Nhân chuyện blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) gần đây bị tống sang Mỹ, tôi thấy khá nhiều người nói chị Quỳnh đấu tranh chỉ để đi Mỹ. Ðó không phải là lần đầu tiên—đây là một luận điệu tôi đã thấy rất nhiều. Bài viết này sẽ là câu trả lời.
Thứ nhất, không phải ai đấu tranh cũng được đi Mỹ.
Ông Phạm Thanh Giao có một danh sách những người bị bắt trong năm 2017 và bị xử tù theo tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”:
- Nguyễn Văn Hóa bị bắt 8/1/2017 (7 năm tù),
- Nguyễn Văn Oai 19/1/2017 (6 năm tù),
- Trần Thị Nga 21/1/2017 (9 năm tù),
- Đoàn Thị Bích Thủy 16/2/2017 (3-6 năm tù),
- Trương Thị Thu Hằng 16/2/2017 (3-6 năm tù),
- Phạm Long Đại 16/2/2017 (3-6 năm tù),
- Trần Thị Bích Ngọc 16/2/2017 (3-6 năm tù),
- Nguyễn Văn Nghĩa 16/2/2017 (12 năm tù),
- Nguyễn Văn Tuấn 16/2/2017 (12 năm tù),
- Nguyễn Thanh Quang 16/2/2017 (14 năm tù),
- Tạ Tấn Lộc 16/2/2017 (14 năm tù),
- Huỳnh Hữu Đạt 20/2/2017 (13 năm tù),
- Vũ Quang Thuận 3/3/2017 (8 năm tù),
- Nguyễn Văn Điển 3/3/2017 (6.5 năm tù),
- Bùi Hiếu Võ 17/3/2017 (4.5 năm tù),
- Phan Kim Khánh 21/3/2017 (6 năm tù),
- Nguyễn Tấn An 30/4/2017 (5 năm tù),
- Nguyễn Ngọc Quý 30/4/2017 (4 năm tù),
- Huỳnh Thị Kim Quyền 30/4/2017 (4 năm tù),
- Nguyễn Thanh Bình 30/4/2017 (3 năm tù),
- Phạm Văn Trọng 30/4/2017 (3 năm tù),
- Hoàng Đức Bình 15/5/2017 (14 năm tù),
- Nguyễn Văn Thượng 18/5/2017 (6 năm tù),
- Nguyễn Nhật Trường 18/5/2017 (6 năm tù),
- Vương Thanh Thuận 18/5/2017 (7 năm tù),
- Vương Văn Thả 18/5/2017 (12 năm tù),
- Nguyễn Hoàng Nam 27/6/2017 (4 năm tù),
- Trần Hoàng Phúc 29/6/2017 (6 năm tù),
- Lê Đình Lượng 24/7/2017 (chưa có án),
- Bùi Văn Thâm 26/7/2017 (6 năm tù),
- Bùi Văn Trung 26/7/2017 (6 năm tù),
- Phạm Văn Trội 30/7/2017 (7 năm tù),
- Nguyễn Bắc Truyển 30/7/2017 (11 năm tù),
- Nguyễn Trung Tôn 30/7/2017 (12 năm tù),
- Trương Minh Đức 30/7/2017 (12 năm tù),
- Nguyễn Trung Trực 4/8/2017 (12 năm tù),
- Nguyễn Văn Túc 1/9/2017 (13 năm tù),
- Nguyễn Viết Dũng 27/9/2017 (7 năm tù),
- Đào Quang Thực 5/10/2017 (14 năm tù),
- Trần Thị Xuân 17/10/2017 (9 năm tù),
- Nguyễn Nam Phong 28/11/2017 (2 năm tù),
- Vũ Văn Hùng 4/1/2018 (1 năm tù),
- Nguyễn Trung Lĩnh 26/5/2018 (chưa có án),
- Lê Anh Hùng 5/7/2018 (chưa có án),
- *Nguyen Jamse Han,
- *Phan Angle,
- *Đỗ Tài Nhân,
- *Trương Nguyễn Minh Trí,
- *Võ Hoàng Ngọc,
- *Đỗ Quốc Bảo,
- *Trần Tuấn Tài,
- *Trần Văn Vinh,
- *Trần Quang Vinh,
- *Nguyễn Hùng Anh,
- *Nguyễn Văn Chánh,
- *Đỗ Thị Thuỳ Dung. * là danh sách 12 người bị xử vào ngày 24/8/2018 với tội danh người của tổ chức Đào Minh Quân, âm mưu lật đổ chính quyền, tổng cộng là 113 năm tù.
