Đằng sau hành động “tống tiền” Mỹ của Duterte để có vaccine

0
7
Hình minh hoạ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Quốc hội ở Manila hôm 27/7/2020 AFP

Phạm Văn Nghị / RFA
2021-01-04

Thỏa thuận VFA và vaccine COVID-19 – Những lá bài mặc cả của Duterte đối với Mỹ

Với 470.650 ca nhiễm bệnh và 9.124 người tử vong tính đến 28/12, Philippines tiếp tục là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia, về số ca nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn đang miệt mài với các nỗ lực săn lùng vaccine cho người dân nước này. Bất chấp Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào và Bộ Y tế nước này khuyến cáo tất cả các loại vaccine trước tiên cần phải được đánh giá bởi các chuyên gia và chỉ những loại vaccine đã được phê duyệt và cho thấy sự an toàn mới được sử dụng, nhưng quốc gia Đông Nam Á đã có bước đi đầu tiên trong tiêm vaccine phòng chống đại dịch này. 

Tuyên bố gần đây của Tổng thống Philippines liên quan tới Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ (VFA) và vaccine chống COVID-19, một tuyên bố mà dư luận Philippines cho rằng mang màu sắc của hoạt động tống tiền, càng phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa quốc gia Đông Nam Á với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc. Hôm 26/12, vị cựu thị trưởng thành phố Davao này đã tuyên bố các lực lượng Mỹ không thể ở lại Philippines nếu Washington không cung cấp tối thiểu 20 triệu liều vaccine COVID-19. Thông điệp này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Y tế nước này, Francisco Duque III bị buộc tội “bỏ bóng” trong cuộc đàm phán với nhà sản xuất vaccine Pfizer của Mỹ. 

Vaccine của hãng Pfizer, Mỹ. AFP

Phủ Tổng thống Philippines tiếp tục phát đi thông điệp bảo vệ tuyên bố của ông Duterte về việc sẽ hủy bỏ VFA nếu Washington không cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á vaccine COVID-19 khi khẳng định điều này phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập của cựu thị trưởng Davao. Người phát ngôn của Tổng thống, ông Harry Roque cho hay ông Duterte chỉ đang nhấn mạnh sự cần thiết của việc các đồng minh hợp tác với nhau trong bối cảnh thế giới phải vật lộn với đại dịch. Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 28/12, ông Roque khẳng định: “Tổng thống nói rằng ông ấy sẽ thực sự hủy bỏ VFA nếu không có vaccine. Không có gì sai với điều đó. Đây không phải là tống tiền. Điều này mang ý nghĩa của chính sách đối ngoại độc lập. Chúng ta không bị cấm đoán, chúng ta không cho phép bất kỳ ai sai khiến chúng ta”.

Theo ông Roque, những gì Tổng thống Duterte đã tuyên bố đó là Mỹ và Philippines là những người bạn và hãy để những người bạn giúp đỡ lẫn nhau. Manila cần vaccine và Washington có vaccine để cung cấp cho đồng minh Đông Nam Á của mình. Mỹ cần lãnh thổ của Philippines cho VFA và Philippines sẽ đảm bảo điều này. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh nếu Mỹ không cung cấp vaccine cho Philippines, siêu cường này hãy ký kết VFA với các quốc gia được ưu tiên nhận vaccine. 

VFA – số phận long đong

Là hiệp ước quốc phòng được ký kết năm 1998 giữa Mỹ và Philippines, VFA cho phép quân đội hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung trên đất Philippines. Đầu năm 2020, ông Duterte đã công bố kế hoạch chấm dứt VFA sau khi Thượng nghị sĩ Ronald dela Rosa không được Mỹ cấp thị thực vào Mỹ. Hồi tháng 6, ông Duterte đã đình chỉ việc chấm dứt VFA với lý do “những diễn biến chính trị và các diễn biến khác trong khu vực” và đã gia hạn thêm 6 tháng vào tháng 11 vừa qua.

