NGUYỄN ĐÌNH TOÀN – NGƯỜI TÌNH KHÔNG CHÂN DUNG

0
71
Ảnh: Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Nguồn: Báo Người Việt
   

Phạm Hiền Mây

“Tình chúng ta bắt đầu như mùa thu trở lại. Khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên lối đi quen. Mùa thu bắt đầu trên dòng sông bát ngát. Mùa thu nhuộm vàng những cánh rừng. Mùa thu phơi áo mơ phai, chiều võ vàng những xác hoa trên hình bướm… .” 

Trên đây là một đoạn dẫn vào chương trình Nhạc Chủ Đề do chính Nguyễn Đình Toàn viết và đọc trên đài phát thanh, một chương trình trước năm một nghìn chín trăm bảy mươi lăm của Việt Nam Cộng Hòa.

Người ta biết đến Nguyễn Đình Toàn nhiều trong cương vị là một nhạc sỹ, một nhà thơ, ít ai biết, ông còn là một nhà văn với gần hai mươi tác phẩm đủ thể loại, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch, đã xuất bản và là người dẫn chương trình được nhiều thính giả hâm mộ.

Lời văn, lời thơ, lời nhạc của Nguyễn Đình Toàn sang trọng, quý phái, có đôi chút hơi hướm cũ, kiểu như Tự Lực Văn Đoàn xưa:

tình vui theo gió mây trôi

ý sầu mưa xuống đời

lệ rơi lấp mấy tuổi tôi

mấy tuổi xa người

ngày thần tiên em bước lên ngôi 

đã nghe son vàng tả tơi

trầm mình trong hương đốt hơi bay

mong tìm ra phút sum vầy

(Tình Khúc Thứ Nhất)

Là cái cũ của kỷ niệm, của ký ức một thời, vàng son, lộng lẫy, thiêng liêng nên giọng thơ, giọng nhạc của ông tuy rất trang nhã mà lại nặng trĩu một niềm u hoài, âu sầu, phiền muộn:

Sài Gòn ơi ta mất người như đã mất tên

như dòng sông nước quẩn quanh buồn

như người đi cách mặt xa lòng

ta hỏi thầm em có nhớ không

(Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên)

******

Trong tất cả các bài thơ của ông mà tôi biết, tôi đặc biệt thích bài Tro Tàn:

ta có thở khói thương nhau

tình cũng như nhang tàn

ta còn nương náu trong đời không bao lâu

lòng có đau thì cũng như nắng qua chiều

thôi cũng nhẹ

ta yêu nhau trong nghèo khó

khi quê hương tàn phá

được mấy ngày vui trong đời

tóc biếc ngoảnh đi đã đỏ màu phai

ta xa nhau vào lúc xa đời

bóng bỏ theo người

đổ một lần cho hết cuộc rủi may

cứ coi là mất coi là hết

lật ngửa bàn tay mà cắt dây

dẫu cho còn có khi nào nữa

gặp lại được nhau cũng muộn rồi

đừng hỏi tình xa bao lâu tình sẽ lạ

và hỏi người chia xa nhau lòng có sợ

gương lạnh bóng mờ

còn một phần ba cây nhang đợi cháy vội

đội một hòn than chân chôn sầu đứng đợi

tro tàn rụng rơi

bóng bỏ theo người

đổ một lần cho hết cuộc rủi may.

(Tro Tàn – 1984)

Bài thơ buồn như thể chẳng gì trên đời này buồn hơn được nữa. Có yêu nhau đến mấy, có thương nhau đến mấy, thì cũng phải đến lúc:

ta có thở khói thương nhau

tình cũng như nhang tàn

Nhang tàn, thành tro. Tro bụi, chỉ một cơn gió thốc qua là mất sạch, dẫu có muốn tìm nhau cũng chẳng thể nào được nữa.

Bài thơ như lời thầm thì, như anh nói với em, như em nói với anh: ta yêu nhau trong nghèo khó, được mấy ngày vui trong đời, ta xa nhau vào lúc xa đời.

