Tri thức VN
Lúc 1:30 sáng ngày 4/6, Quân đoàn 38 với danh nghĩa binh lính giới nghiêm đã là “đội quân đầu tiên” hoàn tất thanh trừng và tiến vào Thiên An Môn từ phía tây. Theo hồi ức của La Vũ, con trai của cố Đại tướng La Thụy Khanh, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc: “Khi binh lính tiến vào đã bị dân chúng chặn lại, khi hỏi ý kiến cấp trên xem nên làm thế nào thì ‘bên trên’ có người nói: ‘Cái thứ đồ trong tay các cậu chẳng lẽ chỉ là que đánh lửa thôi sao?’”
4:30 sáng: Thanh trừng bắt đầu trên quảng trường
Khoảng từ 2:00 – 2:30 sáng ngày 4/6, một chiếc xe buýt đi từ đại lộ Nam Trì Tử về phía quảng trường Thiên An Môn theo hướng từ đông sang tây. Trước khi đến phía đông cầu Kim Thủy, nó rẽ phải đi ngang qua khu vực của binh linh đang dàn đội ngũ và rời khỏi đường Trường An hướng về phía sinh viên và người dân tập trung. Đúng lúc đó, chiếc xe bị súng bắn hạ, tài xế chết ngay tại chỗ. Sau đó, quân nhân kéo 5, 6 người còn sống ra khỏi xe. Người bị kéo ra khỏi xe cuối cùng là một nghiên cứu sinh tại Đại học Bắc Kinh tên Quách Hải Phong. Tại hiện trường còn có một người tên là Trương Kiện. Người này cố gắng tiến về phía trước, định kéo bạn của mình tách ra khỏi chỗ những người lính. Một viên sĩ quan rút súng và bắn về phía anh này 5 phát đạn. Một phát bắn trúng đùi phải, xuyên qua một phần ba đùi phải và làm gẫy xương đùi. Do viên đạn không xuyên qua nên đầu đạn nằm ở trong xương đùi, phần còn lại nằm trong cơ chân. Đến tận ngày 22/11/2008, Trương Kiện mới đến được Pháp để phẫu thuật gỡ viên đạn. Viên đạn đã nằm trong người anh suốt 19 năm.
Sau đó, để che đậy vụ bắn chết người vô cớ, quân giới nghiêm đã ngụy tạo vụ việc “Đốt thành Thiên An Môn” và đổ cho chiếc xe buýt định tiến vào Thiên An Môn phóng hỏa.
Theo tờ “Văn Hối Báo” (Hồng Kông), “Trong thời gian này, trừ phía bắc của quảng trường là hoàn toàn do quân đội chiếm giữ, còn có một số lớn xe có vũ trang và xe tăng trải dài theo hướng từ tây sang đông ở phía ngoài quảng trường. Phía tây quảng trường, phía đông Đại lễ đường Nhân dân đều xuất hiện rất nhiều binh lính. Hàng ngàn binh lính đóng tại khoảng trống trước cửa thành, đồng loạt hô lớn yêu cầu dân chúng phải rời khỏi. Không bao lâu sau đó, cục diện đã biến thành binh lính nổ súng về phía người dân.”
Lúc này, các sinh viên vốn trước đó bị phân tán ra nhiều nơi trong quảng trường Thiên An Môn, đi theo lá cờ của trường mình và tập trung ở gần Bia tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, sau đó ngồi hết ba tầng bình đài của bia tưởng niệm và các bậc thang, họ ngồi hết cả khoảng trống ở phía bắc Bia tưởng niệm. Sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho lần phản kháng phi bạo lực cuối cùng.
4:00 sáng, đèn trên quảng trường đột ngột tắt. Sau đó, Phó Chính ủy Quân đoàn 27 giải thích rằng đây là tín hiệu thống nhất báo hiệu cho việc dọn dẹp quảng trường. Một tác dụng khác là đánh đòn tâm lý lên những dân có mặt tại hiện trường. Sau đó ở phía đông nam, tây nam của quảng trường, Quân đoàn 15, Quân đoàn 39 và Quân đoàn 54 hướng từ phía nam lên phía bắc để chia cắt người trong quảng trường. Toàn bộ phía nam quảng trường bị bao vây, chỉ chừa lại phía đông nam để cho các sinh viên có thể rời khỏi theo một lối đi hẹp.
4:30 phút, hành động thanh trừng bắt đầu. Cảnh sát có vũ trang ở phía trước, bộ binh ở giữa, xe cơ giới ở sau, từ từ tiến từ phía bắc xuống phía nam. Binh lính kiểm tra kỹ từng khu vực, sau đó xe cơ giới mới đi qua.
