Gia đình nhà hoạt động dân chủ Hoàng Minh Chính chịu sức ép từ nhà chức trách về chuyện tổ chức tang lễ của ông vào thứ Bảy này.

0
1073

BBC.

Tin từ Hà Nội cho hay hiện đang có việc gia đình được chính quyền gây sức ép xung quanh bài điếu văn và các vòng hoa đến viếng người quá cố.

Nhà nước không muốn sự quan tâm của dư luận và các phát biểu tại đám tang khiến sự việc biến thành một diễn biến mang tính chính trị.

Đám tang của nhà phản kháng Hoàng Minh Chính sẽ diễn ra vào thứ Bảy 16 tháng Hai tại Hà Nội , theo tin của gia đình ông cho biết.

Ban đầu, theo kế hoạch, thi hài của ông Hoàng Minh Chính sẽ được quàn tại nhà tang lễ của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, nhưng sau đó, do có bất đồng với chính quyền địa phương về việc ai đứng ra tổ chức lễ tang, nên gia đình đã chuyển thi hài ông về nhà tang lễ của bệnh viện Thanh Nhàn.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt Ngữ, con gái ông Hoàng Minh Chính, bà Trần thị Thanh Hà nói rõ ý nguyện của cha bà là lễ tang chỉ do gia đình tổ chức, chứ không nhà đến nhà nước, và gia đình sẽ tôn trọng ý nguyện của ông.

Bà Thanh Hà cũng cho BBC biết về một số khó khăn trong quá trình chuẩn bị tang lễ.

Theo bà, giờ viếng được đổi sang từ 9:30 đến 11:30 sáng thứ Bảy, sau đó sẽ đưa ông Hoàng Minh Chính đi nghĩa trang Văn Điển để hỏa táng.

Gia đình nói họ không tổ chức ban tang lễ như của nhà nước mà đã ký xong hợp đồng để lo mai táng tại bệnh viện.

Bà Trần Thu Hà nói: “Một số người sau khi đến thăm viếng về thì bị công an hỏi và nói không được đi nữa.” Theo bà, như thế là có hiện tượng ngăn cấm.

Bà cũng cho hay:

“Một nhà sư từ phía Nam ra cũng không được phép ra nên sẽ không có nhà sư để tụng kinh.”

Trước đó, gia đình nói họ “đã rất mừng vì có nhà sư nhận lời tụng kinh”.

Lý do là ông Hoàng Minh Chính đã từng có ý theo Phật Giáo trước khi qua đời và lấy tên theo đạo Phật là Chân Tâm.

Nhưng nay, theo bà Hà nói hôm 14.02, sự ngăn cấm đó sẽ khiến không có nhà sư nào đến.

Bà cho hay gia đình sẽ “tổ chức đàng hoàng” bất chấp sự ngăn cấm dù cũng lo ngại về việc đó.

Suốt đời đấu tranh

Ông Hoàng Minh Chính tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 (Một số tài liệu ghi 1922) tại xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Ông sinh ra trong một gia đình nhà giáo yêu nước, các con cái đều được đưa lên ăn học tại Hà Nội.

Ông tham gia cách mạng năm 1936, tham gia Đoàn Thanh Niên Phản Đế Đông Dương.

Năm 1939 ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đến tháng 10 năm 1940, bị Pháp bắt, đưa ra toà án binh xét xử 10 năm tù biệt xứ, 10 năm khổ sai.

Năm 1943, Pháp dự định chuyển tù nhân từ Sơn La về Hoả Lò để đưa đi Côn Đảo. Ông đã cùng anh em vượt ngục, ra ngoài tiếp tục hoạt động và tham gia Đại hội Quốc dân Tân Trào.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông làm Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12 năm 1946, ông tổ chức và lãnh đạo Đại Đội Quyết tử quân, tập kích nhiều trận vào sân bay Gia Lâm, ông bị thương nặng được đưa về điều trị tại bệnh viện Thanh Hóa.

Năm 1947, ông trở lại công tác Bí thư Đảng Đoàn Trung Ương Đảng Dân Chủ, kiêm Tổng Thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam.

Năm 1948, ông được cử sang phụ trách ban Thanh vận Trung ương, trực tiếp làm Bí thư Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc Trung Ương, rồi làm Tổng đoàn Trưởng Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Năm 1957, ông được cử làm Trưởng đoàn Cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam sang học tại trường Đảng cao cấp ở Liên Xô.

Năm 1960, ông từ Liên Xô về nước, được Đảng CS giao nhiều nhiệm vụ lãnh đạo cấp cao nhưng đề nghị được xây dựng Viện Triết học đầu tiên thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội.

Những năm sau, ông và một số cán bộ cao cấp của Đảng CS cho rằng đảng CSVN cần theo xu hướng của Liên Xô nhưng bị kết tội là “Xét lại chống Đảng”.

Năm 1967 ông cùng một số cán bộ cao cấp viết bản kiến nghị gửi lên Đại Hội III của Đảng , đề xuất những ý kiến theo đường lối đổi mới của Liên Xô – chống giáo điều Trung Quốc .

Không còn là cộng sản

Ông bị bắt đi tù năm năm không xử, sau đó là quản chế ba năm tại Sơn Tây, và từ đó, ông chính thức không còn là đảng viên đảng cộng sản.

Năm 1981 ông viết bản kháng cáo về vụ “Xét lại chống Đảng” và đề nghi đường lối đổi mới đối với đất nước gửi Quốc Hội và các cơ quan nhà nước. Ông bị bắt lần thứ nhì, tù sáu năm không án, sau đó quản chế ba năm tại nhà .

Năm 1995 ông tham gia vào việc gửi kiến nghị cho các cơ quan nhà nước đề nghị sửa đổi đường lối xây dựng đất nước, và bị bắt lần thứ ba, bị kết án tù một năm

Đầu năm 2000, ông gửi thư ngỏ cho các lãnh đạo thế giới và trả lời phỏng vấn, nói rằng ở Việt Nam chưa có tự do báo chí, tự do ngôn luận…, đồng thời tham gia thành lập “Nhóm Dân chủ” (2000), tiền thân của Phong Trào Dân Chủ (6/2005), và Hội Nhân Dân Chống Tham Nhũng (2002).

Nhân dịp chuyến sang Mỹ chữa bệnh tháng Tám 2005, ông gặp gỡ với chính giới Mỹ và cộng đồng người Việt ở hải ngoại để vận động dân chủ cho Việt Nam.

Vào tháng Sáu 2006 ông tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam nhằm mục đích xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, đoàn kết và phát triển.

Ông qua đời ngày 7 tháng Hai 2008, đúng mùng Một Tết Mậu Tý vào lúc 23h08 ở Hà Nội.