16 tháng 9 2020, 14:32 +07
Một số luật sư hỗ trợ pháp lý cho 29 người làng Đồng Tâm nói với BBC News Tiếng Việt rằng còn chút hi vọng giảm án cho một số bị cáo bị tuyên tội danh ‘Giết người’ tại phiên sơ thẩm mới đây.
Trong số các bị cáo bị TAND TP Hà Nội tuyên tội danh ‘Giết người’ hôm 14/9, ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức (con trai ông Lê Đình Kình), nhận bản án Tử hình.
Cùng tội danh ‘Giết người’, ông Lê Đình Doanh (cháu ông Lê Đình Kình) bị tuyên án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu bị tuyên 16 năm tù.
Ông Công và ông Hiểu là hai người thường xuất hiện trong các video livestream bàn về giữ đất đai Đồng Tâm của Tổ Đồng Thuận.
Phản ứng dư luận trước án tử hình trong vụ xử Đồng Tâm
André Menras: ‘Vụ Đồng Tâm – Đảng CSVN từ mị dân đến coi dân là kẻ thù’
Vụ Đồng Tâm: Vì sao không thực nghiệm điều tra?
Trao đổi với BBC sau phiên xử, luật sư Hà Huy Sơn nói:
“Theo bản án sơ thẩm đã tuyên, có sự vô lý ở chỗ các hành vi của ông Bùi Viết Hiểu và ông Lê Đình Công không liên quan đến tội giết người.”
“Do đó, phải chăng họ bị kết tội giết người là do có vai trò tích cực trong Tổ Đồng Thuận trong quá trình khiếu kiện đất đai. Như vậy hành vi của họ có chăng chỉ là chống người thi hành công vụ thôi, như thế phải chuyển tội danh, như thế mức án của họ sẽ thấp hơn.”
“Chỉ cần căn cứ vào hồ sơ cũng có thể thấy điều đó. Đây cũng là một hi vọng để tòa sẽ chuyển tội danh thấp hơn cho hai ông Hiểu và Công.”
Riêng với ông Chức, luật sư Hà Huy Sơn nhận định rằng lời khai của ông này trong phiên sơ thẩm ‘không hợp lý’, do đó nếu ở phiên phúc thẩm ông Chức chịu khai thật thì hi vọng ông có thể cứu được chính ông khỏi án tử hình:
”Trong phiên sơ thẩm, tôi nhận thấy lời khai của ông Chức không hợp lý ở chỗ: ông ấy khai nhiều lần đổ xăng ra chậu để hắt xuống hố. Như thế rất vô lý vì lửa sẽ hắt vào chính ông ấy, không thể thực hiện được hành vi này.”
“Hi vọng là ông Lê Đình Chức sẽ khai thành thật trong phiên phúc thẩm.”
“Tôi nghi vấn rằng ông Chức có thỏa thuận gì đó với cơ quan điều tra để mà nhận những hành vi như vậy để cứu anh em trong gia đình.”
“Nếu ông Chức khai thật ở cấp phúc thẩm thì có thể cứu chính bản thân ông ấy,” luật sư Hà Huy Sơn nói.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng nói với BBC News Tiếng Việt rằng có ‘hi vọng lớn’ cho ông Công, còn ông Chức thì ‘không dám chắc’.
Ông Tuấn lý giải: “Có sự liên quan giữa cái chết của các chiến sỹ với hành vi của ông Chức, nhưng các luật sư chúng tôi còn phải xem xét kỹ để đánh giá sự liên quan đó ở mức độ nào.”
“Trong khi đó, ông Công thì hoàn toàn không có hành vi nào liên quan trực tiếp đến cái chết của ba công an. Nếu tòa không chứng minh được tính có tổ chức của việc này – việc ông Công bàn bạc để giết những người này – thì không thể nói rằng ông Công là người chỉ đạo việc viết người. Chỉ có thể nói là ‘chống người thi hành công vụ’.”
Ngoài ra, những bị cáo như Nguyễn Văn Tuyển, Bùi Viết Hiểu (cùng bị tuyên tội danh ‘Giết người’) liên quan đến hành vi khác chứ không liên quan đến hành vi giết người, nên bắt những người này chịu cùng tội với hai ông Công, Chức là không hợp lý.”
Luật sư Tuấn cũng cho BBC hay các luật sư bào chữa cho 29 bị cáo Đồng Tâm vẫn còn nhiều hồ sơ, chứng cứ chưa công bố hết, và sẽ công bố trong phiên phúc thẩm.
Ông Chức đổi lời khai khi ra trước tòa
Luật sư Lê Văn Hòa, người trực tiếp bào chữa cho bị cáo Lê Đình Chức, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Trước phiên tòa, khi tôi gặp bị can Chức ở trại tại giam, ông Chức hoàn toàn phản đối bản kết luận điều tra và bản cáo trạng về việc ông nhiều lần đổ xăng ra chậu và đổ xuống hố để thiêu chết ba công an.”
