Đất nước của những cô hồn?

    0
    56

    Nhật Phong, 06/09/2017.
    Rằm tháng 7 và lễ xá tội vong nhân
    Có nhà văn nói “Thói quen sinh ra tục lệ; Tục lệ sinh ra truyền thống; Truyền thống sinh ra Văn hóa”. Nếu ai nói với tôi rằng, nước Việt mình ngàn năm văn hiến. Thì thật là tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Vì đúng là nước thì ngàn năm văn hiến mà người thì vẫn không thoát kiếp nô lệ, lầm than, mê muội. Vậy thì cớ làm sao?. Vẫn biết rằng ai cũng cần có một chút niềm tin và sự tự tôn để sống và để biết rằng mình cao quí hơn những loài vật khác. Thế mà, sống ở thời đại này, đất nước này, sao mà bấu víu vào một chút gì được để biết mình là con người lại khó đến vậy?Rằm tháng 7, lễ xá tội vong nhân, trước nay vẫn được coi là một lễ lớn trong truyền thống tín ngưỡng của người Việt và người Hoa trong năm. Thời điểm mà những linh hồn, ngọa quỉ vất vưởng chốn trần ai đọa đày, những linh hồn mắc kẹt lại giữa cõi vô minh có dịp được sự hồi hướng phước lành, cầu xin ơn trên giải thoát. Người sống thì bày tỏ lòng thành bằng việc cúng lễ chu đáo. “Trần sao, âm vây” như cách người sống quan niệm và cố lo cho người thân dưới HoàngTuyền được hưởng những vật chất mà trên trần giao ao ước. Nào thì xe sang, điện thoại, nhà lầu, tiền bạc…không gì là không nghĩ ra để mà thỏa cái dục vọng của trần gian chưa được toại nguyện. Quan niệm người sống, thói quen trong tín ngưỡng trở thành truyền thống lâu đời từ trong tâm thức của người Hoa rồi ảnh hưởng đến các dân tộc trong vùng Đông Nam Á, nơi mà họ du nhập đến trong quá trình lịch sử di cư.

    Ghé qua chùa Vĩnh Nghiêm thắp hương, thấy mâm cao cỗ đầy, người xe như nêm, cúng bái xì xụp, tiền vàng như núi, chiêng mõ, cờ quạt rợp trời. Thấy cặp lư hương đúc bằng đồng khổng lồ ở ngoài sân, nghe nói của ngài Chủ tịch tiến cúng có giá cả triệu Mỹ kim. Thiên hạ tha hồ ngắm nghía, ngưỡng mộ. Đúng là báu vật của ngài “Đại tướng” có khác! Phước đức quá! Cổng chùa thì vô vàn ăn xin, rách rưới, mấy người dân bán mấy thứ vàng mã, hương nhang bị dân phòng đuổi quá trời. Dân tình chạy tứ tán, mặt mày ai lấy xanh xao hốc hác. Mấy người tàn tật cố mong bán nốt tập vé số cuối ngày. Thầm nghĩ, không biết 1 triệu mỹ kim của ngài chủ tịch qui ra thóc thì được bao nhiêu? Chắc nhiều lắm!
    Có việc đi qua đường Phùng Hưng, quận 5, tận mắt chứng kiến một cảnh tượng mà nghĩ rằng chỉ có trong những bộ phim hư cấu như “Xác sống” của Holywood được tái diễn. Có đến cả ngàn người chầu trực trước cửa những tiệm buôn người Hoa kiều, rất nhiều thanh niên chuẩn bị cả lưới vợt rất chuyên nghiệp. Người Hoa thường cúng rằm tháng 7 to lắm, cúng xong họ tán lễ bằng cách quăng tiền và vật phẩm xuống dưới đường. Chỉ đợi đến lúc đó, cả bầy người lao vào tranh cướp, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để dành lấy những mớ tiền lẻ được tung xuống. Một cảnh tượng thật kinh hoàng, náo loạn, tắc nghẽn. Người bị dẫm đạp thì kêu khóc. Người bắt được tiền thì cười rú lên. Cả ngàn người như trong một cơn điên dại tập thể, hăng say cướp giật. Những người chủ người Hoa thì đứng trên cao cười hoan hỉ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Cảm giác vừa kinh sợ, hãi hùng, vừa hổ thẹn đến uất ngẹn. Lúc trước đây, từng đọc những bài viết trên mạng xã hội về những buổi phát ấn ở đền Trần, hay những buổi buffet miễn phí trở thành những buổi cướp giật của bầy người Việt nhưng chưa từng tận mắt chứng kiến để thấy nó khủng khiếp ra sao. Nhìn thấy ánh mắt của những người Hoa từ trên những ban công trông xuống đám người Việt đang lao vào nhau giành giật những đồng tiền lẻ. Thấy tê tái, tủi nhục thay cho bầy Con Rồng Cháu Tiên mà mình cũng dự phần trong đó.
