Hàng nóng mới nhất của quân đội Mỹ: Siêu hỏa tiễn HAWC

    0
    11
    Hypersonic Air-breathing Weapon Concept – HAWC (DARPA)

    Lê Tây Sơn

    Theo một quan chức quốc phòng thạo tin nhưng giấu tên, Mỹ đã thử nghiệm thành công một hỏa tiễn siêu thanh mới vào giữa Tháng Ba 2022 nhưng quyết định giữ im lặng trong hai tuần để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Quan chức này cho biết: “Vũ khí siêu thanh Hypersonic Air-breathing Weapon Concept (HAWC) được phóng từ máy bay ném bom B-52 cải tiến ở ngoài khơi bờ biển phía Tây là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên phiên bản Lockheed Martin của hệ thống này”.

    Trình tự như sau: Một động cơ đẩy sẽ tăng tốc hỏa tiễn lên độ cao thích hợp; và tại đó, một động cơ phản lực phun khí sẽ kích hoạt và đẩy hỏa tiễn đi với tốc độ siêu âm từ Mach 5 trở lên. Nhưng quan chức trên cung cấp rất ít chi tiết về vụ thử hỏa tiễn, ông chỉ cho biết hỏa tiễn đã bay ở độ cao 65,000 feet và xa 300 dặm. Ngay cả ở đầu cuối thấp hơn (khoảng 3,800 dặm một giờ) của phạm vi siêu âm, một hỏa tiễn bay xa 300 dặm vẫn mất chưa đầy năm phút.

    Vụ thử diễn ra vài ngày sau khi Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal trong cuộc xâm lược Ukraine, đồng thời tuyên bố nó đã phá hủy một kho đạn dược ở miền Tây Ukraine, khá gần biên giới NATO. Lúc đó, các quan chức Mỹ đã hạ thấp tầm quan trọng của việc Nga sử dụng hỏa tiễn siêu thanh. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết ông không xem việc Nga tuyên bố phóng hỏa tiễn là “yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi” tại Ukraine.

    Vài ngày sau, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby nhấn mạnh: “Rất khó để biết lý do chính xác” mục đích chính của Nga khi phóng Kinzhal, vì nó nhắm vào một kho chứa cố định. “Dùng hỏa tiễn siêu thanh để tấn công một kho chứa cũng giống như dùng chiếc búa tạ lớn để hạ gục một cái gì bé tí” – Kirby nói, ám chí chi phí quá đắt của hỏa tiễn siêu thanh nên không thể bắn bừa! Hỏa tiễn Kinzhal đơn giản là phiên bản phóng từ trên không của hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga. Nói cách khác, nó là một biến thể của một công nghệ có sẵn chứ không phải là “cuộc cách mạng” vũ khí siêu thanh như nhiều người tưởng.

    Thử nghiệm mới của Mỹ là một động cơ “air-breathing scramjet” khó và phức tạp hơn. Hỏa tiễn HAWC cũng không có đầu đạn, thay vào đó dựa vào động năng của nó để diệt mục tiêu. Vào thời điểm Mỹ thử nghiệm, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho chuyến thăm các đồng minh NATO ở châu Âu, trong đó có chặng dừng chân ở Ba Lan, nơi ông gặp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine. Mỹ đã thận trọng không thực hiện các bước hoặc đưa ra các tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng với Moscow một cách không cần thiết.

    Một chiến đấu cơ MiG-31K mang hỏa tiễn Kinzhal dưới bụng (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images)

    Mới đây, ngày 1 Tháng Tư, Mỹ cũng hủy vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Minuteman III để tránh bị Nga hiểu lầm. Nhìn chung, Mỹ thường kín kẽ về các loại vũ khí và thiết bị đưa vào Ukraine, kể cả thời điểm chuyển giao. Không cấp tập và luôn thận trọng. Chỉ trong gói hỗ trợ an ninh $300 triệu mới nhất, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới liệt kê các hệ thống và vũ khí cụ thể, giống như kiểu “lộ mật để gây áp lực”. Nhưng vũ khí vẫn được chuyển đi một cách bí mật. Mỹ phản đối chuyển giao máy bay chiến đấu Mig-29 của Ba Lan cho Ukraine thông qua sự chuẩn y gián tiếp của Mỹ vì lo ngại rằng Điện Kremlin có thể diễn giải động thái này có nghĩa là Mỹ và NATO đã chính thức tham gia vào cuộc xung đột. Các quan chức Mỹ giữ im lặng về vụ thử siêu thanh mới nhất cũng vì lý do tương tự. Mỹ không muốn khiêu khích Điện Kremlin và Tổng thống Nga, ngay lúc lực lượng Nga đang bắn phá khắp Ukraine.

    Vụ thử của Mỹ là vụ thử thành công thứ hai đối với hỏa tiễn HAWC, và là vụ thành công đầu tiên phiên bản Lockheed Martin của hệ thống vũ khí này. Tháng Chín 2021, Không quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm Raytheon HAWC, chạy bằng động cơ phản lực Northrop Grumman. Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA), vụ thử đáp ứng được tất cả chỉ tiêu chính, gồm tích hợp và phóng hỏa tiễn, tách hỏa tiễn an toàn khỏi máy bay phóng, tăng tốc và thực hiện hành trình bay.

    Bộ Quốc phòng chỉ cung cấp một ít thông tin chi tiết về chuyến bay chứ không đề cập đến tốc độ bay của hỏa tiễn hay quãng đường di chuyển. Nhưng một tháng sau lần thử nghiệm HAWC đầu tiên thành công này, Mỹ đã chịu thất bại khi thử nghiệm một hệ thống siêu âm khác. Thất bại xảy ra ngay khi các báo cáo cho biết Trung Quốc đã thử nghiệm thành công một phương tiện bay siêu thanh vào mùa Hè và ngay sau khi Nga tuyên bố đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn siêu thanh phóng từ tàu ngầm, được đặt tên là Tsirkon. Thông cáo cho biết hỏa tiễn di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5.

    Mỹ đã đặt trọng tâm vào vũ khí siêu thanh sau các cuộc thử nghiệm thành công của Nga và Trung Quốc trong những tháng gần đây, làm trầm trọng thêm mối lo ngại ở Washington rằng Mỹ đang tụt hậu về một công nghệ quân sự được coi là “tối quan trọng” cho chiến tranh tương lai. Trong ngân sách quốc phòng năm tài chính 2023 (FY23), chính quyền Biden đã dành $7.2 tỷ cho chương trình hỏa tiễn tầm xa, gồm cả hỏa tiễn siêu thanh. Trong một báo cáo năm ngoái, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (Government Accountability Office) xác định có đến 70 dự án liên quan phát triển vũ khí siêu thanh với chi phí gần $15 tỷ từ năm 2015 đến năm 2024.

    Nguồn : https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/hang-nong-moi-nhat-cua-quan-doi-my-sieu-hoa-tien-hawc/