NHÃ CA VÀ BÀI THƠ NHÃ CA THỨ NHẤT

0
41
Nhã Ca-Tranh Nguyễn Trung
   

Phạm Hiền Mây

Nhã Ca, một tên tuổi quá lớn.

Nhã Ca, cái tên mảnh mai như lá cỏ, nhẹ nhõm như làn mây, thanh thoát như hương hoa, thế mà, so với đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp cùng giới, thì sự nghiệp văn chương của bà, phải nói là to lớn, khiến người khác phải nể phục và ngưỡng mộ.

Mỗi khi nghe ai đó nói bằng cái giọng điệu móc méo, giễu cợt, chê bai, nhạo báng, rằng thì là, bà vốn là một nữ sinh Huế, bỏ trung học vào Sài Gòn, đi theo Trần Dạ Từ – và bây giờ là người chồng duy nhứt của bà, cuộc hôn nhân đã được hơn sáu mươi năm nay – một nhà báo, rồi nhấn mạnh, một người Bắc di cư, thú thật, tôi rất ghét.

Là ghét những người nói kiểu như thế.

Bà như vậy, thì đã sao? Thì có gì sai?

Thế kỷ hai mươi là thế kỷ nào rồi mà con người ta lại không được quyền đi tìm tình yêu cho mình chớ?

Những ai thường nói chuyện đạo lý, những ai thường đấu tranh cho bình đẳng, bình quyền, giúp giùm tôi cái, trả lời giùm tôi cái, vượt thoát khỏi những cấm cản cực đoan, vượt thoát cái lề thói phong kiến, cổ hủ, kiểu như, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, đi theo lời mách bảo của trái tim, đi tìm kiếm tình yêu, cho mình, một tình yêu tuyệt mỹ và duy nhứt – như bà, thì có gì sai không?

Mạnh dạn lựa chọn tình yêu cho mình, con đường hạnh phúc cho mình, bằng sự tự do và quyền tự quyết mà thượng đế trao cho mình, liệu, như vậy, có sai không?

******

Thơ bà, hòa trộn giữa nét âm trầm, sâu kín, dịu dàng của xứ Huế và nét xông xáo, cởi mở, sẵn sàng đón nhận, hóa giải nhẹ nhàng mọi vấn đề của kiểu Sài Gòn, nên thi vị:

lời hứa của chàng cùng với mùa mưa lũ

anh đã không quên em

chuyến xe đêm những bầy sao tình tự

trời mưa trời mưa vẫn trời mưa

má ơi má ơi

con còn sống

(Khi Trở Lại Sài Gòn)

Chưa kể, khi người thơ yêu người thơ – Nhã Ca và Trần Dạ Từ, họ yêu nhau – chất thơ trong họ sẽ ngày thêm bồi đắp, ngày thêm dạt dào, sóng nhỏ sóng to, cuốn lôi, quấn quýt, xô vào bờ rồi nắm níu nhau chạy dạt ra khơi. Như trò chơi thời thơ bé. Cùng với tình yêu, trò chơi thêm long đong – long đong thân phận. Thơ dựa thơ mà sống. Thơ dựa thơ mà đứng giữa đất trời. Thơ dựa thơ, mà đơm hoa kết trái. 

Không giống ai, lại cũng không mang hơi hướm ai, không na ná giọng ai, đó là điều đặc biệt mà tôi nhận ra trong thơ của bà:

mắt dõi theo vừa ngút bóng cây

đời chia dăm bảy dấu chân bày

tôi hồn vẫn đứng yên như tượng

trông tháng ngày đi trên cánh tay

(Ngày Tháng Trôi Đi)

Nhã Ca là Nhã Ca. Một góc bể. Một phương trời. Một đầu non. Một đỉnh núi. Vừa an nhiên vừa thấu hiểu nỗi buồn vui nhân thế. Đón nhận và đối đầu, không chỉ là tính cách con người bà, mà nó còn thể hiện trong phong cách viết của bà.

Thơ bà tràn ngập nữ tính, yêu và yêu, sẵn sàng chết vì yêu, sẵn sàng gian truân, sẵn sàng chịu khổ, đọa đày, thậm chí tan tác:

tóc hết thời xanh, tuổi hết dài

hồn bưng bình mật đắng tương lai

tôi về ngó lại thời con gái

thành phố già nua những gốc sầu

(Bàn Tay Chàng)

Thơ bà, như con người bà vậy, dấn thân, tự mình cáng đáng, không đổ lỗi, không biết sợ, không mệt mỏi, điềm nhiên.

