùng để nói, hơn nữa chữ Hán rất khó học, chỉ tầng lớp trên mới biết chữ, dân chúng đều mù chữ. Vào thời Tam Quốc (220-280), người Triều Tiên làm ra chữ Idu và Gugyeol cấu tạo trên cơ sở chữ Hán, tương tự chữ Nôm Việt Nam. Loại chữ này phức tạp hơn chữ Hán, cho nên không được phổ cập, ngày nay rất ít được nói tới.
Thế kỷ 15, Trung Quốc dưới triều nhà Minh bắt đầu sa sút trên nhiều mặt, kích thích người Triều Tiên nêu cao nguyện vọng độc lập về ngôn ngữ, muốn có chữ viết riêng của mình, ghi được tiếng Triều Tiên. Vua Thế Tôn (Sejong) triệu tập một số trí thức trong nước cùng nhà vua nghiên cứu làm chữ viết riêng cho nước mình. Sau nhiều năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Triều Tiên và tham khảo chữ viết của một số nước khác, nhóm này làm ra loại chữ biểu âm có thể ghi âm được tiếng Triều Tiên. Năm 1446, bộ chữ này được in ra trong một tài liệu có tên “Huấn dân chính âm”, nghĩa là “những âm chính xác để dạy cho người dân”, nay gọi là chữ Hangul. Loại chữ này dùng 28 chữ cái (nay là 40, gồm 21 nguyên âm và 19 phụ âm), hình dạng chữ cái rất đơn giản, gồm từ 1 đến 5 nét, có dạng ㄱ ㄴ ㄷ… Ghép các chữ cái ấy lại theo thứ tự nhất định về không gian, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, sẽ làm thành các đơn tự (chữ lẻ), mỗi đơn tự là một tổ hợp ghép bởi nhiều nhất 5 chữ cái, toàn bộ nằm trong một ô vuông. Các chữ cái này có thể ghép thành hàng chục nghìn đơn tự. Mỗi đơn tự là một âm tiết, gồm phụ âm kết hợp với nguyên âm.
Giới ngôn ngữ học quốc tế đánh giá rất cao sáng kiến làm chữ Hangul. Đây là lần đầu tiên vùng Đông Á xuất hiện một loại chữ biểu âm cấu tạo đơn giản và có tính hệ thống, tính khoa học, dễ học dễ viết, dễ dùng, không dựa vào nền tảng chữ Hán hoặc chữ Latin. Chữ Hangul rất dễ học, dễ nhớ, có tài liệu nói người thông minh có thể học xong bảng chữ cái trong một buổi sáng; người chậm hiểu chỉ cần 10 ngày. Đặc biệt, Hangul là một trong số rất ít loại chữ viết trên thế giới mà loài người biết rõ ai làm ra và làm ra vào thời gian nào. Chữ Hangul được Nhà nước Hàn Quốc xác định là “Quốc bảo” (Báu vật quốc gia), tháng 10/1997 được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới (Memory of the world 1997), nhằm nhắc nhở loài người ghi nhớ thành tựu văn hoá -ngôn ngữ xuất sắc này.
Tuy vậy, trong 450 năm sau khi chữ Hangul ra đời, tầng lớp quý tộc và Nho sĩ ở Triều Tiên vẫn dùng chữ Hán, vì họ cho rằng chữ Hán cao cấp, sang trọng hơn, mỗi chữ hàm chứa một ý nghĩa nào đó chứ không vô nghĩa như chữ Hangul mà họ gọi là “Ngạn văn”, tức “chữ thô tục”. Họ nói bỏ chữ Hán tức là bỏ mất văn minh Trung Hoa, và bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại tình trạng dã man mông muội như xưa. Phải đến đầu thế kỷ 20 xứ này mới chính thức sử dụng chữ Hangul.
Sự kiện chữ Hangul ra đời được coi là đợt đầu của phong trào bỏ chữ Hán ở Triều Tiên nhằm tránh khả năng nước này bị văn hoá Trung Quốc đồng hoá.
Giai đoạn 1910-1945, bán đảo Triều Tiên bị sáp nhập vào Nhật. Chính quyền Nhật thi hành chính sách đồng hoá người Triều Tiên, cấm dạy chữ Hangul, chỉ cho phép dùng chữ Nhật, gồm nhiều chữ Kanji (chữ Hán ở Nhật). Chữ Hangul trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc Triều Tiên.
Chữ Hán vẫn được dùng rộng rãi trong thời Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên. Một ví dụ: “Tuyên ngôn Độc lập” đọc trong lễ thành lập Chính phủ Lâm thời (chống Nhật) của Triều Tiên tổ chức tại Thượng Hải ngày 1/3/1919, vẫn viết bằng chữ Hán: “Kỷ Mùi Độc lập Tuyên ngôn thư”. Hiện nay, vào ngày 1 tháng Ba hàng năm, Hàn Quốc đều tổ chức kỷ niệm Lễ Độc lập, và đều đọc lại Tuyên ngôn chữ Hán đó.
