NGUYỄN BÍNH – ĐÊM XUÂN CÔ NGỦ CÓ BUỒN KHÔNG?

0
42
   

Phạm Hiền Mây

Sinh năm một ngàn chín trăm mười tám và mất năm một ngàn chín trăm sáu mươi sáu, Nguyễn Bính được xem là một nhà thơ chân quê và chân tài trong dòng thơ tiền chiến cũng như trong cả phong trào Thơ Mới. Thơ ông khái quát và tượng trưng nên dễ đi vào lòng người, không chỉ phù hợp với nhiều tầng lớp bạn đọc mà còn có sức sống lâu bền với thời gian. 

Ông có nhiều bài thơ viết về mùa xuân rất hay như: Gái Xuân, Thơ Xuân, Xuân Về, Mưa Xuân (I), Mưa Xuân (II), Cô Lái Đò.

******

Chữ thơ của Nguyễn Bính dung dị mà thơ mộng, lãng mạn; nếp nhà mà đằm thắm, thiết tha; trong trẻo mà hồn nhiên, chân chất. Ví dụ như bài thơ dưới đây:

THƠ XUÂN

Đây cả mùa xuân đã đến rồi

Từng nhà mở cửa đón vui tươi

Từng cô em bé so màu áo

Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười

Và tựa hoa tươi cánh nở dần

Từng hàng thục nữ dậy thì xuân

Đường hương thao thức lòng quân tử

Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân

Từng gã thư sinh biếng chải đầu

Một mình mơ ước chuyện mai sau

Lên kinh thi đỗ làm quan trạng

Công chúa cài trâm thả tú cầu

Có những ông già tóc bạc phơ

Rượu đào đôi chén bút đề thơ

Những bà tóc bạc hiền như Phật

Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa

Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời

Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi

Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy

Một áng thơ đề nét chẳng phai.

**

Xuân như con người vậy, cũng đến cũng đi. Xuân tới đâu cũng được tiếp đón nồng hậu. Ai cũng muốn kéo xuân, lôi xuân vào nhà mình. Tiếp xuân, ai cũng mặc áo mới, cảm thấy xôn xao, rộn ràng trong thời khắc vừa thiêng liêng vừa hân hoan, rạng rỡ: Đây cả mùa xuân đã đến rồi / Từng nhà mở cửa đón vui tươi / Từng cô em bé so màu áo / Đôi má hồng lên nhí nhảnh cười.

**

Không chỉ là các em bé thơ ngây, trong trẻo, hồn nhiên, nhí nhảnh mà còn là các cô gái mới lớn, dịu dàng, hiền hậu, tựa những búp hoa tươi đang bung dần từng cánh, báo hiệu tuổi xuân thì của các cô, vừa chớm ngưỡng. Từng hương hoa ấy, tạo thành một đường hương, một ngõ hương, một xóm hương, làm thao thức lòng quân tử.

Bước chân đi trên lối, mà ngỡ như mùi hương, đã quen thuộc từ bao giờ: Và tựa hoa tươi cánh nở dần / Từng hàng thục nữ dậy thì xuân / Đường hương thao thức lòng quân tử / Vó ngựa quen rồi ngõ ái ân.

**

Ôi xuân đến, làm hân hoan, làm đắm say, đâu chỉ bé thơ, đâu chỉ cô con gái nhà ai mới lớn, mà còn hết thảy, cả những thư sinh, ôm mộng vinh quy bái tổ, sớm tối miệt mài đèn sách. Mùa xuân về, là lúc nghỉ ngơi, là lúc rảnh rang, mơ màng về ngày mai, gặp được cô công chúa đẹp xinh đang gieo duyên và mình là kẻ may mắn khi ôm được quả tú cầu vào lòng: Từng gã thư sinh biếng chải đầu / Một mình mơ ước chuyện mai sau / Lên kinh thi đỗ làm quan trạng / Công chúa cài trâm thả tú cầu.

**

Có nam phụ thì phải có cả lão ấu, các ông lão, lúc tiết xuân về, cũng cảm thấy mình, dường như trẻ trung hơn. Tóc trắng phơ phơ? Ngại gì. Đây đôi chén rượu, nâng uống cạn rồi sẽ chắp bút đề thơ. Còn các cụ bà ư? Duyên dáng và đôn hậu, tay cơi đựng trầu, tay xách làn hoa, từ tốn, chậm rãi, vừa đi vừa trò chuyện, lâu lâu lại cả cười, làm vui rộn cả một quãng đường quê: Có những ông già tóc bạc phơ / Rượu đào đôi chén bút đề thơ / Những bà tóc bạc hiền như Phật / Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa.

