Dù là “tình huống”, cuối cùng thì TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã bước qua bốn bức tường quan ngại của chính mình, để ngồi vào ngôi vị quyền lực cao nhất mà TBT Lê Duẩn cũng chưa từng có. Ông sẽ nắm giữ cùng lúc hai chức vụ cao nhất của quốc gia là Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Đây là ngôi vị mà chỉ có cụ Hồ Chí Minh từng giữ vào các năm 1951-1969, trong tư cách Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước.
Bức tường quan ngại thứ nhất của TBT Nguyễn Phú Trọng là “ Bí thư kiêm Chủ tịch thì to quá. Ai kiểm soát ông?” – như lời ông nói với cử tri vào tháng 5/2015. Nghĩa là lúc đó ông chưa ủng hộ mô hình “Bí thư kiêm Chủ tịch”. Còn bây giờ, “Có phải nhất thể hóa đâu”, “ Không phải vì nhất thể hóa, đây là tình huống” – là trả lời của ông cho cử tri sáng 8/10/2018 tại Hà Nội.
Bức tường quan ngại thứ hai, là ông đang chưa tìm thấy “chiếc lồng nhốt quyền lực”. Thế mà nay lại tập trung quyền lực của 2 chức vụ to nhất nước vào một người thì theo lẽ thường, mối quan ngại sẽ lớn hơn gấp bội. “Ai kiểm soát ông”? May chăng, người được tập trung quyền lực lại là chính ông, nên mối lo của ông về thao túng quyền lực sẽ phần nào khác đi từ góc nhìn của cá nhân ông. Về tập trung quyền lực, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đã không dưới một lần đề cập đến quyền lực tổng thống các nước phương Tây, “muốn làm gì thì làm” – không dân chủ!
Bức tường quan ngại thứ ba, là “Thống lĩnh lực lượng vũ trang”, đảm nhận chức “Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia”. Trên danh nghĩa đây là chức vụ rất quan trọng. Thời TBT Lê Duẩn, Chủ tịch Tôn Đức Thắng không phải là UVBCT, mọi quyết định quan trọng nhất về điều động quân đội đều do TBT nắm giữ, nên chức “Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia” có phần hình thức. Dẫu là hình thức nhưng vẫn là hai chức vụ quan trọng riêng biệt, rất khó xóa bỏ. Đặc biệt, trong trường hợp là UVBCT, nếu biết tận dụng, thì quyền lực của Chủ tịch nước sẽ rất lớn.
Bức tường quan ngại thứ tư, là sự phá bỏ mô hình 4 cột nhà “tứ trụ” để chuyển sang mô hình nhà “kiềng 3 chân”. Ngay cả thời cụ Hồ Chí Minh thì vẫn là mô hình “tứ trụ”. Bởi có Tổng bí thư hoặc Bí thư thứ nhất. Đây là điều khác biệt mang tính nguyên tắc, hoàn toàn không đơn giản vì liên quan đến chủ thuyết mà Việt Nam chưa có thực tế.
Nhưng bây giời thì TBT Nguyễn Phú Trọng đã bước qua cả bốn bức tường mà chính ông quan ngại, cho dù là “tình huống” như ông nói. Bước đi của ông mở ra những kỳ vọng cùng với những mạo hiểm tiềm ẩn.
NHẤT THỂ HÓA HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Như chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói “Có phải nhất thể hóa đâu”. Vì thế cần khoanh vùng bằng định nghĩa để tránh các tranh luận làm lệch chủ đề.
“Nhất thể hóa” trong bài viết này chỉ việc TBT Đảng sẽ đảm nhận luôn chức Chủ tịch nước; Bí thư Đảng các cấp xã, huyện, tỉnh sẽ đảm nhận chức vụ Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp địa phương tương ứng; các Ban của Đảng đưa về các Bộ; Hai bộ máy Đảng và chính quyền địa phương sẽ gộp vào một.
TẠI SAO NÊN ỦNG HỘ NHẤT THỂ HÓA?
Lý do quan trọng nhất để ủng hộ “Nhất thể hóa” là vì giảm biên chế bộ máy, giảm nhà cửa cũng như phương tiện cung cấp cho bộ máy, giảm nguồn tài chính nuôi dưỡng bộ máy.
Khắp 63 tỉnh thành, 2 bộ máy của Đảng và Chính quyền nằm ở các tòa nhà to lớn oai phong riêng biệt. “Nhất thể hóa” sẽ giải phóng nhiều nhà cửa phương tiện, cắt giảm hàng chục vạn biên chế. Nhờ đó mà tiền thuế của Nhân dân đóng góp sẽ bớt bị hoang phí.