“Ông Chức nói ông không đổ xăng ra chậu và “dùng chậu đổ 3-5 lần xuống hố, cứ 3-5 phút thì đổ một lần” như trong cáo trạng. Ông nói ông chỉ rót xăng ra hai nắp can, rồi hắt xuống hố. Ông Chức cũng nói ông nghe bị can Hải nói rằng có người dưới hố, nhưng bản thân ông không nhìn thấy và cũng không nghe tiếng người, chỉ thấy có lửa cháy.”
“Thế nhưng khi ra tòa, ông Chức và một số bị cáo khác làm các luật sư chúng tôi rất bất ngờ, vì họ nhận tội và thể hiện như là mình có lỗi,” luật sư Hòa kể lại.
Về quá trình tiếp xúc với ông Chức trước phiên tòa, luật sư Hòa nói với BBC rằng mỗi lần ông chỉ được trao đổi với ông Chức khoảng 30 phút. Cuộc tra đổi ngắn ngủi diễn ra sau vách ngăn bằng kính, và luôn có hai cảnh sát ngồi kèm.
“Trong suốt nửa tiếng đó, tôi chỉ được động viên tinh thần ông chức, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ bị can. Tôi cũng hỏi được ông một chi tiết quan trọng là cơ chế hình thành vết thương trên đầu ông là do đâu (ông Lê Đình Chức bị thương nặng, bị vạt gần hết một nửa hộp sọ bên phải). Ông Chức có nói rằng để tránh đạn, ông chạy qua nhà hàng xóm là Lê Đình Hợi. Nhưng vừa chạy tới nơi thì nghe một tiếng nổ lớn. Sau đó ông không biết gì nữa, và cũng không biết vì sao mình bị thương.”
“Các cảnh sát có mặt luôn gây khó khăn cho không chỉ tôi, mà mọi luật sư, trong việc tiếp xúc với các bị can. Họ không cho các luật sư thực hiện đúng chức trách của mình. Hỏi cái gì sâu hơn là họ ngăn không cho hỏi. Tôi cũng không thể hướng dẫn, dặn dò ông Chức cần nói gì khi ông ra tòa, vì bị hai cảnh sát ngăn cản,” luật sư Hòa nói với BBC.
Cần tiếp tục kiến nghị điều tra vụ giết ông Kình
Luật sư Hà Huy Sơn cho hay hiện gia đình các bị cáo không được thăm, gặp họ trong trại giam. Do đó để tiếp tục nỗ lực làm sáng tỏ nhiều vấn đề được cho là vô lý hay thiếu sót trong kết luận điều tra, hi vọng giảm án cho các bị cáo, người nhà có thể tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan chức năng liên quan.
“Theo tôi trước mắt gia đình ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức có thể tập trung vào việc kiến nghị điều tra hành vi cho rằng ông Lê Đình Kình bị giết trái pháp luật và nên chăng tự làm thực nghiệm diễn biến vụ án theo cáo trạng.”
“Ví dụ việc đốt xăng như thế thực hiện được hay không? Có thể dùng con vật như trâu, bò quẳng xuống hố có kích thước tương tự như cái hố trong vụ án.”
Vụ Đồng Tâm: ‘Đảng CSVN cần xét lại chiến lược truyền thông của nhà nước’
Vụ án Đồng Tâm: Nhà nước VN sẽ lại thắng người dân?
Đồng Tâm: Tuyên án tử hình ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức
“Có đốt được hay không, đấy cũng là một bằng chứng thuyết phục. Còn các thủ tục kháng cáo khác như đơn từ thì phụ thuộc vào chính người bị kết án. Họ mà không muốn kháng cáo thì cũng không có ai làm gì thay được.”
“Tại tòa tôi cũng đã đặt vấn đề phải thực nghiệm điều tra lại hành vi của các bị cáo, xem ba công an bị cháy là do nguyên nhân gì. Điều đó cấp sơ thẩm tòa đã từ chối rồi, không biết phúc thẩm tòa có từ chối hay chấp nhận.”
Ngoài ra, theo luật sư Hà Huy Sơn, người nhà có thể yêu cầu công khai kế hoạch của Công an TP Hà Nội tiến quân vào làng Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020 để làm công vụ gì. Việc này trong phiên tòa các luật sư đã kiến nghị rội nhưng tòa không chấp nhận.
“Riêng với vụ việc ông Kình được cho là bị giết hại, gia đình có thể làm đơn tố giác lên các cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác minh. Cái này vợ ông Kình là bà Dư Thị Thành đã có đơn tố giác lên Bộ Công an rồi nhưng người ta đều từ chối. Gia đình có thể tiếp tục kiến nghị, làm đơn khiếu nại đến viện kiểm sát các cấp, hoặc có thể kiến nghị lên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc kiến nghị lên Chủ tịch nước.”
Luật sư Lê Văn Hòa cũng cho chung ý kiến này. Ông cho rằng cần làm rõ ba điều mà các luật sư đã kiến nghị với tòa, bao gồm: làm rõ kế hoạch công an vào Đồng Tâm có phải công vụ hay không; thực nghiệm điều tra cái chết của ba công an; điều tra làm rõ cái chết của ông Lê Đình Kình.
