Nền kinh tế thị trường tự do và sai lầm của Hoa Kỳ hiện đại

0
310
Tượng Adam Smith tại Edinburgh, Scotland, Anh quốc. (Ảnh: Ulmus Media, Shutterstock)
   
TRI THUC VN

Một nguyên tắc lập quốc quan trọng của Hoa Kỳ là nền kinh tế thị trường tự do. Nền kinh tế thị trường tự do thực chất là sự biểu hiện của Luật Tự nhiên vào trong một nền kinh tế. Vào thời điểm Hoa Kỳ lập quốc, khái niệm này là một sáng tạo độc đáo bởi bấy giờ Châu Âu vẫn nằm dưới sự cai trị của vương quyền, và không có một quốc gia nào có một cơ sở lý luận rõ ràng như vậy cả. Phần lớn cơ sở lý luận này đến từ tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia” (Wealth of Nations) của Adam Smith, tác phẩm được Thomas Jefferson đánh giá là tác phẩm hay nhất thời đó về kinh tế chính trị. Tuy nhiên ngày nay, nền kinh tế Hoa Kỳ đã đi chệch khỏi quỹ đạo đáng có, rất nhiều nguyên tắc mà Adam Smith đưa ra đã dần dần bị xói mòn và vi phạm.

Tóm tắt bài viết:

  • Những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường tự do
  • Lịch sử chệch khỏi quỹ đạo của nền kinh tế Hoa Kỳ
  • Hai vết thương không thể lành của nền kinh tế Hoa Kỳ

Năm 1776, giáo sư Scotland Adam Smith đã xuất bản 5 cuốn sách bàn về kinh tế, đưa ra những nguyên tắc để một nền kinh tế thịnh vượng, mà sau này có ảnh hưởng rất lớn tới các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ. Trên thực tế, cùng thời với Adam Smith, một số nhà kinh tế học ở Pháp cũng đã bắt đầu đưa ra các lý luận kinh tế tương tự, tuy nhiên các lý luận này đều không được áp dụng ở Anh và Pháp. Dưới chế độ vương quyền, những lý luận kinh tế này trở thành tri thức trong tháp ngà, không có nơi nào để ứng dụng.

Tượng Adam Smith tại Edinburgh, Scotland, Anh quốc. (Ảnh: Ulmus Media, Shutterstock)

Trong quá trình thành lập Hiến pháp Hoa Kỳ, các vị Cha Lập quốc đã có một hiểu biết sâu sắc về Luật Tự nhiên (Xem bài trước: Hoa Kỳ lập quốc: Đôi nét về nhà hiền triết Cicero và Luật tự nhiên). Vì vậy, theo logic của tư duy, nếu như họ xác tín vào Luật Tự nhiên, thì họ cũng tin rằng Luật Tự nhiên hiện hữu ở mọi nơi, không thứ gì là không có. Như vậy họ sẽ đi tìm sự biểu hiện của Luật Tự nhiên trong một nền kinh tế, từ đó xác định những quy phạm mà một nền kinh tế cần phải giữ vững để có thể phát triển thịnh vượng. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi để các lý luận kinh tế của Adam Smith được áp dụng tại Hoa Kỳ: Lý luận kinh tế học này phù hợp với Luật Tự nhiên hay Luật của Chúa. Đây là bản chất xuyên suốt cần nắm bắt để hiểu rõ sự sai chệch sau này của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Hãy thử tưởng tượng, một nền cộng hòa non trẻ áp dụng một lý luận kinh tế chưa được kiểm chứng, chỉ vì nó phù hợp với tầm nhìn của các vị Cha Lập quốc. Kết quả của cuộc thử nghiệm này là gì? Thật đáng kinh ngạc, sau hơn 100 năm, năm 1905, Hoa Kỳ với 5% lãnh thổ và 6% dân số trên toàn thế giới, đã sản xuất mọi nhu yếu phẩm ăn mặc ở đi lại cho hơn 50% dân số thế giới, kể cả hàng hóa xa xỉ. Đây là một thành tựu ấn tượng. Mà thành tựu ấn tượng này thực tế lại được xây dựng trên những nguyên tắc có vẻ vô cùng giản đơn và cơ bản.

