Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm

0
123
Ảnh : SOHA
SOHA

Kỳ Hoa | 08/05/2020 02:27 PM

Gần 100 câu hỏi được đặt ra với cơ quan tố tụng tỉnh Long An tại phiên giám đốc thẩm trong 3 ngày qua, xoay quanh số phận pháp lý vụ án xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi năm 2008. Cơ quan điều tra dù nhận sai sót về mặt tố tụng, nhưng cho rằng không làm thay đổi bản chất vụ án.
***

Chiều nay (8/5), TAND Tối cao công bố kết quả phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải sau buổi làm việc xuyên trưa.

Phiên giám đốc thẩm mở từ ngày 6/5 với hội đồng gồm 17 thẩm phán cấp cao, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trực tiếp làm chủ tọa.

Ngày 8/5, phiên xử giám đốc thẩm Hồ Duy Hải (34 tuổi, ngụ huyện Thủ Thừa, Long An) bước sang ngày làm việc cuối cùng. Hải bị cáo buộc sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa) là Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) vào đêm 13/1/2008.

Qua hơn 2 ngày phiên giám đốc thẩm, 17 thẩm phán TAND Tối cao cùng các kiểm sát viên cao cấp của VKSND Tối cao, đặt gần 100 câu hỏi với cơ quan tố tụng tỉnh Long An xoay quanh những mâu thuẫn pháp lý. Song, cơ quan điều tra dù nhận sai sót về mặt tố tụng nhưng cho rằng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội hiếp dâm?

Theo Tạp chí tòa án, kháng nghị của VKSND Tối cao chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong các lời khai của Hồ Duy Hải.

Cụ thể, tại bút lục 82 nêu Hải định quan hệ tình dục nhưng Hồng phản ứng nên bỏ xuống nhà vệ sinh. Song, bút lục 89 lại nêu Hải khống chế Hồng, cởi hết quần áo của cô gái. Trong khi đó, bút lục 101 ghi nhận Hải khống chế Hồng, chưa làm gì được thì bị nạn nhân đạp vào bụng, Hồng bật dậy chạy ra ngoài.

Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm - Ảnh 3.

17 thẩm phán tham gia phiên giám đốc thẩm. Ảnh: TTXVN

Giải thích điều này, điều tra viên cho biết, tại biên bản hỏi cung có kiểm sát viên tham gia, Hải đã khai không hiếp dâm. Lời khai được cho là phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi “trong âm đạo Hồng có chất nhầy, nhưng không có tinh trùng; thi thể Vân không có dấu vết xộc xệch quần áo, không có chấn thương và vẫn còn màng trinh”.

Song, Kiểm sát viên cấp phúc thẩm lại cho rằng, Hải nảy sinh ham muốn quan hệ tình dục với Hồng nên mới đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Sau đó, anh ta dùng hai tay giữ tay Hồng rồi xuất tinh ra áo.

Thành viên Hội đồng thẩm phán sau đó đặt nghi vấn: “Kháng nghị của VKSND Tối cao cho rằng chưa đủ căn cứ chứng minh Hải có mặt tại hiện trường, nay lại nói về hành vi hiếp dâm của Hải. Như vậy có phải là xác nhận Hải có mặt tại hiện trường không?”.

Bất thường thời gian gây án

Về thời gian gây án, kết luận điều tra xác định Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện lúc 19h30 ngày 13/1/2008 (xảy ra án mạng). Nhưng kháng nghị của VKSND Tối cao cho rằng không thể, bởi lúc 19h13 Hải có mặt tại hiệu cầm đồ cách đó khoảng 7,5 km.

Sau đó, Hải đi về nhà dì ruột trả xe máy, tiếp tục qua nhà người dì khác lấy xe khác, chạy đến một quán trả tiền cho anh Võ Lộc Đang rồi mới đi đến bưu điện. Tổng thời gian từ hiệu cầm đồ đến khi trả tiền cho anh Đang, Hải phải mất gần 30 phút.

Về vấn đề này, báo Công Lý đưa tin, điều tra viên cho biết đã cùng kiểm sát viên, mỗi người đi một xe máy và chạy theo đoạn đường như lời khai của Hải. Tổng chiều dài đoạn đường là 7,5 km, đi theo vận tốc 40km/h mất khoảng 15 phút (trên lý thuyết khoảng 11 phút). Kết hợp với thời gian Hải thực hiện các thao tác, cơ quan điều tra tính toán về toán học, sau đó đưa ra kết luận: “Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi lúc 19h30 là có sở khoa học vững chắc”.

Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm - Ảnh 5.

Đại diện VKSND Tối cao tại phiên giám đốc thẩm. Ảnh: Báo Công lý.