Một nhân chứng đã cung cấp cho Tổ chức Ân xá Quốc tế thông tin, một nhân viên cứu hộ y tế khi đó đã thấy nhiều rất nhiều binh lính ngồi trước bậc thang của Bảo tàng Lịch sử nhiều giờ đồng hồ. Có khoảng 15 đến 20 người bị thương được sinh viên đưa đến nằm trên trạm cấp cứu. Phía tây nam của Bia tưởng niệm liên tục có tiếng xả súng. Sau một loạt súng nổ, có 3 sinh viên bị thương được đưa đến trạm cấp cứu, họ đều bị trúng đạn. Mỗi lần có tiếng của loạt súng nổ, các binh lính trên bậc thang của Bảo tàng Lịch sử đều hô to: “Làm tốt lắm”...
Có người còn thấy binh lính trên các xe vũ trang khi thấy sinh viên chạy khỏi quảng trường ở đường phía đông nam, đã không hề bắn chỉ thiên cảnh cáo mà nhắm bắn thẳng vào người. Một thành viên của Hội Liên hiệp Sinh viên Hồng Kông nhìn thấy một sinh viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh “Khắp đầu đầy máu, gần như cả đầu bị nổ tung” mà chết. Một phóng viên của Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan cho biết, ông nhìn thấy một binh lính giống như là đang đùa cợt, tùy tiện nhằm vào hướng sinh viên đang bỏ chạy mà nổ súng. Một sinh viên đứng cách ông này 1 mét, sau khi lên tiếng về việc binh lính lạm dụng súng đạn đã bị bắn chết ngay tại chỗ. Phó chủ biên kiêm phụ trách tin nước ngoài của tờ “Thời báo Trung Quốc” (Đài Loan), Từ Tông Mậu, vào khoảng 6:00 sáng đã bị trúng đạn, viên đạn xuyên từ sau cổ, qua cổ họng, làm gãy một chiếc răng, sau đó xuyên qua miệng ra ngoài.
Nam Trì Tử: “Lần đầu tiên tôi thấy cảnh giết người như bắn chim”
Theo một nhân chứng tại hiện trường kể lại: “Ở đường Trường An, cách khoảng 100 mét về phía đông của đài quan sát đông Thiên An Môn, có một khu phố bị rào chắn tạo ra một đường dài hẹp. Một nhóm binh lính khoảng hơn 100 người có vũ trang đứng hướng về phía đông. Những người này tùy lúc lại tiện tay bắn một vài phát súng về phía cuối con đường.”
Phía đông của con đường này chính là khu vực Nam Trì Tử, đi qua là đến cửa chính của Bộ Công an, có vài trăm người dân đang đứng lập thành một hàng rào ngăn những người muốn chạy về phía Thiên An Môn, cho họ biết nếu đi qua thì sẽ bị bắn, rằng có nhiều người đã bị bắn chết. Đồng thời, họ cũng hô to về phía quân đội thiết quân luật rằng “Bộ đội giải phóng không bắn nhân dân”, “Sinh viên vô tội”, v.v.. Sau đó, có người trong số họ cũng bị bắn, khẩu hiệu mới đổi thành: “Binh lính giới nghiêm là hung thủ giết người!”
“Chỉ trong thời gian ngắn ngủi vài giờ đồng hồ, ở khu vực Nam Trì Tử này, tôi đã nhìn thấy hơn 40 người bị bắn. Trong số họ có một phụ nữ hơn 50 tuổi bị trúng đạn ở bụng, một em bé cỡ 7-8 tuổi trúng đạn ở tay trái. Hàng trăm người (có thể trên ngàn người), cơ bản đều là những người dân bình thường của Bắc Kinh. Trong số đó có cả phụ nữ và trẻ em, tay họ còn đang cầm quạt.”
Tổ chức Ân xá Quốc tế còn nhận được một lời xác minh khác cho biết, tuyến cảnh giới được thiết lập vào khoảng 2:00 sáng: “Họ lập thành ba hàng. Một hàng lính quỳ phía trước, hàng sau đứng cao hơn, hàng thứ ba đứng ở trên trạm gác. Họ hướng về phía đám đông ở phía đông bắc quảng trường nổ súng vài phút thì ngừng lại. Sau đó một giờ đồng hồ, họ từng bước chậm tiến về phía đông của đường Trường An, rồi nổ loạt súng thứ hai. Đám đông chạy trốn khi súng nổ nhưng sau đó lại quay lại quảng trường.”
Một thông tin khác kể rằng vào khoảng 3:30 sáng, có người nhìn thấy “khoảng 36 đến 38 người bị thương được đưa đi”, ngực, lưng, bụng bị thương, thậm chí có người “đỉnh đầu bị vạt hẳn một phần”.
