M Ộ T   B Ữ A   R Ư Ợ U

1
81
Photo by Hoang Viet

Vũ Thư Hiên

1

Rét căm căm.

Sùm sụp trong tấm chăn lính màu cứt ngựa, ông Cảo ngồi bó gối trước cút rượu trơ đáy. Nhìn cái dương cầm sứt sẹo véc ni, ông muốn đi tới đấy gõ một giai điệu chợt đến, nhưng lại lười. Mà không hẳn vì thế – tiết hanh làm vênh những phím đàn, âm không còn chuẩn. Hôm qua ông đã chơi thử Premier Concerto của Tchaikovsky, rồi bỏ dở giữa chừng, bất mãn với cây đàn già lão. “Đến lúc phải lên dây rồi – ông nghĩ và thở dài – Lại tiền!”

Có tiếng gõ cửa.

Ông lười biếng ngẩng đầu:

– Đẩy vào.

Người đến đem theo luồng gió lạnh là ông Vũ.

– Khép chặt lại – ông bảo.

Nhìn ra ngoài trời qua kính cửa mờ, ông như thấy những khối không khí lạnh ùn ùn đuổi theo nhau vùn vụt. Cảnh tượng làm ông rùng mình.

Lẻo khoẻo trong bộ bảo hộ lao động thùng thình và bạc phếch, ông Vũ đã gày trông càng gày hơn.

Rút trong cái túi dết bộ đội lép kẹp ra một cút rượu đầy đến tận nút, ông Vũ đặt nó xuống trước mặt ông Cảo.

– Đâu ra thế? – mắt ông Cảo sáng lên.

Ép chặt hai tay trước ngực cho đỡ lạnh, ông Vũ xuýt xoa:

– Vừa lĩnh lương, anh ạ! Hôm nay không có việc, đến lấy lương rồi về. Nhà có gì nhắm không, anh?

– Nhẵn như chùi – ông Cảo lắc – Suông thôi.

Ông Vũ rút cái nút lá chuối, đưa lên mũi ngửi:

– Thằng chủ quán không cho nếm. Giấu giấu diếm diếm giúi vào tay rồi giục đi cho nhanh. Mà có thấy mặt thằng quản lý thị trường nào đâu.

– Thời buổi này ai cũng cẩn thận. Không trách được.

Ông Vũ thận trọng nghiêng cổ chai để không rớt một giọt, rót rượu vào hai chén hạt mít, bưng một chén cho ông Cảo.

Ông Cảo đỡ lấy, nhấp một ngụm nhỏ:

– Cũng được đấy, không tồi.

Rồi ngửa cổ làm một hơi.

Rượu vào làm ông Cảo thấy bớt lạnh. Ông Vũ thấy da mặt ông Cảo đã thoáng hồng, hoặc đã sáng lên một chút.

Rượu đúng vị Trương Xá, ông Cảo gật gù. Rượu Trương Xá là cái gu của ông, nó là rượu lậu, nhưng dân làng vẫn nấu, vẫn bán, vẫn giữ cái danh tiếng có từ xưa. Thằng Vũ này tinh ý, biết tính ông, tuy rượu lần này hơi nhạt, bị pha phách là cái chắc.

Nhìn bộ quần áo nhem nhuốc của ông Vũ, ông ái ngại:

– Công việc thế nào, vất lắm không?

– Cũng phải quen thôi, anh ơi – ông Vũ cười nửa miệng – Lúc đầu việc gì mà chả khó.

Tội nghiệp thằng bé, ông Cảo nghĩ, cả đời làm báo, giờ làm thợ cán cao su. Nó còn bảo kiếm được việc là may, là còn người tốt dám thuê mình.

Ông thích cái tính lì của ông Vũ, thích cái nhìn sự đời lên xuống của nó bằng cặp mắt ráo hoảnh, không một lời than thở. Chưa kể trong bất cứ cái xấu nào rơi xuống đầu nó vẫn cười, nhìn thấy trong đó một tia nắng.

Ông Cảo thở dài. Khi ông Cảo cúi đầu, ông Vũ nhìn thấy một giọt nước mắt rơi xuống chén rượu.

Ông Cảo trôi theo dòng suy nghĩ miên man. Tội tình gì mà người ta nỡ đày ải nó như thế, gần chục năm đằng đẵng nơi rừng thiêng nước độc. Nghe nói đời tù giờ khổ lắm – tù phải phát nương, làm rẫy, đi cày đi cấy, đẵn cây, xẻ gỗ… đủ thứ. Ấy là nghe người khác nói, chứ nó chẳng kể.