Theo TTXVN, tại buổi làm việc, đại diện Hội đồng thẩm phán đọc nguyên văn bút lục 20 – lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường ngày 31/3/2008. Theo đó, anh Thường khai đến đây gọi điện về Cà Mau lúc 19h39, nhìn thấy một thanh niên ngồi ghế salon trong bưu điện, song không nhớ mặt nên không thể nhận dạng.

12h45 ngày 8/5, Chủ tọa phiên giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.

– Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.

– Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

– Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của VKSNDTC có đúng pháp luật hay không?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.

– Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị ?

Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.

Hội đồng thẩm phán sau đó đặt hàng loạt câu hỏi: Cơ sở nào tòa sơ thẩm vẫn xét xử vụ án khi không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường? Việc anh Thường vắng mặt có ảnh hưởng đến kết quả xét xử không?

Đại diện TAND tỉnh Long An cho biết, khi thẩm tra vụ án có lấy lời khai Thường. Lời khai của anh này phù hợp với lời khai của Hồ Duy Hải và các nhân chứng khác về thời gian Hải có mặt tại đêm xảy ra vụ án. Do đó, việc vắng mặt của Thường không ảnh hưởng đến quá xét xử.

Sau khi nghe các bên đối đáp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, căn cứ vào thời gian các hoạt động của Hải tối hôm đó thì thời điểm gây án chưa hợp lý. Nhưng thực nghiệm điều tra về khoảng thời gian Hải có mặt tại hiện trường là phù hợp.

“Sự có mặt của Hải không chỉ chứng minh bằng thời gian mà theo cơ quan điều tra giải trình, còn bằng những chứng cứ khác. Chúng ta phải tổng hợp chứng cứ mới chứng minh được vấn đề này”, ông Bình nói.

Không thu giữ hung khí gây án là sai luật

Theo kháng nghị của VKSND tối cao, nội dung hai bản án xác định, dựa trên lời khai của những người dọn dẹp hiện trường đã phát hiện một con dao rất mới và sạch, không có dấu vết, được để vào sau tấm bảng treo đối diện cầu thang nhà bếp.

Song, sau đó họ đã đem đốt cùng những đồ vật khác của bưu điện và không tìm lại được kể cả phần lưỡi dao bằng kim loại. Về sau cơ quan điều tra xác định đây là hung khí gây án.

VKSND Tối cao chỉ ra, quá trình điều tra, nhân chứng mua một con dao khác thay vào. Bản vẽ nhận dạng con dao do cơ quan điều tra vẽ ra rồi đưa Hải nhận dạng.

Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm - Ảnh 7.

Điều tra viên trả lời chất vấn của Hội đồng thẩm phán. Ảnh: Báo Công lý.

Bên cạnh đó, lời khai của Hải về kích thước con dao cũng không thống nhất, có lúc khai lưỡi dao rộng 3cm, lúc rộng 6cm.

Các lời khai đầu của Hải cũng không đề cập đến việc dùng thớt gây án, song về sau Hải khai dùng thớt đập vào đầu Hồng. Tuy nhiên, việc mô tả không thống nhất, có lời khai thớt dày 10cm, có lời khai thớt dày 5cm.

Sau đó, cơ quan điều tra đã thu giữ một cái thớt mới (có đặc điểm giống chiếc thớt trong bản ảnh hiện trường) do chị Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai bị hại) mua vào ngày 24/6/2008 về cho Hải nhận dạng.

Theo tờ Bảo Vệ Pháp Luật, liên quan vấn đề này, HĐXX chất vấn: “Luật có cho phép mua đồ mới để thế vào hung khí bị tiêu hủy hay không? Cơ quan điều tra xác định dao, thớt có phải là công cụ phạm tội? Còn chiếc ghế ở hiện trường có mã số khác bản ảnh, khác với tang vật thu giữ là sao?”.

Điều tra viên sau đó trả lời rằng việc yêu cầu nhân chứng mua dao, mua thớt ngoài chợ về chỉ để mô phỏng, mục đích cho Hải nhận dạng chứ không coi những vật dụng mới mua về đó là công cụ gây án.

HĐXX tiếp tục chất vấn: “Dao, thớt được mua về để chứng minh lời khai về công cụ gây án của Hồ Duy Hải, như vậy có đúng pháp luật không?”.

Đồng thời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định, đồng tình với quan điểm của VKSND Tối cao đưa ra về việc không thu dao, thớt là sai luật.

Công an tỉnh Long An: Không bỏ sót đối tượng tình nghi

Quá trình kêu oan cho con, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải) cùng luật sư Trần Hồng Phong – bào chữa cho tử tù, nhiều lần có đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị (ngụ xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), có dấu hiệu liên quan đến cái chết của 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi.