Cũng trong cuộc họp báo, ông Roque cũng đề cập tới những chỉ trích về sự thiếu hiệu quả của vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, nhiều nghị sỹ Philippines đã bày tỏ lo ngại về quyết định của chính quyền Duterte mua vaccine từ Sinovac của Trung Quốc mặc dù báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ hiệu quả của loại vaccine này chỉ là 50%, thấp hơn so với các loại vaccine do các công ty phương Tây phát triển và tỷ lệ này khó có thể truyền cảm hứng cho công chúng tin tưởng vào vaccine.

Cùng với đó, dư luận Philippines cũng hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của các sản phẩm ngừa COVID-19 do các công ty Trung Quốc phát triển. Đáp lại quan ngại trên, ông Roque tuyên bố ngưỡng 50% được thiết lập bởi WHO, chứ không phải bởi Philippines, đồng thời phản bác những tuyên bố cho rằng rằng tỷ lệ hiệu quả của vaccine do Sinovac sản xuất chỉ là 50%. Theo người phát ngôn này, căn cứ những thông tin đã được đưa ra, tỷ lệ hiệu quả của vaccine Trung Quốc vượt quá 50%. Đáp lại trước chỉ trích cho rằng vaccine phòng chống COVID-19 từ Trung Quốc đắt hơn, ông Roque cho rằng vaccine chưa được định giá và số người được sử dụng hiện tại thuộc diện không phải thanh toán. Vị cựu luật sư nổi tiếng này nhấn mạnh nếu các nhà sản xuất phương Tây không thể cung cấp vaccine cho Philippines thì “người bạn và nước láng giềng Trung Quốc có thể cung cấp vaccine”.

Tuyên bố này của Tổng thống Duterte thực sự đã gây khó cho tất cả mọi người, kể cả các nhà ngoại giao của Philippines đang làm việc tại Mỹ – những người đang “mắc kẹt” trong tiến trình chuyển giao từ chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump sang chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden và đang phải làm công việc như những nhân viên thu mua và tìm nguồn vaccine phòng COVID-19 cho “ông chủ” của mình ở Manila.

Có bàn tay của Bắc Kinh?

Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã kích động tổng thống Philippines ngày 26/12 đe dọa Mỹ phải chuyển giao ít nhất 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nếu không VFA sẽ bị chấm dứt sau 6 tháng ông thông báo về điều này? Liệu Duterte có được các phụ tá phụ trách việc thu mua vaccine của Mỹ thông báo rằng đợt chuyển giao vaccine chỉ có thể được thực hiện vào cuối năm 2021 sau khi những nhu cầu trong nước của Mỹ được đảm bảo và những đơn đặt hàng từ sớm của các nước khác được hoàn tất? Liệu có sức ép nào từ phía Trung Quốc để Manila phải nhanh chóng quyết định về việc đặt một đơn hàng mua vaccine lớn từ Trung Quốc, chẳng hạn như vaccine của hãng dược phẩm Sinovac, vốn đang bị chỉ trích là quá đắt dù hiệu quả của nó khá thấp, chỉ khoảng 50%?

Vaccine của hãng Sinovac, Trung Quốc. Hình AFP

Bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quốc tế và các quỹ tư nhân nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo để đảm bảo cho họ được phân chia phần vaccine công bằng, cuộc chạy đua lần này vẫn nghiêng về phía các nước giàu cũng như những lãnh đạo yêu nước và quyết đoán trong hành động. Liên doanh Pfizer-BioNTech –  đã phát triển vaccine đầu tiên được Mỹ thông qua sử dụng khẩn cấp, và Moderna – cũng đã được cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA), đều không phải là các công ty của chính phủ Mỹ mà là công ty dược phẩm tư nhân.

Chắc chắn Duterte biết điều này. Vậy tại sao ông lại mang VFA ra để đe dọa và buộc Washington phải cung cấp vaccine? Vì sao ông lại tuyên bố về thách thức ấy trong một cuộc họp được phát trên sóng truyền hình thay vì gửi thông báo cho các phái viên của mình, những người có đủ kỹ năng và sự can đảm để tiến hành công việc này một cách thầm lặng?

