Tại Hội nghị trung ương 5 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10 tháng 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Uỷ viên Bộ Chính trị. Ông Thăng sau đó phải thôi chức Bí Thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được điều động về làm Phó Ban Kinh tế Trung ương.
Cách xử lý kỷ luật này được dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến sai phạm trong quá khứ của ông Đinh La Thăng khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những bàn luận xung quanh hình thức xử lý một lãnh đạo bị “thất sủng” như nhà nước Việt Nam thường áp dụng.
Thất sủng
Quyết định kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương đối với ông Đinh La Thăng đã dẫn đến rất nhiều những tranh luận, bàn cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, liên quan đến cá nhân ông Đinh La Thăng và hình thức xử lý kỷ luật.
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất cho biết trong dư luận có những ý kiến về việc thuyên chuyển ông Đinh La Thăng về làm phó ban Kinh tế Trung ương.
“Cái sai phạm của ông Đinh La Thăng đến mức phải tước cái Uỷ viên Bộ chính trị là sai phạm về mặt kinh tế, điều hành kinh tế khi là chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Thế mà bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thì không biết ổng điều hành kinh tế cái gì? Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế Trung ương? Đó là điều khó hiểu”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Giám đốc Viện Nghiên Cứu Phát triển (IDS) đã giải thể, có ý kiến hoàn toàn khác. Trước tiên, ông đưa ra nhận xét ở một khía cạnh được cho là “bên ngoài”, tính đến tính hiệu quả, nếu có, của việc thuyên chuyển Đinh La Thăng.
Bây giờ lại điều ổng về làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương…Không lẽ sai phạm về mặt kinh tế lại đưa ra làm tham mưu về mặt chính sách của kinh tế Trung ương?
– Blogger Trương Duy Nhất
“Những người mà được gọi là bị thất sủng thì được nhồi vào các ban, bệ thực sự là vô thưởng vô phạt, có tính chất nghiên cứu. Còn tôi nghĩ rằng nếu ông Thăng là một người thông minh, có kinh nghiệm về kinh tế, thì tôi nghĩ làm phó ban kinh tế Trung ương, ông ấy có thể có nhiều ý tưởng hay ho?”
Vấn đề này được blogger Trương Duy Nhất gọi là cách bố trí nhân sự lâu nay trong Đảng.
“Cứ ông nào nếu thất sủng, mà hàm ở cấp cao, không biết đẩy vào đâu thì cứ nhét vào cái hàm phó ban của các bang đảng nào đó, vô thưởng vô phạt, như ban Dân vận, ban Kinh tế Trung ương.
Khi ông Đinh La Thăng về đó, về quyền lực thì thật sự chẳng có quyền lực nào cả. Ngồi chơi xơi nước.”
Ban Kinh tế Trung ương được thành lập với vai trò là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Nhưng theo ý kiến của blogger Trương Duy Nhất, vai trò và tiếng nói của ông Bình vốn đã không được mạnh, thì hiện tại với vị trí ‘Phó ban’ của ông Đinh La Thăng càng “nhạt nhoà’ hơn.
Blogger Trương Duy Nhất cũng nói đến trường hợp thuyên chuyển ông Nguyễn Bá Thanh từ Bí thư thành ủy Đà Nẵng ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương năm 2012 khi Bộ Chính trị quyết định lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương. Blogger Trương Duy Nhất cho rằng hai sự thuyên chuyển của ông Thăng và ông Thanh là hoàn toàn khác nhau
“Trường hợp Đinh La Thăng là trường hợp bị kỷ luật và thất sủng và đưa về cái ban kinh tế, vai trò của ban kinh tế đã yếu, lại làm phó ban thì vai trò ông Thăng gần như số o.
Ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó khác. Ông được đưa ra làm Trưởng ban nội chính, kiêm phó ban thường trực của Uỷ ban phòng chống tham nhũng Trung ương Đảng. Quyền lực ông Thanh lúc đó rất to.”
Đường lối kinh tế của Đảng
Sau khi cho rằng “đây là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá nội bộ vốn dĩ đã có từ rất lâu” thì Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A bày tỏ việc buộc tội Đinh La Thăng là những “vấn đề nằm ở trên ngọn”.
“Tất cả những cái sai lầm hoặc những thất thoát mà ông ấy đã gây ra là do ông ấy đã thực hiện đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hay nói cách khác là cái nguyên nhân sâu xa để gây ra những lỗi lầm của ông Thăng, không phải là bản thân ông Thăng mà là đường lối của Đảng Cộng sản, mà những người to hơn ông Thăng rất nhiều đã xác định từ lâu rồi, mà ông Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhân vật chính.”
Phát triển các tập đoàn kinh tế, lấy đó làm “quả đấm thép” và cho rất nhiều ưu ái để phát triển, là đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đề cập.
“Ông Thăng chỉ là 1 người thừa hành, thực hành đường lối ấy mà thôi.”
“Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang.”
Đối với quan điểm của ông, đấy là cái chính dẫn đến thất bại không phải chỉ riêng Đinh La Thăng mà ở tất cả tập đoàn khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì với đường lối chính sách hiện tại của Đảng cộng sản thì không có ông Thăng này cũng có ông Thăng khác vì ông Thăng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại ở một tổng công ty nhà nước.
Khi rơi vào một bộ máy, một hệ thống như thế này thì có thể bản thân hệ thống nó làm tha hoá những người rất tử tế, rất thông minh, rất giỏi giang.
– Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi bế mạc Hội nghị trung ương 5, “ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ” trong thời kỳ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam”
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có đề cập đến việc ông Thăng lấy tiền của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương rồi mất vốn vì ngân hàng này làm ăn thua lỗ. Số tiền bị tổn thất trong vụ rót vốn này lên đến 800 tỷ đồng.
Blogger Trương Duy Nhất cho rằng việc kỷ luật và hình thức kỷ luật đối với Đinh La Thăng là “thể hiện một quyết tâm sắt đá của ông Nguyễn Phú Trọng” đối với sai phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng nói riêng và tập đoàn PVN nói chung. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra một dấu hỏi:
“Nếu hồi tố trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong giai đoạn làm chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam thì cũng trong thời điểm đó, trách nhiệm của những cá nhân khác đối với nền kinh tài của quốc gia, rồi đối với những đổ bể của các tập đoàn kinh tế lớn khác cũng không thua kém như đổ bể của Vinashin, Vinaline?”
Vụ án Vinashin là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng. Một loạt các quan chức của Vinashin bị đưa ra xét xử với tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Trong khi đó, vụ án Vinalines với, thông qua thương vụ mua ụ nổi 83M đã hư hỏng nặng. Ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 336 tỷ đồng.
Con đường quan lộ của ông Đinh La Thăng, người có những phát ngôn táo bạo như: “giành lại ngôi vị Hòn Ngọc Viễn đông” cho Sài Gòn, hoặc lập đường dây nóng để nghe bức xúc của người dân… khi là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh chính thức kết thúc sau 1 năm rưỡi, vào chiều ngày thứ Hai, 10 tháng 5.
Tuy nhiên, với quan sát của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông cho rằng cái chính của hình thức thuyên chuyển Đinh La Thăng là kết quả của “cuộc đấu đá không triệt để lắm” và nó sẽ khó có kết thúc thoả đáng vì theo ông, “triệt để lắm thì nó vỡ mất cái bình” theo đúng lời mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước kia về chiến dịch chống tham nhũng của đảng cộng sản là ‘đánh chuột chánh vỡ bình’.