Những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường tự do

Từ các ghi chép của Adam Smith và các vị Cha Lập Quốc, có thể rút ra 6 nguyên tắc cơ bản đối với nền kinh tế thị trường tự do:

  • Mỗi người phát huy sở trường của mình, hãy làm những gì bạn làm tốt nhất.
  • Chính phủ không can thiệp vào giao dịch thị trường.
  • Thị trường tự do kết nối hai bên cung và cầu.
  • Giá cả được xác định bởi sự cạnh tranh.
  • Lợi nhuận là mục tiêu thúc đẩy sản xuất.
  • Cạnh tranh là nền tảng để cải thiện chất lượng, tăng sản lượng và giảm giá thành.

Kinh tế thị trường tự do là một khái niệm rất quan trọng, nó sẽ cải thiện tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Một người trong quá trình tồn tại sẽ phát minh, sáng tạo và thu về của cải vật chất. Nếu một người không có quyền phát triển, sáng tạo, sở hữu, tăng thêm, giao dịch và kiểm soát tài sản của mình, thì về cơ bản người đó không có tự do. Đối với bất kỳ chính phủ nào, họ chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền của con người, không được phép can thiệp sâu vào quá trình tồn tại của con người. Con người tạo ra các sản phẩm, phải được quyền giao dịch và trở nên giàu có hơn. Đây là một sự mở rộng tự nhiên của cuộc sống.

Khi nhìn vào lý luận của Adam Smith thì chúng ta cũng thấy rõ rằng chính phủ có rất ít quyền lực trong một nền kinh tế tự do. Một nghịch lý là ở chỗ, chính phủ thông thường lại thích nhúng tay vào xã hội, can thiệp vào kinh tế. Khi giá cao, họ muốn kìm hãm giá, khi giá thấp họ lại muốn nó cao lên, thậm chí thông qua hình thức đánh thuế cao thấp mà thay đổi giá. Khi ở đâu thiếu thứ gì đó, họ muốn vận chuyển mọi thứ từ bên này sang bên kia. Chính phủ thích can thiệp khi thấy có vấn đề. Khi nói đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, việc can thiệp còn hồ đồ hơn nữa, gọi là nền kinh tế kế hoạch. Kết quả là nền kinh tế đã bị lên kế hoạch rơi vào khủng hoảng.

Để đạt được một nền kinh tế thị trường tự do, có bốn quyền tự do kinh tế cơ bản cần được đảm bảo. Thứ nhất là tự do thử nghiệm, cho phép bất cứ ai thử nghiệm công việc kinh doanh mới, cũng như trải nghiệm dịch vụ mới. Thứ hai là tự do thu mua, không ai có thể cấm người dân mua sắm thứ này thứ khác. Thứ ba là tự do buôn bán, người kinh doanh muốn bán thứ gì, bán ở đâu, miễn không vi phạm pháp luật, thì đều không bị giới hạn. Thứ tư là được tự do thất bại, nghĩa là phá sản là bình thường, chính phủ không được ép không phá sản, cũng không được cứu các doanh nghiệp khi họ phá sản.

Từ đây chúng ta có thể thấy rằng có rất nhiều điều các vị Cha Lập quốc đồng tình với Adam Smith lại bị vi phạm tại Hoa Kỳ ngày nay. Chẳng hạn hệ thống thuế cao cùng hàng tá quy định đã gián tiếp kìm hãm quyền tự do mở một công việc kinh doanh mới. Hay như việc chính phủ ra tay cứu trợ các công ty lớn gặp khủng hoảng. Hay như việc Cục Dự trữ Liên bang liên tục nhúng tay điều chỉnh thị trường. Đây đều không phải những thứ xuất hiện trong lý thuyết của Adam Smith.

Vậy chính phủ có trách nhiệm gì trong một nền kinh tế thị trường tự do? Có thể rút ra 4 nguyên tắc:

  • Chính phủ cần xóa bỏ các thế lực phi pháp muốn thao túng thị trường, bằng cách ép buộc người mua hay người bán trái với nguyện vọng của họ.
  • Chính phủ cần loại bỏ các hành vi gian lận, quảng cáo sai về chất lượng, xuất xứ, nhà sản xuất.
  • Chính phủ cần loại bỏ các hành vi lạm dụng độc quyền, bởi các hành vi này xóa bỏ sự cạnh tranh.
  • Chính phủ cần loại bỏ các loại hành vi có tác động xấu đến gốc rễ đạo đức của xã hội, ví dụ việc lạm dụng các sản phẩm khiêu dâm, tục tĩu, gây nghiện, kích thích, mại dâm, cá cược, v.v…

Vậy chính phủ Hoa Kỳ đã vi phạm những nguyên tắc nào? Nhà nước ngầm và các khối lợi ích lớn đứng sau đã khiến nguyên tắc thứ nhất và thứ ba bị vi phạm, nhưng không phải là vi phạm công khai, mà thông qua sự vận động hành lang mà hình thành hệ thống luật lệ và thuế phức tạp, cuối cùng đạt được mục đích thao túng và xóa bỏ cạnh tranh.

