Ki-tô hữu tại Mỹ nên quyết định thế nào tại thùng phiếu?

0
67
Giám mục Mark J. Seitz thuộc El Paso, Texas, trò chuyện với Cesia, một bé gái Hondura, khi đang đi dạo và cầu nguyện cùng một nhóm dân di cư tại Cầu Quốc tế Lerdo ở El Paso vào ngày 27 tháng 6, 2019. (Ảnh: CNS/Jose Luis Gonzalez, Reuters)

Người Thông Dịch

Translated from America Magazine article Bishop Seitz: Single-issue voting has corrupted Christian political witness

Một ngày nọ vào năm trước, tôi bỗng thấy mình chờ đợi trong tĩnh lặng và ngột ngạt, kẹt giữa những bức tường bê tông, dây thép gai và những người lính biên phòng vũ trang, dưới ánh nắng hè gay gắt ở một vùng đất sa mạc bụi bặm, hoang dã nằm trên biên giới Hoa Kỳ – Mexico. Tôi đang dắt tay một cô bé da sẫm màu với mái tóc nâu. Chúng tôi cùng nhìn về phía đất nước Hoa Kỳ chỉ cách vài chục mét, rồi nhìn sang những người lính đang chặn đường chúng tôi nhập cảnh. Nỗi lo âu của tôi lớn dần.

Bishop Mark J. Seitz, ngày 30 tháng 9, 2020

Một ngày nọ vào năm trước, tôi bỗng thấy mình chờ đợi trong tĩnh lặng và ngột ngạt, kẹt giữa những bức tường bê tông, dây thép gai và những người lính biên phòng vũ trang, dưới ánh nắng hè gay gắt ở một vùng đất sa mạc bụi bặm, hoang dã nằm trên biên giới Hoa Kỳ – Mexico. Tôi đang cầm tay một cô bé da sẫm màu với mái tóc nâu. Chúng tôi cùng nhìn về phía đất nước Hoa Kỳ chỉ cách vài chục mét, rồi nhìn sang những người lính đang chặn đường chúng tôi nhập cảnh. Nỗi lo âu của tôi lớn dần.

Ở quê hương cô bé, các cô dì và chú bác của em đã bị ám sát. Nếu cô bé không cùng gia đình vượt qua 2,000 dặm trường để tới biên giới Hoa Kỳ, có thể em cũng đã chung số phận. Nhưng sau chuyến hành trình dài đằng đẵng, đầy gian nan, và nhiều lần thoát khỏi bọn bắt cóc trong gang tấc, giờ đây cô bé phải chờ được phép nộp đơn xin tị nạn trong khi các chính sách di cư cứng rắn – như chia cắt gia đìnhbắt ép trở lại Mexico – đang đặt em vào một tình huống nguy hiểm.

Tôi đã cố đặt mình vào hoàn cảnh của bé gái ấy. Tôi cảm thấy lo sợ và chao đảo. Tôi cảm giác được sức nặng khiếp đảm từ sự thờ ơ của bộ máy quan liêu và thứ chính sách trừu tượng đe dọa một đứa trẻ yếu ớt không thể tự vệ. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tôi đã thấy được cảm giác đứng từ bên ngoài nhìn vào một hệ thống quyền lực chỉ dành cho một số ít. Tôi thấy mình thật mong manh.

Trải nghiệm về sự mong manh ấy đã định hình sâu sắc cách nhìn của tôi về những cam kết xã hội của cộng đồng Ki-tô hữu. Tôi nhận ra rằng cam kết chính trị của Ki-tô hữu chúng ta không phải là tư lợi, đặc quyền hay quyền lực, mà là chung tay sát cánh cùng những người bị gạt ra bên lề bởi những hệ thống do chính chúng ta tạo ra.

Trải nghiệm sự tương cận của Đức Giêsu và tình yêu của Chúa Cha, người Cha chung của chúng ta, tạo ra cho chúng ta một tâm thế mới: Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau, chúng ta cần nhau, và chúng ta thực sự có trách nhiệm với nhau. Đây chính là đạo đức của tình đoàn kết, sự nhận thức rằng tất cả số mệnh của chúng ta hoặc đều được đan xen vào nhau, hoặc hoàn toàn không được định sẵn. Sự mong manh của con người không phải để phủ nhận, để bị coi như quỷ dữ, hay để che giấu đi, mà là để trân trọng bằng tình thương, lòng trắc ẩn, và tình đoàn kết. Sơ Thea Bowman đã kết luận rất hay, “Sự vinh hiển của Chúa lộ diện vì chúng ta yêu thương nhau bất kể rào cản và ranh giới về sắc tộc, văn hoá và tầng lớp.”