“Nếu ba yếu tố này được thực nhiệm khoa học, chuẩn xác, có sự giám sát của cơ quan chức năng và sự hiện diện của các luật sư, thì hoàn toàn có hi vọng giảm án, thay đổi tội danh cho các bị cáo. Vì hiện thời ba yếu tố này trong cáo trạng điều tra chưa khách quan. Dẫn tới việc kết tội giết người là thiếu cơ sở, không tâm phục khẩu phục,” luật sư Hòa nói với BBC.
Đơn tố cáo của bà Dư Thị Thành
Trong một diễn biến mới đây, bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, đã gửi ‘Đơn Tố cáo khẩn cấp’ tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân và Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tố cáo ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã gọi chồng bà là “cường hào ác bá mới”.
“Khi ông Xô phát ngôn này, chồng tôi vẫn chưa bị khởi tố với bất kỳ tội danh nào, và khi chồng tôi bị giết thì ông ấy vẫn là một đảng viên chưa hề có tiền án tiền sự nào.”
“Ông Tô Ân Xô đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã xúc phạm đến vong linh người đã khuất là ông Lê Đình Kình.”
“Trong khi đơn tố cáo ‘Tội giết người’ mà tôi gửi các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa được ai giải quyết điều tra kẻ giết chồng tôi thì nay ông Xô lại tiếp tục xúc phạm chồng tôi,” lá đơn ký tên bà Thành viết.
Luật sư Ngô Anh Tuấn xác nhận với BBC rằng có sự việc bà Dư Thị Thành gửi đi đơn tố cáo này.
Bước đầu để ‘minh oan’ cho các bị cáo Đồng Tâm?
Trong khi đó, luật sư Phùng Thanh Sơn đề xuất bốn bước đầu tiên để ‘minh oan’ cho các bị cáo Đồng Tâm trên Facebook cá nhân.
Thứ nhất, người nhà của ông Lê Đình Kình cần thuê đơn vị có chức năng tiến hành đo vẽ lại bản thiết kế chi tiết nhà của ông và các căn nhà xung quanh;
Thứ hai, chụp lại hình ảnh và quay video để thuyết minh bản vẽ cho người đọc dễ theo dõi về bản thiết kế này.
Thứ ba, đăng tải công khai bản vẽ chi tiết, hình ảnh, video và bản cáo trạng hoặc kết luận điều tra vụ án Đồng Tâm lên mạng xã hội để các YouTuber trong và ngoài nước có đầy đủ thông tin để dựng lại hiện trường khi điều kiện cho phép.
Thứ tư, các YouTuber có thể livestream toàn bộ quá trình thực nghiệm điều tra đó cho người dân theo dõi.
Tuy nhiên, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng đi sâu vào vấn đề đất đai ở Đồng Tâm hiện không giải quyết được gì trong vụ án. Nếu gia đình các bị cáo có muốn chứng mình thêm điều gì đất đai Đồng Tâm thì việc này chỉ có tác động đến dư luận chứ không có tác động được gì về mặt pháp luật, do trong bản án này các bị cáo bị tuyên tội ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’ xảy ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020, trong đó đất đai chỉ là một nguyên nhân dẫn đến vụ việc này.
Cũng theo luật sư Hà Huy Sơn, các tổ chức quốc tế quan tâm tới nhân quyền nên trực tiếp liên hệ với gia đình các bị cáo để giúp đỡ, vì họ đều là nông dân, không có đủ kiến thức và mối quan hệ để tìm tới các tổ chức này.
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Trong phiên sơ thẩm ngày 14/9, tòa xác định ông Công là chủ mưu, và ông Chức là người ‘nhiều lần đổ xăng thiêu sống ba cảnh sát’, nên dù bị cáo ‘ăn năn hối cải’ nhưng ‘tòa thấy cần phải loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội’.
Cùng ngày, trước khi tòa tuyên án, báo Công an Nhân dân đăng bài viết về “Âm mưu chính trị và ‘bẻ lái’ vụ Đồng Tâm”. Bài báo trích dẫn phát biểu của ôn Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phản đối bản án tử hình. Bài viết bình luận rằng đây là ‘những thông tin phiến diện về tình hình vụ án, gây tác động tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bài báo cũng dẫn ra các tờ báo quốc tế đưa tin về Đồng Tâm, cho rằng vụ án bị ‘chính trị hóa’, ‘quốc tế hóa’. “nhằm tạo ra một bức tranh phiến diện, đen tối về tình hình chính trị – xã hội tại Việt Nam; bôi nhọ, hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.
“Với những hành vi phạm tội nghiêm trọng đã thực hiện, các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm chắc chắn sẽ phải đối mặt với những hình phạt tương xứng. Không một ai, không một lý do nào có thể bao biện cho hành vi phạm tội của các đối tượng,” tờ báo kết luận.