Han Dongfang – thủ lĩnh Thiên An Môn, một công dân bị ruồng bỏ và cuộc trở về ngoạn mục

0
100
By

Một buổi chiều đầu tháng 5 năm 1989 ở Beijing, một anh thợ điện tuổi đôi mươi và người bạn gái cùng tan ca. Khi xe buýt của họ đỗ tại một bến gần quảng trường Thiên An Môn, hai người đã nhìn thấy hàng ngàn sinh viên đang tụ tập tại đây.

Sinh viên từ các trường đại học ở Beijing và các vùng phụ cận đã tổ chức các buổi mít tinh trong vài tháng ròng rã, với những khẩu hiệu yêu cầu chính phủ thực hiện dân chủ hóa đất nước.

Cô bạn gái của anh cảm thấy rất hứng thú về những gì đang xảy ra tại quảng trường. Những thanh niên xấp xỉ độ tuổi với họ, đang tập trung đòi hỏi chính phủ phải cải cách thể chế.

Đó là một điều mà cho dù có nằm mơ, cô cũng không bao giờ tưởng tượng ra nổi. Trí tò mò của người con gái tuổi đôi mươi khiến cô muốn tiến đến để lắng nghe và hòa vào bầu không khí đầy nhiệt huyết của những bạn trẻ sinh viên.

Sinh viên biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn tháng 5/1989. Ảnh: AP Photo – Sadayuki Mikami

Anh thợ điện, dù không có cùng cảm xúc nhưng vì chiều theo ý bạn gái, nên đã đồng ý để cả hai đã cùng xuống xe. Và họ từ từ bước về phía quảng trường. Trên một chiếc bục gỗ tạm bợ, họ nhìn thấy một thủ lĩnh sinh viên đang diễn thuyết.

Anh, người bất đắc dĩ theo bạn gái tiến về quảng trường Thiên An Môn ngày đó, tên là Han Dongfang.

Han Dongfang sinh ra và lớn lên trong nghèo khó tại ngôi làng Nanweiquan ở tỉnh Shanxi (Sơn Tây), Trung Quốc, rồi trở thành một thợ điện tại công ty hỏa xa khi vừa học xong trung học phổ thông.

Năm 1989, anh vừa tròn 26 tuổi và chưa bao giờ đọc trọn vẹn một cuốn sách nào.

Hơn 25 năm sau, trong một cuộc trò chuyện với tôi vào cuối năm 2015, Han Dongfang đã kể lại một cách thân tình rằng, tại Thiên An Môn năm đó, chính là lần đầu tiên trong đời anh được nghe đến hai từ “dân chủ” và “tự do”.

Vậy mà anh đã không cảm thấy định nghĩa của chúng khó hiểu chút nào. Ngược lại càng nghe, anh càng cảm thấy say mê với những từ ngữ và chủ thuyết vô cùng mới mẻ đó.

Có lẽ những bất công trong cuộc sống mà anh phải đối mặt từ khi chào đời đã khiến anh dễ dàng tiếp nhận những thông điệp về tự do, dân chủ, và bình đẳng.

Kể từ giây phút đứng lắng nghe bài diễn thuyết về dân chủ đó, cuộc đời của anh công nhân Han Dongfang đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.

Trong vòng hai tuần ngắn ngủi, vào ngày 16/5/1989, Han Dongfang, từ một người thợ điện vô danh, đã trở thành một trong những gương mặt thủ lĩnh của phong trào Thiên An Môn.

Han Dongfang và một số người bạn công nhân đã lập ra Liên đoàn Công nhân Bắc Kinh Tự chủ (Beijing Workers Autonomous Federation) để bày tỏ sự ủng hộ đối với sinh viên, cũng như đòi hỏi quyền lợi cho chính mình.

Tuy không phải là sinh viên, nhưng sự góp mặt của Dongfang đã đại diện cho một bộ phận luôn luôn có vị trí quan trọng trong xã hội Trung Quốc: giới công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), lực lượng lao động, công nhân ở Trung Quốc tại thời điểm 1989-1990 là trên dưới 641 triệu người.

Việc những người công nhân cùng tham gia và ủng hộ phong trào đòi hỏi dân chủ Thiên An Môn lúc ấy đã cho thấy, dân chủ hoá là nhu cầu của giới trẻ Trung Quốc nói chung, chứ không chỉ là việc riêng của giới sinh viên.

Han Dongfang (giữa) tại quảng trường Thiên An Môn ngày 16/5/1989. Ảnh: tư liệu cá nhân do nhân vật cung cấp.

Thế nhưng, phong trào Thiên An Môn đã bị dập tắt một cách bất ngờ và đẫm máu vào đêm 3/6, rạng sáng ngày 4/6/1989. Chính quyền Trung Quốc đã dùng quân đội, với xe tăng và súng ống, đàn áp sinh viên và những người tham gia.

Han Dongfang trở thành một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao trên toàn quốc.

Thay vì lẩn trốn, vài tháng sau Han Dongfang quyết định ra đầu thú và bị chính quyền xác định là thành phần thủ lĩnh của phong trào Thiên An Môn. Anh đã bị giam giữ trong vòng 2 năm mà không thông qua xét xử.

Trong tù, Dongfang bị tra tấn và nhiễm bệnh lao phổi. Vào năm 1991, tình trạng sức khỏe của anh trở nên nguy kịch nên chính quyền cho rằng anh đã sắp chết. Vì vậy, Trung Quốc đã thỏa hiệp với Hoa Kỳ để trục xuất anh sang Mỹ với lý do “nhân đạo, y tế”. Một phần lớn lá phổi của anh đã bị phẫu thuật cắt bỏ.