    Đến những vấn đề người Hoa ở Việt Nam
    Người viết bài này chẳng có ý gì nói về cái truyền thống tín ngưỡng bấy lâu của cả người Hoa và người Việt. Cũng không đủ kiến văn để nói về cội nguồn truyền thống đó. Thậm chí nói về người gốc Hoa ở Việt Nam, quan điểm của người viết vẫn rất “nể” họ. Tâm lý sợ Hoa, bài Hoa thực ra rất phổ biến ở tất cả các dân tộc Châu á và thậm chí cả Châu Âu và Mỹ. Người Hoa ở khắp gầm trời. Viết về họ, câu nói hay nhất của tiên sinh Đào Trinh Nhất – một nhà báo và nhà văn ngoại hạng đầu thế kỷ 20 đã phải nói trong tác phẩm “Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” như sau:
    Người Hoa có một cái tài, không tội ác nào mà không dám làm. Mà đứng đầu là thích lập bang hội kín, mà hội kín phàm là đem tư lợi cho một nhóm người mà tổn hại đến Công lý của xã hội”.
    Thật là đúng lắm. Gần 100 năm sau, ở Mỹ, tác giả “Death by China” Peter Navarro đã phải nhắc lại điều đó hay sao?
    Xét về nguồn gốc của người Hoa ở xứ ta, cũng cần có một nhận định thật khách quan. Vì xét về phương diện nào thì họ cũng đã là một lực lượng đáng kể. Người Hoa kiều vào xứ Đàng Trong từ thế kỷ 17, theo bước chân Nam tiến của Chúa Nguyễn. Trước nay, trong sử sách thường nhắc đến họ với tên gọi là Khách trú, hàm ý chung cho dân Hoa Kiều phiêu dạt xuống phương Nam dù là tộc nào? Tiều, Hẹ, Quảng…thì cũng là Khách trú chứ ko phải là chủ nhân của đất này. Lúc trước, là những đoàn quân “phản Thanh phục Minh”, chạy nạn chính trị do tổng binh Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch xin chúa Nguyễn cứu giúp. Công bằng mà nói, thì chính họ là những người góp công lớn trong công cuộc mở rộng bờ cõi phương Nam của chúa Nguyễn và xây dựng nên những nền tảng vật chất, văn hóa cho vùng Gia Định, Đồng Nai, Biên Hòa, Vĩnh Long, Kiên Giang ngày này. Mấy trăm năm sau, họ đã trở thành thế lực kinh tế có thể thay đổi cả những chính sách quốc gia ở VN. Cho dù thăng trầm lịch sử, hết họa diệt chủng của Tây sơn tàn sát người Hoa, rồi đến thời kỳ sau 1975 là “công tư hợp doanh”, đánh tư sản mại bản, trục xuất Hoa kiều của CS Bắc Việt…nhưng rồi thì họ vẫn cường thịnh, giàu có hơn người bản xứ rất nhiều. Xét về đức tính chịu thương chịu khó, thật khó một dân tộc nào như họ. Người Hoa thời nào cũng buôn bán rất giỏi, thủ công nghiệp đều tinh xảo. Mọi mánh khóe buôn gian bán lận, mua chuộc quan chức bản xứ, làm hàng giả, độc quyền, lũng đoạn….không gì mà không hơn người bản xứ. Hỏi làm sao mà họ không giàu có?
    Nhưng cũng là gốc Hoa Kiều, nếu nhìn sang Singapore, Malay, Miến Điện, Đài Loan, Hongkong…họ đều từ một cái gốc Hoa mà ra, nhưng họ lại hòa đồng, tuân thủ luật pháp của quốc gia bản địa và góp phần to lớn vào sự thịnh vượng của những con hổ Châu Á này. Vậy thì không phải là nguồn gốc hay văn hóa mà vấn đề là thể chế nào dung nạp được họ, sử dụng được những nguồn lực to lớn ấy vào lợi ích chung cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ thì quốc gia đó phát triển. Người Hoa ở Hồng Kong hay Đài Loan không ưa gì người Hoa đại lục và văn hóa, nhận thức …đều khác xa người Hoa ở xứ Cộng sản. Chính những chính sách khôn ngoan của chúa Nguyễn Hoàng đã dung nạp, sử dụng được nguồn lực này trong thời gian tạo nền tảng cơ đồ ở đất phương Nam từ thủa khai sơn lập quốc. Chẳng phải là một bài học lịch sử vô cùng đáng học hỏi từ các bậc tiền nhân đó sao?