******

Bà đã có tác phẩm đăng báo từ thời còn là nữ sinh trường Đồng Khánh. Lúc chính thức ra mắt những bài thơ đầu tiên, giới thi văn đàn đã ngạc nhiên đến mức rúng động, thất kinh mà hỏi nhau: Trần Thy Nhã Ca, Trần Thy Nhã Ca là ai?

Bà xuất hiện, và ngay từ ban đầu đã mang một tâm thế mạnh mẽ, tự tin, rõ ràng, minh bạch, không che che giấu giấu, không mơ hồ, xa xôi, bóng gió, như các nhà thơ nữ khác:

đời sống ôi buồn như cỏ khô

này anh em cũng tợ sương mù

khi về tay nhỏ che trời rét

nghe giá băng mòn hết tuổi thơ

(Thanh Xuân)

Cả trong lãnh vực thơ ca và viết văn, bà đều thành công như nhau, nổi trội, gây tiếng vang, có thể nói là nhứt nhì trong giới văn nghệ, suốt mười lăm năm, từ năm bà đặt chân đến Sài Gòn, một ngàn chín trăm sáu mươi cho đến biến cuộc năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. 

Điều khiến cho tôi thích thơ văn bà, không chỉ vì bà là một tài năng, mà thú thật, phần lớn là vì, tất cả các tác phẩm của bà, đều không đề cập đến sex.

Tôi nghe đâu đó rằng, một số nhà văn trẻ, khi họ sớm khao khát sự thành công, danh tiếng, quá nôn nao trong việc muốn tìm kiếm ngay lập tức một số lượng lớn bạn đọc riêng cho mình, thì con đường ngắn nhất để dẫn đến những ước mơ ấy là viết truyện có nhiều cảnh chăn gối.

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi không ủng hộ loại văn chương nghiêng về sex. Ở một mặt nào đó, viết về dục tính, tương tợ như một sự ngấm ngầm phản kháng, phản kháng những o ép, những bí bức trong con mắt nhìn phân biệt, trong những cái đầu lấy nho giáo, lễ giáo làm thước đo phẩm chất và năng lực của con người.

Sex trong thơ văn còn là một thái độ, một khẳng định, thái độ tự tin và khẳng định cái tôi.

Tuy nhiên, tôi thích sự chừng mực. Và chuyện thân xác ấy mà, kiểu gì kiểu, tôi cũng thích nó được mô tả bằng những ngôn từ thật mới, những phương pháp, những phong cách thật mới, mới lạ, dễ thương mà vẫn khơi gợi được cảm xúc và ham muốn tự nhiên.

Còn bằng như, đậm quá, mặn quá, thú thiệt, tôi cũng bị dội.

******

Tôi thích sự lãng mạn, thơ mộng, nhẹ nhàng, dẫu rằng, những thức ấy toàn là những thức xa xỉ cho một đời sống thuộc về nửa sau của thế kỷ hai mươi. Nhã Ca cung ứng được điều này, và, tôi thích bà:

và đôi mắt uống hình nhau đã chật

tay nâng tay thương nhớ nuốt trong lời

đêm buồn sương làm mắt ướt xa xôi

và giá lạnh bao nhiêu lời tình tự

(Ghé Môi Sầu)

Bà không chỉ lớn trong văn chương, nghệ thuật. Với tôi, bà còn lớn ở cả tình cảm, nhân cách. Nhìn sự chung thủy tuyệt đối của bà với ông Trần Dạ Từ, nhìn cách bà lui về gia đình, mỗi khi có dịp, là cũng đủ hiểu, bà thuộc tuýp người nào. Văn chương thì cứ văn chương nhưng gia đình, như cái cây vậy, ánh sáng không thể thiếu, và nước tưới, cũng cần phải có mỗi ngày:

con nói đi, kìa, mặt trời mọc

mặt trời đang mọc, mặt trời hồng

mặt trời đang mọc, ba đừng khóc

mưa gió nào chôn nổi rạng đông

(Thơ Sớm Mai)

Tôi còn thích bà ở chỗ, khi được một nhà báo phỏng vấn, nếu chỉ được chọn một trong ba lĩnh vực, là thi sĩ, văn sĩ hay nhà báo, Nhã Ca đã trả lời rất nhanh và dứt khoát: tôi sẽ chọn làm thi sĩ. Mặc dầu, ai cũng biết, Giải Khăn Sô Cho Huế, của bà, một thời, xuất bản không kịp bán; Giải Khăn Sô Cho Huế, được dựng thành phim; Giải Khăn Sô Cho Huế, một trong những tác phẩm đầu tiên của Việt Nam tại hải ngoại, được chọn dịch ra tiếng nước ngoài.

