[Chú thích: tôi dùng chữ “dạy thêm trong nhà trường” là dạy có thu tiền (theo định nghĩa trong luật), và bao gồm cả việc giáo viên dạy thêm tại nhà cho chính học sinh trên lớp của họ]
Nhiều người biện minh cho việc dạy thêm trong nhà trường (từ đây gọi ngắn gọn là dạy thêm) với mấy lý lẽ sau:
1. Phải dạy thêm vì lương thấp!
Trả lời: Lương thấp thì đòi nhà nước tăng lương, cùng nhau đòi; nếu “ngại đòi” thì làm thêm việc khác. Anh không thể lấy lý do lương thấp để dạy 2, 3 lần một đơn vị kiến thức mà anh đã được trả công tại trường rồi. Vì nếu làm thế, hoặc anh đã chưa hoàn thành trách nhiệm tại trường, hoặc anh yếu kém, hoặc anh đã cố tình “giữ võ” để khiến học sinh phải học thêm với anh.
2. Dạy thêm vì nhu cầu của học sinh.
Trả lời: Nhu cầu phát sinh thì phải ra bên ngoài trường, đến các cá nhân hoặc trung tâm đang khongo giảng dạy trong nhà nước. Trường hợp có thể du di được trong hoàn cảnh này là: cho phép giáo viên dạy thêm nhưng không được dạy chính học sinh trên lớp của mình.
Nhu cầu của người học thì muôn hình vạn trạng, không một nền giáo dục nào, dù tiên tiến đến đâu mà có thể đáp ứng hết được. Tuy nhiên, và mặc dù vậy, giáo dục phổ thông đã có chương trình với quy đinh và thiết kế theo hướng cá CÁ NHÂN HÓA. Việc của phụ huynh và xã hội nói chung là đòi hỏi nhà trường phải thực hiện cho được mục tiêu ấy, tức đáp ứng những nhu cầu và thiên hướng trong phạm vi đã được quy định. Không thực hiện được là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Chứ không phải khi anh chưa hoàn thành việc được giao mà anh lại ra điều kiện rằng “muốn tôi làm nốt phân việc còn lại thì phải trả thêm tiền!”. Không có cái lý lẽ ấy được.
3. Dạy thêm vì có những em quá giỏi và cả những em quá dốt.
Trả lời: Gỏi và dốt thì cũng đã có quy định, đó là dạy phụ đạo và bồi dưỡng học sinh giỏi. Cả hai hình thức này đều đã được luật hóa và nhà trường phải có trách nhiệm thực hiện nó. Thù lao cho việc này sẽ do nhà nước chi trả. Nhà trường cứ lập danh sách những em thuộc 2 đối tượng này, trình lên, và tiến hành giảng dạy, rồi đòi hỏi nhà nước thực hiện chế độ theo đúng quy định. Nếu nhà nước không làm nghĩa vụ tài chính của họ thì mới nói chuyện được. Đằng này, các vị không làm, lại bày ra dạy thêm đại trà, hành vi và lý lẽ đó không chấp nhận được.
4. Không phải là cấm, mà là quản lý sao cho tôt!
Trả lời: Xin thưa, không quản lý được và quản lý dù có hay đến mấy cũng vẫn phát sinh vấn đề, vì nó quá phức tạp. Một giáo viên dạy học ở trường, sau đó lại dạy thêm chính học sinh của mình, thì quản lý làm sao?! Ai có thể đứng ra giám sát để giáo viên không thiên vị, không gây áp lực, không thao túng… Chi phí trả cho việc này [giám sát], nếu vẫn cố làm và làm được, có lẽ sẽ cao hơn nhiều lần việc bỏ tiền ra cho những em học sinh ấy đi học ở bên ngoài trong một trung tâm chất lượng cao. Vì sao nhà nước cấm việc người nhà cùng làm quản lý trong một cơ quan? Bởi lý do tương tự: ngăn ngừa, có những việc chỉ có thể ngăn ngừa chứ không thể giám sát và quản lý được.
5. Nếu cấm học thêm trong nhà trường thì làm sao đáp ứng được mọi nhu cầu của học sinh?!
Trả lời: Ra ngoài. Chương trình giáo dục phổ thông đã có chuẩn đầu ra và phải đòi cho được cái chuẩn ấy, sau đó nếu vẫn còn những nhu cầu khác nữa thì…ra ngoài. Làm sao có thể đáp ứng nhu cầu học piano cho một học sinh khi thiếu thốn tất cả và trong chương trình lại không có quy định? Ra các lớp piano. Làm sao có thể dạy về sửa chữa ô tô trong nhà trường cho một thiếu niên rất đam mê công việc đó? Em ấy phải tới các garage trong những giờ rảnh rỗi. Đáp ứng mọi nhu cầu là phi thực tế.
***
Dạy thêm (thu tiền) trong nhà trường là một bài toán không có lời giải, nhất là trong điều kiện của tính tập quyền hiện nay. Cách tốt nhất, và duy nhất, để khơi thông vấn nạn này, và chặn đứng sự biến tướng đã trở nên khủng hoảng của nó, là kiên quyết cấm hẳn.
Nhưng, cấm phải đồng thời cùng lúc làm 3 việc sau:
a) Quản lý, giám sát, tổ chức giảng dạy và thiết kế cách kiểm tra đánh giá sao cho đạt bằng được mục tiêu mà chính chương trình giáo dục đã quy định cụ thể.
b) Đầu tư tương xứng cho mục tiêu giáo dục đã được quy định nói trên, từ cơ sở vật chất, tiền lương và các khoản chi thường xuyên khác.
c) Có hành lang pháp lý chặt chẽ và cơ chế thông thoáng cho các trung tâm/công ty hoạt đông giáo dục bên ngoài, giúp họ hoạt động hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của xã hội mà không một chương trình giáo dục nào, dù là tiên tiến đến đâu, có thể thỏa mãn được.
Tóm lại, giải quyết câu chuyện dạy thêm – học thêm thực chất phải là trả lại và nhận lại sự vị trí mà mỗi người vốn phải thuộc về: Nhà nước lo tiền và cơ sở vật chất nói chung; giáo viên lo dạy cho đạt mục tiêu mà chương trình đã đề ra; phụ huynh lo phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con cái (sau khi đã đóng thuế đầy đủ), (còn học sinh thì vui vẻ đi học, em nào không đủ điều kiện lớp lớp thì lưu ban!). Nếu bất cứ bên nào không làm tròn vai trò của mình, thì giáo dục đều sẽ lâm vào tình trạng tơ vò.
Không thể tiếp tục đá quả bóng trách nhiệm nữa.
Thái Hạo