**

Mùa xuân là mùa của sum họp, đoàn tụ. Là mùa của cả những hoài niệm, và nhớ thương về những người muôn năm cũ. Vạn vật, dường như, bắt đầu lại từ miền khởi thủy, từ nhân chi sơ, tánh bổn thiện.

Đất trời chứa chan tình yêu người. Pháo nổ vang rền, tống cựu nghinh xuân. Và tác giả, người làm thơ Nguyễn Bính, cũng thấy lòng mình như mới mẻ trở lại, và bút thơ đang kêu đòi, đòi được đề trên giấy hoa tiên, bài Thơ Xuân, mừng năm mới: Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời / Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi / Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy / Một áng thơ đề nét chẳng phai.

**

Xuân của Nguyễn Bính là xuân của miền Bắc, mang hồn cốt của đất Bắc. Dù đã trải qua gần một thế kỷ, vậy mà, ngày nay, vẫn còn rất nhiều người thích thơ của ông. Đọc thơ ông, người ta như được sống lại với những kỷ niệm ngày thơ ấu, mà giờ đây, dù có bao nhiêu thời gian, dù có bao nhiêu bạc tiền, thành công, danh vị, người ta cũng không bao giờ có thể tìm lại được nữa. 

******

Thú thiệt, tôi biết bài Gái Xuân này từ hồi tôi mới chín, mười tuổi gì đó. Là biết ca khúc chớ không phải biết thơ, do nhạc sĩ Từ Vũ phổ.

Khi đi học, ở trường cũng không có dạy bài thơ này. Mười bốn, mười lăm tuổi, sưu tầm, bạn bè truyền tay nhau, rồi chép vào vở những bài thơ hay, tôi mới biết, Gái Xuân là thơ của Nguyễn Bính.

Mà thiệt tình hơn chút nữa, nói biết là nói cho sang, chớ hồi xưa, có chép thơ Nguyễn Bính, thì tôi cũng chỉ chép chừng một, hai bài, ví dụ như: Tương Tư với những câu, đến bây giờ, tôi vẫn còn thuộc nằm lòng: thôn đoài ngồi nhớ thôn đông / một người chín nhớ mười mong một người / gió mưa là bệnh của trời / tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Hoặc bài Người Hàng Xóm với những câu như: nhà nàng ở cạnh nhà tôi / cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn / hai người sống giữa cô đơn / nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi / giá đừng có giậu mồng tơi / thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng. 

Gái Xuân, khi được đặt vào nốt nhạc, khi được gắn vào giai điệu, nó mới trở nên lả lướt, mơ màng, nó mới trở nên điệu đàng, yêu kiều, dịu dàng như tơ liễu.

GÁI XUÂN

Em như cô gái hãy còn xuân

Trong trắng thân chưa lấm bụi trần

Xuân đến hoa mơ hoa mận nở

Gái xuân giũ lụa trên sông Vân

Lòng xuân lơ đãng má xuân hồng

Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng

Đôi tám xuân đi trên mái tóc

Đêm xuân cô ngủ có buồn không?

**

Bài thơ Gái Xuân của Nguyễn Bính đơn giản, chữ dùng không cầu kỳ, không sử dụng nhiều biện pháp tu từ. 

Hai câu đề: em như cô gái hãy còn xuân / trong trắng thân chưa lấm bụi trần, chỉ ra tứ của bài thơ là mùa xuân. Và mùa xuân chính là cô gái, cô gái hãy còn xuân, hãy còn đương tuổi xuân thì, còn trong trắng và chưa lấm bụi trần, bụi đời.

Hai câu kế: xuân đến hoa mơ hoa mận nở / gái xuân giũ lụa trên sông Vân, mô tả thêm, nói thêm về vẻ đẹp của mùa xuân. Vẻ đẹp của mùa xuân, ngoài độ tuổi vừa chớm tròn trăng mơn mởn của cô gái, còn là vẻ đẹp của hoa mơ, của hoa mận, lúc nở, còn là vẻ đẹp của cô gái lúc giặt lụa, giũ lụa trên sông Vân.

Nội cái tên mà tác giả đặt cho sông thôi, cũng thấy thơ rồi – sông Vân. Huống hồ gì còn tả thêm hình ảnh giũ lụa của cô gái. Thân lụa mềm hay thân cô gái mềm. Màu lụa tươi hay sắc xuân cô gái tươi. Tấm lụa uyển chuyển hay cử chỉ của cô gái uyển chuyển như đang múa cùng dòng nước trong xanh.

Cả hai. 

Hai câu kế tiếp: lòng xuân lơ đãng má xuân hồng / cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng, là hai câu mở rộng, bàn thêm, tán thêm.

