Hộ pháp…

0
61
   

Thái Hạo

1.

Hình ảnh tu sĩ Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết một điều giản dị rằng, không thể cầu cúng mà được. Nếu mọi thứ có thể cầu thì ông đã không phải gian khổ đến thế. Tu hành cũng giống như lao động thôi, phải bỏ công sức và trí óc mà cật lực làm việc, may ra mới có chút kết quả. Thế mà nhiều khi dù đã toàn tâm toàn ý nhưng chỉ cần sai một chút là bao nhiêu công sức có thể đổ sông đổ biển. Vì thế, những ai yêu mến sư Minh Tuệ thì nên luôn tự nhắc mình rằng phải ra sức học và tu, chứ không phải mang tiền của lên chùa cúng và cầu để được Phật “lại quả”. Nếu tiền có thể giúp thành tựu trên đường đạo thì ông Minh Tuệ đã chẳng khước từ chúng, ngược lại còn ra sức tuyên truyền và nhận về thật nhiều.

2.

Giữ giới là điều căn bản và quan trọng nhất trong tu hành. Vì phải có Giới mới Định được, mà Định được thì Tuệ mới phát sinh. Chưa cần nói hạnh đầu đà (khổ hạnh), chỉ riêng đối với người mới xuất gia (tuổi nhỏ – dưới 20) thì ngoài 5 giới đã quen thuộc đối với hàng tại gia thì còn phải giữ thêm 5 giới nữa, là Không trang điểm, Không ca hát hoặc dự các cuộc vui nhộn, Không nằm ngồi chỗ êm ấm cao sang, Không ăn quá giờ ngọ, Không cất giữ và sử dụng tiền bạc châu báu. Thử hỏi, bây giờ, ngay cả nhiều người được “phong” đại đức, thượng tọa… đã giữ được 10 giới rất sơ đẳng này chưa? Đó là chưa nói, sau 20 tuổi mà được thọ Tỳ kheo thì nam phải giữ đến 250 giới, nữ phải giữ đến 348 giới! Cho nên, cách để dân chúng biết một người có phải thật tu hay không là chỉ cần nhìn vào giới luật của họ.

Tại sao phải giữ giới? Lý do có nhiều, nhưng cơ bản là để hình thành oai nghi của người xuất gia, làm phạm hạnh cho đời; và quan trọng nhất là nếu không giữ giới thì, như đã nói, không cách gì tu thành được. Bởi dục lạc sẽ khởi lên, tâm tán loạn, điên đảo. Phật Thích Ca xả bỏ tất cả cung điện và sự giàu sang quyền quý…cũng là cách để làm gương cho học trò. Làm sao có thể đạt đến tâm thanh tịnh, yên tĩnh khi lủng lẳng đủ thứ danh lợi trên người?

3. 

Từ khi biết đến tu sĩ Minh Tuệ trên mạng cách đây vài tháng và từ trong bài viết đầu tiên về ông cách đây 1 tháng, tôi đã luôn thể hiện sự kính trọng đồng thời là cả nỗi ái ngại. Việc bị mọi người vây quanh ngày càng đông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không phải chỉ đối với ông. Thứ nhất là an toàn giao thông, thứ hai là mất trật tự, thứ ba là sức khỏe – bệnh tật, thứ tư là thị phi, thứ năm là vu khống – chụp mũ, thứ sáu là nhiễu loạn tâm người tu hành… 

Việc yêu mến một vị “chân tu” trong hoàn cảnh hiện nay là hoàn toàn dễ hiểu, nhưng lòng yêu mến ấy nên được thể hiện một cách điềm đạm và khéo léo hơn, tránh đi cho ông những phiền phức không đáng có.

Tu sĩ Minh Tuệ là một niềm cảm hứng lớn cho nhiều người vốn đang mất niềm tin và dao động hiện nay trước tình trạng đạo đức xã hội và Phật giáo trong nước, nên việc ngưỡng mộ ông cũng không phải điều lạ lùng. Tuy nhiên, như Phật Thích Ca nói trước khi qua đời: Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy. Hãy tự mình làm ngọn đèn cho chính mình. Tự mình thắp đuốc lên mà đi. Rốt cuộc, nhìn gương thầy Minh Tuệ nhưng nếu muốn đi trên con đường giải thoát (khỏi khổ đau) thì cũng chỉ có thể trông cậy vào chính mình. Đeo bám một vị tu sĩ không giúp được gì cho ai trên con đường ấy. 

Nhìn gương sư Minh Tuệ, cố gắng sống tốt trong hoàn cảnh cá nhân của mình, đó là cách thể hiện lòng tôn kính và sự hộ trì tốt nhất cho một/ những tu sĩ chân chính, và cũng là cách bảo vệ Đạo pháp hiệu quả nhất.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here