Lá phiếu của chúng ta chỉ là một biểu hiện cho sự cam kết trọn vẹn với lợi ích chung và dự án xây dựng sự đoàn kết này.

Đoàn kết trong sự cùng khổ

Vài tháng vừa qua, chúng ta ai cũng mệt nhoài vì một đại dịch đã khiến nhiều người, đặc biệt là người nghèo và người da màu, không còn nơi nương tựa. Chúng ta cũng thấy lời hứa bình đẳng trong những văn bản lập quốc của chúng ta đã bị trì hoãn hết lần này đến lần khác vì chúng ta đều không thể đồng lòng thừa nhận – dù với tư cách giáo hội hay quốc gia – một điều nhẽ ra là hiển nhiên: rằng sinh mạng người da Đen đáng được trân trọng. Chủ nghĩa cá nhân hoành hành trong mọi mặt cuộc sống – xã hội, chính trị, kinh tế – đang xé nát thân thể chính trị cũng như thân thể của Đức Ki-tô. Nhưng chúng ta có thể rút ra được một bài học sau tất cả những điều này. Như Giáo Hoàng Francis gần đây đã chia sẻ, “không thể hiện được tình đoàn kết về mặt của cải và chia sẻ tài nguyên, chúng ta đã tìm được đoàn kết trong sự cùng khổ.” Chúa đang dạy cho chúng ta tình đoàn kết qua bài học về sự mong manh.

Với tư cách là cha xứ của người dân Chúa trên vùng biên giới Hoa Kỳ – Mexico, trong đó phần lớn là người gốc Latin, tôi nhận ra mối liên kết sâu sắc giữa những vấn đề đang ảnh hưởng tới người dân và đe doạ thiên nhiên cao quý của chúng tôi. Những cộng đồng của chúng tôi đang oằn mình trước sức ép của lịch sử, phân biệt chủng tộc, và Covid-19. Sự thiếu thốn cơ hội và hỗ trợ xã hội cho thế hệ con trẻ không tương xứng với những hoài bão lớn lao và nhân phẩm đẹp đẽ của các con. Dưới gánh nặng của đại dịch, thế hệ trẻ này có khả năng sẽ còn tụt lại phía sau xa hơn nữa. Các con cũng đã phải chứng kiến trong đau buồn vụ giết người hàng loạt nhắm vào người gốc Latin lớn nhất trong lịch sử hiện đại, trong đó 23 người hàng xóm của chúng tôi đã bỏ mạng trong một vụ khủng bố chủng tộc ở El Paso vào năm ngoái. Những đau khổ này soi sáng những lời của giáo hoàng, “không cá nhân nào sẽ được cứu rỗi đơn lẻ.”

Trong khoảnh khắc lịch sử này, chúng ta có những lựa chọn nào ở thùng phiếu để kiến tạo một dự án cho sự đoàn kết đáng tin cậy? Chúng ta cần một sự lãnh đạo có bản lĩnh và kinh nghiệm, thể hiện được một tầm nhìn xa có đạo đức để kháng cự chủ nghĩa cá nhân tàn bạo và sự thiếu đoàn kết dẫn đến hàng loạt những khủng hoảng hiện tại. Chúng ta rất cần một sự lãnh đạo chân thành và một tầm nhìn xa để vượt qua những thái độ mang tính “chủ nhân, người tiêu dùng, kẻ bóc lột tàn nhẫn” đã ăn sâu vào tiềm thức, và học lại cách “sử dụng ngôn ngữ của sự đoàn kết và thiện mỹ khi giao tiếp với thế giới.”

Trong một thế giới thế tục hung hãn và cạnh tranh gay gắt, chúng ta nên biết ơn sự tôn trọng công khai mà ứng cử viên đảng Dân chủ và cựu phó tổng thống Joseph R. Biden Jr. dành cho Giáo hoàng Francis, và những giá trị trong tập quán của giai cấp công nhân mà ông Biden mong muốn truyền tải. Chúng ta cũng nên nhận thấy rằng lựa chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm người đồng hành tranh cử là một bước đi tiến bộ. Những người con gái và con trai của chúng ta cần thấy tầng lớp lãnh đạo tối cao của đất nước có sự hiện diện của người phụ nữ. Với tư cách một người giám mục vùng biên giới, tôi cũng thấy ấm lòng khi nghe chiến dịch tranh cử của Biden hứa sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thiết lập con đường nhập quốc tịch cho những người không có giấy tờ, hồi phục những biện pháp bảo vệ người xin tị nạn và không bao giờ lặp lại chính sách tội đồ chia cắt gia đình nơi biên giới.

