Người Việt
HÀ NAM, Việt Nam (NV) – Chỉ làm mẻ một chút của mặt bàn đá trong tiệm hát karaoke, một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam bị tòa án phạt một năm tù. Bản án gây phẫn nộ trong dư luận xã hội tại Việt Nam.
Hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Sáu vừa qua, tòa án thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đem vụ án Lê Thị Trang (29 tuổi, cư trú tại phường Thanh Châu) ra xử với tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Khoản 1, Điều 143” theo Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Theo hồ sơ vụ án thấy thuật lại trên báo điện tử Công Lý: “Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 3 Tháng Hai, Lê Thị Trang đến quán karaoke Thanh Hà, địa chỉ thuộc phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, để hát. Tại đây, Trang đã có lời qua tiếng lại với chủ quán là bà Nguyễn Thị Thanh Hà.”
Lý do dẫn tới vụ việc do “Trang đã đặt phòng hát cho nhóm bạn nhưng khi đến nơi thì chủ quán lại không giữ phòng. Lời qua tiếng lại, Trang xỉa xói, rồi xấn vào giằng co với nữ chủ quán karaoke. Cùng thời điểm, thấy bà Hà xô xát với nữ khách, hai người con gái của chủ quán hát liền xông vào và cùng mẹ giật tóc, cào cấu Trang.”
“Thấy vậy, anh Nguyễn Quang Hưng, 37 tuổi, cư trú tại Phủ Lý, đã lao vào can ngăn và xô xát với Trần Trường An, 20 tuổi (con của bà Hà). Được mọi người can ngăn nên sự việc nhanh chóng dừng lại. Về phía thiếu phụ Trang, do vẫn chưa nguôi cơn giận, nên khi ngồi trên ghế salon, Trang đã cầm cốc thủy tinh đập vào mặt bàn đá của quán làm chiếc bàn này vỡ ở phần cạnh mép bàn. Chưa dừng lại, Trang còn tiếp tục dùng cốc đập thêm lần nữa lên mặt bàn khiến nó vỡ thêm.”
Theo báo Công Lý, đến cuối Tháng Hai, Lê Thị Trang bị khởi tố hình sự. “Ngày 17 Tháng Hai, công an Phủ Lý ra quyết định trưng cầu hội đồng định giá chiếc bàn, cho rằng hai mảnh vỡ ở bàn trị giá hơn 2.8 triệu đồng. Những chiếc cốc Lê Thị Trang dùng để đánh nhau do không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên không được định giá.”
Tại phiên tòa, bà Trang khai rằng bà là người bị mẹ con chủ quán xông vào đánh trước, đè xuống đất gây nhiều thương tích cho bà, lại có cả người cầm dao quơ quơ trước mặt. Dù vậy, tự thấy mình có phần trách nhiệm nên bà đã đền lại cho chủ quán số tiền tới 6 triệu đồng, nhiều hơn trị giá của cái bàn, và cũng không thưa kiện gì về việc mình bị mấy mẹ con chủ quán hành hung, có thương tích chứng cớ.
Bào chữa cho bị cáo Trang, Luật Sư Giang Hồng Thanh cáo buộc cơ quan giám định đã dùng chiếc bàn có kích thước lớn hơn với bàn bị sứt để định giá. Viện Kiểm Sát quy kết bà Trang cố ý làm hư hỏng tài sản, đồng nghĩa việc chiếc bàn không sử dụng được, nhưng trên thực tế, quán karaoke đã dán keo chỗ bị sứt để tiếp tục sử dụng trong việc kinh doanh.
Như vậy, định giá trị của chiếc bàn đã sai, tài sản dùng làm chứng cớ truy tố lại không hư hại hoàn toàn và vẫn được chủ quán sử dụng mà lại coi như thiệt hại hoàn toàn là phi lý. Tuy nhiên “Hội đồng xét xử” đã bác bỏ các lời bào chữa của luật sư, và vẫn ra bản án phạt Lê Thị Trang 12 tháng tù. Bà Trang là một người mẹ đơn thân với con nhỏ hơn một tuổi.
Trên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đinh Văn Quế, cựu Chánh Tòa Hình Sự Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, viết: “Phạt tù vì làm hư mặt bàn: Đáng gì mà xử hình sự!”