Sau ngày lập quốc (15/8/1948), hai nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc dần dần bỏ chữ Hán. Từ 1949, Bắc Triều Tiên triệt để bỏ chữ Hán, nhưng sau khi thấy việc đó gây ra một số rắc rối, năm 1968 lại phục hồi dạy chữ Hán. Hiện nay ngành giáo dục Bắc Triều Tiên yêu cầu học sinh tốt nghiệp phổ thông phải biết khoảng 2000 chữ Hán. Có trường đại học mở lớp học Hán ngữ cổ.
Hàn Quốc dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn (Lee Seung-man, cầm quyền từ 1948 đến 1960) chủ trương bỏ chữ Hán, ban hành “Luật Chuyên dùng chữ Hàn”, quy định các văn bản của chính quyền chỉ dùng chữ Hangul, bãi bỏ việc dạy chữ Hán ở bậc tiểu học. Đây là đợt thứ hai của phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc.
Dưới thời Tổng thống Park Chung-hee (cầm quyền từ 1963 đến 1979), Hàn Quốc bỏ chữ Hán triệt để hơn, thậm chí đổi tên thủ đô từ “Hán Thành 漢城” ra “Seoul” (chữ Hán-Việt là “Thủ nhĩ 首爾”, tức “Thủ đô” trong tiếng Hàn) và cấm học sinh học chữ Hán. Đây là đợt thứ ba của phong trào bỏ chữ Hán.
Người Trung Quốc cho rằng phong trào bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có tính chính trị, nhằm nâng cao tính độc lập của Hàn Quốc với văn hoá Trung Quốc.
Tuy vậy, thay chữ Hán biểu ý bằng chữ Hangul biểu âm đem lại một số rắc rối do không còn phân biệt được nhiều từ đồng âm, tức hiện tượng có nhiều từ đa nghĩa, không biết nên hiểu theo nghĩa nào. Tiếng Hàn/Triều nghèo âm tiết, lại không có thanh điệu, cho nên tổng số âm đọc rất ít, hậu quả là tồn tại nhiều chữ/từ đồng âm. Ví dụ 4 từ chữ Hán “phòng thuỷ 防水” (không thấm nước), “phóng thuỷ 放水” (xả nước), “phòng thủ 防守”, và “phòng tú 防銹” (phòng gỉ sét) trong tiếng Hàn là từ đồng âm, khi viết bằng chữ Hangul đều là cùng một từ, nhìn chữ không biết nên hiểu theo nghĩa nào, nếu hiểu sai có thể gây thiệt hại đáng tiếc như đã xảy ra trong thực tế. Khi viết bằng chữ Hán thì phân biệt được ý nghĩa của các từ đồng âm, vì các chữ khác nhau về tự hình.
Vì thế Nhà nước Hàn Quốc quy định những chữ/từ đồng âm khó phân biệt ý nghĩa đều phải ghi chú thêm bằng chữ Hán đặt trong ngoặc. Các văn bản cần chính xác cao đều dùng cách này. Vì thế, chữ Hán chiếm một phần đáng kể trong bản Hiến pháp Hàn Quốc. Các văn bản pháp luật đều phải chuẩn bị sẵn một văn bản hỗn hợp chữ Hán và chữ Hangul, dùng làm căn cứ giải thích sau cùng nếu có chỗ khó hiểu. Điều đó đòi hỏi những người hành nghề luật pháp phải tinh thông chữ Hán.
Hiện nay người Hàn thích ghi chú bằng tiếng Anh hơn bằng chữ Hán. Tuy cách ghi chú này có thể giải quyết được vấn đề từ đồng âm nhưng việc không dùng chữ Hán sẽ gây ra nguy cơ “đứt rời văn hoá”, người Hàn Quốc dần sẽ không đọc hiểu được các tác phẩm chữ Hán tổ tiên để lại, tức bỏ mất nền văn hoá truyền thống lâu đời quý giá.
Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc đưa ra chủ trương đề cao văn hoá truyền thống. Điều đó đã kích thích phong trào học chữ Hán. Tháng 5/2016, một số nguyên Thủ tướng Hàn Quốc ký một thư chung đề nghị dạy chữ Hán ở cấp tiểu học. Hiện nay, học sinh trung học được học chữ Hán như một môn tự chọn, khi tốt nghiệp phải biết gần 2000 chữ Hán loại thường dùng. Thậm chí một số học giả Hàn Quốc còn tuyên bố chữ Hán là do người Hàn Quốc làm ra, nên dùng chữ của tổ tiên là đúng.
Tóm lại, tiến trình bỏ chữ Hán ở Hàn Quốc có nhiều gian nan, trắc trở và không triệt để, rốt cuộc vẫn không hoàn toàn bỏ được chữ Hán.