Đồng thời, sự trượt dốc của xã hội đã khiến chính phủ cho phép nguyên tắc thứ tư bị xói mòn. Mặc dù hầu hết các bang của Hoa Kỳ đều quy định mại dâm là phạm pháp, nhưng các sản phẩm khiêu dâm và mại dâm vẫn tràn ngập và có thể có được không mấy khó khăn. Việc cá cược được bình thường hóa thông qua các loại hình casino, cá cược trên mạng, và xổ số. Chuyện chất gây nghiện và giải phóng tình dục lại càng là một vấn nạn nghiêm trọng đối với thế hệ trẻ.

Chúng ta cần phải hiểu rằng sự tự do ở Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở Luật Tự nhiên, quyền tự do bất khả xâm phạm của con người là do Chúa Sáng Thế ban cho, như trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ đã nói: “…all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights…”.Bởi thế, quyền tự do ấy không phải là tự do làm mọi thứ, mà là tự do dưới nền tảng đạo đức phổ quát được Luật Tự nhiên hay Luật của Chúa quy định. Do đó, bản thân Adam Smith cũng bàn luận rằng tuân thủ quy phạm đạo đức phổ quát“là cơ sở của sự tồn tại của xã hội nhân loại chúng ta, nếu như điều đó không ăn sâu vào trong tâm trí con người, xã hội của chúng ta sẽ sụp đổ trong chớp mắt.”

Lịch sử chệch khỏi quỹ đạo

Sau khi các vị Cha Lập quốc hiện thực hóa lý luận kinh tế của Adam Smith, Hoa Kỳ đã phát triển thịnh vượng. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã vượt qua tất cả các nước trên thế giới và trở thành nhà lãnh đạo của nền kinh tế thế giới. Nhưng nguyên nhân lịch sử nào đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ lệch khỏi quỹ đạo?

Đầu thế kỷ 20, có một số thay đổi lớn trong nền kinh tế Hoa Kỳ, liên quan đến hệ tư tưởng cộng sản vào thời điểm đó. Lúc đó, có vài sự kiện tương đối lớn:

  • Một là cuộc đình công quy mô lớn, gây nghi hoặc cho người Hoa Kỳ. Vì sao Hoa Kỳ lại khiến nhiều công nhân như vậy đứng lên đình công?
  • Hai là sự xuất hiện của các quỹ tín thác (quỹ đầu tư ủy thác) mạnh mẽ. Các nhà máy thép và các công ty đường sắt ngày càng lớn mạnh. Cuối cùng, họ bắt đầu kiểm soát giá cả, khiến người Hoa Kỳ rất lo lắng.
  • Ba là sự xuất hiện của chu kỳ kinh tế bí ẩn là khủng hoảng kinh tế. Vào thời điểm đó, mọi người không hiểu được sự phồn vinh và suy tàn này, cảm thấy rằng đó phải chăng là tội ác do nền kinh tế này mang lại?
  • Bốn là sự xuất hiện của nhiều công đoàn, họ nói với chính phủ rằng chúng tôi muốn sự cân bằng giữa người giàu và người nghèo.

Thực chất, trong sự phát triển và thịnh vượng quá mức này, người Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ đã sớm không còn tâm thái của các vị Cha Lập quốc năm xưa. Giàu có mang đến cho con người quá nhiều thay đổi, thay vì tập trung vào sự tự do mà Chúa ban cho, người ta rời mắt sang tiền bạc và say mê vào nó. Thêm vào đó, trong khi tư duy con người yếu đuối nhất, thì hệ tư tưởng cộng sản còn quá mới đã nổi lên, không có ai hiểu và đề phòng nó cả.

Cuộc Đại khủng hoảng xảy ra, nền kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ chỉ sau một đêm, và sự kiện đó đã trở thành bước ngoặt giữa “kỷ nguyên cũ” và “kỷ nguyên mới”.

Sau cuộc Đại khủng hoảng, Franklin Roosevelt được bầu làm tổng thống và bắt đầu một mô hình chính phủ tập trung, chi tiền cho “Thỏa thuận mới” (New Deal). Kể từ đó, nhiều người nghĩ rằng “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith là trường phái cũ, mang nhiều tội lỗi và gây ra cuộc Đại khủng hoảng.

