MẸ THÍCH ĂN XƯƠNG CÁ

0
63
   

Dạ Thảo Phương

(kỷ niệm miếng ăn của một đứa trẻ con thời hậu chiến)

“Mẹ, sao mẹ chỉ ăn xương cá?”. “Tính mẹ thích ăn xương cá. Xương cá ngọt”. Mẹ vừa nói, vừa gỡ hết thịt cá sang bát tôi, và để xương sang bát mẹ. 

Từ đó, hễ nhà có cá là tôi nhanh nhảu gắp cho mình một miếng to (để có nhiều xương dành cho mẹ). 

Mỗi đứa con hẳn sẽ có cả tỷ ký ức về mẹ. Nhưng chuyện “mẹ thích ăn xương cá” là chuyện tôi nhớ nhất. 

Hồi đó, tôi còn tuổi gà con núp cánh. Lời nào mẹ nói cũng không có chỗ cho dấu hỏi. Mãi sau này tương đối lớn, khi không còn đói ăn nữa, tôi mới thấy mẹ rụt rè và sung sướng ăn một vài miếng đuôi cá sau khi đã gắp những miếng ngon nhất cho cả nhà.

Những năm hậu chiến đó, như nhà tôi chưa thể được gọi là nghèo.

Thỉnh thoảng, tôi lại bị sai vác rá sang nhà hàng xóm vay mấy bơ gạo. Nhưng bữa khác lại có hàng xóm chạy sang vay mấy bơ gạo của nhà tôi. Thiếu gạo nên cơm thường độn thêm mì và khoai. Nhưng nhà bác tôi vắng bóng hạt gạo, còn phải ăn bo bo. Tuy có những ngày ba mẹ con tôi chỉ ăn cơm với rau muống luộc chấm nước mắm, nhiều khi là nước mắm cặn đáy chai, mặn chát, khăm khẳm. Nhưng lại cũng có những ngày có bữa “tươi”. Sang nhất là có cá. Cá thầu dầu tẩm bột rán, giòn tan, ăn được cả xương, nuốt miếng cá ấm sực cả tâm hồn rồi mới nhớ ra chưa để phần xương cho mẹ. Cá mè hấp gừng cho đỡ tanh. Cá mè nhiều xương, dành xương bát mẹ.

Chuẩn cơm quê.

Nếu tuổi thơ tôi hiện thành tranh, đó sẽ là một bức tranh gam màu vàng vọt xanh xao, hình chữ nhật đứng, nhỏ và dài nhẳng. Hình nỗi đói triền miên trong tâm trí một đứa trẻ con.

Hồi đó lúc nào tôi cũng cảm thấy đói. Tuy không đến nỗi cồn cào mà chỉ là một cảm giác dai dẳng mơ màng, nhưng cũng đủ thúc đẩy tôi liều lĩnh đến mức không biết sợ chết- Hễ thấy gì không chắc có phải thức ăn không, phản ứng đầu tiên của tôi sẽ là cắn thử. Một lần quét nhà thấy một viên tròn tròn cỡ bằng quả ô mai, bên ngoài lại hơi khô mốc như lăn qua bột cam thảo, tôi hí hửng đưa lên gần miệng mới phát hiện là… phân mèo khô. 

Dọc đường từ nhà (Phó Đức Chính) đến trường (Chu Văn An), tôi đã từng ăn sung ở đền Cẩu Nhi, búp đa ở Bánh Tôm Hồ Tây, cánh và thân hoa phượng ở đường Thanh Niên, quả si tím sẫm và hoa chua me tím nhạt ở vườn hoa Lý Tự Trọng, quả và nhân hạt bàng đường Quán Thánh, hoa, lá và quả sấu ở đường Phan Đình Phùng,… Không thể kể hết những “của ngon vật lạ” đã nâng đỡ tâm hồn tha thiết tình yêu ăn uống của chúng tôi suốt tuổi thơ đói dài dặc. Vì đứa nào cũng đói, nên phải để ý “thời gian thu hoạch”, sao cho không quá sớm để miếng ăn đừng là miếng khổ, nhưng cũng không được quá muộn để đứa khác đừng nẫng mất. Bãi đất hoang ven hồ Tây, cạnh cái cống nước thông sang hồ Trúc Bạch, có một cây táo dại cao hơn đầu tôi một chút. Từ khi phát hiện ra nó, ngày nào tôi cũng kín đáo lượn qua “thăm quả”, đợi táo chín. Đến ngày táo lớn nhỉnh hơn hòn bi ve, thì đã bị đứa nào cuỗm mất. Nỗi đau mất táo có vị cay đắng dữ dội. Từ đó, tôi chỉ đợi táo nhỉnh hơn viên bi đất là phải “tặng ông anh ruột” ngay. Quả táo non cùi mỏng dính, nhạt, nhớt. Nhưng hạt của nó có thể ngậm suốt đường đi học. Niềm vui có cái gì đó trong miệng tiết ra vị ngọt ngào. 