Và hàng trăm truyện ngắn, truyện dài, bút ký… , khác của bà, cũng luôn được độc giả xưa và nay, tìm kiếm.

Có đọc những lời thơ tình tự của bà, tình tự cùng quê hương, tình tự cùng cỏ cây hoa lá, tình tự với cuộc chiến, tình tự với người thương, thì mới hiểu, tại sao bà lại yêu thơ đến như vậy:

Tôi lớn lên bên này sông Hương

Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ

Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ

Cửa từ bi vồn vã bước chân sông

Mặt nước xanh trong suốt tuổi thơ hồng

Tháp cổ chuông xưa sông hiền sóng mọn

Những đêm tối bao la những ngày tháng lớn

Những sáng chim chiều dế canh gà

Tiếng chuông buồn vui dợn thấu xương da

Người với chuông như chiều với tối

(Tiếng Chuông Thiên Mụ – 09.1963)

Bài thơ nào bà viết cũng hay, nhưng thích nhứt với tôi, vẫn là:

BÀI NHÃ CA THỨ NHẤT

tôi làm con gái

buồn như lá cây

chút hồn thơ dại

xanh xao tháng ngày

tôi làm con gái 

một lần qua đây

rồi không trở lại

ôi mùa xuân này

tôi làm con gái

đời như heo may

tình bằng cỏ dại

giận hờn không khuây

tôi làm con gái 

một lần yêu người

một lần mãi mãi

bao giờ cho nguôi

tôi làm con gái

bao nhiêu tuổi đời

bấy lần thơ dại

buồn không ai hay.

******

Ngay từ câu đầu tiên, bà đã khẳng định:

tôi làm con gái

buồn như lá cây

Có nhiều kiểu buồn lắm, buồn như hoa rụng, buồn như nước chảy qua cầu, buồn như màu sim tím… . Kiểu buồn của bà, khác chút, bà nhìn thẳng vào nỗi buồn, và thấy nỗi buồn mình, như lá. Chiếc lá mỏng tang, nhỏ bé, non nớt, mới chỉ được ít ngày trên cây, chưa hiểu hết sự đời, mà sắp rồi đây, phải hòa mình vào dòng bôn ba nhân loại, cùng những tháng ngày đằng đẵng:

chút hồn thơ dại

xanh xao tháng ngày

Bài thơ có năm khổ, mỗi khổ bốn dòng, mỗi dòng chỉ bốn chữ, và mở đầu khổ nào, cũng là câu khẳng định, nhắc đi nhắc lại – tôi làm con gái.

Tôi “làm” con gái chớ không phải “là”. Làm với là khác nhau nhiều lắm. Làm, động từ, có nghĩa là chính tôi, chính tôi chuyển động, phải tự chuyển động, phải tự chính mình, chuyển dịch chật vật, cam go trong cái bể đời con gái ấy. Làm, nghe cái gì đó như là, bất đắc dĩ, như là, không được quyền chọn lựa, như là, sinh ra, đã được định sẵn như vậy rồi.

Tôi “làm” con gái. Thì sao?

tôi làm con gái

một lần qua đây

rồi không trở lại

ôi mùa xuân này

Qua đây là qua đâu? Bạn ơi, cũng như tôi đây, tác giả chỉ cho mình bài thơ chớ không cho mình lời giải thích. Tự mà nghĩ lấy, tự mà đoán lấy, nếu bạn đã lỡ thích quá, bài thơ.

Qua đây, là qua cái tuổi còn thơ. Qua đây, là qua các tuổi được gọi là con gái. Qua đây, là qua cái thời gian mà người ta ví, độ tròn trăng.