Ông thương ông Vũ, rồi lại thương mình. Ông không bị đi tù, nhưng cũng như đi tù. Ông tự giam mình trong căn phòng nhỏ – giang sơn còn lại của ông, cần mẫn vẽ các thứ bìa sách cho các nhà xuất bản, nơi còn những người nhớ ông, muốn đỡ đần ông trong thời buổi người khôn của khó. Ông vẽ không suy nghĩ, không cần biết cuốn sách viết gì, ông thích gì vẽ nấy – một hình người chợt đến, vài mảng màu trang trí lăng nhăng, thảng hoặc, ít khi lắm, mới phải vẽ lại theo yêu cầu của biên tập viên, thế là xong cái bìa. Các tác giả không bao giờ phàn nàn. Họ thẩy đều dễ tính, không xét nét, không cầu kỳ, sách viết ra được in đã là tốt, lại được hân hạnh ông Cảo vẽ bìa là tốt lắm. Ông Cảo không phải hoạ sĩ, vẽ là nghề tay trái của ông, nhưng giới hội hoạ coi ông là bạn nghề.

Nhìn mắt ông Cảo lờ đờ sau chén thứ tư, ông Vũ giữ chặt cút rượu trong tay, không rót tiếp.

– Sáng giờ anh chưa ăn gì à?

– Ờ, – ông Cảo bần thần – Có đấy, ăn khoai. Cơ mà hà, vứt đi một nửa.

Ông Vũ dợm đứng lên:

– Để tôi chạy ra xem hàng xôi lúa về chưa? Lúc tôi đến, bà ta còn ngồi đấy.

– Thôi, vẽ, đi làm gì. Trong nhà còn thế này, ngoài đường lạnh lắm. Đợi bà nhà tôi xem bà ấy có mang gì về cho anh em mình không?

2

Trong cách cư xử ông Vũ tự coi mình là đàn em, rất kính trọng ông anh. Ông Cảo không vì thế mà coi thường người bạn nhỏ. Trong mắt ông, ông Vũ là người tin cậy, có thể chia sẻ những ý nghĩ thầm kín nhất không thể nói ra với ai. Hai người rất tâm đắc trong nhận định về mọi mặt thế thái nhân tình.

Ông Vũ còn trọng ông Cảo hơn nữa ở chỗ ông Cảo rất công bằng trong cách nhìn sự vật. Ngay cả với kẻ làm hại mình, ông cũng không có định kiến, không để có sự thiên lệch khi đánh giá, trong khi người khác coi kẻ hại mình dù chút xíu cũng là kẻ thù.

Ông Cảo là tác giả của nhiều ca khúc vang dội một thời. Ông làm thơ không nhiều, nhưng được thiên hạ phục – có vẻ không vần đấy, mà lại tuyệt vời về điệu. Ông ngao ngán trước những lời tuyên bố của những nhà thơ cách tân: “Thơ chỉ cần ý, cần tứ. Đả đảo thơ truyền thống!”. Nghe một nhà thơ như thế đọc cho ông thưởng thơ mình, ông gõ xe điếu đánh chát vào bát: “Tớ bận, tớ đang viết một lâm khúc cho tiếng Việt của tổ tiên đây!” Rồi chìa tay ra, tỏ ý cuộc gặp gỡ kết thúc. Gay gắt là thế, dứt khoát là thế, nhưng ông là người quảng giao, yêu mến bạn bè, bất kể họ thuộc trường phái nào.

Người trong làng văn nghệ vừa kính trọng, vừa yêu ông, đặt cho ông biệt hiệu “ông tiên chỉ”.

Ông tiên chỉ bề ngoài hiền lành rất mực, nói theo cách xưa là quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật, thiên hạ nói sao cũng được, ông cười xoà. Chính vì thế mà nhiều khi ông bị hiểu nhầm. Người có quan điểm thế này thế khác sau khi gặp ông, được trò chuyện với ông, thường bảo vệ quan điểm của mình bằng câu: “Này, đừng có đùa, chính ông tiên chỉ cũng đồng ý với tớ đấy!”.