Tán này, bạn muốn hiểu là bàn tán, hay bạn có muốn hiểu đó là tán tỉnh, thì cũng chẳng mấy sai. Cô giặt lụa trên sông mà sao tôi thấy cô, dường, lơ đãng lắm, dường, không chú mục mấy đến việc giũ tơ. 

Cô nghĩ gì mà tôi thấy má cô hồng. Có phải chăng, cô đang mơ đến chuyện lứa đôi? Có phải chăng, cô đang mơ đến chuyện vợ chồng?

Hai câu kết: đôi tám xuân đi trên mái tóc / đêm xuân cô ngủ có buồn không, là hai câu tóm lại câu chuyện, tóm lại vấn đề mà nãy giờ, tác giả đem ra bàn tán, mổ xẻ. Này cô gái, cô tròn mười tám rồi đấy, nghĩa là cô đã đến tuổi cập kê, đến tuổi lấy chồng.

Bữa nay, đầu xuân. Đêm nay, đêm xuân, cô ngủ.

Cô ngủ có buồn không?

**

Bài thơ có tám câu thì có đủ tám từ xuân xuất hiện. Tả xuân, chính là tả cô gái. Mùa xuân đẹp, chính là bởi cô gái đẹp. Cô đẹp thế, cô làm tôi nao lòng đấy, cô có biết không. Cô đẹp thế, mới nên tôi, buông lời cảm mến cô, buông lời nhắn nhủ cô.

Đêm xuân, cô ngủ có buồn không?

Là câu chuyện của người xưa thôi, cách đây gần một thế kỷ rồi. Giờ, ai mà còn giũ lụa bên sông nữa, nhà nào mà không có nước máy, không có giếng đào. 

Giờ, ông Nguyễn Bính mà sống lại, thì chắc là ổng sẽ ngạc nhiên lắm lắm, gái đẹp ấy mà, có mà đầy. Rồi tôi tưởng tượng, trên đường, ổng tình cờ gặp một cô xinh xinh, khoảng tuổi mười tám, đôi mươi. Ổng làm quen rồi đọc cho cổ nghe bài thơ Gái Xuân, xong, tự giới thiệu mình là tác giả, rồi hỏi, đêm xuân, cô ngủ có buồn không?

Chắc chắn, trăm phần trăm, ổng sẽ nhận lại cái liếc mắt dài cả thước, kèm câu trả lời:

Mắc cái gì mà buồn, ông nội ơi!

******

Nguyễn Bính, người viết những bài thơ tình quê, bằng một tấm lòng quê và một tâm hồn quê thao thiết. So với nhiều nhà thơ cùng thời, ông có biệt tài nhìn ra được vẻ đẹp của cảnh quê, người quê, và mô tả về những điều ấy bằng một giọng rất chân quê.

Cũng như, mỗi một bài thơ xuân của Nguyễn Bính là một bức tranh xuân tuyệt đẹp, mà ở trong đó, cảnh xuân bát ngát, người xuân xinh tươi, hồn xuân phơi phới.

Những ai, có quê hương, bản xứ ở miền Bắc, đang tha hương, nếu đọc thơ Nguyễn Bính trong mỗi độ xuân về, tôi đoán, hẳn là, trong họ sẽ dậy lên một niềm bâng khuâng, hồi tưởng, và cả những rưng rưng xúc động nữa, về một miền ký ức xưa, biết bao là yêu dấu. 

Nhà văn Vũ Bằng từng thán phục và ca ngợi: Tôi có thể nói rằng, sau Nguyễn Du, sau Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất. 

Còn nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn thì đánh giá: Chỉ trong phạm vi thế kỷ này, giữa không biết bao nhiêu thi sĩ mà nông thôn nước ta đã cung cấp cho văn học, trước sau, Nguyễn Bính vẫn là một tài năng bậc nhất, hơn nữa, một tài năng tự nhiên, nghĩa là vừa dồi dào, vừa độc đáo. 

Còn với tôi, Nguyễn Bính – là một trong những tác giả, có những bài thơ xuân, có những bài thơ viết về làng quê, hay nhứt trong văn học Việt Nam hiện đại, thế kỷ thứ hai mươi.

******

Khi mất, Nguyễn Bính chỉ mới bốn mươi bảy tuổi. Sinh thời, tánh tình Nguyễn Bính kiêu kỳ và khinh bạc. Ông gần như không khen thơ ai bao giờ, chỉ duy nhứt phục tài thi hào Nguyễn Du. Ông từng nói: nguyện suốt đời là người học trò nhỏ của Nguyễn Du. 

Thảo nào mà, ông viết lục bát rất hay. Thảo nào mà: trăm năm trong cõi người ta / chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Em ơi em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường xót xa

Cậy em, em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương 

(Lỡ Bước Sang Ngang – 1939)

Xuân Giáp Thìn 2024

Phạm Hiền Mây

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here