Cũng có thể, biết đâu, xa hơn, qua đây, là qua xứ Huế, nơi cha sinh mẹ đẻ, mà một lần dứt áo ra đi, là mãi mãi, là vĩnh viễn, khó thể quay về.

Ai mà biết được, tâm tình của những nhà thơ. Có khi mình mới nghĩ tới đầu ngõ nhà thôi, thì trong đầu nhà thơ, họ đã nghĩ tới đẩu tới đâu, xa tít dải ngân hà rồi.

tôi làm con gái

đời như heo may

tình bằng cỏ dại

giận hờn không khuây

Đời như heo may, với Nhã Ca, lúc này, ở ngay thời điểm này, thì không nên hiểu đời đang ở mùa thu, đang ở buổi xế chiều, mà phải hiểu “heo may” đây là ngọn gió hơi lạnh, hơi se lạnh.

Hơi là hơi hơi, là khẽ khàng, là se sẽ, là yếu ớt, là mỏng manh, là rất nhẹ. Đời thì mong manh mà tình thì như cỏ dại. Dại đây không phải chỉ ngọn cỏ bướng bỉnh mọc cao quá đầu, um tùm, mà dại đây là dại dột, khờ khạo, chưa trải nhiều trường đời, phong ba, bão tố. Bằng chứng là, mỗi lần giận, chỉ giận thôi, chỉ hờn thôi, chưa gì to tát, chẳng gì to tát, cũng đã đủ khiến người viết bài thơ, không khuây. 

Là không nguôi quên đó. Giận hờn thôi mà đã không nguôi quên.

tôi làm con gái 

một lần yêu người

một lần mãi mãi

bao giờ cho nguôi

Đoạn này tiếp nối với đoạn trên. Mở rộng ra thêm và khẳng định thêm một lần nữa. “Làm” con gái là sao? Là yêu ai, yêu chỉ một người. Yêu ai, là yêu mãi mãi. Và không biết bao giờ mới nguôi, nghĩa là mới thôi, mới dừng lại, tình yêu ấy.

Nhã Ca ơi, tôi xin trả lời thay bà, chỉ cái chết mới chia lìa đôi lứa. Chỉ khi vào thiên thu, thì mới có thể nguôi ngoai.

tôi làm con gái

bao nhiêu tuổi đời

bấy lần thơ dại

buồn không ai hay

Đến đoạn cuối này, thì không chỉ là khâm phục đâu, hơn cả khâm phục, ấy chính là sự ngưỡng mộ của tôi. Ngưỡng mộ một tài hoa hơn những tài hoa bình thường. Ngưỡng mộ một tài năng, một tài năng qua bao vùi dập, vẫn cứ ngang nhiên và cả an nhiên nữa, thênh thang đường cái quan chân bước. 

“Làm” con gái, có bao nhiêu tuổi đời, thì xin thưa rằng, tôi sẽ dại đủ bấy nhiêu ngày tháng, tương đương. Dại dột, dại khờ, dại ngây – nên buồn. Mà cái buồn tôi, thì nào có ai hay, nào có ai biết. 

Giùm cho.

Xin không nói nữa, vì nếu nói nữa, như cái hoa, nở đến phút giây cuối cùng, chẳng còn gì e ấp, nó trơ ra, và rụng cánh. Nên thôi, xin không bình thêm nữa.

******

Đơn giản mà thiệt hay. Dịu dàng mà sâu sắc. Ngây thơ mà sớm chín. Hồn nhiên mà rất buồn. Tĩnh lặng mà đam mê. Khổ đau mà hạnh phúc. Nhỏ bé mà tự chủ. Đó chính là Nhã Ca.

Nếu chúng ta từng biết một nhạc sĩ lẫy lừng Trầm Tử Thiêng với những bài như: chuyện một chiếc cầu đã gãy, cơn mưa hạ, đêm nhớ về sài gòn, có tin vui giữa giờ tuyệt vọng… , thì, hẳn các bạn yêu nhạc của ông, cũng sẽ biết, ông từng phổ thơ cho Nhã Ca, đó là Bài Nhã Ca Thứ Nhất.

Và đặc biệt, ông không sửa, không thay, không đổi, bất cứ một từ nào, một chữ nào của nguyên gốc bài thơ.

Làm sao mà đổi được.

Bài thơ hay quá mà.

Sài Gòn 08.12.23

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here