“HỒ TRƯỜNG” VÀ CHÍ TANG BỒNG CỦA NGƯỜI CHÍ SĨ PHƯƠNG NAM

0
91
   

Huỳnh Thị Tố Nga

Cách đây mười năm, khi đọc qua bài Hồ Trường, người viết bị rúng động với ngôn từ hùng hồn nhưng pha lẫn sự bi tráng, từng câu, từng chữ mang nặng tinh thần đau đáu như xé ruột gan của người chí sĩ. 

Đa phần người đọc biết đến bài Hồ Trường đều tưởng rằng của nhà thơ Nguyễn Bá Trác, nhưng nhiều tài liệu cho rằng ông chỉ là người dịch lại từ bản Hán Ngữ. Có tài liệu thì nói rằng, bài Hồ Trường có xuất xứ từ Trung Quốc, với tiêu đề “Hạn mạn du ký”, nhưng người viết lại không có cảm giác này, người viết vẫn nghiêng về quan điểm đây là bài thơ tuy làm bằng Hán Ngữ nhưng là của một chí sĩ của nước ta, vì rõ ràng nội dung nói về một đại trượng phu mang chí tang bồng, một lòng hướng về phương Nam, và ông ấy phải là một người có tâm hồn kiệt xuất. Tuy xuất xứ bài thơ vẫn chưa thật sự xác định được nhưng điều này không còn quan trọng nữa. Hãy cảm nhận tinh thần bi tráng và da diết, tâm hồn của một đại trượng phu vì chí lớn. 

Đại trượng phu

Không nề xé gan, bẻ cật

Phù cương thường

Hà tất tiêu dao

Bốn bể luân lạc tha phương

Trời Nam nghìn dặm thẳm

Non nước một màu sương

Chí chưa thành, công chẳng lập

Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc

Trăm năm thân thể bóng tà dương

Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi

Trời đất mang mang

Ai người tri kỷ…

Lại đây cùng ta

Chung cạn một hồ trường!

“Trời đất mang mang, ai người tri kỷ” là sự cô độc mà hầu hết những người thân mang chí lớn đều cảm nhận và mang nó trên người như một định mệnh. Đọc hai câu này, chợt nhớ đến một thiên tài đất Việt những năm 1940s, cụ Lý Đông A, cũng với phong cách làm thơ với câu chữ rất đặc biệt không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai. 

“Một ngày lạnh nước người không tri kỷ

Ta vỗ án hét thành ca chính khí

Đông thê thê như gió thổi u hồn

Thấu buốt tận lòng người trong cốt tủy”

Trích “Chính Khí Việt”- Lý Đông A. 

Tư tưởng của Hồ Trường cũng không khác với Chính Khí Việt, đọc hai bài thơ này người viết có cảm xúc như nhau, một cảm xúc như say, như điên, muốn gào thét, tựa như bất lực, u uẩn nhưng không bi quan mà khí chất vô cùng hùng tráng. 

Hồ trường, hồ trường

Ta biết rót về đâu…

Rót về Đông phương

Nước biển Đông chảy xiết

sinh cuồng loạn

Rót về Tây phương

Mưa Tây sơn từng trận

chứa chan!

Rót về Bắc phương

Ngọn Bắc phong vi vút

đá chảy cát vương!

Rót về Nam phương

Trời Nam mù mịt…

Có người quá chén

như điên, như cuồng…

Nào ai tỉnh…

Nào ai say…

Chí ta, ta biết

Lòng ta, ta hay

Phải, ta như điên, như cuồng. Lòng người chí sĩ, tai nghe, mắt thấy thế sự đảo điên nhưng lại khoanh tay bất lực, có ai thấu hiểu tâm hồn cao như núi, rộng như biển nhưng lại phải bó buộc và cuối cùng luôn mang định mệnh cô độc giữa đất Bắc, trời Nam. Lời thơ quá đẹp, quá bi tráng, nó làm cho hồn ta không uống mà say, say vì chí lớn, say vì khẩu khí, dáng vóc và tài năng của người quân tử hiển lộ như bách, như tùng. 

Nam nhi sự nghiệp ư…

Hồ thỉ

Hà tất

cùng sầu với cỏ cây.

Đã có lần người viết tự hỏi rằng, có thể đổi lại là “Nữ nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây”, nhưng trải qua nhiều sóng gió, qua nhiều cung bậc thời gian, chợt thấy suy nghĩ đó lại trở thành ấu trĩ, vì vốn dĩ tâm hồn hay tinh thần làm gì có phân biệt nam nữ, chí sĩ dành cho người hun đúc chí tang bồng, nam nhi hay nữ nhi chỉ là sự phân biệt về hình dáng, tâm hồn thì như nhau mà thôi. Người nam có thể say, có thể điên cuồng thì người nữ cũng như vậy, nỗi đau vì bất lực khi thấy đất nước đang rơi vào hang hùm, miệng sói đều như nhau. Say và cuồng vì chí tang bồng chưa thỏa khác với sự say sưa, trụy lạc nhố nhăng của con người thời nay. 

Trải qua thời gian, triều đại có đổi thay nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Có thể là thời đại này, mà cụ thể là nước ta, trải qua hàng trăm năm tinh thần dân tộc đã dần bị mài mòn, cho nên khó có thể kiếm được những người có tinh thần xem cái chế.t tựa lông hồng, một lòng đau đáu vì dân tộc như chí sĩ thời xưa, hiếm, nhưng không phải là không có. Vẫn còn đó những người đang vì đất nước mà bị tù đày, nguy hiểm rình rập nhưng họ vẫn dấn thân. 

Chí sĩ, 

Chao ôi, gánh tang bồng còn nặng nợ với non sông!

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Mar 1, 2024

Viết cho bạn bè tôi, những người đang bước vào lao tù vì mong muốn cho đất nước được tự do, hạnh phúc.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here