Lý do quan trọng thứ hai để ủng hộ cho “Nhất thể hóa” là về đối ngoại. Bộ Ngoại giao sẽ không còn phải khổ sở đàm phán với các nước cho các chuyến thăm chính thức của TBT. Do chỉ là TBT của Đảng nên không được đón chào theo nghi lễ nguyên thủ. Chỉ là đảng phái nên không chính danh trong đàm phán đại diện quốc gia, không có tư cách để ký kết. Về điều này TBT Nguyễn Phú Trọng rất thấu hiểu qua chuyến thăm Mỹ của ông vào tháng 7 năm 2015, cũng như các chuyến đi của ông Phạm Quang Nghị (7/2014) và ông Đinh Thế Huynh (10/2016) sang Mỹ .
Cần lưu ý vắn tắt rằng, Nhất thể hoá không gải quyết được vấn đề căn bản của Việt Nam, không giải phóng được nội lực tự do toả sáng của người Việt, không huy động được trí tuệ của người Việt vào quản lý đất nước. Nhất thể hoá cũng không ngăn cản được tham nhũng, cũng không chống được chạy chức, chạy quyền. Nhất thể hoá được ủng hộ đơn giản chỉ bởi hai lý do nêu trên.
ĐỪNG LẠM DỤNG HAI TỪ “LÒNG DÂN”
Mấy ngày qua, một số vị phát biểu ý kiến cá nhân của mình, nhưng lại hàm hồ nhân danh nhân dân, là “Lòng dân”. Dân có được hỏi ý kiến đâu mà lại nói là “Lòng dân”. Nếu muốn thật biết “Lòng dân” thì hãy hỏi đi và sẽ rõ.
Ngay cả nói “ý Đảng” cũng không đúng. Đó là ý của gần 200 UVTƯ chứ không phải của tất cả 4 triệu đảng viên. Nói gần đúng hơn là “ Ý Trung ương Đảng”. Nhưng thực ra cũng không hẳn thế. Vì có UVTƯ biểu quyết trái với suy nghĩ thực của mình.
ĐỪNG NỬA VỜI
Lời của TBT Nguyễn Phú Trọng “ Không phải vì nhất thể hóa, đây là tình huống” cho thấy sự lấp lửng đã xác định.
“ Tình huống” có nghĩa là việc TBT đảm nhận chức Chủ tịch nước trong Đại hội XIII sẽ không đương nhiên mà phụ thuộc vào con người cụ thể. Ông A thì có thể đảm nhận cùng lúc cả hai chức, còn nếu là ông B thì lại không. Từ đó để thấy vấn đề chưa kết thúc. Rất tùy thuộc vào ai sẽ là TBT tiếp theo.
“Có nhất thể hóa đâu” nghĩa là hai bộ máy vẫn sẽ riêng biệt. Điều này trái hẳn với mong muốn “ Nhất thể hóa” để bớt hoang phí tiền thuế của Dân.
Có người sợ tập trung quyền lực vào một người thì sẽ trở thành độc tài. Thử hỏi lịch sử của các nước XHCN có nước nào mà không đẻ ra các nhà độc tài? Đã độc quyền lãnh đạo rồi thì “tứ trụ” hay “tam trụ” hay “nhất trụ” cũng chỉ là phân quyền lực trong BCT chứ không phải phân quyền lực trong Dân.
Để giải tỏa mối lo độc tài quyền lực thì điều TBT Nguyễn Phú Trọng cần phải thực hiện là ông không tiếp tục đảm nhận chức vụ TBT trong Đại hội XIII vào năm 2021 vì đã hai nhiệm kỳ. Không thể phá bỏ quy định 2 nhiệm kỳ đã thành thực tiễn kể từ năm 1986 bằng bất cứ lý do gì và dưới bất cứ hình thức nào. Kéo dài thêm nhiệm kỳ thứ 3 chính là độc tài quyền lực.
Để giảm bớt gánh nặng ngân sách thì hãy “Nhất thể hóa” triệt để, nhập hai bộ máy Đảng và chính quyền làm một. Hơn thế nữa, chính “Nhất thể hóa” sẽ giảm bớt số lượng những lãnh đạo chấp chứa mục đích tham nhũng. Sẽ bớt gánh nặng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đối với Dân, cả hai bộ máy đều chứa đầy tham nhũng. Giảm đi bộ máy nào cũng tốt hơn cho Dân.
Điều không thể không nói, rằng vài người trong BCT muốn TBT Nguyễn Phú Trọng đảm nhận cùng lúc hai chức vụ TBT và Chủ tịch nước chính còn vì mục đích tạo tiền lệ mở đường để họ đương nhiên đi theo trong tương lai. Đừng trói buộc họ. Ít nhất là chính danh tư thế nguyên thủ để công cán nước ngoài sau Đại hội XIII sắp tới.