Thách thức đạo đức của việc phá thai

Chúng ta cũng phải thừa nhận cản trở mà Đảng Dân chủ đã gây ra cho những cử tri có đạo khi họ càng lúc càng mạnh mẽ ủng hộ nạo phá thai mà không đề ra hạn chế hợp lý nào. Ông Biden và bà Harris đã ủng hộ việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, thứ đang đe doạ sẽ phá huỷ thoả thuận lưỡng đảng duy nhất còn sót lại trong vụ tranh luận bế tắc kéo dài hàng thập kỷ xoay quanh Roe v. Wade. Ông Biden và bà Harris cũng đã cam kết sẽ khơi lại tranh luận về những vấn đề được hiến pháp bảo vệ xoay quanh tự do tôn giáo, vốn được đa số thẩm phán trong Tòa án Tối cao nỗ lực giải quyết. Động thái này làm những tổ chức từ thiện của giáo hội dấy lên nỗi sợ rằng một thời kỳ chiến tranh văn hoá mới sẽ mở ra.

Chủ nghĩa giáo điều của Đảng Dân chủ về vấn đề phá thai là một thách thức đạo đức không thể tránh khỏi. Nhưng người Công giáo cũng cần phải hiểu rằng cuộc sống của chúng ta đang chịu ảnh hưởng ngoài ý muốn từ một thỏa thuận đê tiện kéo dài hàng thập kỷ giữa một số nhóm lãnh đạo chính trị và tôn giáo bên cánh hữu. Trong một thời gian quá dài, thật đáng xấu hổ thay cho nhiều Ki-tô hữu đã ngó lơ những rạn nứt nhức nhối trong tình đoàn kết và những chính sách bất nhân, bao gồm sự đàn áp quyền công nhận và quyền bầu cử, giảm thiểu hỗ trợ cho người nghèo và người bệnh, phân biệt chủng tộc và bóc lột người dân di cư và môi trường, tất cả chỉ để theo đuổi những chiến lược “bỏ phiếu chỉ dựa trên một vấn đề” nhằm chấm dứt phá thai.

Tất cả những điều này đã phản tác dụng và góp phần làm cho vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát, đào sâu sự phân cực trong xã hội, làm tổn hại đến uy tín trong cam kết của người Ki-tô hữu đối với lợi ích chung, và làm tổn hại đến tính trung thực của nhân chứng Phúc Âm của chúng ta.

Đức Thánh Cha Francis đã nhiều lần thách thức những người Công giáo Mỹ điều chỉnh lại cách tiếp cận của chúng ta đối với việc phá thai. Đức Thánh Cha nói rõ:

Chẳng hạn, việc bảo vệ bào thai chưa sinh vô tội của chúng ta cần phải rõ ràng, kiên quyết và đầy nhiệt huyết, bởi vì phẩm giá của một con người luôn bị đe dọa, vốn luôn thiêng liêng và đòi hỏi tình yêu thương đối với mỗi người, bất kể giai đoạn phát triển của họ. Tuy nhiên, cũng thiêng liêng không kém là cuộc sống của những người nghèo, những người đã sinh ra, những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và kém may mắn, những người già yếu và dễ bị tổn thương và tiếp xúc với cái chết bí mật, nạn nhân của nạn buôn người, các hình thức nô lệ mới và mọi hình thức bị ngược đãi.

Thật là trớ trêu một cách đau đớn khi một bên tuyên bố đứng về phe người nhập cư không giấy tờ và trẻ em không có người đi kèm nhưng không phải những bào thai vô tội, và bên kia tuyên bố đứng về phía bào thai nhưng không phải người nhập cư không có giấy tờ. Nhưng nhà thờ sẽ luôn tự định nghĩa mình là cộng đồng đứng chung với bất kỳ ai bị xem là không có chỗ họ thuộc về.