- Lê Quốc Bình 28/8/2018 (người của tổ chức Việt Tân, chưa có án).
- Đỗ Công Đương 21/9/2018 (4 năm tù),
- Nguyễn Văn Quang (chưa có án),
- Trương Hữu Lộc (chưa có án),
Còn trong khoảng thời gian tháng 10-12/2016:
- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10/10/2016 (10 năm tù), mới được thả và đưa sang Mỹ ngày 17/10/2018.
- Hồ Văn Hải 3/11/2016 (3 năm tù)
- Nguyễn Văn Đức Độ, 5/10/2018 (15 năm tù),
- Phan Trung tức Thích Nhật Huệ, 5/10/2018 (8 năm tù),
- Nguyễn Quốc Hoàn, 5/10/2018 (13 năm tù),
- Nguyễn Văn Tèo, (chưa có án)
- Trần Linh, (chưa có án),
- Từ Công Nghĩa, 5/10/2018 (10 năm tù),
- Lưu Văn Vịnh, 5/10/2018 (15 năm tù),
- Nguyễn Danh Dũng, (chưa có án).
Thời gian gần đây, một số người ở Việt Nam bị bắt về tội danh “sử dụng facebook để bôi nhọ chế độ”, tính từ đầu tháng 8 năm nay:
- Bùi Mạnh Đồng Cần Thơ (30 tháng tù),
- Đoàn Khánh Vinh Quang (27 tháng tù),
- Nguyễn Hồng Nguyên (2 năm tù),
- Trương Đình Khang (1 năm tù).
Ngoài ra, ông Giao cũng nói còn khoảng 20 người bị bắt từ cuối năm 2017 đến nay, chưa nắm rõ tin tức nên chưa được cập nhật.
Danh sách trên chỉ là ví dụ cho từ cuối năm 2016 đến nay. Nếu nhìn lại chung tất cả những người từng tham gia biểu tình, viết blog, lên tiếng về tình trạng nhân quyền, vấn đề môi trường, dân oan… có bao nhiêu người được đi Mỹ, Ðức, Pháp, hoặc nước ngoài nói chung? Và bao nhiêu người phải đi tù, mất hết mọi thứ, mất việc học hoặc sự nghiệp, mất gia đình… và tiếp tục bị đàn áp ở Việt Nam?
Thứ hai, có nhiều cách khác để đi Mỹ hoặc đi nước ngoài như du học, đi làm, kết hôn, đi do gia đình bảo lãnh… Có nhiều người chọn cách làm hôn thú giả, đi du lịch rồi tìm cách ở lại, đi du lịch khi đang mang thai và sinh con ở đó rồi ở lại theo con v.v.