Ta xa nhau vào lúc xa đời – nghĩa là, chỉ cái chết mới chia lìa đôi lứa, nghĩa là, chỉ lúc phải xa đời, thì mới đành đôi đứa đôi nơi.

Muốn rơi nước mắt khi nghe người hỏi người: tình xa bao lâu tình sẽ lạ, người chia xa nhau lòng có sợ. 

Rồi nghe như được an ủi và ấm áp thật nhiều khi người trả lời:

còn một phần ba cây nhang đợi cháy vội

đội một hòn than chân chôn sầu đứng đợi

Một trăm năm, vì thế, thật đáng. Và nếu như, tình kia có trở đi trở lại thêm một ngàn năm nữa, nhiều ngàn năm nữa, cũng thật đáng, người ơi.

Thật đáng cho một kiếp người. Thật đáng cho một tình yêu. Dẫu sau hết thảy, sau hết thảy, là: tro tàn rụng rơi!

******

Hơn tất cả những điều mô tả trên về ông, với tôi, ấn tượng nhất vẫn là giọng nói, giọng hát của ông. Không kiểu cách và quá đà, giọng ông ấm áp, trầm tĩnh và đầy chất suy tư, nghĩa là giọng rất Hà Nội – một Hà Nội nhiều thăng trầm mà vẫn giữ được những cổ kính, những uy nghiêm dầu giờ đây đã rêu phong, xa lắc. Chất giọng ấy khi cất lên, sẽ vỗ về, sẽ xoa dịu nỗi nhớ nhung, hay, lại càng làm cho niềm hoài niệm khắc khoải nhiều hơn, và thương nhớ hơn, quê hương, xứ sở.

Đối với những đứa như tôi, con của thế hệ bắc năm tư di cư, thì Nguyễn Đình Toàn, thơ và nhạc của ông là sự gợi nhớ về một miền quê hương mà nay, chỉ có thể tìm thấy trong các câu chuyện cũ, hồi xưa. 

Cái hồi đã xa lắm lắm.

******

Trong hình dung tôi, Nguyễn Đình Toàn luôn hiện lên với nét buồn bã và cô đơn. Ông cô đơn ngay trong dáng vẻ mình, trong những bức hình còn lưu lại, hôm nay.

Vẫn biết, cái cũ thì sẽ phải mất để cái mới có cơ hội đâm chồi, trổ hoa, đơm trái. Biết chứ. Chỉ là, cái cũ mất đi ồ ạt quá, ngó qua ngó lại, chỉ toàn cái mới, quá mới, khiến lứa chúng tôi, lứa đang dần cũ, cũng cảm thấy mình lạc lõng và cô đơn.

Sự lạc lõng ấy đang ngự trị ngay chính trong tâm hồn mình, mái nhà mình, quê hương mình, chớ chẳng đợi chi phải ở chốn xa xôi, cách nửa vòng trái đất:

thần tiên gãy cánh đêm xuân

bước lạc sa xuống trần

thành tình nhân đứng giữa trời không

khóc mộng thiên đường 

(Tình Khúc Thứ Nhất)

******

Hôm nay, tác giả của Tình Khúc Thứ Nhất, của Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, của Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, của Căn Nhà Xưa… , đã ra người thiên cổ. Ông thuộc về trăm năm ấy, trăm năm của thế kỷ hai mươi, nên ông phải tìm về nó thôi, và đã đến.

Thương quý và mong ông, điềm nhiên một giấc ngủ thiên thu trong căn nhà xưa, căn nhà của một thời tuy nghèo mà bình yên, êm ấm:

em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà

nơi những sớm mai nằm nghe

nắng ròn trên mái

Nguyễn Đình Toàn, ông không chỉ là “người tình không chân dung” như Du Tử Lê từng gọi, mà ông là người tình, mãi mãi, của tất cả chúng ta, của những người từng hơn một lần phải lòng giọng đọc ông, phải lòng ca khúc, bài thơ, tác phẩm ông, những tác phẩm như là:

bóng bỏ theo người

đổ một lần cho hết cuộc rủi may.

Sài Gòn 29.11.2023

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here