Thứ thay thế cho lý thuyết của Adam Smith vào thời điểm đó được gọi là “Tư bản luận” của Karl Marx. “Tư bản luận” đã được đưa vào nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ. Kể từ đó, trường đại học không còn dạy “Sự giàu có của các quốc gia”, mà cũng không dạy quan điểm kinh tế của những vị Cha Lập quốc, thay vào đó, họ dạy học thuyết của Karl Marx, một học thuyết cộng sản. Chủ nghĩa Keynes nói về sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế còn chưa nghiệm chứng tới nơi tới chốn nhưng đã từng bước được công nhận. Đây chính là lịch sử của Hoa Kỳ dần dần tiến tới chính phủ trung ương, bao gồm việc thực hiện một mức độ nhất định của nền kinh tế kế hoạch trong lý thuyết cộng sản.

Mãi cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1951, một số học giả nổi tiếng mới xuất hiện và bắt đầu viết một số cuốn sách về tệ nạn của chủ nghĩa xã hội, trong đó có một cuốn sách nổi tiếng mang tên “Bi kịch của chủ nghĩa xã hội”. Mãi sau những năm 1960, các học giả Hoa Kỳ mới dần dần quay về cuốn sách của Adam Smith, để tìm hiểu lại sự đơn giản và kỳ diệu của lý luận Adam Smith.

Ngày nay, mặc dù rời xa lý luận kinh tế của Adam Smith, rời xa nền kinh tế thị trường tự do đích thực, thế giới vẫn không thể thoát khỏi vòng lặp đáng sợ của chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Vậy thì lý giải nó như thế nào đây?

Hai vết thương không thể lành của nền kinh tế Hoa Kỳ

Vì sao cuộc Đại khủng hoảng xảy ra? Nói một cách đơn giản, sự sụp đổ của nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu từ thị trường chứng khoán và hệ thống ngân hàng. Điều này các nhà kinh tế học đều công nhận. Vậy thì hãy đối chiếu đầu mối duy nhất này với Luật Tự nhiên, nền tảng của nền kinh tế thị trường tự do.

Trước hết chúng ta nói về thị trường chứng khoán. Có hai cách hiểu về thị trường chứng khoán. Cách thứ nhất là một sự đầu tư lành mạnh. Cách thứ hai là “cá cược”, là “chơi chứng khoán”. Rất nhiều người bấy giờ, và kể cả ngày nay, sử dụng thị trường chứng khoán như một hình thức “đánh bạc” mà không phải là đầu tư. Phố Wall trở thành sòng bạc lớn nhất thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ ở thời điểm đó đã không làm gì trong khi điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc thứ tư: “Chính phủ cần loại bỏ các loại hành vi có tác động xấu đến gốc rễ đạo đức của xã hội, ví dụ việc lạm dụng các sản phẩm khiêu dâm, tục tĩu, gây nghiện, kích thích, mại dâm, cá cược, v.v…”

Có lẽ nhiều người cảm thấy kỳ lạ, bởi nguyên tắc cuối cùng này thoạt nhìn chẳng có vẻ gì là liên quan đến kinh tế thị trường tự do cả. Kỳ thực, muốn hiểu nguyên tắc này phải quay về bản chất lập quốc của Hoa Kỳ. Luật Tự nhiên là Luật của Chúa ban cho con người, cũng quy phạm đạo đức của con người. Nếu con người mất đi đạo đức thì một nền kinh tế có thể tự do được hay chăng? John Adams, Tổng thống thứ Hai, một trong các vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ đã nói: “Hiến pháp của chúng ta chỉ dành cho người có đạo đức và tín ngưỡng. Nó hoàn toàn không thích hợp cho chính quyền của những kiểu người khác.” Cũng như vậy, nền kinh tế xây dựng trên Luật Tự nhiên chỉ thích hợp cho những người có đạo đức và tín ngưỡng, tức là có quy phạm sẵn trong tâm mà thôi. Bởi vì các nguyên tắc của nó thật đơn giản, rất dễ bị vi phạm, bẻ cong hay lợi dụng.

Thị trường chứng khoán là một sòng bạc lớn, và cũng là một quả bóng lớn. Với giá trị ảo của nó, một khi quả bóng nổ, chẳng phải sẽ tạo ra hiệu ứng domino cho toàn bộ nền kinh tế hay sao?