Một người lính trinh sát sau khi giải ngũ cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy người ta giết người như bắn chim”, “Bị bắn đều là những người dân tay không tấc sắt, giống như là bắn chim vậy. Một sĩ quan cấp úy cầm khẩu súng lục 54, hướng về phía những người dân trốn ở phía sau thùng rác xả súng, bắn từng người một, cứ hét một câu thì bắn 1 phát, lại có một người dân ngã xuống đất,” “Một người đàn ông đi xe đạp, nói rằng ông chỉ đi làm, vừa thò tay vào ngực để lấy giấy chứng nhận thì đã bị bắn một phát vào ngực, cả xe cả người đều đổ nhào.”
Câu chuyện của “Bạch y thiếu nữ”
10 năm sau, một nhân chứng tên Hình Thôn kể lại: “Vào khoảng 3:00 sáng, tôi ngồi ở trên con đường đi vào phía bắc đường Trường An thì đột nhiên nghe thấy có người lớn tiếng. Tôi mới đi về phía nam xem thử thì chỉ nhìn thấy một cô gái tóc dài mặc bộ đồ trắng đang bước những bước dài về phía binh lính giới nghiêm. Sau đó, ngay lập tức có một loạt đạn nổ, những người trúng đạn đều ngã xuống đường. Ở khoảng giữa binh lính giới nghiêm và đám đông, có khoảng 6, 7 người trúng đạn đang nằm lại. Tuy nhiên, cô gái mặc đồ trắng không bị trúng đạn và tiếp tục một mình tiến về phía binh lính. Khi cô chỉ còn cách vài mét thì một loạt đạn khác lại nổ và lần này cô gục xuống. Sau đó cô được cứu. Viên đạn trúng vào đùi của cô.”
Một nhà báo khác có mặt tại hiện trường cho biết, lúc đó ông này trốn ở gần khu vực của Bộ Công an và nhìn thấy một thanh niên mắng binh lính là “Lũ khốn!” và bị bắn chết ngay tại chỗ.
Nhà xác bệnh viện Hiệp Hòa, phòng lạnh không thể đóng được cửa
Theo một vị bác sĩ, cô giúp đưa người chết đến nhà xác của bệnh viện nhưng phòng lạnh đã đầy đến mức không đóng được cửa.
Một vị bác sĩ trên 50 tuổi của Bệnh viện Đại học Bắc Kinh cho biết, sau khi binh lính nổ súng, những người bị thương trên quảng trường Thiên An Môn đều chủ yếu được đưa đến Bệnh viện Đại học Bắc Kinh và Bệnh viện Hiệp Hòa. Nhiều lúc, xe cứu thương chở lẫn cả người bị thương và người chết. Sau đó, khi số xác người gặp nạn ở Bệnh viện Hiệp Hòa “đến hơn một trăm” thì họ quyết định rằng những người nào đã chết rồi thì không cho lên xe nữa.
Theo điều tra của bà Đinh Tử Lâm, trong số những người thương vong có một số người tra được danh tính thật như sau:
Vu Địa, 32 tuổi, kỹ sư của Sở Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời của thành phố Bắc Kinh. Anh này bị bắn lúc khoảng 2:00 sáng ở Nam Trì Tử trong lần xả súng đầu tiên. Đạn xuyên qua sườn bên trái, đâm thủng thận và gan. Lúc được đưa đến bệnh viện Hiệp Hòa, các bác sĩ đã mổ 4 lần để tìm cách cứu chữa nhưng anh này không qua khỏi.
Dương Minh Hồ, 42 tuổi, cán bộ phòng Pháp chế của Hội Xúc tiến Giao dịch Quốc tế Trung Quốc. Anh này bị bắn ở trước cửa Bộ Công An, bụng bị trúng đạn xé toạc bàng quang, được đưa đến Bệnh viện Đồng Nhân và qua đời tại đó.
Nam Hóa Thông, 31 tuổi, công nhân xây dựng ở Bắc Kinh, khoảng 5:00 sáng ngày 4/6 đi từ nhà tới đường Trường An, người nhà sau đó tìm thấy thi thể tại Bệnh viện Hiệp Hòa và thấy đạn bắn xuyên từ phía sau bả vai trái, lồng ngực bị xé toạc.
Lạc Nghi Vy, 35 tuổi, kỹ sư của Viện Nghiên cứu và Thiết kế sắt thép Bao Đầu, bị bắn ở Nam Trì Tử vào lúc rạng sáng, chết ở bệnh viện Hiệp Hòa.
Ngoài ra còn có một sinh viên Đại học Đường Sơn, Hà Bắc, bị trúng đạn tại Nam Tử Trì ở giữa đùi, sau đó được đưa đến Bệnh Viện Tích Thủy Đàm chữa trị.
(Còn tiếp)
Hồng Ngọc
Xem thêm:
- Ghi chép về vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6: “Không chùn bước!” (Phần 3)
- Tài liệu Mỹ: Ông Giang Trạch Dân liên quan đến thảm sát Thiên An Môn
- Phong trào dân chủ Gwangju và thảm sát Thiên An Môn có gì khác nhau?