Trái với suy đoán của nhiều người, Han Dongfang kiên quyết không xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ, và chọn trở về Trung Quốc để tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của công nhân ngay sau khi khỏi bệnh.

Điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh hết sức giận dữ. Khi anh về lại Trung Quốc vào khoảng năm 1993, một cuộc giằng co mới giữa anh và chính quyền bắt đầu.

Công an đã dùng vũ lực khống chế anh, và sau đó họ khiêng anh đến biên giới giữa Trung Quốc và Hong Kong, rồi vứt sang phía bên kia. Việc này xảy ra không chỉ một mà là hàng chục lần, vì lần nào Han Dongfang cũng tìm cách quay về lại Trung Quốc để phản kháng hành vi ruồng bỏ công dân của chính quyền.

Một lần, rồi lại một lần, anh tiếp tục bị khiêng sang biên giới. Và cứ mỗi lần như thế, thì anh lại trở thành tâm điểm của giới truyền thông Hong Kong và quốc tế.

Đến lần cuối cùng, Dongfang quyết định không tiếp tục trò chơi mà anh cho là quá vô vị của chính quyền. Anh ở lại Hong Kong và bắt đầu tìm cách hoạt động để giúp đỡ công nhân Trung Quốc.

Hơn ai hết, anh hiểu rõ hoàn cảnh bất công mà họ phải đối mặt. Mà tệ hại hơn, vốn không có tổ chức nào quan tâm đến việc giải quyết những điều đó.

Han Dongfang và công việc tại Đài Á Châu Tự do – Hong Kong. Ảnh: Reuters –
Kin Cheung

Han Dongfang bắt đầu làm việc cùng đài phát thanh Radio Free Asia (Đài Á Châu Tự do). Anh có một chương trình dành riêng cho công nhân tại Trung Quốc với một đường dây nóng để họ có thể gọi miễn phí. Thông qua đó, công nhân có thể chia sẻ bất kỳ vấn đề gì mà họ gặp phải trong đời sống hay công việc.

Anh thành lập tổ chức China Labour Bulletin (CLB) để cùng tìm giải pháp cho những vấn đề mà công nhân Trung Quốc nêu ra trong chương trình phát thanh.

Han Dongfang đã tiên liệu rằng, việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở Trung Quốc trong thập niên 1990 sẽ cùng lúc gia tăng số người tham gia lực lượng lao động tại các nhà máy tại đây. Mâu thuẫn giữa công nhân và giới chủ cũng sẽ tăng lên, và việc tìm ra những giải pháp cho các mối mâu thuẫn đó lại càng cần thiết hơn cho xã hội.

Những năm 1996-1997, Hong Kong chuẩn bị được trao trả cho Trung Quốc. Đã có rất nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong khu vực, kể cả bạn thân của Dongfang là ông Robin Munro – giám đốc Châu Á của tổ chức Human Rights Watch khi ấy – khuyên anh nên xem xét khả năng rời đi. Họ sợ rằng anh sẽ bị làm khó dễ hoặc thậm chí là bị bắt một lần nữa, vì anh vẫn mang quốc tịch Trung Quốc.

Nhưng ngược lại, Han Dongfang không hề nhượng bộ. Trong dịp kỷ niệm thảm sát Thiên An Môn năm 1996, anh thậm chí còn là gương mặt nổi bật nhất.

Han Dongfang (áo đen) trong buổi thắp nến tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn năm 1996. Ảnh: Reuters – Bobby Yip

Khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997, anh trả lời phỏng vấn báo chí với một thái độ bình thản, thậm chí còn đùa rằng, “thấy không, tôi đã chiến thắng chính quyền! Rốt cuộc, tôi cũng được trở lại Trung Quốc đấy thôi.”

Và cứ như thế, Han Dongfang vẫn tiếp tục công việc hoạt động đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, cũng như thúc đẩy dân chủ hóa tại Trung Quốc cho đến tận hôm nay.

Tổ chức CLB của Han Dongfang được đánh giá là một tổ chức hàng đầu trên thế giới trong những hoạt động về công đoàn và quyền lợi của công nhân.

CLB được cho là đã giúp đỡ hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn công nhân Trung Quốc. Vì vậy, Han Dongfang còn được xem là một trong những cựu thủ lĩnh Thiên An Môn vẫn tiếp tục có hoạt động tích cực trong phong trào dân chủ hóa Trung Quốc.

Trải qua gần 30 năm, anh thanh niên thợ điện năm nào đã trở thành một người đàn ông trung niên, và là một nhà hoạt động nổi tiếng trên quốc tế. Thế nhưng, thái độ của Han Dongfang đối với chính quyền Trung Quốc trước sau vẫn như một. Ông bình thản đối diện với sự đàn áp, bắt bớ, và kiên định tiếp tục con đường hoạt động của mình.

Tôi gặp Han Dongfang trong một buổi chiều cuối thu năm 2015, khi ông nhận được tin chính quyền Trung Quốc vừa bắt giữ hàng loạt nhà hoạt động công đoàn tại Guangzhou (Quảng Châu).

Ông cười điềm đạm sau cú điện thoại báo tin, và trấn an nỗi lo lắng vừa thoáng hiện qua trong mắt tôi, “họ (chính quyền Trung Quốc) chỉ có thể làm những việc như bắt bớ, tra tấn và bỏ tù. Họ đã từng bỏ tù tôi, tra tấn tôi, từng khiêng tôi vứt ra khỏi quê hương như vứt bỏ một con vật để nhục mạ tôi. Nhưng không có gì họ làm có thể khiến tôi sợ hãi mà bỏ đi con đường mình chọn. Tôi vẫn tiếp tục, chúng ta đều cùng nhau tiếp tục”.

Tài liệu tham khảo:

Nguồn : Luật khoa Tạp chí