Sự nổi tiếng bao giờ cũng kéo theo nó sự ghen tị. Gặp khi nhà cầm quyền quen thói bắt văn nghệ sĩ tuân theo cái gậy chỉ huy của mình, dăm ba người cứng đầu mới ra một tờ báo có những bài viết không vừa lòng quan trên thì quan trên nghĩ ngay đến ông – thử hỏi ai là kẻ đứng đầu làng văn nghệ nếu không phải là “tiên chỉ”?

Thế là gậy gộc tới tấp giáng xuống đầu ông. Nhưng ông đâu phải người khởi xướng, cũng chẳng phải người đứng đầu. Cái vạ ông phải chịu, nói cho cùng, là vạ gió.

– Có phải chính thằng vua thơ nó khởi lên vụ đánh anh không? – ông Vũ hỏi khi những người khác, chúng khẩu đồng từ, đều nói thế.

– Bậy nào, không phải đâu – ông Cảo lắc – Cũng là người làm thơ, nó không đến nỗi tồi tệ đến thế. Đây là việc của thằng khác, thằng cần tạo ra một cái thùng rác để trút mọi tội lỗi của nó vào đấy.

Ông Vũ biết ông Cảo nói thằng nào. Ngồi trên ngai vàng thằng này xuống một chiếu chỉ là dân chết cả đống, hàng vạn, cho đến nay chưa có ai đếm đúng số người chết là bao nhiêu.

Ông Cảo ngâm nỗi buồn của mình vào rượu. Riết rồi thành quen. Có hôm vừa lĩnh nhuận bút ông ra quán uống đến say mèm, không biết đường về. Lại có hôm trong cơn say ông bị mấy tên du thủ du thực không biết từ đâu kéo đến tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. May có người biết ông nhảy vào can thiệp mới đưa được ông về nhà. Người ta gọi những tên đầu gấu ấy là quần chúng tự phát. Quần chúng bực lên, quần chúng trị tội kẻ láo lếu, chẳng cần ai bảo, những người tạo ra quần chúng tự phát nói thế, chẳng cần ai tin.

Khi ông Vũ ra đến chỗ bà hàng xôi lúa thì thấy chỗ bà ngồi chỉ còn những chiếc lá bàng cuối cùng mới rụng.

Ông đứng đấy, phân vân, không biết nên mua gì về cho ông Cảo. Không ăn, chỉ rượu thì bệnh đau dạ dầy của ông Cảo đã nặng càng thêm nặng. Bên kia đường có một hàng nước, nhưng ông chỉ tần ngần nhìn nó, chứ không bước sang. Chẳng lẽ mua mấy cái kẹo vừng hay kẹo bột? Kẹo không thể làm đầy cái dạ rỗng.

Ông trở về.

Ở chân cầu thang, một người đội mũ lá, đeo ba lô, đang lúi húi khoá cả hai bánh cái xe đạp cà tàng.

Khi người ấy quay mặt lại, ông Vũ há hốc:

– Ôi, anh Phác!

Ông Phác chìa tay, lắc mạnh:

– Tớ đây. Có nghe cậu được thả, chưa tin, Bây giờ mới tin. Về lâu chưa?

– Mới được vài tháng. Anh Cảo vừa nhắc anh. Lên đi!

3

– Phác! – ông Cảo reo lên khi hai người bước vào – Về Hà Nội hôm nào?

– Hôm kia!

Ông Phác nhao đến, ôm lấy bạn, thấy trong vòng tay một thân hình gày còm, nhẹ bỗng.

– Sao bây giờ mới đến? – niềm vui gặp bạn làm ông Cảo hoạt bát hẳn.

Hai người là bạn lâu năm, từ tiền khởi nghĩa, lại cùng công tác trong kháng chiến. Cả hai là nhạc sĩ sáng tác, thân nhau vì hợp tính, không vì cùng một dòng nhạc. Ông Cảo đa dạng hơn ông Phác. Ông vừa viết hành khúc vừa viết nhạc mềm. Ông Phác thì chỉ một dòng lãng mạn, nhưng biết cho vào những ca khúc của ông những lời lẽ cách mạng.

Ông Vũ đứng đực, quan sát cuộc gặp gỡ của hai đàn anh. Ông biết tình bạn của hai người gắn bó thế nào.

Ông Phác gạt đống giấy tờ trên bàn làm việc của ông Cảo qua một bên, hạ cái ba lô xuống, lấy ra một gói giấy báo. Đoạn, trịnh trọng đặt nó xuống bàn.

– Gì thế? – ông Cảo nhòm cái gói, hỏi.

– Đoán xem!