Luận điệu “đấu tranh để đi Mỹ” không chỉ phỉ báng những người đã lên tiếng và ngồi tù và sang Mỹ tỵ nạn, nhưng cũng là cái tát với rất nhiều người khác đang đấu tranh ở Việt Nam. Tất nhiên tôi biết có những người cơ hội, chỉ viết vài bài vu vơ hoặc làm vài livestream video, không mấy ai biết tới, đã xin quy chế tỵ nạn chính trị và bảo nếu về Việt Nam mình sẽ bị giết v.v. Nhưng tôi cho đó không phải là số đông. Ở Việt Nam, ai cũng biết, một khi đã dấn thân vào con đường đấu tranh, lên tiếng chỉ trích nhà nước và nói về vấn đề nhân quyền, cái giá phải trả là rất cao. Nhẹ thì mất việc, mất đường sống, bị gây áp lực và không được đi học, mất sự nghiệp, mất bạn bè và một số quan hệ; nặng thì bị đánh chấn thương hoặc phải ngồi tù. Nhà tù ở Việt Nam ai cũng biết, chẳng dễ dàng gì; làm tù chính trị còn khốn nạn hơn. Nhưng cũng không nhất thiết phải đi tù mới là trả giá đắt—chỉ cần nhìn nhà báo Ðoan Trang, bị đánh thành tàn phế, phải dùng nạng, và gần đây bị đánh liên tục vào đầu đến chấn động não.
Thứ ba, không phải ai cũng muốn đi Mỹ hoặc đi nước ngoài nói chung, và không phải ai cũng muốn đi tỵ nạn.
Có người muốn sống ở Việt Nam vì dù gì đi nữa vẫn là đất nước mình, quê hương mình, xung quanh có người Việt, thức ăn Việt, có gia đình, bạn bè, sự nghiệp. Có người muốn ở lại làm chính trị.
Với những người đã sang nước khác tỵ nạn, không phải ai cũng muốn đi. Thông thường họ đi vì hoàn cảnh, vì muốn tốt cho con cái, vì không còn đường sống, hoặc vì phải chọn giữa đi nước ngoài và tiếp tục ngồi thêm 5-7 năm trong tù. Thực tế, không mấy ai muốn sang nước khác khi không còn trẻ, phải bắt đầu lại từ đầu, bỏ hết sự nghiệp và bạn bè, bỏ quê hương, bắt đầu cái mới, thậm chí phải học lại một ngôn ngữ mới. Việt Nam là một nước độc tài, không có tự do và nhân quyền, lại là xã hội đầy tham nhũng; nhưng đi nước khác đôi khi cũng là một giá đắt để trả, đặc biệt khi họ không còn trẻ, và tới một nơi không có cộng đồng Việt lớn như ở California.
Hơn nữa, làm tỵ nạn chính trị cũng có cái bi kịch của nó. Chẳng hạn như không được về Việt Nam khi chưa có quốc tịch (hay ít nhất, đó là luật ở Na Uy). Tôi sang Na Uy năm 2009, nhiều năm đầu không được về, tới lúc có thể thì chưa có điều kiện. Tới bây giờ đã 9 năm, thấy mình đã đi quá lâu—không thuộc về Anh, không thuộc về Na Uy, nhưng cũng biết tới khi về Việt Nam tôi sẽ cảm thấy xa lạ như mình không còn thuộc về Việt Nam nữa.
Quay lại luận điệu “đấu tranh để đi Mỹ”, xét ra, nếu ai đó thực sự đấu tranh để đi Mỹ (tôi không nói chị Quỳnh) ít nhất họ đã lên tiếng, đã viết blog/viết báo, đã tham gia biểu tình, đã phê phán chính sách của nhà nước cộng sản, đã nói về tình trạng thiếu tự do và nhân quyền ở Việt Nam, đã cung cấp thông tin cho người không biết (và đã chịu mất mát), trong khi rất nhiều người khác im lặng, không dám làm gì. Thế thì hóa ra họ cũng đã làm gì đó tốt rồi; dù mục đích sâu xa là gì chăng nữa, họ cũng đã góp thêm tiếng nói cho phong trào dân chủ khi nhiều người khác không dám.
Cái buồn cười là, trong những người nói chị Quỳnh hoặc những người khác đấu tranh để đi Mỹ, tôi thấy không ít người chưa từng dấn thân hay trả giá gì cả. Và nếu ở Việt Nam, có lẽ họ sẽ không bao giờ dám làm những gì chị Quỳnh đã làm.
DN
Anh Quốc