Cũng trên cơ sở này, có thể nói rằng hệ thống ngân hàng mới là vết thương sâu nhất đã xuất hiện ngay vào thời Hoa Kỳ lập quốc. Sau khi Hiến pháp được thành lập, Hoa Kỳ đã phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế, cùng với những áp lực to lớn do các ngân hàng lớn ở Châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt, và các lỗi chính sách khác. Kết quả là cuối cùng chính phủ đã trao quyền phát hành tiền tệ cho một ngân hàng liên bang, ngày nay được gọi là “Cục Dự trữ Liên bang”.

Thomas Jefferson vào thời điểm đó đã rất tức giận trước quyết định này. Ông đã lên án rằng: Nếu chúng ta trao quyền tiền tệ cho các ngân hàng, họ sẽ sử dụng lạm phát hoặc giảm phát, để họ và các tập đoàn mạnh lên, còn những đứa trẻ Mỹ sẽ phát hiện ra rằng của cải và những ngôi nhà do cha chúng tạo ra sẽ bị mất. Do đó, quyền lợi tiền tệ phải được trao trả lại cho người dân và Quốc hội!

Cảnh báo từ Thomas Jefferson nghe có vẻ quá nghiêm trọng, nhưng thực tế đã chứng minh ông hoàn toàn đúng đắn. Sau mỗi cuộc suy thoái kinh tế, những người mất nhà cửa và đóng cửa các công ty chính là những doanh nghiệp vừa và nhỏ từng vay thế chấp ngân hàng. Sau khi người dân nỗ lực vất vả kiếm tiền, họ tích trữ tiền trong ngân hàng. Theo thời gian, lạm phát sẽ thu hẹp những khoản tiền này và khiến chúng mất giá. Tại sao tiền tệ tự động và liên tục mất giá? Người dân thường không làm gì sai, tại sao tài sản của họ lại tự động co lại?

Ở Hoa Kỳ, có một khái niệm gọi là “phân đoạn thị trường ngân hàng”. Nghĩa là ngay cả khi ngân hàng hiện chỉ có một triệu đô-la tài sản, họ vẫn có thể giải phóng bốn đến năm triệu đô-la cho vay. Điều đó có nghĩa là một triệu đô-la tài sản thực tế của họ chỉ là một phần trong tổng số các khoản vay. Tiền nhiều hơn tài sản vốn có của xã hội. Do đó giá cả sẽ tự nhiên tăng lên để thích hợp với lượng tiền lưu thông. Đây chính là nguồn gốc của lạm phát.

Ngân hàng cho phép người dân vay một cách dễ dãi, các loại thẻ tín dụng tràn ngập và phổ biến. Thực chất, mọi người đã lấy số tiền “không tồn tại” mà các ngân hàng cho vay để làm ăn kinh doanh, khiến bong bóng kinh tế được thổi phồng ngày càng lớn. Bong bóng này khi đã to rồi thì rất dễ vỡ, bởi vì trong quá trình kinh doanh, tài sản của ngân hàng sẽ lớn lên, lượng cho vay cũng lớn lên. Việc kinh doanh trong xã hội “tưởng chừng” có thể mở rộng thêm nữa, người kinh doanh lại vay nhiều hơn. Nhưng ảo ảnh rồi cũng sẽ kết thúc. Cả xã hội đang tiêu tốn những khoản vay, và một phần trong số tiền thu về lại không hề có thực. Chuỗi doanh nghiệp rồi sẽ sụp đổ vì nhận định sai tính “ảo ảnh” của thị trường. Một vài sự sụp đổ trong hệ thống sẽ tạo thành khóa chết cho dòng tiền và gây ra hiệu ứng domino.

Khi khủng hoảng thì chính phủ và người dân mang theo tâm lý hoảng sợ lại ra tay cứu các tập đoàn lớn và ngân hàng, trong khi bỏ mặc các doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ vốn là nguồn thịnh vượng của nền kinh tế. Sau khi bong bóng kinh tế bị “vỡ”, ngân hàng thu hồi những ngôi nhà hoặc công ty không bền vững này vào tay của  mình.

Do đó, khi nền kinh tế “thịnh vượng”, ngân hàng kiếm được tiền lãi đầu tư gấp vài lần từ “tiền giả” mà nó phát hành. Khi nền kinh tế “suy thoái”, ngân hàng thu hồi lại những ngôi nhà hoặc công ty không đủ khả năng chi trả khoản vay. Vòng xoay thịnh vượng và suy thoái kinh tế này đã kéo dài từ khi ngân hàng xuất hiện, nhưng chỉ sau khi công nghiệp hóa, sức ảnh hưởng của nó mới lớn hơn mà thôi.