Ông Phác cười hì hì, cố ý mở gói giấy rất chậm.

Trong gói giấy là một cỗ lòng. Không tim, không gan, không dạ dày.

– Lòng chay à? – ông Cảo liếm môi.

– Là may rồi. Một em mậu dịch yêu những bài hát của mình dành cho đấy. Một thứ nhuận bút trả thêm. Không quen ấy à, đừng có hòng.

– Chay thì chay, vẫn cứ là tuyệt đi! – ông Cảo nhìn những miếng lòng cong queo trong giấy báo, cười tươi.

– Chưa hết! – ông Phác xoa tay, sung sướng nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của bạn – Còn khoản này nữa.

Ông lôi tiếp trong ba lô một chai rượu, đặt nó bên cạnh gói giấy.

Mắt ông Cảo còn sáng hơn nữa:

– Giời ạ, đào đâu ra của này bây giờ chứ?

Ông vồ lấy chai rượu, xoay vòng, ngắm nghía nhãn hiệu trên thân nó, ngón trỏ rê theo hàng chữ: “CHATEAUNEUF DU PAPE”.

– Lâu lắm rồi mới gặp mày – ông lắc đầu trầm trồ hỏi lại – Đâu ra, Phác?

– Tự nó đến. Đào cũng chẳng được.

– Tức là?

– Quà của một anh chàng Việt kiều. Anh ta đến nhà mình, mắt trước mắt sau giúi cho con mình chai rượu rồi lỉnh. Không xưng tên. Không nói từ nước nào về. Sợ công an như sợ cọp.

– Chắc anh chàng tưởng cậu cũng vướng trận vừa rồi.

– Chắc thế – ông Phác gật.

– Cậu bao giờ cũng may! – ông Cảo nói.

Ông Vũ hiểu ý ông Cảo. Trong trận đánh văn nghệ sĩ, ông Phác không có mặt ở Hà Nội. Vì chuyến đi rất tình cờ ấy ông không mắc tội đàn đúm, gặp gỡ những người bị đánh, nhất là “ông tiên chỉ”. Ông thoát, nhưng vẫn cứ là kẻ đáng ngờ, kẻ bên lề hàng ngũ kiên định cách mạng.

– Cái số tớ nó thế. Muốn cũng chẳng được – ông Phác cười, không mếch lòng. – Tớ luôn gặp may. Cậu Vũ lục chạn, kiếm tí mắm muối đi.

Ông Cảo ngửa cổ cười, đưa tay lên vuốt râu. Tay chạm vào cằm mới chợt nhớ ra râu không còn. Ông để râu được mấy tháng rồi, nhưng mấy hôm trước nghe bà vợ cằn nhằn: “Anh để râu trông khiếp khiếp là!”, ông đành cạo bỏ.

Ông Vũ đi, rồi quay ra nhìn ông Phác, lắc đầu.

Ông Phác trợn mắt:

– Không còn tí gì?

Ông Vũ lắc.

– Muối cũng không?

Ông Vũ gật:

– Sạch sành sanh.

– Mình quên không nói – ông Cảo phân trần – Bà ấy hôm nay mới mang sổ đi mua. Chứ nhà mình hôm qua đã chấm mấy hạt muối cuối cùng rồi.

Ba người im lặng. Ông Phác suy nghĩ một lát rồi đứng lên:

– Các cậu đợi mình.

Ông nhanh nhẹn đi ra cửa.

4

Ông Phác mở hai cái khoá, đặt lại cái xích bị tuột khỏi líp, rồi nhẩn nha đạp. Ông đi, bất định, không nghĩ ra nên đi đâu.

Về nhà ư? Gia đình ông vẫn còn một phòng ở Hà Nội. Ông vẫn quen lang thang như xưa kia ông quen lang thang. Một nhà văn già gọi thói quen đó là bệnh “xê dịch”. Hì hì, chữ nghĩa thế mới là chữ nghĩa chứ, đắt thật là đắt. Không thể trúng hơn. Nhà ông là nhà của vợ ông, con ông. Cứ như thể nó không phải nhà ông. Nhưng ở nhà ông thì có gì? Nước mắm còn, muối còn, chắc thế, vợ ông đảm, bà bao giờ cũng biết lo liệu trước để không thiếu thứ gì. Bà bán thứ này mua thứ khác, đổi phiếu này lấy phiếu kia, khi đổi ngang, khi phải các, bằng mọi cách.

