Né tránh chỉ làm cho hiện tại phức tạp & đau đớn hơn .

    0
    26

    # Con người có thể sống trong nghèo đói , nhưng người ta không thể sống không suy nghĩ , không nói ý nghĩ của mình .Không có gì đau khổ hơn là buộc phải im lặng , không có sự đàn áp nào dã man hơn là bắt người ta phải từ bỏ các tư tưởng của mình và ” nhai lại ” suy nghĩ của kẻ khác #

    Trong một buổi gặp mặt cử tri , Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh rằng: Chúng ta có “cái bệnh” rất lớn là không dám nói lên sự thật (SGGP, 13/2).Lời cảnh tỉnh (xác nhận) đó cũng là lần đầu tiên được chính thức phát đi từ người đứng đầu Nhà nước từ trước đến nay . Sự thật lịch sử chưa nên nói vì chưa có lợi cho cách mạng. Đó là năm 1974. Ai cũng dễ dàng đồng ý rằng trong chiến tranh, quả thật rất cần những khoảnh khắc, những “chương, hồi của sự im lặng” về sự thật, vì sợ bị kẻ thù lợi dụng, lòng dân ly tán…
    Thế nhưng, cái tai họa của vấn đề là ở chỗ: Giới hạn của sự im lặng (chưa công bố, chưa nói) nằm ở tầng mức nào, bao lâu hay đến bao giờ? Sự mập mờ, đa nghĩa của cụm từ “có lợi cho cách mạng” đã bị biến hóa, như sự kiện 17/2/1979! Trong khi đó, luật pháp ở nhiều nước quy định việc giải mã toàn bộ bí mật lịch sử chỉ khoảng trên dưới 30 năm. Cần phải bàn là tại sao chúng ta không dám đưa sự thật lịch sử vào sách giáo khoa? Nói rằng sự thật đó có thể làm tổn hại đến tình hữu nghị hay bang giao quốc tế là không hề thuyết phục.Chẳng lẽ người Mỹ dựng phim, mở hội thảo về tội ác của chủ nghĩa fascio lại làm mất đi quan hệ hữu hảo Đức – Mỹ sao? Không ai có thể thay đổi lịch sử đồng nghĩa với mặc định hiển nhiên rằng chấp nhận nó như là một phần của quá khứ, dẫu vinh quang, niềm vui hay cay đắng.

    Một cựu chiến binh ở biên giới phía Bắc năm 1984 – hiện là giảng viên lịch sử kể rằng, năm 1992, cơ quan anh có tổ chức gặp mặt cựu chiến binh từ 1945-1975; có nghĩa là những ai đã từng là cựu chiến binh sau năm 1975 không được mời dự(!). Sự thật đó thật là cay đắng nhưng vẫn chưa thể đắng cay bằng việc chúng ta lãng quên sự hy sinh dũng cảm của hàng vạn con người đã ngã xuống cho dân tộc trường tồn.
    Chúng ta thường khẳng định việc phải giữ gìn bản sắc của văn hóa Việt Nam. Thử hỏi rằng, bản sắc dân tộc Việt là gì nếu không phải phần lớn nhất, độc đáo nhất, phi thường nhất, chính là truyền thống không thể bị đồng hóa, truyền thống quật cường bất khuất của Tổ quốc hình chữ S?

    Nói như thế có nghĩa là, không một ai có quyền lãng quên lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cố tình quên hay nói khác về “sự nhớ” nửa vời là có tội với tiên tổ, giống nòi.
    Lịch sử có chức năng là “người thầy” của cuộc sống. Chính lịch sử dạy cho hiện tại những sai lầm cần tránh khỏi, sự tỉnh táo trước những gì tương tự đã từng xẩy ra, bởi lịch sử không lặp lại nhưng, có thể, bắt chước chính nó.
    Nếu cứ coi quá khứ không thể thay đổi sẽ làm tổn hại hiện tại, tại sao lại có nhiều như thế những đường phố Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…?

    Trong cuộc đời, đôi khi có những câu trả lời cho những vấn đề được coi là phức tạp thật giản dị: Nếu chưa đưa sự kiện 17/2/1979 vào SGK thì bao giờ sẽ đưa vào? Nhất định phải đưa vào bởi nói thật về sự thật phải là bản chất của lịch sử. Sự trù trừ, “tiếng kèn ngập ngừng” của cách nói chỉ làm cho lịch sử thêm rối rắm, nhiêu khê. Không thể tiếp tục nỗi đau rằng đã và đang có hàng triệu con người trẻ tuổi chẳng biết gì lịch sử anh dũng của cha ông.

    Ngày 6 và 9/8/1945, người Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagazaki, làm chết cả triệu người. Đến năm 1951, Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật vẫn được ký kết và, dù 62 năm đã trôi qua, quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn là “hòn đá tảng” (nguyên văn, key stone)…

    Việc né tránh quá khứ chỉ càng làm cho hiện tại phức tạp, đớn đau hơn…
    P/s : bài này viết ngày này năm ngoái giờ chia sẻ lại