Thời điểm xảy ra vụ án, cơ quan điều tra nhận định có khả năng hung thủ chỉ là một và không loại trừ người quen hay người yêu của 2 nạn nhân. Vì vậy, cả Nguyễn Văn Nghị cùng Nguyễn Mi Sol – được cho là có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân, đã được triệu tập lấy lời khai. Song về sau, lời khai của 2 người này đều “bốc hơi” khỏi hồ sơ vụ án.

Theo báo Công Lý, giải trình vấn đề này tại phiên giám đốc thẩm, Công an tỉnh Long An khẳng định “không có chuyện bỏ sót các đối tượng tình nghi”. Cơ quan này cho rằng, ngay khi vụ án xảy ra đã triển khai rất nhiều tổ điều tra Nghị và Sol.

Quá trình làm việc, cơ quan điều tra thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, không chỉ dựa vào dấu vân tay. Trên những chứng cứ cụ thể, cảnh sát đã loại 2 đối tượng này khỏi diện tình nghi.

Theo cơ quan điều tra, Sol sau đó đã cung cấp một số nội dung giá trị cho vụ án, được lấy làm lời khai. Còn lời khai của Nghị không có tình tiết gì nên được đưa vào hồ sơ AK của Bộ Công an, đây là tài liệu mật.

Cơ quan điều tra cho biết thêm, đã trưng cầu giám định dấu vân tay 144 người và lập hồ sơ mật; sẽ cung cấp danh sách cho Hội đồng giám đốc thẩm.

Dự kiến 15h30 chiều nay (8/5), Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết giám đốc thẩm vụ án.

Dấu vân tay ở hiện trường là của ai?

Theo VnExpres, thành viên Hội đồng Thẩm phán đặt vấn đề: Diễn biến vụ án có rất nhiều chỗ có thể có vân tay để lại, từ cốc uống nước, điện thoại, quần áo… Nhưng tại sao không thấy vân tay của Hải? Những dấu vân tay còn lại là của ai?

Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, còn có hai người tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol, đã truy xuất dấu vân tay của họ chưa?

Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm - Ảnh 10.

Hồ Duy Hải trong một phiên xét xử. Ảnh: VnExpress.

Tại phiên giám đốc thẩm, cơ quan điều tra lý giải việc không thu được dấu vân tay là bình thường. Quá trình khám nghiệm khi đó không thu được dấu vân tay của nạn nhân Hồng. 5 dấu vân tay khác cũng không xác định được chủ nhân.

Nghị và Sol đã được lấy dấu vân tay nhưng kết quả không trùng khớp với dấu vân tay tại hiện trường.

Hải có bị bức cung, dùng nhục hình?

Tờ VnExpres thuật lại, Hội đồng Thẩm phán tại phiên giám đốc thẩm yêu cầu các cơ quan liên quan công khai bản cung của Hải và đề nghị VKSND Tối cao cho biết tử tù có bị bức cung, dùng nhục hình không? Chữ viết, lời xác nhận của bị cáo trên các bản cung, các bản tự khai có phải là chữ viết của Hải hay không?

Đại diện VKSND Tối cao trả lời không chắc chắn đó có phải là chữ ký, chữ viết của Hồ Duy Hải hay không vì phải giám định; hơn nữa không khẳng định được chắc chắn Hải có bị bức cung, nhục hình không?

Chủ tọa phiên giám đốc thẩm cho rằng, VKS là cơ quan kiểm sát hoạt động điều tra nhưng không khẳng định được bị cáo có bị bức cung, nhục hình và chữ ký, chữ viết đó có phải của bị cáo hay không thì cần phải xem xét lại.

Theo bản án đã có hiệu lực đang bị xem xét giám đốc thẩm, tối 13/1/2008 Hải đến Bưu điện Cầu Voi nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và cô em họ (21 tuổi) làm việc để chơi. Do nảy sinh ý định quan hệ tình dụng với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên anh ta đoạt mạng cô và người em.

Năm 2008, 2009, Hồ Duy Hải lần lượt nhận án tử hình từ TAND tỉnh Long An và TAND Cấp cao TP.HCM.

Hải sau đó xin Chủ tịch nước ân giảm nhưng không được chấp nhận. Anh ta và gia đình đã làm đơn kêu oan gửi tới nhiều cơ quan.

Đến 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, chỉ ra loạt sai phạm, bất thường trong vụ án và đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy hai bản án trước đó để điều tra lại.

Kỳ án Hồ Duy Hải: Gần 100 câu hỏi đặt ra với cơ quan tố tụng sau 3 ngày giám đốc thẩm - Ảnh 12.

Đồ hoạ: Đỗ Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here