Theo ông, trước hết cần khẳng định rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trang trong trường hợp này là không cần thiết. Bởi lẽ xuất phát từ việc chủ quán karaoke đã không giữ đúng lời hứa đặt phòng với khách hàng là một việc làm đáng lên án. Nếu chủ quán biết cư xử đúng mực thì phải xin lỗi Trang nhưng ngược lại đã có những lời lẽ không đúng mực dẫn đến hai bên xô xát, gây mất trật tự an ninh. Do đó chủ quán cũng có lỗi và đây chính là nguyên nhân làm cho Trang bức xúc, nếu không nói là bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của chủ quán.
“Việc Trang dùng ly đập xuống mặt bàn làm vỡ bàn, gây thiệt hại cho chủ quán hơn 2 triệu đồng là hành vi sai trái nhưng sau khi sự việc xảy ra, Trang đã thấy lỗi của mình, tự nguyện bồi thường cho chủ quán 6 triệu đồng, thể hiện sự ăn năn hối cải. Ở các địa phương khác, trường hợp tương tự như thế này, công an chỉ cần gọi hai người đến trụ sở nhắc nhở và xử phạt hành chính, đồng thời buộc Trang phải bồi thường cho chủ quán là xong. Nếu trường hợp tương tự thế này cũng truy tố, xét xử thì làm sao cho xuể!” ông viết.
“Việc truy tố Trang đang phải một mình nuôi con nhỏ mới chỉ hơn một tuổi, lại là lao động chính đã không cần thiết, mà tại phiên tòa kiểm sát viên còn đề nghị phạt Trang 12-18 tháng tù là không bình thường. Giả thiết đã trót truy tố để ‘răn đe’ và làm gương cho người khác thì cũng chỉ nên áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với Trang cũng là quá đủ. Trang nên kháng cáo để tòa án tỉnh Hà Nam xét xử phúc thẩm nhằm có bản án thấu lý đạt tình,” trích bài viết của ông.
Trên báo điện tử VNExpress thuật lại phiên tòa nêu trên, có 159 độc giả góp ý mà hầu hết đều bày tỏ phẫn nộ với cái “Hội đồng xét xử” và công an.
Độc giả tên Lê Thụy Hải viết: “Kinh thật! Tôi cứ tưởng 2 tỷ cơ đấy!”
Độc giả bút danh hoangsa viết: “Có gì đó sai sai… nghe thật vô lý, cần xét lại vụ này. Xử lý cho công bằng. Thêm một ý kiến nữa tại sao không bắt chủ quán karaoke tội phá hợp đồng, hành hung người khác?”
Độc giả bút danh truong huynh vu viết: “Tào lao thật. 12 tháng tù.”
Độc giả tên Mai Quốc Huy: “Đập cái bàn hư thì hai bên tự sắp xếp bồi thường được. Sao để đến bị khởi tố như vậy. Mấy anh công an làm việc cứng nhắc quá. Đi tù 12 tháng vì một cái bàn thì không hợp tình tí nào!”
Độc giả tên Tiến Thanh Hóa viết: “Ôi, đó là sức mạnh của những kẻ có quyền định đoạt tương lai của người khác. Nhảm hết sức.”
Độc giả bút danh quoc_quan76 viết: “Sao lúc này có nhiều trò hề vậy ta…”
Độc giả bút danh Ngô Nghê viết: “Hài thật, nghe có mùi bất minh đâu đây. Cùng lắm phạt hành chánh bồi thường này nọ cho người ta rồi thôi chứ nhốt tù một năm thấy cũng tội. Một năm trong tù đâu phải đùa.”
Tháng Bảy năm ngoái, một tòa án ở Sài Gòn đã phạt 10 tháng tù với Nguyễn Hoàng Tuấn và 8 tháng 20 ngày tù với Ôn Thành Tân về tội quá đói mà mua rồi giật chạy không trả tiền mấy thứ gồm một ổ bánh mì, hai bọc chuối sấy, một bọc đậu phộng rang, ba bọc me trộn, tổng trị giá 45,000 đồng. Dư luận không thể tin được bản án nặng đến như thế cho một số đồ ăn trị giá ít ỏi như vậy. (TN)