Trong nhiều năm và nhiều thập niên qua, các chính trị gia của cả hai bên, bao gồm cả hai ứng cử viên tổng thống đương nhiệm, đã góp phần làm suy yếu tình đoàn kết và xói mòn lợi ích chung theo những cách khiến chúng ta phải đặt ra những câu hỏi khó cho cả hai ứng cử viên. Các giám mục Hoa Kỳ và nhiều nhà lãnh đạo đạo đức từ lâu đã lên tiếng phản đối việc từ bỏ mọi hạn chế đối với một nền kinh tế do lòng tham thúc đẩy, sự suy yếu của các biện pháp bảo vệ cho người nghèo và tầng lớp lao động, việc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, các luật lệ đã dẫn đến việc giam giữ quá nhiều người da màu và quân sự hóa các sở cảnh sát địa phương của chúng ta, cuộc chiến tranh Iraq không chính đáng, những vụ giết người vô tội bằng máy bay không người lái, các giao dịch thương mại coi bóc lột sức lao động và ô nhiễm môi trường là những thiệt hại đi kèm bất khả kháng, và sự chậm trễ không thể chấp nhận được trong việc cải cách nhập cư. Nói tóm lại, chúng tôi yêu cầu sự lãnh đạo về mặt đạo đức để giải quyết một cách đáng tin cậy tình trạng trì trệ lâu nay của đất nước chúng ta bởi điều mà Mục sư Martin Luther King Jr. đã gọi là “ba tệ nạn của phân biệt chủng tộc, bóc lột kinh tế và chủ nghĩa quân phiệt”. Tôi chia sẻ nỗi đau, sự thất vọng và bối rối mà các cử tri Công giáo phải đối mặt trong năm nay với cảm giác như một lựa chọn nhị phân bất khả thi. Những người Công giáo muốn thực hiện các yêu cầu của đức tin và giáo huấn xã hội của chúng ta một cách nghiêm túc từ lâu đã có lý do để cảm thấy không có chỗ đứng cho mình về mặt chính trị vào thời điểm bầu cử. Không đảng nào và không ứng cử viên tổng thống nào phản ánh một cách nhất quán đạo đức về tình yêu và cuộc sống được Chúa Giêsu bày tỏ trong các sách Phúc Âm. Cả hai đảng đều bị ảnh hưởng bởi cả chủ nghĩa cá nhân ẩn náu lâu đời trong cuộc sống của người Mỹ và bởi bộ ba tệ nạn mà Tiến sĩ King đề cập.

Người Công giáo vẫn có thể đưa ra các kết luận khác nhau về việc bỏ phiếu cho ai. Nhưng dù chúng ta bỏ phiếu cho ai, Đức Chúa Trời sẽ đánh giá chúng ta bằng tính xác thực của cam kết tiếp tục sát cánh cùng tất cả những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội của chúng ta, ngay cả sau Ngày Bầu cử. Lá phiếu của chúng ta cho các ứng cử viên ở mọi cấp chính quyền, từ hội đồng trường học địa phương đến cấp cao nhất của chính quyền quốc gia, chỉ là một biểu hiện của cam kết đó.

Cũng nên nhớ rằng những thành tựu dân chủ vĩ đại ở đất nước chúng ta — xóa bỏ chế độ nô lệ, quyền bầu cử của phụ nữ, quyền công dân, quyền lao động, phong trào phản chiến, phong trào ủng hộ cuộc sống — trước hết không thuộc về các tổng thống hay chính trị gia, mà là của bạn và tôi, và những người khác được thúc đẩy bởi tầm nhìn đạo đức và được truyền cảm hứng bởi đức tin. Lãnh đạo chính trị tốt hơn ở cấp cao nhất sẽ đến từ sự phê bình và hành động bắt nguồn từ trải nghiệm con người từ dưới lên. Theo lời của Giáo Hoàng Francis, “tương lai của nhân loại không chỉ nằm trong tay các nhà lãnh đạo vĩ đại, các cường quốc và giới tinh hoa. Về cơ bản, nó nằm trong tay của các dân tộc và trong khả năng tổ chức của họ.”

Giáo Hội không tham gia vào việc xây dựng các chương trình nghị sự chính trị của bất kỳ bên nào. Những người theo Chúa Giêsu được rửa sạch trong nước rửa tội, nơi tạo ra một cộng đồng mới đón nhận mọi sắc dân, vượt qua mối quan tâm hẹp hòi, sự phân chia xã hội tinh ranh và ranh giới chính trị độc đoán. Chúng ta được ăn trong bàn của Chúa, nơi chúng ta học được một logic mới về lòng hiếu khách triệt để, sự nâng đỡ lẫn nhau, sự hòa giải và sự tha thứ mà đã thách thức mọi sự cố chấp và mọi quyết định đặt kinh tế trước con người như lời tiên tri. Chúng ta có trách nhiệm với nhau, và chúng ta cần nhau. Và vì vậy, chúng ta sẽ luôn đoàn kết với những người có cuộc sống mỏng manh và mang theo đau khổ của họ trước tòa án quyền lực.

Hãy để chúng ta thể hiện sự đoàn kết này và cam kết của chúng ta đối với một thế giới công bằng hơn bằng lá phiếu của chúng tôi vào tháng 11 này

Người dịch: Luong Ta, Ren Dinh

Biên Tập: Khoa Le