Bần cùng sinh đạo tặc. Đầu vườn hoa Lý Tự Trọng có luống hoa màu đỏ, tên gì không quan trọng, quan trọng là khi nhuỵ hoa dài hơn cánh thì bứt đài hoa, mút được “sữa”, ngon vô cùng. Trò đời, món quý thường giá đắt- vườn hoa có ông bảo vệ như con rồng hung dữ canh kho báu. Giờ bình tĩnh nghĩ lại, ông chưa bao giờ phang dùi cui vào lũ ăn cắp hoa chúng tôi, mà chỉ suỵt doạ như cách người ta xua chó cắp gà. Vậy mà hồi xưa chúng tôi sợ ông như sợ ông “ba bị chín quai mười hai con mắt đi bắt trẻ con”. Hễ thấy bóng ông là chúng tôi sợ chạy vãi… cặp sách. 

Cô Dung chú Giáp- nhà hàng xóm sân sau – tăng gia giàn mướp trên mái bếp. Thấy mướp lúc lỉu quả, tôi hăng hái trèo thang xông lên “công thành”. Cắp được quả mướp vào nách rồi, nhìn từ mái bếp xuống sân mới thấy cao quá, ngồi khóc ti tỉ. Khổ chủ đi làm về chạy lên bế trộm xuống, cho thêm cái kẹo trộm mới nín. Không biết cô Dung chú Giáp giờ này còn sống không, ở đâu, nhà có trồng mướp không nhỉ.  

Mẹ tôi hồi nhỏ được ông bà ngoại cưng như trứng mỏng, được mặc “áo dài tân thời”, quần lụa trắng, thỉnh thoảng được ăn cả “súc cù là” (sô cô la). Đến khi làm vợ lính hải quân, mẹ ba đứa con thì thành đầu bù tóc rối, tần tảo ngược xuôi, hết giờ hành chính về đến nhà là lại trăm tay trăm nghề phụ. Ngoài gia công quần lụa đen, dán hộp bìa, nuôi lợn, nuôi gà vịt, mẹ còn biết làm kẹo lạc,  kẹo dồi, rang lạc húng lìu đem đi bỏ mối các hàng vỉa hè. Nhiệm vụ của tôi là đếm lạc chia vào những túi nylon nhỏ, rồi gập túi bao qua một lưỡi dao, hơ lửa đèn dầu cho kín khí, giữ lạc giòn. Ngoài lương là những viên lạc kẹ, tôi còn có nguồn thu từ rút ruột sản phẩm- khi có những viên lạc đỏ sẫm màu hơn cả mẻ, tôi sẽ biển thủ. Những tội lỗi này hôm nay lần đầu tôi mới nói ra, hy vọng mẹ sẽ tha thứ. 

Hồi nhỏ tôi rất thích ốm. Trẻ con sốt cao sẽ được ăn phở bác Vinh gần trường học Mạc Đĩnh Chi. Đứa không ốm được hưởng sái là nước phở chan với cơm nguội. Sốt rên hừ hừ, có khi nuốt được một miếng là lại nôn hết, nhưng khỏi ốm lâu rồi vị nước phở quý giá vẫn được đóng khung treo trang trọng trong trí nhớ. 

Mẹ kể trận ốm khủng khiếp nhất của tôi là hồi một tuổi. Khi đó bác sĩ đã nói mẹ chuẩn bị tinh thần mất con. Thương, một người quen có gia đình là cán bộ cấp cao cho mẹ tôi phiếu mua sữa đặc- sữa Liên Xô đã quá đát hai năm. Mẹ có một niềm tin vững chắc không lý lẽ khoa học nào lay chuyển nổi là món quà xa xỉ ấy đã cứu tôi thoát chết. 

Cứ thế, bàn tay lam lũ, nụ cười tươi tắn, mẹ đưa chúng tôi băng qua tuổi thơ. 

Mẹ tôi hồi trẻ rất đẹp (hay đứa trẻ nào cũng thấy mẹ mình đẹp). Miệng tươi, răng trắng ngời như ngọc. Tóc dài, đổ sóng xuống ngực nở eo thon. Thế hệ ấy mà mẹ cao một mét sáu ba. Gia tài nhan sắc của mẹ, lũ chúng tôi không đứa nào phát huy được. Tôi xấu, thấp bé nhất nhà, đo căng hết thước dây chỉ được một mét năm bảy. Nhưng tôi hoàn toàn hài lòng với cơ thể khiêm tốn của mình. Tôi biết cơ thể đó đã là phiên bản đẹp nhất, khoẻ mạnh nhất mà người mẹ “thích ăn xương cá” có thể dành dụm, bồi đắp, trao tặng tôi trong hoàn cảnh của bà. 

Mỗi khi nghĩ đến “tính thích ăn xương cá” của mẹ, tôi lại có một niềm tin chắc chắn rằng: Mấy chị em tôi, dẫu cuộc sống có thế nào, thì cũng chẳng thể thành người chua chát, giận ghét cuộc đời được.

Vì chúng tôi lớn lên từ vòng tay một người mẹ thấy xương cá cũng ngọt.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here