VOA
Các nhà phân tích kinh tế nói nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy một khía cạnh tích cực của chiến dịch đàn áp thành phần bất đồng chính kiến ở Việt Nam, và qua đó cảm thấy an tâm vì kỳ vọng vào tính ổn định của môi trường kinh doanh tại quốc gia với chế độ độc đảng này.
Nhân viên chính quyền mặc thường phục đánh đập những nhà tranh đấu cho nhân quyền và blogger trong 36 vụ hành hung khác nhau từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, gây thương tích nghiêm trọng, theo Human Rights Watch. Vẫn theo tổ chức này, một số nạn nhân trong số này từng tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường hoặc vì nhân quyền.
Các nhà phân tích trong nước nói giới đầu tư ngoại quốc và những người khác làm ăn ở Việt Nam, hoặc là nhắm mắt làm ngơ trước chiến dịch đàn áp đó, hoặc coi đây như chỉ dấu cho thấy chính quyền đang triệt tiêu dần những mối đe dọa có thể có đối với chương trình thúc đẩy kinh tế – một nền kinh tế phần lớn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Viện Mekong Economics ở Hà Nội, nói:
“Hiện nay hầu như ai cũng hiểu ngầm rằng chế độ độc đảng Việt Nam sẽ tồn tại vô hạn định, và vì vậy, chỉ trích chế độ một cách công khai là kể như rước họa vào thân.”
Ông McCarty nói: “Giới doanh nhân thích sự ổn định theo lối ấy. Họ có thể phản đối nó về phương diện đạo đức, hoặc các giá trị dân chủ, nhưng trên phương diện kinh doanh, thì đó là một môi trường ổn định để làm ăn.”
Các nhà quản lý doanh nghiệp thuộc các phòng thương mại Mỹ và châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Tư không bình luận khi được hỏi các doanh nghiệp thành viên nghĩ gì về vấn đề nhân quyền Việt Nam.
Các nhà phân tích nói chính quyền Cộng sản Việt Nam muốn kiểm soát thành phần bất đồng chính kiến trước hội nghị thượng đỉnh APEC – tức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương mà Việt Nam sẽ tổ chức vào tháng 11 năm nay. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức APEC là năm 2006.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo từ 20 quốc gia khác có thể dự APEC trong năm nay.
Ông Frederick Burke, chuyên gia luật của công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói Việt Nam muốn tránh bất kỳ tình huống nào có thể làm họ mất mặt vì các cuộc biểu tình chống đối, trong khi đang tìm cách trưng ra một hình ảnh về một Việt Nam “cởi mở và sẵn sàng” dưới con mắt của các quan khách nước ngoài đến dự APEC.
Ông McCarty nói:
“Không có gì nhiều để than phiền, tôi nghĩ APEC sẽ là cơ hội lớn để giới thiệu Việt Nam với thế giới. Chính quyền Việt Nam không muốn sự kiện này trở thành một hậu cảnh cho một cuộc biểu tình.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, các nhân viên mật vụ Việt Nam đánh đập các nhà hoạt động và các blogger mà “không bị truy cứu.” Hôm Chủ Nhật, Tổ chức này yêu cầu chính phủ phải chấm dứt các cuộc tấn công và truy cứu trách nhiệm thủ phạm các vụ đánh đập. Ông nói thêm rằng các nhà tài trợ cho chính phủ Việt Nam nên lên tiếng yêu cầu Hà Nội chấm dứt hành động này.
Các công tố viên Việt Nam cũng đã chính thức ra cáo trạng buộc tội Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một blogger được biết đến với tên gọi Mẹ Nấm, về nghi ngờ “tuyên truyền chống nhà nước.” Blogger Mẹ Nấm, người được đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump trao Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế vào tháng 3 nhưng đã vắng mặt vì đang bị giam cầm, phải đối mặt với khung hình phạt đến 12 năm tù nếu bị kết án.
Tuy vậy, ông Burke cho biết, Việt Nam vẫn cho phép đăng các lời bình luận, mở cửa mạng truyền thông Internet vì lợi ích của sự phát triển kinh tế và xã hội.
Ông Burke nói: “Luôn luôn có nhiều bình luận chính trị nóng bỏng trên mạng và mọi người đổ xô vào internet. Vẫn có rất nhiều sự cởi mở trên internet của Việt Nam. Bạn có thể muốn đăng gì thì cứ đăng, quan trọng là Facebook, Google, bị đóng cửa ở Trung Quốc, nhưng ở đây thì vẫn cho hoạt động và nó giúp hỗ trợ nền kinh tế.
“Nhưng như thường lệ, luôn luôn có một số nhạy cảm trong các lĩnh vực khác nhau về những gì được mang ra bàn luận, bàn về ai và bàn làm thế nào.”
Theo ông Oscar Mussons, chuyên gia cao cấp của Tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh, các thành viên của Nghị viện Châu Âu có thể tìm kiếm những cải thiện về nhân quyền trước khi phê chuẩn một hiệp ước thương mại tự do với Việt Nam, được ký vào tháng 12/2015.
Vào tháng 2, khi một tiểu ban nhân quyền của Nghị viện châu Âu thăm Việt Nam, các thành viên đã lên tiếng về tình hình nhân quyền tại đây.