    Và thực trạng quốc dân
    Nay xét đến người Việt, cũng cùng một cội nguồn. người Việt Nam xa xứ sau 1954 hay những người chạy trốn họa CS sau 1975 sang Mỹ khác xa người Việt sinh ra và lớn lên ở xứ Cộng sản nhiều lắm. Gần 1 triệu người tị nạn Việt Nam được Hoa Kỳ dung nạp, sau 40 năm đã phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh. Từ con số 0 họ đã tạo ra lượng vật chất và tài sản vượt qua con số 200 tỷ Mỹ kim mỗi năm tức ngang bằng GDP của cả nước CSVN với hơn 90 triệu dân, cùng với một đời sống văn hóa, tri thức phong phú. Có rất nhiều người thành đạt ở mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính tri và quân sự. Vị tư lệnh quân đoàn 8 đóng tại Nam Hàn quốc là tướng Lương Xuân Việt hay khoa học gia Dương Nguyệt Ánh là một trong số những biểu tượng cho sự thành công và tự hào của những người Việt hải ngoại. Trong khi đó, người Việt di tản về lý do kinh tế ở thời kỳ sau này ở những năm 80-90 của thế kỷ trước với đa phần gốc từ các tỉnh phía Bắc VN và xuất khẩu lao động sang các nước Đông Âu, Liên Xô khi còn tồn tại hệ thống các nước XHCN, một số lượng lớn sống bằng các nghề phi pháp như buôn lậu, ăn cắp, trồng cần sa, và các hoạt động tội phạm. Thực trạng này nói ra, chẳng cần một con số nghiên cứu xã hội hay thống kê nào vì nó quá hiển nhiên.
    Còn những người Việt ở đây, họ đang là chủ nhân của đất nước này, đã trở thành một thứ xác sống từ khi nào? Hàng ngàn người dẫm đạp lên nhau để tranh giành đồ cúng cho cô hồn chúng sinh. Hay chính họ là một thứ cô hồn sống nhưng vẫn còn thân xác con người mà thôi? Khi người Trung Quốc đánh chiếm bãi Tư Chính và tập trận ngay ở ngoài khơi Đà Nẵng chỉ cách thành phố chưa đầy 100km, trên vùng biển của VN trong lễ quốc khách 2.9 vừa qua, không hề có một cuộc biểu tình, không hề có một lời phản đổi hay thể hiện chính kiến của những kẻ được gọi là lãnh đạo quốc gia, hay tướng tá quân đội. Một quốc gia đã mất cả liêm sỉ, một dân tộc đã vong nô ngay chính đất nước của mình làm chủ là vì lý do gì?
    Con đường diệt vong của VN còn bao xa?
    Cách đây cũng hơn 100 năm trước Lương Khải Siêu đã có câu nói vô cùng chính xác “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập… Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”. Ngẫm lại những điều bi ai của dân tộc Việt hơn 100 năm trước của Phan Châu Trinh và đứng trước cái thảm trạng kinh hoàng của Việt Nam hôm nay thực không bút nào tả xiết nỗi ai oán của bậc chí sĩ kéo dài hơn một thế kỷ vẫn rỉ máu, nhức nhối và đang hoại tử vào đến xương tủy của dân tộc này. Những thanh niên trẻ khỏe, tương lai của giống nòi Việt hôm nay, khóc như cha chết trong một trận cầu thua nước láng giềng suốt hơn chục năm qua, hay hàng ngàn nam thanh nữ tú lên cơn co giật khi họ thấy thần tượng âm nhạc Hàn Quốc của họ, họ sẵn sàng đội mưa, xếp hàng để chờ khai trương một cửa hàng thức ăn nhanh hay café của Hàn quốc nhưng hoàn toàn thờ ơ trước những tiêu cực tràn lan trong đời sống hàng ngày. Một dân tộc mà mỗi năm con số người chết vì ung thư, vì tai nạn giao thông, vì bị đâm chém, cướp giật bằng tất cả xung đột và chiến tranh trên thế giới cộng lại nhưng vẫn được các bậc “mệnh phụ quốc dân” như bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói là đất nước thật bình yên và đừng vì mấy vụ lẻ tẻ mà đánh giá. Cái gì đã tạo ra một thứ “văn hóa nô lệ”, thờ ơ chính sự, tham lam, tàn độc với nhau hơn cả muông thú như vậy nếu không phải là chính thể chế và nền giáo dục đã tạo ra điều đó? Thế mới thấy, thành tựu của “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” của ông Hồ đã thành tựu đến như thế nào!
    Không biết có bao nhiêu vong hồn, ngọa quỉ cần xá tội trong những ngày Rằm tháng 7 này? Nhưng rõ ràng và hiển nhiên có đến hơn 90 triệu “vong nhân” vẫn còn hình hài thân xác phàm tục đang vật vờ ngay trên mảnh đất này cần được hồi hướng, ban phước cứu vớt. Không phải bằng những đồng tiền lẻ mà người Hoa đang tung lên trời, rải khắp đường xa ngõ hẻm mà bằng một cuộc “khai sáng dân trí” và “giải thoát khỏi gông cùm thể chế” để trở về của cội nguồn nhân bản của dân tộc. Nếu không, sự tàn lụi của dân tộc Việt chỉ còn là vấn đề thời gian và không lâu hơn một thế hệ nữa. Chợt nhớ đến câu thơ trong “Đề tỉnh quốc dân ca” của tác giả Vô danh từ những năm 1906 mà sợ hãi khôn cùng cho cái kết cục thảm thương của dân Việt.
    Nỗi diệt chủng bề thương, bề sợ, 
Nòi giống ta biết có còn không?