Nhìn cảnh nhà ông Cảo, ông thương bạn đến xót xa. Ông muốn nhân tiện có cỗ lòng chay, có chai rượu ngon, thì phải có cái gì đó hơn là chút nước mắm, nhúm muối có sẳn ở nhà cho một cuộc hàn huyên bất ngờ.

Đạp một lúc, ông vỗ trán đánh bốp – còn chỗ nào hơn chỗ này nữa, đi thôi, có thế mà không nghĩ ra. Ông cắm cúi đạp nhanh thêm.

Ông dừng lại trước một ngôi nhà lớn ở con phố tây ngày xưa mà ông còn nhớ tên Gambetta, chính khách cộng hoà thời chiến tranh Pháp-Phổ.

Gác xe đạp bên cổng sắt, ông ngần ngừ một lát rồi mới nhấn chuông.

Phải đợi một lát ông mới thấy cánh cửa nhà ở sâu phía trong he hé mở. Nhận ra người đứng ngoài cổng, người đàn bà trong bộ quần áo nhàu nát hấp tấp chạy qua sân với tiếng reo:

– Anh!

– Em! – ông cũng reo lên, nhưng khẽ hơn, rồi hạ giọng, thì thầm – Không có ai trong nhà chứ?

Người đàn bà lắc:

– Không. Chỉ mình em. Sao anh gày thế?

Ông rặn ra một nụ cười:

– Em vẫn nhận ra anh mà. Em không khác đi bao nhiêu.

– Anh nói dối – người đàn bà lúng túng vuốt mấy sợi tóc rơi xuống trán – Bao nhiêu năm rồi. em đâu còn trẻ. Anh vào nhà chơi nhé? Đừng ngại. Nhà em đi công tác vắng. Người ở về quê.

Ông lúng túng:

– Không, anh vội.

Người đàn bà nguýt:

– Anh thì lúc nào mà chả vội. Anh chỉ không vội đúng vào lúc cần phải vội thôi.

Ông Phác hiểu ý trách móc trong câu nói. Ông thì thào:

– Đừng trách anh nữa mà, anh xin. Anh biết mình có lỗi.

Hai người im lặng một lát, tìm câu tiếp theo.

– Em ơi! – ông nói khẽ.

Người đàn bà nhìn ông, chờ đợi:

– Gì cơ?

Ông ấp úng, mãi mới thốt nên lời:

– Em có… mắm tôm không?

– Có. Có tất: mắm tôm, chanh, ớt, rau thơm.., – người đàn bà nhìn ông đăm đăm, rồi buông thõng – Còn cần gì thêm không?

– Bọn anh lâu ngày mới gặp nhau, em ạ – ông lắp bắp – Em hiểu mà.

5

Khi ông Phác đặt mọi thứ mang về xuống bàn, ông Cảo phát cái đét vào đùi:

– Giỏi!

Ông Vũ phụ hoạ:

– Anh Phác bao giờ mà chẳng giỏi. Khó khăn nào cũng vượt qua, bữa chén nào cũng xuất sắc.

Ông Cảo ngẩn mặt hỏi:

– Ở đâu ra của quý thế này?

– Cảo còn nhớ em Kim Tuyến ở phố Phúc Trìu không?

– Nhớ chứ, sao không. Nghe nói người đẹp rồi lấy một ông kễnh.

Ông Phác buồn rầu gật.

– Thôi, bỏ chuyện quá khứ đi. Mình uống cái gì với thứ này đây?

– CHATEAUNEUF DU PAPE! – cười hỉ hả, ông Cảo đọc nhãn rượu thật to, như ra lệnh.

Và tung chăn đứng lên, xỏ chân vào đôi dép đứt quai, ông chạy vào phòng trong, lúi húi tìm một lát rồi chạy ra, giơ cho hai người xem cái mở nút chai đã rỉ sét.

6

Bữa rượu hôm ấy thật vui.

Ba người ăn.

Ba người nói.

Ba người cười.

Ba người ngất ngư.

Họ quên mọi sự đời trong sung sướng.

Một bữa rượu hiếm hoi.

Một bữa rượu bất ngờ.

Nhìn vào, ai dám bảo đó không phải là ba người hạnh phúc?

Vũ Thư Hiên

1 COMMENT

  1. Its like you read my mind You appear to know so much about this like you wrote the book in it or something I think that you can do with a few pics to drive the message home a little bit but other than that this is fantastic blog A great read Ill certainly be back

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here