Tiếp đó, có một chi tiết là Bắc Kinh đã chi phối cuộc thảo luận về COVID-19 kể từ sau khi Duterte đã vài lần đưa ra lời hứa rằng ông – từ lúc đó đến tháng 12/2020 – sẽ tặng cho người dân Philippines những món quà là vaccine ngừa COVID-19 (và bây giờ thì tháng 12 đã hết).

Bắc Kinh được cho là sẽ mua 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty BioNTech của Đức trong năm sau. Công ty này đã cùng với Pfizer phát triển vaccine dựa trên công nghệ mRNA trên toàn cầu, đồng thời cũng hợp tác với hãng dược Fosun của Thượng Hải. Vậy phải chăng Trung Quốc đang nhập khẩu vaccine từ nước ngoài với tỷ lệ hiệu quả là 95% để dành cho những người “có chọn lựa”, còn sẽ phân bổ vaccine sản xuất trong nước, với tỷ lệ hiệu quả chỉ 50%, cho phần đông dân chúng của mình và những khách hàng nước ngoài như Philippines? Liệu Duterte có hủy các đơn đặt mua vaccine của Mỹ để chào đón vaccine của Trung Quốc? Trong cuộc họp với một số thành viên nội các và các chuyên gia khách mời, Duterte dù không được hỏi nhưng đã tiết lộ rằng một số binh lính của Philippines đã được tiêm phòng bằng vaccine của hãng dược Sinopharm của Trung Quốc. Ông còn thẳng thừng tuyên bố: “Nếu Mỹ muốn giúp đỡ Philippines thì hãy gửi vaccine chứ đừng nói nhiều. Cái chúng tôi cần là vaccine chứ không phải những lời nói dài dòng”. Ông đã sử dụng quân bài VFA để được Mỹ chuyển giao gấp rút 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, một phần trong số 130 triệu liều cần thiết để đạt được sự miễn dịch cộng đồng cho 109 triệu dân của mình.

Các nhà ngoại giao Philippines đã đệ trình vấn đề này lên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và được ông hứa sẽ giúp đỡ, nhưng ảnh hưởng của ông vốn đang bị suy giảm do ông sắp mãn nhiệm cùng với Tổng thống Trump. Các động thái tiếp theo sẽ phải phụ thuộc vào chính quyền sắp tới của ông Biden. Trong một tình huống nan giải như thế này, chiến thuật đe dọa hủy VFA của Duterte có thể không đủ để đạt được điều mà ông muốn. Trên thực tế, thậm chí Manila còn cần vaccine hơn là Washington cần VFA.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chính phủ Việt Nam gần đây cũng bộc lộ ý định mua vaccine từ Trung Quốc. Nhưng người dân Việt Nam vốn “không ưa” Trung Quốc từ chất lượng hàng hoá tồi cộng với các hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của Trung Quốc ở biển Đông. Chính vì vậy, dư luận Việt Nam không mặn mà gì với việc sử dụng vaccine từ Trung Quốc cả. Việc Duterte đang “làm mình làm mẩy” với Mỹ để có được vaccine, trong khi Việt Nam đang bị Washington dán nhãn “thao túng tiền tệ” cho thấy các vấn đề chính trị tác động rất lớn tới các vấn đề tưởng chừng như không liên quan. Có lẽ, điều mà Washington muốn ở Việt Nam là phải tăng cường toàn diện các quan hệ Việt – Mỹ, trong đó có quan hệ quốc phòng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi “cái bóng” của Trung Quốc được. Quan hệ Việt – Mỹ bị ngăn trở bởi vì sự “lo sợ” của Hà Nội trước sự đe doạ của Bắc Kinh. Vậy liệu Việt Nam có thể vượt qua được “nỗi sợ” này hay không? Để Việt Nam có thể thoát ra khỏi sự “thao túng” của Bắc Kinh, đồng thời đưa Việt Nam tiến vào sự phát triển chung của thế giới. Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo Việt Nam trả lời.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do