Vậy mà Hoa Kỳ, cũng như rất nhiều nước, lại trao khả năng in tiền cho một ngân hàng, để cho chính họ bật đèn xanh cho họ, hình thành nên một hệ thống được tạo ra để tự vỗ béo mình. Đây là sự vi phạm Luật Tự nhiên ở mức nghiêm trọng nhất, vi phạm quyền tư hữu nghiêm trọng nhất, khiến cho tiền của người dân “không cánh mà bay” thông qua hình thức lạm phát. Nhưng bản thân người dân thì không mấy ai hiểu rõ cả.

Còn một điều tinh vi hơn nữa, đó là tổ chức đầu tiên sử dụng số tiền in ra là tổ chức được lợi lớn nhất. Là vì khả năng điều chỉnh của thị trường không phải ngay lập tức. Số tiền đó khi mới tiến nhập vào thị trường sẽ có giá trị nhất, sẽ mua được nhiều của cải nhất. Khi nó hoàn toàn dung nhập vào thị trường, thì do lạm phát, tiền mất giá, cùng một số tiền đó sẽ mua được ít của cải hơn. Như vậy dễ thấy rằng ngân hàng chính là tổ chức được lợi lớn nhất trong việc in tiền. Ngân hàng lại là chủ nợ, quyết định các điều khoản hợp đồng, quyết định mức điều chỉnh lãi suất. Quyền lực ngầm của hệ thống ngân hàng lớn như vậy đó.

Vậy tiền cần được in khi nào? Công thức đơn giản là, tiền được in ra phải ngang bằng với sức sản xuất vốn có của xã hội. Của cải vật chất tạo ra thêm bao nhiêu, cần có số tiền tương ứng được in thêm bấy nhiêu. Có nghĩa là giá cả sẽ không tăng lên, đồng tiền ổn định. Ai cũng nói tiền USD ổn định nhất thế giới, có giá nhất thế giới, nhưng mà nó đã lạm phát bao nhiêu rồi? Mặc dù con số các nhà kinh tế đưa ra với Hoa Kỳ chỉ là trung bình 3%/năm trong suốt một thời gian dài hơn 100 năm; Nhưng nếu lấy một ví dụ trực quan, quy đổi USD ra giá vàng, sau đó quy đổi ngược ra số bánh mì có thể mua được, bạn hẳn là sẽ rất ngạc nhiên về sự lạm phát của Hoa Kỳ. Điều này đi ngược lại với Luật Tự nhiên, cũng đi ngược lại giá trị lập quốc của Hoa Kỳ.

Trong lịch sử của Hoa Kỳ, từ Tổng thống Jefferson, Tổng thống Jackson đến Tổng thống Lincoln, tất cả đều muốn thu hồi quyền in tiền tệ từ ngân hàng và trả lại cho Quốc hội. Đồng thời quy định số tiền mà ngân hàng được phép xuất ra ngoài, cấm cho vay tiền giả. Tất cả đều muốn phá vỡ cái gọi là chu kỳ “thịnh vượng và suy thoái” kinh tế mà họ đã nhìn thấy trước này, nhưng tất cả đều thất bại.

Hoa Kỳ lập quốc: Nền kinh tế thị trường tự do và sai lầm của Hoa Kỳ hiện đại
Tranh minh họa quá trình Tổng thống thứ Bảy của Hoa Kỳ, Andrew Jackson, chống lại thế lực đằng sau các ngân hàng Hoa Kỳ. Khi đó ông đã thành công phần nào nhưng rồi các Tổng thống Hoa Kỳ sau đó lại không thể có được tầm nhìn của Jackson. Andrew Jackson cũng là Tổng thống đầu tiên và duy nhất dẫn dắt chính phủ Hoa Kỳ trả hết toàn bộ nợ công. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Cuối cùng, hai lỗ hổng lớn nhất tạo ra khuyết tật của nền kinh tế thị trường tự do ở Hoa Kỳ thực chất lại không phải do bản thân lý thuyết tạo ra nó, mà là bị cưỡng chế lên nó mà thành.

Dựa trên bài viết của Sound Of Hope
Tham khảo từ National Center for Constitutional Studies

Thiên Cầm biên tập

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here