Ngày 30/9: Người Việt tại Mỹ tưởng nhớ cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

    0
    63
    Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng hòa, năm 1970.

    Các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ vừa quyết định tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 30/9 sắp tới, đánh dấu sự kiện lịch sử cách đây 50 năm khi ông Thiệu được bầu làm tổng thống của nền Đệ nhị Cộng hòa.

    Hôm 10/6, các hội đoàn người Việt đã họp mặt tại thành phố Garden Grove, bang California để bàn việc tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nguyễn Văn Ức, trưởng ban tổ chức, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, cho Đài VOA-Việt ngữ biết lý do cộng đồng tổ chức sự kiện này:

    “Cho đến ngày hôm nay, sau 42 năm, chúng tôi thấy rằng đa số người dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, và đặc biệt giới trẻ, họ có cơ hội tìm hiểu và nhận thấy sự khác biệt giữa Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản Việt Nam. Họ đã ca ngợi nền cộng hòa của miền Nam Việt Nam, dù sao nó cũng tốt hơn là chính thể Cộng sản mà họ đã trải qua từ trước đến nay.”

    Ông Ức cho biết mục đích của ngày tưởng niệm là để tưởng nhớ đến một vị tổng thống của chế độ Việt Nam Cộng hòa mà ngày nay, sau 42 năm, người Việt trong và ngoài nước đã bắt đầu có cơ sở để “phán xét một cách đúng đắn hơn về hai thể chế dân chủ tự do và Cộng sản độc tài toàn trị”.

    Ông nói buổi lễ cũng là dịp để nâng cao “chính nghĩa quốc gia, đoàn kết để bảo vệ chính nghĩa, và chủ nghĩa dân tộc.”

    “Dù lịch sử có phán quyết như thế nào, ông vẫn là một người Việt Nam, một vị tổng tống yêu nước thật sự. Ông sẵn sàng đối diện với những kẻ xâm lăng, qua những bằng chứng cụ thể đã xảy ra trong thời gian ông nắm quyền ở miền Nam Việt Nam.”

    Tổng thống Hoa Kỳ Johnson, Tướng Mỹ William Westmoreland, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ tại Cảng Cam Ranh

    Tổng thống Hoa Kỳ Johnson, Tướng Mỹ William Westmoreland, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ tại Cảng Cam Ranh

    Ông Nguyễn Văn Ức cho biết, tham dự buổi họp hôm 10/6 có đại diện của các tổ chức cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa, Nữ Quân nhân, Cảnh sát Quốc gia, cộng đồng Los Angeles, Gia đình Phật tử miền Quảng Đức, và cả đại diện thế hệ trẻ từ Tổng Hội Sinh viên Việt Nam miền Nam California.

    Ông Ức nhắc lại những năm trước, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm thời sinh tiền, đã đứng ra mời các đoàn thể tổ chức và cá nhân trong cộng đồng người Việt ở Nam California, cùng nhau làm lễ tưởng niệm cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hàng năm.

    Ông Ức cho biết ông Phan Tấn Ngưu, thuộc Tổng Hội Cảnh sát Quốc gia, một người rất quen thuộc với việc tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng, được cử làm phó trưởng ban đặc trách tổ chức sự kiện ngày 30/9.

    Ông Ức nói về ý nghĩa của ngày tưởng niệm:

    “Lễ tưởng niệm cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm nay sẽ có nhiều ý nghĩa hơn những lần trước vì với trào lưu và tin tức và sự nghiên cứu qua quá trình sự việc xảy ra trong biến cố 30/4/1975 thì mọi người có thể hiểu được tại sao nó lại xảy ra như vậy và hiểu rõ được tinh thần chiến đấu của quân cán chính của miền Nam Việt Nam, đặc biệt là vị tổng thống có tinh thần yêu nước, và những chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa quốc gia.”

    Vào tháng 9/1967, tổng cộng 11 liên danh đã ra dự tranh trong cuộc bầu cử tổng thống VNCH, với trên 5 triệu cử tri, Liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với gần 35% số phiếu.

    Khi ấy, được sự hậu thuẫn từ Mỹ và lực lượng đảng Dân chủ do chính ông Thiệu thành lập, ông bầu làm Tổng thống, tuyên bố thành lập nền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam. Ông giữ chức này cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

    Thời kỳ này chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lệ thuộc vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhiều hơn so với chính phủ tiền nhiệm của ông Ngô Đình Diệm.

    Vào tháng 1/1974, ngay sau khi quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc tấn công, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh điều 5 phi đoàn chiến đấu F5, gồm 4 phi đoàn từ Biên Hòa, 1 phi đoàn từ Đà Nẵng, ra đối đầu với quân đội Trung Quốc. Tổng thống Thiệu sau đó quyết định hủy kế hoạch không kích này, mà theo phỏng đoán của phi công Nguyễn Thành Trung khi trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, là do “sức ép từ phía Mỹ.”

    Sinh ngày 5/4/1923 tại một làng chài ở tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Thiệu xuất thân từ một gia đình tiểu địa chủ. Ông là người ủng hộ thuyết thị trường tự do theo chủ nghĩa tư bản và cương quyết chống cộng sản. Khi Sài gòn sụp đổ, ông sang Đài Loan, và sau đó định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi qua đời vào ngày 30/9/2001, hưởng thọ 78 tuổi.